Tâm linh hôm nay

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.15)

Tùy căn nghiệp chúng sinh phải giảng Pháp có cao thấp, nhưng đến bến bờ giải thoát Niết Bàn chỉ có một con đường duy nhất là Đạo Đế. Nhưng con đường này không phải chỉ có một mà là tám ngành chân chánh tức là Tám Chánh Đạo.

IV. QUÁN PHÁP (tt)

4.4 Quán Pháp Bảy Giác Chi

Chánh Kinh

Lại nữa, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác Chi. Này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác Chi?

Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo nội tâm có Niệm Giác Chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có Niệm Giác Chi”; hay nội tâm không có Niệm Giác Chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có Niệm Giác Chi”. Và với Niệm Giác Chi chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với Niệm Giác Chi đã sinh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.

Hay Tỳ kheo nội tâm có Trạch Pháp Giác Chi... (như trên)... hay nội tâm có Tinh Tấn Giác Chi... (như trên)... hay nội tâm có Hỷ Giác Chi... (như trên)... hay nội tâm có Khinh An Giác Chi... (như trên)... hay nội tâm có Định Giác Chi... (như trên)... hay nội tâm có Xả Giác Chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có Xả Giác Chi”; hay nội tâm không có Xả Giác Chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có Xả Giác Chi”. Và với Xả Giác Chi chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với Xả Giác Chi đã sinh nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sinh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sinh diệt trên các pháp.

“Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác Chi.

Giải Trình

Quán Pháp Bảy Giác Chi

Trong bài kinh số 72, Tương Ưng 5, một Tỳ-kheo đã hỏi đức Thế Tôn như thế nào là giác chi. Đức Phật đã trả lời cụ thể: “Này Tỳ kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi… Do vị ấy tu tập Bảy Giác Chi này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu…” [Ve.9.5].

Như vậy, Bảy Giác Chi là bảy chi phần giúp đi tới giác ngộ nhờ giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Và Bảy Giác Chi là những học pháp phải hiểu rõ để theo đây tu tập chứ không phải tự dưng mà có.

Căn cứ vào các bài kinh Thân (TƯ5, 64 = [Ve.9.2]), Giới (TƯ5, 67 = [Ve.9.3]), Pháp Môn (Pariyāya) (TƯ5, 108 = [Ve.9.52]), Nhập Tức Xuất Tức Niệm (TB3, 118 = [U.37]), bước đầu nhận thức về các chi phần đi tới giác ngộ như sau:

- Niệm Giác Chi: là niệm tỉnh giác, không bị hôn mê, thường nhớ nghĩ, suy tầm chánh pháp. Có hai loại Niệm Giác Chi là Niệm Giác Chi theo nội pháp và Niệm Giác Chi theo ngoại pháp.

- Trạch Pháp Giác Chi: là trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát, quán sát các pháp; biết phân biệt rõ các pháp thiện và pháp bất thiện, các pháp không có tội và có tội, các pháp thắng và liệt, các pháp trắng và đen. Có hai loại Trạch Pháp Giác Chi là trạch pháp theo hướng nội pháp và trạch pháp theo hướng ngoại pháp.

- Tinh Tấn Giác Chi: là sự nỗ lực tinh cần không có thụ động theo ba trạng thái phát cần giới (ārambhadhātu), tinh cần giới (mikkamadhātu), cần dõng giới (parakkamadhātu). Có hai loại Tinh Tấn Giác Chi là thân tinh tấn và tâm tinh tấn.

- Hỷ Giác Chi: là sự hân hoan, hoan hỷ không liên hệ đến vật chất. Có hai loại Hỷ Giác Chi là hỷ có tầm có tứ (hỷ do ly dục của sơ thiền) và hỷ không tầm không tứ (hỷ do định từ nhị thiền trở lên).

- Khinh An Giác Chi: là trạng thái an lạc, thanh thản. Có hai loại Khinh An Giác Chi: thân khinh an và tâm khinh an.

- Định Giác Chi: là sự định tĩnh, nhất tâm. Có hai loại Định Giác Chi: định có tầm có tứ (định của sơ thiền) và định không tầm không tứ (định từ nhị thiền trở lên). Định Giác Chi phát khởi từ tịnh chỉ tướng và bất loạn tướng.

- Xả Giác Chi: là khéo trú xả nhìn (sự vật). Có hai loại Xả Giác Chi là xả đối với nội pháp và xả đối với ngoại pháp.

Các chi phần giác ngộ này có liên hệ mật thiết với nhau theo chiều sinh khởi. Khi Niệm Giác Chi được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ làm sinh khởi Trạch Pháp Giác Chi. Trạch Pháp Giác Chi được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ làm sinh khởi Tinh Tấn Giác Chi. Tinh Tấn Giác Chi được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ làm phát khởi Hỷ Giác Chi.

Hỷ Giác Chi được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ làm sinh khởi Khinh An Giác Chi. Khinh An Giác Chi được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ làm sinh khởi Định Giác Chi. Định Giác Chi được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ làm sinh khởi Xả Giác Chi.

Để dễ nhớ, có lược đồ tóm tắt: Niệm Giác Chi ==> Trạch Pháp Giác Chi ==> Tinh Tấn Giác Chi ==> Hỷ Giác Chi ==> Khinh An Giác Chi ==> Định Giác Chi ==> Xả Giác Chi

Và Bảy Giác Chi này được tu tập, làm cho sung mãn sẽ dẫn tới quả Tam Minh và Giải thoát (TCX:102 = [I.10.102] & TƯ5, 94 = [Ve.9.38]). Có hai pháp giúp cho Bảy Giác Chi sinh khởi đó là Như lý tác ý (đối với nội chi phần) và làm bạn với thiện (đối với ngoại chi phần) (TƯ5, 101 + 102 = [Ve.9.49/50]).

Bên cạnh đó, các chi phần này cần phải được áp dụng thích hợp trong từng trạng thái của thân và tâm khi bị thụ động hay bị dao động trạo cử, ngoại trừ Niệm Giác Chi. Trong bài kinh Lửa, đức Thế Tôn đã dạy rõ ý nghĩa này:

“Trong khi tâm thụ động, này các Tỳ kheo, trong khi ấy, không phải thời là tu tập Khinh An Giác Chi, không phải thời là tu tập Định Giác Chi, không phải thời là tu tập Xả Giác Chi. Vì sao? Khi tâm thụ động, này các Tỳ kheo, thật khó làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

- Và này các Tỳ kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, phải thời là tu tập Trạch Pháp Giác Chi, phải thời là tu tập Tinh Tấn Giác Chi, phải thời là tu tập Hỷ Giác Chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, khi tâm thụ động, thật dễ làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

- Và này các Tỳ kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, không phải thời là tu tập Trạch Pháp Giác Chi, không phải thời là tu tập Tinh Tấn Giác Chi, không phải thời là tu tập Hỷ Giác Chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, tâm dao động, thật khó được tịnh chỉ do những pháp ấy.

- Và này các Tỳ kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập Khinh An Giác Chi, phải thời là tu tập Định Giác Chi, phải thời là tu tập Xả Giác Chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động thật dễ được tịnh chỉ nhờ những pháp này”.

… Nhưng đối với niệm, này các Tỳ kheo, Ta nói rằng lợi ích trong mọi trường hợp…” (Trích lược TƯ5, 112 = [Ve.9.53])

Về pháp Bảy Giác Chi còn có rất nhiều các nội dung ý nghĩa thiết thực khác nữa đã được đức Phật chỉ dạy cụ thể trong kinh Nikāya, đặc biệt trong phần Tương Ưng các Giác chi.

Do vậy để giải mã hệ thống này, cách tốt nhất là người học Phật cần đọc kỹ các bài kinh liên hệ đến pháp Bảy Giác Chi, phân tích quán xét chúng theo các cách đã được giới thiệu ở các phần trên để biết cách tu tập cho đúng.

IV. QUÁN PHÁP (tt)

4.5 Quán Pháp Bốn Thánh Đế Chánh Kinh Chánh Kinh

Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế. Này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế?

Này các Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo như thật tuệ tri: “Ðây là Khổ”; như thật tuệ tri: “Ðây là Khổ tập”; như thật tuệ tri: “Ðây là Khổ diệt”; như thật tuệ tri: “Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt”.

Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sinh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sinh diệt trên các pháp.

“Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế.

Giải Trình

Quán pháp Bốn Thánh Đế

Để giải mã đoạn kinh trên, trước hết cần phải hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của cụm từ ‘Bốn Thánh Đế’. Khái niệm ‘Đế’ có nghĩa là chân lý. Bốn Thánh Đế là bốn chân lý của bậc Thánh nhân. Bốn Thánh Đế còn được gọi là Bốn Diệu Đế với ý nghĩa đây là bốn chân lý vi diệu, diệu kỳ.

Bốn Thánh Đế hay Bốn Diệu Đế bao gồm:

‘Khổ đế’ - Chân lý về khổ,

‘Tập đế’ - Chân lý về nguyên nhân của khổ,

‘Diệt đế’ - Chân lý về diệt khổ,

‘Đạo đế’ - Chân lý về Con đường đi đến đoạn diệt khổ đau tức Tám Chánh Đạo.

Như đã giới thiệu trong phần đầu, chỉ được gọi là chân lý, khi và chỉ khi, điều được tuyên thuyết thoả mãn được các yêu cầu sau đây:

- Phải đúng cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, mầu da, sắc tộc, giai cấp, tín ngưỡng…

- Phải đúng qua mọi thời gian, mọi thời đại: quá khứ, hiện tại và tương lai.

- Phải đúng ở bất kỳ nơi nào: từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, từ thành thị đến nông thôn…

Ví dụ: Bốn trạng thái sinh, già, bệnh (thân và tâm), ch*t được gọi là ‘khổ đế’ vì những khổ đau này xảy ra cho tất cả mọi người không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, sang hèn; những khổ đau này là sự thật hiển nhiên từ ngàn xưa cho tới nay lẫn trong tương lai; và những khổ đau này hiện hữu khắp mọi nơi, mọi chốn, không ở đâu trên trái đất này con người có thể thoát được thực tế này.

Dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời đại nào, không một ai cảm thấy sung sướng khi rơi vào các trạng thái này. Do vậy, nếu nói một cách chân chánh phải thừa nhận sinh, già, bệnh, ch*t là chân lý về khổ đau.


Điều quan trọng hơn, đó là cứu cánh chân lý (Diệt Đế và Đạo Đế) chỉ có giá trị và đem lại nhiều hữu ích cho con người khi người thực hành chân lý ấy không gây nguy hại và khổ đau cho mình, cho mọi người, cho cả hai phía. Đồng thời, người thực hành chân lý biết làm lợi ích cho mình, cho mọi người, cho cả hai.

Cứu cánh Chân lý ấy luôn được thể hiện cụ thể theo chiều hướng làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm. Một cứu cánh chân lý như vậy chỉ hiện hữu ở nơi không có tham, không có sân, không có si, không có ái dục, không có chấp thủ, không có hý luận, có trí tuệ và thuận ứng - nghịch ứng (tức biết quán xét lý nhân quả).

Bên cạnh đó, đối với vị Tỳ-kheo đệ tử Phật phải nhận thức thêm: chân lý và cứu cánh của Niết Bàn mang tính chất đặc thù chỉ có một chứ không có hai. Nếu có hai thì đó không phải là chân lý, không phải là cứu cánh đích thực. Trong Tiểu Kinh Sư Tử Hống (TB1,11 = [U.9]), đức Thế Tôn đã dạy các Tỳ-kheo phải biết xác định tính chân lý cứu cánh duy nhất, chỉ có một không có hai, để biết phân định rõ pháp giải thoát và không giải thoát, pháp trắng và pháp đen, pháp thắng và pháp liệt.

Rõ ràng những đặc tính như vậy chỉ có thể tìm thấy trong Bốn Thánh Đế, đặc biệt trong Đạo Đế - Tám Chánh Đạo, cũng như trong Chánh niệm - Bốn Niệm Xứ chứ không có ở đâu khác.

Các nội dung về Bốn Thánh Đế được đức Phật phân tích rất kỹ trong Đại Kinh Niệm Xứ (TrB 2, 22 = [U.1]) và đây cũng chính là sự khác biệt quan trọng giữa hai bài kinh Niệm Xứ thuộc Trung Bộ và Trường Bộ. Người học Phật cần đọc kỹ nội dung phân tích rất đa dạng trong Đại Kinh Niệm Xứ để nắm vững hơn tính chân lý của giáo pháp này. Ở đây chỉ có thể giới thiệu tóm lược một trong rất nhiều cách quán pháp Bốn Thánh Đế mà thôi.

4.5.1 Quán Pháp Cứu Cánh Chân Lý trên nội pháp Bốn Thánh Đế

Trong cách quán này người học Phật cần phải nắm vững các nội dung chi tiết của Bốn Chân lý của bậc Thánh được phản ánh trong Đại Kinh Niệm Xứ.

“Và này các Tỳ-kheo, thế nào Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, ch*t là khổ; sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ; tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.

…Này các Tỳ-kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.

…Này các Tỳ-kheo, và thế nào là Khổ diệt Thánh đế? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy).

…Này các Tỳ-kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Ðó là tám chi Thánh đạo, tức là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định” (Sđd)

Như vậy, đối với người phật tử, Tám Chánh Đạo là con đường duy nhất để tu tập, nhằm chứng ngộ chân lý giải thoát, do diệt khổ bằng cách đoạn tận nguyên nhân của khổ; tất cả phải được bắt đầu từ sự liễu tri khổ đau như thật:

“Thánh đế về Khổ, này các Tỳ kheo, cần phải liễu tri.

Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.

Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.

Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập” (TƯ5, 436 = [Ve.4.29]).

Tuy nhiên, trong thực tế, do có rất nhiều ý thức hệ khác nhau nên cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về chân lý. Người đệ tử Phật phải noi theo gương của Đấng Từ Phụ: “Này các Tỳ kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỳ kheo, người nói Pháp không tranh luận với bất cứ một ai ở đời” (kinh Bông Hoa, TƯ3, 113, tr.249 = [Ve.7.94]).

Vì vậy, người tu Phật cần tự mình quán xét để thấy rõ một điểm chung, đó là thông thường tất cả các ‘chân lý’ được hộ trì đều dựa trên một hoặc năm yếu tố sau: 1. lòng tin, 2. sự thích ý, 3. luận thuyết hay kinh văn, 4. cân nhắc suy tư và 5. chấp nhận quan điểm.

Thế nhưng, có những điều được tin tưởng nhưng lại trống rỗng, hư vọng, giả dối; ngược lại có những điều không được tin tưởng lại là chân thật, khách quan, xác thực. Đối với những sự thích ý, các luận thuyết, cân nhắc suy tư và chấp nhận quan điểm cũng vậy. Do đó, với năm yếu tố nêu trên vẫn chưa đủ để cho một người có trí tuệ đi tới kết luận ‘Chỉ có chân lý mình theo là đúng thật, ngoài ra tất cả đều sai lầm’.

Trong bài kinh Canki (TB2, 95 = [So.28]), đức Thế Tôn đã phân tích cụ thể có ba mức độ của chân lý theo quan điểm của đạo Phật, đó là: (1) Hộ trì chân lý hay chân lý được hộ trì, (2) Giác ngộ chân lý hay chân lý được giác ngộ và (3) Chứng đạt chân lý hay chân lý được chứng đạt.

- Sự hộ trì chân lý hay chân lý được hộ trì được đức Phật nêu rõ: “Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: “Ðây là lòng tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý...” (lược trích).

- Để giác ngộ chân lý hay chân lý được giác ngộ một người cần phải căn cứ vào ba pháp gây ra khổ đau để quán sát vị Đạo sư tuyên thuyết chân lý, để biết tham-sân-si có còn nơi vị này không, hay vị này có khiến người khác bị đau khổ lâu dài không?

Người muốn giác ngộ chân lý, sau khi quan sát, nếu thấy vị thuyết chánh lý không có tham-sân-si hoặc không khiến người khác bị đau khổ bởi tham-sân-si, từ đó mới phát sinh lòng tin nơi vị ấy, “với lòng tin sinh, người này đến gần, khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sinh, khi ước muốn sinh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần.

Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý” (Sđd).

- Chứng đạt chân lý hay chân lý được chứng đạt đó là: “Chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý” (Sđd).

Theo ý nghĩa này, Bốn Diệu Đế do đức Phật tuyên thuyết cũng cần được mỗi người phật tử hộ trì, cần được giác ngộ và cần được chứng đạt. Trong đó nội dung của ‘Đạo đế’ - Chân lý về con đường diệt khổ để đạt đến cứu cánh Niết Bàn cần phải được nhận thức và phân định rõ ràng để thực hành luyện tập, tu tập, hành tập cho đúng.

Trong kinh Nikāya rất dễ dàng tìm thấy những định nghĩa cụ thể, nhất quán, trước sau như một của đức Phật về Tám Chánh Đạo mà mỗi người phật tử cần thuộc nằm lòng.

- Chánh Tri Kiến là tri kiến chân chánh về Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và về Con đường diệt khổ.

- Chánh Tư Duy là tư duy chân chánh theo hướng không dục, tư duy về không sân, tư duy về không làm hại mình và chúng sinh khác.

- Chánh Ngữ là tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm.

- Chánh Nghiệp là có hành nghiệp chân chánh: tự chế không sát sinh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà hạnh trong các dục.

- Chánh Mạng là nuôi thân mạng chân chánh, từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng.

- Chánh Tinh Tấn là tinh tấn chân chánh theo hướng Bốn Chánh Cần - tức bốn điều nỗ lực chân chánh cần phải thực hiện:

1. Đối với các pháp ác, bất thiện chưa sinh, khởi lên ý muốn không cho sinh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Ngăn ác).

2. Ðối với các pháp ác, bất thiện đã sinh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Diệt ác).

3. Ðối với các thiện pháp chưa sinh, khởi lên ý muốn khiến cho sinh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Sanh thiện).

4. Ðối với các thiện pháp đã sinh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Tăng trưởng thiện)

- Chánh Niệm là nhớ nghĩ chân chánh theo Bốn Niệm Xứ “ở đây vị Tỳ-kheo sống:

+ Quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

+ Quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

+ Quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

+ Quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời”.

- Chánh Định là thiền định chân chánh theo Tứ Thiền - Tứ Thánh Định

- Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, với tầm, với tứ.

- Tỳ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

- Tỳ-kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là ‘xả niệm lạc trú’, chứng và trú Thiền thứ ba.

- Tỳ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Người nắm vững Tám Chánh Đạo đều thấy rõ đây là con đường chân chánh chính giữa, không sa vào hai cực đoan có hại: Khổ hạnh ép xác hoặc hưởng thụ dục lạc. Chính vì thế Tám Chánh Đạo là con đường trung đạo chân chánh đã được chính đức Thế Tôn xác định:

“Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành: Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích.

Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường trung đạo, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn.

Thế nào là con đường trung đạo ấy, này Thôn trưởng, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn? Ðây là con đường Thánh Đạo Tám Ngành, tức là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Ðây là con đường trung đạo, này Thôn trưởng, được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn” (TƯ4, 330 = [Su.11.12]).

Cần nhắc lại, người học Phật phải khẳng định rõ Tám Chánh Đạo chính là con đường trung đạo chân chánh nhất, diệt khổ đau duy nhất trong bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ đâu, đối với bất kỳ người phật tử nào cũng vậy. Phủ nhận đạo lộ này đồng nghĩa với phủ nhận Phật Pháp. đức Thế Tôn đã dạy rõ:

“Và này các Tỳ kheo, thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Ðây chính là con đường Thánh Đạo Tám Ngành, tức là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. “ (TƯ2, 104 = [U.51.65]).

Xa xưa đã như vậy, nay cũng như vậy và tương lai mãi mãi cũng sẽ như vậy, không thể sai khác. Bởi, Tám Chánh Đạo là Đạo Đế - Chân lý về con đường diệt khổ! Có nắm vững điều này người phật tử mới không bị ngộ nhận vì những tà thuyết về tà trung đạo.

Thêm nữa, người học Phật cũng cần tự mình như lý tư duy để tự xác định tính cứu cánh chân lý duy nhất của các nội dung nêu trên trong Bốn Thánh Đế, nhất là trong Đạo Đế.

Ví dụ: Quán xét Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ để thấy có phải các kiết sử và triền cái là những bất thiện pháp trói cột và ngăn che trí tuệ của tất cả mọi người, qua mọi thời đại và ở khắp mọi nơi hay không?

Đồng thời các phương pháp quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp có phải là những phương pháp hữu hiệu có thể áp dụng cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi để đoạn dứt các kiết sử và triền cái hay không?

Bốn Niệm Xứ có phải là sự nhớ nghĩ chân chánh (chánh niệm), là cứu cánh diệt tham-sân-si duy nhất, có tính vĩnh hằng, không thể tìm thấy nơi con đường nào khác?

Bốn Niệm Xứ hay Chánh Niệm có phải là một chi phần không thể thiếu được, không thể thay thế của Chân lý về Con đường trung đạo đoạn diệt khổ đau, ‘là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn’?

Hoặc giả, nếu người học Phật được nghe một Tỳ-kheo nào đó tuyên thuyết một ‘chân lý’ trái ngược với Bốn Thánh Đế hoặc một ‘giáo pháp’ khác với Tám Chánh Đạo, thì trước hết, người học Phật cần quán sát xem những bất thiện pháp tham - sân - si, phiền não lậu hoặc có còn nơi người đó không?

Sau đó, tìm hiểu xem ‘chân lý’ hoặc ‘giáo pháp’ mà vị ấy hộ trì ca ngợi có phương pháp nào cụ thể giúp đoạn diệt tham, diệt sân, diệt si, diệt đau khổ một cách thiết thực hiện tại không (lưu ý ‘đoạn diệt’ chứ không phải lờ đi, bỏ qua, đè nén, hý luận, hứa hẹn chung chung)?

Sau khi quán sát và tìm hiểu, nếu thấy những pháp gây phiền não khổ đau là tham-sân-si, các triền cái và các kiết sử không được diệt trừ hiệu quả tức thời và triệt để, người học Phật có thể đi đến kết luận dứt khoát: ‘chân lý’ hoặc ‘giáo pháp’ được Tỳ-kheo kia tuyên thuyết chắc chắn không phải của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni. Và vì lý thuyết ấy không giúp đoạn trừ khổ đau một cách thiết thực hiện tại nên chúng không cần phải hộ trì, không cần phải giác ngộ, không cần phải chứng đạt.

Cũng cần nói rõ thêm, trong tạng kinh ‘Trưởng lão Tăng Kệ’ và ‘Trưởng lão Ni Kệ’ thường có chuyện các Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni nhận được một đề tài tu tập sau đó mới chứng đạo. Vấn đề này cần được hiểu là mỗi vị tu sĩ ấy được chỉ dạy pháp thích ứng để đoạn diệt kiết sử hoặc triền cái hoặc phiền não nổi trội của mình, nhờ vậy sự giải thoát của họ được nhanh hơn.

Trên cơ sở đoạn diệt các phiền não chính, các ngài vẫn phải thanh tịnh tất cả các phiền não khác theo con đường Tám Chánh duy nhất. Bởi lẽ, đây chính là độc đạo cho mọi đệ tử Phật, mọi lúc, mọi nơi.

“Bậc Sa-môn thuyết giảng, Con đường cao và thấp, Nhưng đến bờ bên kia, Không có hai con đường, Tuy vậy chớ nghĩ rằng, Ðường này chỉ là một.”

(Kinh Nàlaka, kệ 714, Sn 131)

“Không bệnh, lợi tối thắng, Niết Bàn, lạc tối thắng,

Bát Chánh là độc đạo, An ổn và bất tử.”

(K.Magandiya, TB75 = [So.19.11])

Tùy căn nghiệp chúng sinh phải giảng Pháp có cao thấp, nhưng đến bến bờ giải thoát Niết Bàn chỉ có một con đường duy nhất là Đạo Đế. Nhưng con đường này không phải chỉ có một mà là tám ngành chân chánh tức là Tám Chánh Đạo.

Người học Phật hãy đọc kỹ lại bài kinh Magandiya nêu trên để thấy rõ nhiều ngoại học, cũng như du sĩ Magandiya lém lỉnh, đã nhận vơ mình chứng được Niết Bàn nhưng lại phủ nhận con đường Tám Chánh Độc Đạo của đức Phật; và họ đã bị đức Thế Tôn vạch trần sự ‘mù lòa bẩm sinh’ của họ như thế nào.

Do vậy cần phải hiểu một cách hình tượng như sau: giáo pháp Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ trong Tám Chánh Đạo có tới tám vạn bốn ngàn niệm chân chánh khác nhau giúp đoạn diệt tám vạn bốn ngàn tà niệm bất chánh, và vì vậy nó phù hợp cho tám vạn bốn ngàn căn tánh khác nhau.

Nhưng điều này không có nghĩa, thế gian có muôn vạn người căn tánh khác nhau thì Phật giáo phải có tám vạn bốn ngàn ‘kinh - luật - luận’ khác nhau, hay phải có tám vạn bốn ngàn tông phái với các kiểu tu khác nhau để cứu chuộc cho từng người. Người học Phật có trạch pháp phân biệt rõ điều này mới không bị lầm chấp tà pháp là chánh pháp, tà đạo là chánh đạo, tà kiến là chánh kiến.

Có chánh tri kiến như vậy người học Phật mới đoạn trừ những kiến chấp sai lầm về Bốn Thánh Đế, những tà kiến nguy hiểm này trói cột con người vào đau khổ ngay trong hiện tại: “Này các Tỳ kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

Ví như, này các Tỳ kheo, ai nói như sau: “Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”, sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra” (TƯ5, 452 = [Ve.4.44]).

Trái ngược hoặc phủ nhận chánh kiến là tà kiến. Sợi dây tà kiến không những gây nguy hại ngay trong hiện tại mà còn trói cột con người vào khổ đau của sinh tử luân hồi: “Này các Tỳ kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này” (TƯ5, 431 = [Ve.4.21]).

Hơn nữa, đoạn trừ tà kiến cũng có nghĩa tránh được khổ cảnh của địa ngục và bàng sinh, điều này đã được Đức Như Lai không ít lần cảnh báo trong Kinh điển Nikāya: “Với người có tà kiến, này các Tỳ kheo, một trong hai sinh thú được chờ đợi: địa ngục hay loại bàng sinh. Với người có chánh kiến, này các Tỳ kheo, một trong hai sinh thú được chờ đợi: chư Thiên hay loài Người” (Phẩm Người Ngu, TC II, tr.116 = [I.2.3.8]).

Vì vậy, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về Bốn Thánh Đế là đã tránh được tà kiến kiết sử - tức những kiến chấp sai lầm làm thành sợi dây nguy hiểm - không những trói cột con người vào đau khổ ngay trong hiện tại mà còn phải tái sinh vào cõi dữ trong tương lai.

Vì có liên quan đến đối tượng bên ngoài nên Bốn Thánh Đế được xếp vào hệ thống quán pháp và tà kiến là một trong năm thượng phần kiết sử là vì vậy.

Đến đây điều cần lưu ý thêm, như đức Phật đã dạy “Này các Tỳ kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận, và người có lòng tin với tà kiến. Này các Tỳ kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai” (Phẩm Người Ngu, TC II, tr.114 = [I.2.3.3]).

Bởi lẽ, cũng trong tạng Kinh và tạng Luật còn ghi lại, có khi là những tà kiến, tà pháp của những người ngoại học nhưng họ cũng biết giả danh Phật, mượn những danh từ của đức Phật, khéo ẩn náu trong những khái niệm của Phật để đánh lừa các đệ tử Phật.

Do vậy nếu không xác minh kỹ lưỡng, vội vàng chấp nhận những tà thuyết, tà luận ấy; thì chính những người con Phật dù rất tin Phật nhưng lại là những kẻ xuyên tạc Phật một cách vô ý thức.

Chính vì lẽ đó, trong rất nhiều bài Kinh Nikāya và luật Pātimokkha đều phản ánh một nguyên tắc quan trọng: đó là khi các Tỳ-kheo nghe một điều gì từ bất kỳ ai nói rằng ‘Chính tôi nghe Phật dạy như thế này...’, họ đều phải trở về hỏi lại đức Thế Tôn và khi được chính đức Phật đích thân xác nhận, các Tỳ-kheo mới xác lập niềm tin của mình.

Hẳn, các vị Tỳ-kheo đều ý thức rõ ràng: một đức tin đơn thuần không được kiểm chứng, không có lý trí đi kèm không thể mang lại chánh tri kiến!

Vì thế, sau khi đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, nếu người học Phật không cẩn trọng dựa trên những Căn Bản Địa mà đức Phật đã di giáo, không biết đem đối chiếu ‘mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu’ với Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha, không ‘tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì’, không ‘cố gắng, cân nhắc, tinh cần, tự thân chứng ngộ, thể nhập chân lý với trí tuệ’; thì sẽ không có chánh kiến để phân biệt thực hư rõ ràng, sẽ không thể xương minh đúng Chánh Pháp.

Để rồi các đệ tử Phật dù tin Phật nhưng do còn mang tà kiến và gieo rắc tà kiến cho người khác nên họ vô tình trở thành những người phản bội chính bậc Đạo Sư của mình mà không biết.


Không chỉ có vậy, thậm chí ngay cho dù có những phương pháp tu tập được gọi là ‘Bốn Niệm Xứ’, ‘Tứ thiền’ hay ‘Định niệm hơi thở’... nhưng nếu chúng không bám sát nội dung từng chữ, từng câu của Phật trong kinh điển Nikāya, và lại được vẽ vời hoặc thêm thắt bằng các ý tưởng cá nhân, mọi người học Phật cần phải thận trọng ghi nhận.

Và một khi đem đối chiếu với Kinh gốc - với Luật gốc nhưng thấy chúng không phù hợp, không chính xác thì cần dứt khoát từ bỏ. Nếu không như vậy, có lúc họ sẽ phải trả những cái giá rất đắt cho sự cả tin của mình ngay trong hiện tại cũng như về lâu dài.

Mỗi người con Phật phải ghi nhớ kỹ điều Bậc Đạo Sư đã nhiều lần căn dặn: ôm giữ tà kiến chỉ có hai sinh thú, địa ngục hoặc bàng sinh.

Theo đúng luật Nhân Quả, kẻ mang tà kiến lại đi gieo rắc tà kiến, bố thí tà pháp cho người khác, tất phải gánh chịu trách nhiệm tai hại và quả báo khổ đau nhiều hơn. Ngược lại, người có chánh kiến, bố thí đúng chánh pháp mới đem lại phước báu cho mình và mọi người.

“Những Tỳ kheo nào, này các Tỳ kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu Pháp biến mất.

Những Tỳ kheo nào, này các Tỳ kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu Pháp an trú” (Bài kinh Đất, TC II, tr.132 = [I.2.4.10]).

Với lời dạy trên, người học Phật càng hiểu thêm vì sao Chánh kiến được đặt lên hàng đầu trong Tám Chánh Đạo, và điều này cũng bao hàm cả nội dung ý nghĩa của cách quán pháp Cứu cánh Chân lý trên pháp Bốn Thánh Đế để đoạn trừ tham ưu do tà kiến kiết sử gây ra.

Tỳ Kheo Pani Giới Pháp

Trích trong Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau Còn nữa...

Pani Giới Pháp

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/giai-ma-kinh-niem-xu-chang-duong-thoat-khoi-kho-dau-p15-d22911.html)

Chủ đề liên quan:

giải mã khổ đau mã kinh

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY