12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Giải mã nguyên nhân đau nửa đầu

(SKGĐ) Rất nhiều người cho rằng đau nửa đầu là bệnh xoàng, nhưng tại các nước Bắc Mỹ, chi phí điều trị dành cho bệnh này lại ngang bằng với chi phí chữa trị bệnh nan y như đái tháo đường.

Hồi còn trẻ, chị Lan Anh ở quận Tân Bình, Tp.HCM cũng thường xuyên bị đau đầu nhưng chỉ sau vài ngày uống thuốc là khỏi. Nhưng từ khi lấy chồng sinh con, đặc biệt là sau khi sinh cậu con trai thứ hai thì chị thường xuyên bị đau nhiều hơn, nhất là đau nửa đầu.

Cùng với đau nửa đầu, chị Lan Anh còn bị chứng cứng cổ, mẫn cảm với các loại âm thanh và ánh sáng. Trước đây chị có sở thích nghe ca nhạc to nhưng bây giờ cứ mỗi lần thấy chồng mở to là chị cảm thấy bực bội, cáu kỉnh, mệt mỏi...

Dù cứ khất lần việc đến bệnh viện thăm khám nhưng vì thấy sức khỏe vợ dần suy kém, chồng chị đã buộc chị đi khám bằng được. Kết quả là chị bị bác sỹ chẩn đoán đau nửa đầu mãn tính.

Hé lộ ẩn số

Con số ấn tượng

- 80% người bị đau nửa đầu ở Việt Nam không đi khám tại bất cứ cơ sở y tế nào vì cho rằng cơn đau đến rồi tự qua.

- 1/8 cư dân của trái đất bị đau nửa đầu hành hạ.

Ths. BS. Nguyễn Thị Hằng (Phó chủ nhiệm Bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) cho biết hiện y học thế giới vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân dẫn tới đau nửa đầu. Nhưng có nhiều khả năng chính sự sụt giảm serotoni (chất có chức năng truyền tải các tín hiệu thần kinh lên não trong máu) là nguyên nhân chính gây nên bệnh. Khi lượng chất này sụt giảm, mạch máu sẽ bị giãn ra và gây lên hiện tượng đau nửa đầu.

Những người mắc bệnh này ở nữ giới cao hơn ở nam giới, nữ giới thường xuyên gặp phải khi đến tuổi dậy thì, đến kỳ kinh nguyệt hay thời kỳ tiền mãn kinh.

Những cơn đau nửa đầu có thể xuất hiện 1-2 lần/tháng, thậm chí 4-5/tháng. Mỗi lần đau thường kéo dài 4-24 giờ, người bị nặng có thể kéo dài 72 giờ. Những người bị đau nửa đầu thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn hoặc thèm ăn, đầy hơi, chướng bụng…

Ngoài ra, người bị đau nửa đầu mãn tính thường hay thay đổi tính tình một cách chống vánh theo hướng tiêu cực như hay lo lắng, sợ hãi đến mức có thể rơi vào trạng thái trầm cảm. Hoặc họ sẽ thể hiện sự hưng phấn quá mức, nói nhiều, nói liên tục…

Người bệnh thường bị đau ở vùng đầu, vùng trán, hố mắt hay thái dương. Với những người bị bệnh lâu ngày cơn đau sẽ rất dữ dội, có thể đau theo cơn, đau như xoắn vặn, siết chặt. Cơn đau cũng tăng lên khi vận động, khi gặp tiếng động, ánh sáng hay hít phải những mùi khó chịu như mùi thuốc lá hay thức ăn... Người bị bệnh lâu ngày có thể ước lượng được thời điểm cơn đau đầu sẽ xuất hiện và có thể uống thuốc phòng ngừa.

Chưa có thuốc điều trị triệt để

Theo bác sĩ Hằng thì hiện tại chưa có thuốc đặc dụng chữa đau nửa đầu hoàn toàn mà chỉ có những loại thuốc cắt cơn đau và phòng ngừa cơn đau mà thôi. Khi có những triệu chứng ban đầu, bệnh nhân cần dùng thuốc cắt cơn đau thật sớm, nếu để khi cơn đau xuất hiện dữ dội thì những tác dụng của thuốc sẽ bị hạn chế đi rất nhiều, có thể vô tác dụng.

Người bệnh mới chớm bị, các cơn đau xảy ra ít, cường độ đau nhẹ chỉ nên dùng các thuốc giảm đau thông thường như: Aspirin, Aidometacin, Diclofenac... Những người bị nặng hơn, tần số xuất hiện cơn đau nhiều hơn thì có thể dùng thuốc nặng hơn theo chỉ định của bác sĩ điếu trị.

Để điều trị đau nửa đầu cho người bị mãn tính, bác sĩ có thể kê thêm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, các loại vitamin, các chất khoáng... trong toa thuốc. Ngoài ra, để có thể nhanh chóng giảm cơn đau, người bệnh có thể áp dụng những phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chỉnh nắn cột sống... hoặc điều trị bằng thảo dược cũng đem lại kết quả tốt mà không gây hại cho sức khỏe.

Chung tay đẩy lùi bệnh tật

Bạn có biết?

- Đau nửa đầu là một trong 20 căn bệnh nguy hiểm có khả năng làm suy giảm chất lượng và thời gian sống của con người. –WHO-

Điều quan trọng nhất để đạt được hiệu quả điều trị đau nửa đầu là bệnh nhân và bác sỹ điều trị phải có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ định dùng thuốc với những phương pháp không dùng thuốc một cách hợp lý. Các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn để thay đổi cách ăn uống, tập luyện thích hợp để bệnh nhân không còn quá lo lắng về chứng đau nửa đầu.

Về lâu dài, muốn giảm được tần xuất đau đầu, người bệnh cần thay đổi lối sống, cố gắng giữ cho mình một tinh thần lạc quan yêu đời, giảm tối đa những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Tránh những thức ăn có thể gây khởi phát những cơn đau nửa đầu như tôm, cua, cá, sò, ốc, sôcôla, ca cao, pho mát, bơ hoặc uống một số thức uống có cồn như rượu, bia…

Thường xuyên tập luyên thể dục, tập yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh, khí công. Đặc biệt nếu chịu khó tập thư giãn hoặc thiền có thể làm cho quá trình căng thẳng não được ức chế, dịu xuống, các mạch máu được thư giãn và nở ra chống lại hiện tượng rối loạn co mạch não (nguyên nhân chính gây ra bệnh đau nửa đầu).

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/giai-ma-nguyen-nhan-dau-nua-dau-15688/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY