12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Giải mã vì sao bệnh mộng du nguy hiểm đến tính mạng

Người mộng du thường di chuyển và hành động không ý thức trong lúc họ đang ngủ. Chính vì vậy, bệnh mộng du nguy hiểm đến chính bản thân người mắc bệnh và có thể cho cả những người xung quanh.

Mộng du là một hiện tượng khá kì bí và gây sự tò mò, thắc mắc cho nhiều người. Trong trạng thái không có ý thức, người mộng du vẫn có thể gây ra những hành động mà họ không hề biết. Bệnh mộng du nguy hiểm như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Triệu chứng và những nguy hiểm của bệnh mộng du

Mộng du thường xảy ra vào lúc đêm khuya, thường từ 1-2 tiếng sau khi ngủ. Bệnh này ít xảy ra vào giấc ngủ trưa. Mộng du có thể hiếm khi xảy ra hoặc thường xuyên xảy ra, kéo dài nhiều đêm. Một cơn mộng du kéo dài khoảng vài phút hoặc cũng lâu hơn đến nửa giờ.

Bệnh mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, từ trẻ em tới người lớn, nhưng thường gặp ở trẻ em nhất, ngay cả trẻ em mới biết đi. Độ tuổi hay gặp mộng du nhất là từ 3-7 tuổi.

Mộng du gặp ở mọi đối tượng nhưng thường gặp ở trẻ trong độ tuổi 3-7

Những dấu hiệu của người mộng du và mức độ nguy hiểm cụ thể:

- Ra khỏi giường và đi lại xung quanh trong tình trạng vô thức: việc di chuyển dễ gây đến những tổn thương cho người bệnh như vấp ngã, va đập.

- Ngồi trên giường và mở mắt.

- Mắt đờ đẫn vô hồn.

- Thực hiện những hành động theo thói quen như thay đồ, nói chuyện hay ăn nhẹ, hay làm những hành động vô thức có thể gây những ảnh hưởng tới sức khỏe, thay đồ có thể khiến bị lạnh, ăn uống vô thức khiến bị nghẹn, hoặc sử dụng các đồ dùng trong bếp dễ gây tổn thương.

- Không phản ứng hoặc giao tiếp với người khác trong khi bị mộng du, khó bị đánh thức, nếu bạn cố gắng đánh thức họ có thể làm cho người bệnh mất phương hướng hay bối rối trong thời gian ngắn sau khi bị đánh thức.

Nhiều nguy hiểm có thể xảy ra với người bị mộng du

- Người bệnh nhanh chóng ngủ lại khi cơn mộng du qua đi và sáng hôm sau khi tỉnh dậy, họ sẽ chẳng nhớ gì về việc mình làm đêm hôm trước.

- Mộng du làm giấc ngủ của người bệnh bị ảnh hưởng, đôi khi sẽ gây cho họ những bất lợi trong hoạt động vào ban ngày.

Tuy nhiên, những dấu hiệu dưới đây rất hiếm khi xảy ra nhưng lại có mức độ nguy hiểm cao hơn:

- Rời khỏi nhà, lái xe trong tình trạng vô thức có thể khiến người bệnh gặp tai nạn hoặc đối mặt với những mối nguy hiểm từ bên ngoài.

- Có những hành vi bất thường ví dụ như tiểu tiện vào thùng rác hay trong tủ quần áo, khắc phục việc này vào sáng hôm sau chắc không khiến họ cảm thấy thoải mái đâu.

- Quan hệ tình dục mà không có nhận thức đối với những người không phải bạn tình sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu đối phương không phát hiện ra người bệnh.

- Người bệnh ra khỏi nhà theo những cách khác thường như nhảy ra ngoài cửa sổ có thể khiến họ bị té ngã hoặc nguy hiểm hơn, gây tử vong.

- Nếu bị kích động, họ có thể gây nguy hiểm cho người khác. Có trường hợp người bệnh mộng du giết người trong tình trạng vô thức.

Xử trí bệnh mộng du như thế nào?

Những người ở tuổi trưởng thành bị bệnh mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác cần ngay lập tức tìm đến sự tư vấn và điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng tránh những nguy hiểm cho bản thân họ, hãy cho người bệnh ngủ ở tầng trệt, trong phòng ngủ không để bất cứ đồ đạc gì có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được chốt then cài cẩn thận. Nên đặt một chiếc chuông ở cửa ra vào để báo thức cho một người trong gia đình biết khi bệnh nhân mở cửa.

Khi phát hiện người bệnh di chuyển trong trạng thái mộng du, bạn không nên cố gắng đánh thức họ vì điều này có thể làm họ bị kích động, gây tổn hại đến chính bản thân họ và nguy hiểm cho bạn. Hãy giúp họ quay lại giường ngủ và để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc.

Trong một số trường hợp, một số loại thuốc người bệnh có thể sử dụng như thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Đối với trẻ em, khi thấy bé bị bệnh mộng du, người lớn cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Trước khi đưa trẻ về giường, bạn nên cho bé đi vệ sinh. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường ngủ.

Bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn: Cửa phòng ngủ cần khóa, không để trẻ ngủ ở giường hẹp. Ban ngày giúp trẻ hoạt động vui chơi để tinh thần thoải mái, tránh mệt mỏi, kiệt sức, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du.

Nếu tình trạng mộng du kéo dài, bạn nên ghi chép giờ bé bị mộng du để tìm ra một quy luật thời gian nào đó. Các đêm hôm sau đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút sau đó mới cho ngủ lại. Làm như vậy 7 đêm liền để giúp trẻ vượt qua thời kỳ bị mộng du. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.

Bệnh mộng du nguy hiểm đến chính người bệnh và có thể gây nguy hiểm cho những người khác. Chính vì vậy, người thân cần có những biện pháp bảo vệ người bệnh và giúp họ vượt qua thời kỳ mộng du.

Khuyên Vũ

Theo Tạp chí Sống Khoẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/giai-ma-vi-sao-benh-mong-du-nguy-hiem-den-tinh-mang-24729/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY