vọng từ những bát chuông, chậu đá, chiêng hay cồng Tây Tạng..., thiền đang được áp dụng rộng rãi như giải pháp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
Mục tiêu của thiền âm thanh tương tự như yoga, đó là hướng dẫn mọi người thiền định phục hồi sức khỏe. Điểm khác biệt ở đây là giáo viên hoặc chuyên gia về trị liệu sử dụng các kỹ thuật cổ xưa tạo ra sóng âm thanh êm dịu giúp người tham gia giải tỏa tâm trí. Theo một chủ trung tâm tại Mỹ, những âm thanh và rung động này có tác dụng giống như tấm lưới “bắt lấy” những phiền nhiễu trong tâm trí, giúp gột rửa lo âu, khôi phục tinh thần sau ngày dài mệt mỏi và căng thẳng.
Tùy vào mỗi người và dụng cụ (bát pha lê, đá quý, chũm, chiêng) mà âm thanh rung động được tạo ra có nhịp điệu, tần số khác nhau. Để tâm trí xuôi theo âm thanh trong khi cơ thể cảm nhận rung động được lặp đi lặp lại, học viên theo đó tiến vào trạng thái thiền định sâu hay còn gọi là “phản ứng thư giãn”. Theo chuyên gia tâm lý Tamara Goldsby thuộc Đại học California (Mỹ), hiện tượng trên hoàn toàn trái ngược với phản ứng S*nh l* của cơ thể trước các tác nhân gây căng thẳng vốn đi kèm một số biểu hiện như tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở.
Trong một nghiên cứu lâm sàng, Tiến sĩ Goldsby đã kiểm tra tác động của thiền âm thanh đối với tâm trạng, lo lắng, đau đớn về thể xác và tinh thần. Kết quả cho thấy liệu pháp này giảm đáng kể căng thẳng, giận dữ, mệt mỏi và tâm trạng chán nản ở tình nguyện viên. Nói thêm về thiền âm thanh, nhà trị liệu Sara Auster tại Brooklyn (Mỹ) cho biết dựa trên sự kết hợp giữa nhịp điệu và tần số, người hướng dẫn có thể giúp học viên thay đổi dao động thần kinh trong não (sóng não) từ trạng thái bình thường - sóng beta (tỉnh táo, tập trung và phản ứng) sang sóng alpha (thư giãn, sáng tạo) thậm chí chạm đến ngưỡng theta (trạng thái thiền định) và delta (giấc ngủ sâu và thư thái tột cùng, giúp chữa lành cơ thể, phục hồi sức khỏe).
Với một số người mới bắt đầu, họ có thể không giải tỏa tâm trí thậm chí tâm trạng bực bội trong khoảng 20 hoặc 30 phút đầu tiên. Nhưng nếu cố gắng tập trung vào âm thanh, hơi thở và cảm nhận thực tại, thì dù không đạt đến trạng thái thiền định, người tham gia vẫn có thể trải nghiệm cảm giác thư giãn ở mức độ nhất định. Điều này được xem như đã thành công và đủ khiến người tập có được cảm giác thư giãn và tái nạp năng lượng.
Một lớp thiền âm thanh. Ảnh: soundbodyyoga
Khác với yoga, đối với thiền âm thanh người ta còn chú trọng vật liệu làm nên các công cụ tạo âm thanh bởi mỗi loại tinh thể và đá quý được cho có thuộc tính phục hồi khác nhau. Lấy ví dụ như thạch anh đen, nhiều người tin rằng loại đá quý này có khả năng hấp thụ năng lượng tiêu cực và phát ra năng lượng tích cực có lợi cho sức khỏe.
Tóm lại, sức mạnh âm thanh từ lâu đã được chứng minh giúp xoa dịu tinh thần, thậm chí có hiệu quả trong điều trị bệnh. Song, nghiên cứu về hình thức thiền định âm thanh đến nay vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Do đó, dù được cho là đem lại nhiều lợi ích nhưng các chuyên gia khuyến cáo những người bị động kinh hoặc quá nhạy cảm với âm thanh nên tránh thử liệu pháp này. Riêng phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia.
ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN)