Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Chúng tôi sẵn sàng dấn thân, nhưng...

MangYTe - Một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về chịu tang bà. Lại có bác sĩ mang thai tháng cuối vẫn xung phong ở lại viện chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh viện Bạch Mai đã qua ngày thứ 3 thực hiện việc cấm ra - vào bệnh viện. Liên tiếp trong những ngày qua đã ghi nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 liên quan bệnh viện này. Trong đó, có 15 người của Công ty Trường Sinh chuyên cung cấp dịch vụ hậu cần cho Bệnh viện. 10 người còn lại là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà đi chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tân Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn, sáng 30/3.

Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện lệnh cấm ra - vào từ sáng 28/3.

Tình trạng bên trong bệnh viện Bạch Mai hiện nay ra sao, thưa ông?

- GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện: Quyết định nội bất xuất - ngoại bất nhập đã được Bệnh viện áp dụng từ 2 ngày nay. Toàn bộ nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân của bệnh viện được cách ly, chỉ cho phép những người có liên quan vào.

Hiện có khoảng 3.500 người có mặt tại Bệnh viện. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Chúng tôi vẫn tổ chức chạy thận 4 kíp liên tục.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn

"Như tất cả các đồng nghiệp khác tại Vũ Hán (Trung Quốc) hay Hoa Kỳ, chúng tôi sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch".

(GS.TS Nguyễn Quang Tuấn)

Ngoài hơn 600 người nhà bệnh nhân được chuyển lên khu cách ly tập trung ở Láng Hoà Lạc (Hà Nội), hiện còn hơn 100 người nhà bệnh nhân chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhi, sản phụ.

Tình trạng bên trong bệnh viện hiện nay rất tốt. Tinh thần của nhân viên y tế rất tốt, toàn tâm chăm sóc người bệnh. Chúng tôi quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn không để xảy ra lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bộ Quốc phòng lập ngay 2 khu bệnh viện dã chiến trong Bệnh viện Bạch Mai để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Tôi lấy ví dụ về tinh thần dấn thân của những người trót theo nghiệp y tế. Chúng tôi có một bác sĩ trẻ, là học trò của tôi, mang thai tháng cuối, đang cách ly tại C9 - Viện Tim mạch.

Mặc dù là tháng thai cuối phải gặp nhiều khó khăn về tâm lý nhưng nữ bác sĩ này vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh, dù phải hy sinh nhiều thứ: về thể xác - đang mang thai tháng cuối, về tinh thần - mệt mỏi. Tuy vậy, nhờ có tinh thần hết lòng vì người bệnh và có anh em đồng nghiệp chung sức đồng lòng nên sức khỏe và thai của nữ bác sĩ vẫn diễn biến tốt.

Như tất cả các đồng nghiệp khác tại Vũ Hán (Trung Quốc) hay Hoa Kỳ, chúng tôi sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch.

Nhưng lần đầu tiên có một bệnh viện bị phong toả, cách ly toàn bộ, chắc chắn còn rất nhiều khó khăn?

- Rất nhiều khó khăn. Hiện 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp.

Một bất cập khác là các chuyến hàng do Bệnh viện đặt hay do nhân dân cả nước chuyển đến hỗ trợ cho Bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an. Dù rằng chúng tôi đã bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa.

Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm. Chúng tôi đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây.

Bệnh viện đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hàng không nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde…

Những chuyện buồn Bạch Mai thời COVID-19

Những ngày qua, đâu đó có những thông tin về sự kỳ thị, né tránh của một số người với nhân viên y tế Bạch Mai, ông suy nghĩ gì?

Khi tiếp xúc với nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai thời COVID-19, đâu đó có thái độ e dè. Trước đây, chúng tôi biết có nhiều người rất quý mến các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trân trọng bác sĩ Bạch Mai. Nhưng bây giờ, qua nhiều kênh truyền thông không chính xác, họ xem y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang COVID-19 đến. Vì thế họ né tránh.

"Có 1 bác sĩ của chúng tôi dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang bà. Đây là điểu chúng tôi rất buồn"

Đáng buồn hơn nữa, chúng tôi cần các bác sĩ của chúng tôi đang ở nhà vào bệnh viện hỗ trợ, nhưng tại nơi cư trú, họ bị địa phương ra quyết định cách ly tại nhà. Như vậy, tại mặt trận Bạch Mai này, chúng tôi đang thiếu đội ngũ bác sĩ, thiếu vật dụng sinh hoạt hàng ngày như điều kiện ăn uống, nghỉ ngủ.

Khi không được tái sản xuất sức lao động đầy đủ, đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện sẽ không trụ được lâu. Các bác sĩ của chúng tôi nếu không được vào bệnh viện để điều trị, làm việc thì chúng tôi không đảm bảo chất lượng điều trị được như mong muốn.

Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai là GS.TS Ngô Quý Châu cũng không được phép ra khỏi nhà. Chúng tôi thấy đây là một vấn đề rất nóng và chúng tôi cần được sự hạ nhiệt. Điều đó sẽ giúp chúng tôi cũng đủ sẵn sàng, minh mẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới bị cách ly như mất đi phao cứu sinh

Được biết, Bệnh viện Bạch Mai đã có bệnh viện dã chiến ngay trong khuôn viên? Ông có thể chia sẻ kỹ hơn?

Một đơn vị tham mưu của chúng tôi là Trung tâm Bệnh nhiệt đới lại là nơi xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Vì thế, toàn bộ trung tâm đó phải cách ly, chúng tôi như mất đi phao cứu sinh.

Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự trợ giúp của Bộ Y tế để có những biện pháp mạnh mẽ và đã có kế hoạch chi tiết từ đầu để ngăn chặn sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà...

Hiện những nhân viên y tế của chúng tôi đều có kết quả âm tính. Rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm.

Ngay tối 28/3, Bộ Quốc phòng đã cho nhiều xe chở 631 người nhà bệnh nhân đến vùng cách ly. Việc này rất quan trọng, nó giúp giảm mật độ người trong bệnh viện qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Quốc phòng lập ngay 2 khu Bệnh viện dã chiến trong Bệnh viện Bạch Mai để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bộ Quốc phòng đã cử Binh chủng Hóa học đến khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, hành lang, thang bộ, thang máy, tất cả khu vực công cộng của bệnh viện. Đây là điều kiện tiên quyết giúp chúng tôi tiến tới thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Võ Thu - Hằng Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/giam-doc-benh-vien-bach-mai-chung-toi-san-sang-dan-than-nhung-20200330100613244.htm)

Tin cùng nội dung

  • Sau khi Mangyte trả lời câu hỏi của bạn Thanh Vân (van.le…@gmail.com) về Thuốc “tiêu sợi huyết” dùng để cấp cứu đột quỵ, nhiều bạn đọc hỏi bệnh viện ở địa phương mình có sử dụng Thuốc này hay không?
  • Thưa bác sĩ, Tôi có người bạn viêm thận mãn độ 4, hơn 1 năm nay trị liệu bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc tại nhà, nhưng tình hình sức khỏe gần đây không khả quan. Nay bạn tôi muốn thay thận (do người cô ruột cho) xin hỏi bác sĩ:
  • Mangyte cho em hỏi các bệnh viện lớn ở TPHCM được nghỉ tết âm lịch mấy ngày? Vì nhà em ở xa lên tết này em có người nhà ở đó, em đi lên đó chơi tiện em đi khám luôn nhưng không biết ngày nào. Mong Mangyte giúp em với! (Em Dũng - Lâm Đồng) Mangyte cho tôi hỏi mùng 4 tết BV Bạch Mai làm việc chưa? Hôm qua tôi bị đau thắt ngực, hôm nay thì lại không sao nhưng tôi muốn đi kiểm tra tim mạch cho yên tâm. Cảm ơn Mangyte! (Nguyễn Văn Tuấn - Hà Nội)
  • Tết tây này được nghỉ tới 4 ngày, tôi muốn tranh thủ mấy ngày nghỉ đi làm mấy cái xét nghiệm mà không biết BV Hòa Hảo có nghỉ tết tây không? Ông bác tôi thì định đến BV Đại học Y dược để nội soi qua mũi, liệu có đi được không hay đợi qua năm mới? Còn Khám bệnh online của Mangyte có nghỉ tết tây không vậy? Cảm ơn Mangyte, chúc năm mới nhiều niềm vui! (Trần Đức Nhân - TPHCM)
  • Chào bác sĩ, Cháu bị lệch sống mũi do va chạm cách đây 4 năm. Hiện cháu không tự tin khi giao tiếp vì chiếc mũi bị lệch 1 bên. Cháu muốn chỉnh mũi lại nhưng không biết nhiều thông tin về lệch sống mũi, phương pháp chữa lệch sống mũi nào giúp lành và tự nhiên nhất, nên khám chữa tại bệnh viện nào và giá cả là bao nhiêu? Mong nhận được hồi âm sớm từ BS. Cháu cám ơn BS nhiều! (Hùng Lê - hungle...@gmail.com)
  • Chào Mangyte, Bố em có các triệu chứng như ho lâu không khỏi, khó thở, thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng... Em thấy có thông tin BV Bạch Mai có khám và tư vấn miễn phí cho những người bị ho lâu khônhg khỏi nhưng không rõ cụ thể như thế nào. Kính mong Mangyte tư vấn thêm cho em một số thông tin. Trân trọng. (Nông Hoàng Chiến - Nam Định)
  • Bác sĩ cho em hỏi khám ngực ở bệnh viện nào uy tín vậy ạ? (Thanh Tuyền – TPHCM)
  • Em muốn mua bảo hiểm y tế của bệnh viện da liễu TPHCM, vậy em có thể mua ngay tại BV không ạ? Nếu có thể thì được lấy ngay không và giá bao nhiêu vậy ạ? Em rất mong nhận được phản hồi từ mangyte, em xin cám ơn. (Anh Vân - tranong...@gmail.com)
  • Tết đến Xuân về trên khắp các nẻo đường trên cả nước nhưng có lẽ, tại các bệnh viện, không khí Tết luôn lặng lẽ hơn bởi nơi đây còn biết bao lo âu, bao nỗi buồn... hiển hiện trên gương mặt những người bệnh nặng sẽ phải ăn Tết trong bệnh viện.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY