Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ổ dịch CGC. Mới đây nhất là ổ dịch cúm A/H5N1 được phát hiện tại một trang trại ở TP Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).
Tại Việt Nam, trong tháng 1/2020, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời. Nhà chức trách đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 3.000 con gà mắc bệnh. Đến nay, không phát sinh thêm gia cầm bị cúm.
Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông, hiện CGC là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt. Các ổ dịch CGC xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1 - 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vacine.
Mặc dù vậy, ông Đông nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh có nguy cơ xảy ra và lây lan rất cao. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu tiêu thụ gia cầm dịp lễ hội đầu năm tăng cao. Bên cạnh đó, việc tổ chức tiêm vacine CGC tại một số địa phương vẫn đạt tỷ lệ thấp…
Để chủ động phòng chống kịp thời, có hiệu quả nguy cơ CGC bùng phát, từ cuối năm 2019, Bộ NN&PTNT đã xuất cấp miễn phí 4,5 triệu liều vacine dự phòng hỗ trợ các địa phương nguy cơ cao để tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Trong nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo triển khai xây dựng các chuỗi liên kết, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, cả nước đã có hơn 820 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm đạt an toàn dịch bệnh…
Sau khi ổ dịch cúm A/H5N1 bùng phát tại Trung Quốc ngày 1/2, vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã có công điện gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC theo đúng quy định của Luật Thú y, Quyết định số 172/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, TP tập trung hướng dẫn chủ gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm.
Chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt là từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, đồng loạt tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, TP để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngay từ đầu tháng 2/2020.