Sữa mẹ
Thông tin trên Trí thức trẻ cho hay, sữa mẹ là nguồn dưỡng chất thiết yếu đối với các bé. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của sữa mẹ vượt qua cả thời kỳ cai sữa. Vì vậy, trừ phi không có sữa hoặc mắc các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, còn không bạn nên cho bé bú sữa mẹ ngay từ khi ra đời, đặc biệt là lượng sữa non quý giá sau khi sinh. Bởi ngoài việc có đủ nguồn dinh dưỡng đủ cung cấp cho bé trong 6 tháng đầu, sữa mẹ còn là nguồn thức ăn vô khuẩn, sạch sẽ và chứa rất nhiều các chất kháng khuẩn cũng như dị ứng.
Nước
Uống đủ nước mỗi ngày là việc rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi em bé. Uống nước sẽ giúp loại bỏ các chất thừa cũng như độc tố ra khỏi cơ thể. Khi uống đủ nước, các độc tố còn được loại bỏ ra khỏi cơ thể bé qua việc tiết mồ hôi. Ngoài ra, uống nước có tác dụng tăng cường trao đổi chất và giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, đồng thời vận chuyển oxy trong máu và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho các tế bào. Cùng với chất xơ, nước cũng giúp hòa tan chất thải và chuyển xuống đường tiêu hóa dễ dàng hơn, khiến bé tránh được tình trạng táo bón.
Vậy uống bao nhiêu nước là đủ cho nhu cầu của bé? Đối với các bé từ 0 - 6 tháng tuổi thì chỉ cần bú sữa mẹ hoặc pha sữa bột theo đúng tỉ lệ hướng dẫn là được. Bé từ 6 – 12 tháng cần khoảng 200 – 300 ml nước mỗi ngày. Bé từ một tuổi trở lên tùy thuộc vào nhu cầu của bé, nhất là khi bé có thể tự cầm cốc, tuy nhiên, vẫn nên rèn cho bé thói quen uống nước.
Sữa chua
Trong sữa chua chứa nhiều các vi khuẩn có ích từ quá trình lên men, đường lactose trong sữa được chuyển thành axit lactic tạo môi trường an toàn trong ruột, tránh được tình trạng rối loạn tiêu hóa do thiếu men lactaza tạm thời hoặc bẩm sinh. Vì thế, ăn sữa chua hàng ngày có thể hạn chế các vi khuẩn có hại gây bệnh đường ruột giúp bé có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm thiểu các bệnh táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu… Những lợi khuẩn trong sữa chua cũng kích thích hệ miễn dịch, sản sinh kháng thể chống lại các độc tố.
Đối với trẻ nhỏ bị tiêu chảy hoặc biếng ăn, sữa chua giúp lập lại cân bằng hệ vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp cho việc điều trị tiêu chảy. Cơ thể trẻ hấp thu sữa chua nhiều gấp ba lần so với sữa tươi nên rất cần thiết với trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Rau củ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những món ăn được chế biến từ rau củ mang đến cho bé lượng chất xơ và prebiotic dồi dào để có đường ruột khỏe mạnh, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và đào thải độc chất. Bé cũng sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn để chống lại bệnh tật, hệ xương vững chắc và phát huy tối đa tiềm năng chiều cao. Đồng thời, rau củ quả giúp não bộ phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng học hỏi và có chỉ số IQ cao. Sức khỏe của bé cũng sẽ được bảo vệ lâu dài về sau trước các bệnh về tim mạch, tiểu đường tuýp 2, béo phì…
Khi thời tiết giao mùa, mẹ nên tăng cường cho bé ăn các loại rau củ có chứa nhiều vitamin A như cà rốt, bí đỏ, cà chua… để hỗ trợ hệ miễn dịch của bé.
Trái cây
Các loại trái cây, đặc biệt là trái cây có chứa hàm lượng vitamin C phong phú như cam, chanh, bưởi… bởi chúng có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của bé. Ăn nhiều trái cây cũng cung cấp cho cơ thể bé một lượng chất xơ tự nhiên rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
Bạn có thể cho bé ăn trái cây tươi hoặc cho bé uống nước ép cũng đều có tác dụng như nhau.
Thực phẩm nhiều kẽm
Kẽm là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể để duy trì cảm giác về mùi, giúp kích thích phản xạ ăn ngon, đồng thời giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Vì vậy bổ sung kẽm cũng là một cách để tăng cường sức đề kháng cho bé. Lượng kẽm cần được cung cấp hàng ngày cho bé được các chuyên gia khuyến cáo là khoảng 15mg.
Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt bò, thịt lợn (nạc vai), nấm, rau chân vịt, ca cao, chocolate, hạt bí, các loại đậu… Mẹ có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn từ những thực phẩm này để bé ăn ngon miệng và bổ sung kẽm cho cơ thể.
Chủ đề liên quan: