Sức khỏe hôm nay

Giúp con đối diện sự chia ly

(SKGĐ) Khi tâm hồn vẫn còn quá non nớt, việc phải đối diện với cảnh chia ly, mất mát có thể để lại nhiều hậu quả về tâm lý cho trẻ.

Trẻ sốc là chuyện bình thường

Từ hôm bé T. - một người bạn cùng lớp với cu Minh (8 tuổi) mất đột ngột, bé bỗng trở nên lỳ lợm, không chịu giao tiếp với ai. Ngay đêm đầu tiên bạn mất, cu Minh rất mệt mỏi, khó ngủ, ai hỏi cũng chẳng nói gì. Ban đầu, nghĩ do bé bị sốc và cần thời gian để trấn tĩnh, chị Vân cứ để mặc kệ con. Thế nhưng, đã hơn tháng nay, bé vẫn cứ lầm lì, ít nói như vậy.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng – chủ nhiệm bộ môn Tâm lý lâm sàng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn Tâm lý, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội cho biết, khi phải đối diện với sự mất mát đó, ở trẻ sẽ có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, trẻ còn quá nhỏ nên chưa nhận thức được cái chết nên vẫn hồn nhiên vui đùa. Thứ hai, khi đã lớn hơn, trẻ đã hiểu được chết là ra đi vĩnh viễn nên có thể khởi phát tâm lý hoang mang, lo sợ. “Dù đó là những trạng thái tâm lý không tích cực nhưng lại là bình thường khi đối diện với sự chia ly. Nếu trẻ không có phản ứng này thì mới không bình thường và đáng lo ngại”, PGS.TS Hằng nhận định.

Ảnh minh họa

Đừng để ám ảnh theo suốt cuộc đời con

Thực tế, có những đứa trẻ nhạy cảm, ám ảnh rất lâu về cái chết, nhất là khi đó là cái chết của một người thân thiết. Có nhiều kiểu ám ảnh như ám ảnh về ý nghĩ – trẻ sẽ lo lắng, sợ chết sau khi chứng kiến sự ra đi của ai đó. Hoặc đó cũng có thể là ám ảnh về hình ảnh khi trẻ phải chứng kiến một vụ tai nạn, hay tận mắt thấy người thân ra đi trong bệnh viện... Trong những bệnh nhân của PGS.TS Hằng, đã từng có trẻ chỉ cần nhìn thấy canh trứng cà chua là sẽ hét toáng lên vì đứa trẻ này đã từng tận mắt chứng kiến một người bị chết đuối nên hình ảnh bát canh trứng khiến trẻ mường tượng lại cảnh tượng đó.

Hoặc cũng có trẻ sẽ bị ám ảnh về âm thanh kiểu như sợ tiếng còi xe cứu thương, sợ tiếng phanh xe, tiếng kèn đưa tang,… Ngoài ra, còn có kiểu ám ảnh về mùi nếu những mùi này vô tình xuất hiện đúng lúc trẻ đang bị sốc.

Với tâm hồn non nớt của trẻ con, tất cả những thứ ám ảnh này ban đầu sẽ khiến trẻ hoảng sợ, gặp ác mộng, thậm chí để lại nhiều di chứng trong tâm lý. Khi đó, đây sẽ là một vấn đề không thể xem thường.

“Trong quy định của Tâm lý học trị liệu, trẻ càng gặp nhà tâm lý càng sớm càng có lợi cho trẻ, tốt nhất trong vòng 6 tiếng đầu khi gặp sự cố bởi đây là khoảng thời gian trí nhớ chưa kịp lưu lại những hình ảnh đáng sợ, có tính ám ảnh đối với trẻ. Tuy nhiên, nếu không làm được điều này, bố mẹ cần chú ý quan sát thái độ của con. Nếu sự hoảng sợ và ám ảnh của trẻ chỉ diễn ra một vài ngày thì không đáng lo ngại, nhưng, nếu sau một tuần, trẻ vẫn chưa ổn định về tâm lý, nhất định bố mẹ phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý”, PGS.TS Hằng khẳng định.

Tuyệt đối không bắt trẻ né tránh sự chia ly

Khi trẻ đang bị sốc vì sự ra đi đột ngột của người bên cạnh, sự khéo léo và tinh tế của bố mẹ hết sức quan trọng. Theo PGS.TS Hằng, việc chọn thời điểm thông báo về sự ra đi của ai đó là điều bố mẹ cần phải cân nhắc. Giả sử như nếu một người bạn của con bị bệnh hiểm nghèo,bố mẹ, cô giáo nên tổ chức cho trẻ đến thăm bạn sớm, giải thích cho con về tình trạng của bạn để con nhận thức dần về cái chết, nếu đó là trường hợp xấu nhất xảy ra. Còn nếu như sự ra đi đó là đột ngột, bố mẹ chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho trẻ, tốt nhất là nên ở cùng trẻ, trò chuyện cùng trẻ để xem trẻ đang nhận thức như thế nào, tâm trạng ra sao, nếu trẻ bị ám ảnh, bố mẹ cần phải điều chỉnh ngay lập tức.

“Người lớn tuyệt đối không được né tránh sự việc khi đối diện với trẻ. Chẳng hạn, khi một người bạn học của con mất, sai lầm của nhiều người là lảng tránh việc nhắc đến người bạn đó với con bởi họ sợ con họ sẽ buồn hoặc lo sợ. Họ không biết rằng, sự lảng tránh đó chỉ càng khiến những tâm lý tiêu cực lớn dần trong trẻ. Và khi trẻ không thể giải tỏa cùng ai, đó sẽ là một điều đáng lo ngại”, PGS.TS Hằng khuyến cáo.

Trong trường hợp này, bố mẹ nên là người giúp trẻ mạnh dạn đối đầu bằng cách nói rõ cho con về những gì đang xảy ra. Trong quá trình nói chuyện, một mặt bố mẹ cần giải thích về quy luật sinh tử, một mặt hãy nói cho con biết rằng con có thể làm những việc có ích như làm một cuốn album về người bạn đã mất, làm tiếp nguyện vọng khi còn sống của người đã mất... “Đó chính là cách giúp bé cảm thấy tốt hơn rất hiệu quả vì bé sẽ nghĩ rằng mình có thể giúp ích được cho người mất, giảm bớt sự đau buồn, tiếc nuối”, PGS.TS Hằng phân tích.

Trong trường hợp trẻ bị ám ảnh về hình ảnh, âm thanh,… bố mẹ cần phải tinh ý. Trước mắt, bố mẹ cần giúp con tránh xa những điều đang ám ảnh đó (dẫn trẻ đi qua con đường khác thay vì con đường ám ảnh trẻ, hạn chế màu sắc đang làm bé sợ,…), sau đó dần giúp con lấy lại sự bình tĩnh và mạnh dạn. Chẳng hạn như ngồi nói chuyện với con và giải thích cho con hiểu những âm thanh hay màu sắc đó không có gì đáng sợ hoặc bố mẹ cũng nên đưa cho bé những âm thanh hay màu sắc đó ở những trạng thái tươi vui, đáng yêu khác để cho bé dần quên đi sự ám ảnh đó.

Và hơn hết, bố mẹ phải luôn là người bên cạnh con trò chuyện để giúp con giảm bớt gánh nặng trong lòng, tuyệt đối không để những trầm uất lớn dần trong trẻ, bởi đó có thể dẫn đến những biến chứng tâm lý của trẻ, PGS. TS Hằng lưu ý.

“Đừng đem cái chết ra dọa con”

Nhiều bố mẹ đem cái chết ra làm cái cớ để ép con phải ăn, phải học… Nhưng PSG.TS Hằng cho rằng biện pháp này của bố mẹ sẽ giống như con dao hai lưỡi. Có thể bé sẽ sợ mình sẽ chết nếu không chịu ăn, thế nhưng điều đó cũng sẽ hình thành một tâm lý lo sợ, miễn cưỡng trong trẻ và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Thu Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/giup-con-doi-dien-su-chia-ly-19976/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY