Sức khỏe hôm nay

Giúp mẹ giải quyết nỗi khổ bé chậm tăng cân

Bé chậm tăng cân là nỗi đau đầu của không ít bà mẹ bởi dù mẹ có cố gắng cho bé ăn như thế nào, bé cũng không đạt đến cân nặng mong muốn. Điều này còn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé sau này.

Những năm đầu đời là “giai đoạn vàng” trong quá trình phát triển của trẻ vì thế nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, hay ốm yếu, thì sau đó dù có nỗ lực chăm sóc cho trẻ đến đâu cũng khó thể bù đắp lại được. Đây cũng chính là điều khiến nhiều cha mẹ lo lắng và tìm mọi cách cho bé ăn thật nhiều. Thực tế, việc bé chậm tăng cân xuất phát từ nhiều nguyên nhân và phải có biện pháp đối phó phù hợp cho từng bé.

Thông thường trong 3 tháng đầu trung bình mỗi tháng bé tăng 1kg. Đến từ tháng thứ tư đến tháng thứ sáu, mỗi tháng bé tăng 700-800g. Con số này áp dụng cho cả trẻ bú mẹ và trẻ uống sữa công thức. Từ tháng thứ 7 đến 1 tuổi, mỗi tháng trẻ tăng trung bình khoảng 400-600g. Sau 1 tuổi, trẻ tăng cân ít hơn.

Tại sao bé bị chậm tăng cân?

Bé không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng:

Thiếu dinh dưỡng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tăng cân ở trẻ. Thiếu dinh dưỡng không phải là do mẹ không cung cấp đủ dinh dưỡng mà là do bé gặp phải tình trạng chán ăn, hấp thu kém hoặc không dung nạp được các lactose từ sữa.

Bé gặp vấn đề về tiêu hóa:

Một số bé có dạ dày quá mẫn cảm dễ gặp trường hợp trào ngược dạ dày, bị kích thích thực quản dẫn đến việc bé rất khó ăn hoặc ăn khó tiêu. Một số trường hợp bé mắc phải bệnh tiêu chảy mãn tính cũng khiến bé không hấp thụ hết chất dinh dưỡng trong thức ăn.

Mẹ cho bé ăn sai cách:

Rất nhiều cha mẹ khi thấy bé chậm tăng cân thường cố gắng bổ dung thật nhiều thức ăn hoặc ép bé ăn quá mức, dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ. Một số trường hợp cho bé ăn dặm quá sớm cũng dễ gây rối loạn tiêu hóa do thiếu dưỡng chất từ sữa mẹ.

Biếng ăn có thể là nguyên nhân khiến bé bị chậm tăng cân

Bé bị nhiễm trùng:

Bé rất dễ bị biếng ăn, sút cân nếu mắc phải các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng, viêm phổi, viêm gan...do hệ vi khuẩn đường ruột bị tác động khi tiếp nhận nhiều thuốc kháng sinh, dẫn đến tình trạng khó hấp thu thức ăn.

Ảnh hưởng từ quá trình sinh:

Với các bé bị sinh non có xu hướng chậm tăng cân hơn so với những bé bình thường do cơ thể bé yếu, các cơ quan hoạt động cũng kém hơn so với các bé sinh đúng ngày đúng tháng.

Một số trường hợp người mẹ mắc phải các bệnh di truyền, hoặc thường xuyên sử dụng thuốc lá, chất kích thích cũng có thể gây ảnh hưởn đến sức khỏe thể chất của bé sau sinh.

Làm gì khi bé bị chậm tăng cân?

Cho bé bú đúng cách:

Việc cho bé bú đúng cách sẽ giúp bé hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, hạn chế nguy cơ bị chậm tăng cân. Sữa mẹ có hai lớp dinh dưỡng khác nhau, lớp sữa đầu trong khoảng 10 phút đầu có dạng loãng như nước và ít dưỡng chất, lớp sữa thứ hai là lớp sữa mang nhiều dưỡng chất hơn. Vì thế, mẹ nên cho bé bú ở mỗi đầu vú khoảng từ 20-25 phút để bé có thể hấp thụ được tất cả các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ.

Cải thiện chất dinh dưỡng trong sữa mẹ:

Để mang tới nguồn sữa tốt nhất cho bé, mẹ cũng cần phải cải thiện nguồn sữa của mình bằng cách ăn uống đầy đủ chất, đặc biệt là các thực phẩm như chuối, đu đủ, rau đay, lạc...

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé:

Khi bé trong giai đoạn 1 tuổi, bạn nên kết hợp sữa mẹ cùng với một số các chất dinh dưỡng khác theo tiêu chuẩn hợp lý (theo hướng dẫn của bác sĩ) vì giai đoạn này cơ thể bé cần nhiều chất dinh dưỡng ngoài sữa mẹ.

Khi bé đã đến độ tuổi ăn dặm, bạn nên lưu ý chế biến thức ăn của bé đặc hơn một chút, để tăng năng lượng. Mẹ cũng nên lưu ý rằng các loại thức ăn từ ‘nước hầm xương’ không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé, mà nên cân bằng đầy đủ các loại thức ăn, có thể xắt nhuyễn, nấu mềm hoặc chế biến phù hợp với khẩu vị của bé.

Mỡ là loại thực phẩm cung cấp rất nhiều năng lượng, mẹ có thể cho thêm các loại dầu, mỡ hoặc bơ vào cháo hoặc bột của bé để gia tăng năng lượng.

Chia nhỏ bữa ăn hằng ngày:

Thay vì cho bé ăn ba bữa, bạn nên chia nhỏ bữa ăn và tăng khẩu phần ăn lên thành 5 hoặc 6 bữa. Điều này cũng sẽ giúp bé bớt chán ăn và tăng thêm nguồn hấp thu chất dinh dưỡng.

Cho bé làm quen với việc tập luyện:

Đừng nghĩ rằng trẻ con thì không cần phải tập luyện, thực tế, việc tập luyện cơ thể đem lại lợi ích cho mọi độ tuổi. Với trẻ nhỏ, bạn chỉ cần chơi với bé cho bé hoạt động, cho bé tập đi vài bước nhỏ, hoặc cho chân tay bé hoạt động trên giường... Những hoạt động này sẽ làm bé mau cảm thấy đói và thèm ăn hơn.

Tập luyện nhẹ nhàng có thể cải thiện tình trạng của bé

Những thực phẩm hàng giúp bé tăng cân nhanh

Ngũ cốc: Các loại hạt ngũ cốc đều rất giàu vitamin E, protein và chất béo. Mẹ có thể thêm một ít hạt ngũ cốc như cùng cháo nếu trẻ đã trên 8 tháng. Cháo yến mạch cũng là món ăn rất giàu dinh dưỡng mà mẹ nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày của bé.

Sữa nguyên kem: Sữa nguyên kem chứa rất nhiều canxi, calo và chất béo cần thiết, giúp bé tăng cân vô cùng hiệu quả. Nếu bé kén ăn, mẹ chỉ cần bổ sung cho bé sữa nguyên kem là có thể an tâm về hàm lượng dinh dưỡng. Các mẹ cũng nên lưu ý rằng sữa nguyên kem chỉ dành cho trẻ trên một tuổi và nên uống vào buổi sáng để dễ tiêu hóa.

Khoai lang: Khoai lang là thực phẩm rất giàu đường và beta carotene. Đây là loại thực phẩm có tên trong danh mục những thực phẩm giàu dinh dưỡng hàng đầu lại còn vô cùng dễ ăn.Mẹ có thể cho bé ăn khoai lang nghiền, khoai trộn sữa, pho mát hoặc làm thành bánh nướng cho bé.

Khoai tây: Khoai tây chứa một lượng carbohydrates và năng lượng tuyệt vời có thể giúp trẻ tăng cân vô cùng hiệu quả. Mẹ có thể thêm khoai tây vào trong cháo, súp, canh hầm thịt hoặc khoai tây nghiền trộn phô mai đều là những món ăn ‘kích béo’.

Khoai tây có thể giúp bé tăng cân rất tốt

Trứng: Trứng rất giàu protein, một chất quan trọng cho việc tăng cân ở trẻ. Khi trẻ trên 8 tháng mẹ đã có thể cho bé ăn lòng đỏ trứng và trên 1 tuổi có thể ăn nguyên quả.

Trẻ bị chậm tăng cân là tình trạng gặp phải ở rất nhiều trẻ nhỏ và có thể giải quyết được nếu áp dụng đúng phương pháp. Nếu mắc phải tình huống này, cha mẹ cứ bình tĩnh và tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho con mình, kết hợp cùng một thực đơn và chế độ sống phù hợp, thể chất của trẻ sẽ được cải thiện.

Quỳnh Như

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/giup-me-giai-quyet-noi-kho-be-cham-tang-can-24340/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY