Có được kết quả này, ngoài tinh thần cố gắng, cầu thị của đội ngũ y tế tuyến cơ sở, là sự tận tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc người bệnh toàn diện của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đang làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương.
Nếu như từ 5 năm trở về trước, tại huyện Thạch Hà, tình trạng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên cao thì những năm gần đây điều này giảm đáng kể, từ gần 450 bệnh nhân chuyển tuyến (năm 2018) xuống chỉ còn hơn 250 bệnh nhân chuyển tuyến (năm 2021). Để có được những kết quả như vậy, phải kể đến nỗ lực nâng cao tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ ở đây; đặc biệt từ sau khi tham gia các Đề án bệnh viện vệ tinh và Đề án khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế.
Bệnh nhân Trần Thị L., 64 tuổi (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) có tiền sử viêm gan tự miễn điều trị không thường xuyên, nhập viện với biểu hiện mệt mỏi nhiều, ăn kém, sốt cao từng cơn, vàng da, vàng mắt. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân L. được chẩn đoán: xơ gan mất bù, gây tràn dịch màng ngoài tim. Một cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Trung ương Huế được tiến hành, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu và hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thế Phiệt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà chia sẻ, tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà được kết nối với các bệnh viện tuyến trên, như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai… Được các chuyên gia đầu ngành ở tuyến trên trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, nhiều kỹ thuật khó về ngoại khoa, sản phụ khoa đã được đơn vị ứng dụng, làm chủ hiệu quả, như: mổ sỏi tiết niệu, các bệnh lý đường tiết niệu, u tuyến giáp…
Bệnh nhân Phạm Xuân Học, 73 tuổi, trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, điều trị bệnh lý phổi tắc nghẽn mãn tính tại Khoa Cấp cứu-Nhi, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cho biết, trước đây khi bệnh tình chuyển biến nặng, ông thường phải chuyến tuyến trên, rất vất vả cho cả bệnh nhân lẫn người nhà. Hai năm trở lại đây, ông Học không cần phải chuyến tuyến nữa mà yên tâm điều trị tại bệnh viện huyện vì được đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, kết nối tuyến trên tận tình cứu chữa. Trong tình hình dịch Covid -19 phức tạp như hiện nay, điều này đã giảm tải được gánh nặng lớn cho bệnh nhân và gia đình.
Một buổi hội chẩn từ xa giữa các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh.
Tham gia Đề án khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh được kết nối trực tiếp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế…
Bác sĩ Trần Nguyên Phú, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh chia sẻ, yếu tố chất lượng nguồn nhân lực luôn được tập thể lãnh đạo đơn vị đặt lên hàng đầu. Ngoài việc mỗi năm cử hàng chục bác sĩ đi đào tạo tại các bệnh viện lớn tuyến trên, bệnh viện còn được các chuyên gia đầu ngành tại tuyến trên trực tiếp về chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ thầy Thu*c.
Đặc biệt, thông các các đợt hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ của bệnh viện đã được trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ các bác sĩ tuyến trên. Từ đó tích lũy được cho bản thân những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quý. 100% các ca hội chẩn đều thành công, người bệnh giảm được đáng kể các chi phí phát sinh khi phải điều trị ở tuyến trên
Nhờ đó, mỗi năm Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh đã triển khai trung bình 200 dịch vụ, kỹ thuật mới với nhiều kỹ thuật khó như làm chủ được phẫu thuật nội soi, ngoại khoa, sản khoa; phẫu thuật mắt bằng phương pháp phaco, nạo VA nội soi bằng hummer, tán sỏi thận, sỏi niệu quản ngoài cơ thể…
Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh là nơi chăm sóc sức khỏe cho hơn 90.000 người dân, công nhân lao động tại khu vực phía nam thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng. Nơi đây từng được biết đến với nhiều gian khó khi cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn nhân lực thiếu thốn. Thế nhưng, kể từ khi nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các bệnh viện tuyến Trung ương, chất lượng khám chữa bệnh tại đây đã được nâng cao đáng kể.
Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh, Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, nhờ được các bác sĩ từ các bệnh viện tuyến trên tận tình “cầm tay chỉ việc” nên nhiều kỹ thuật khó đã được các y, bác sĩ của bệnh viện làm chủ hiệu quả. Hằng năm, đơn vị không chỉ khám, chữa bệnh cho 150.000 lượt bệnh nhân ở thị xã Kỳ Anh mà rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn đã được thụ hưởng lợi ích to lớn từ phương thức hỗ trợ mới của các bệnh viện tuyến Trung ương đối với bệnh viện tuyến dưới
Đánh giá ưu điểm của Đề án khám, chữa bệnh từ xa, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Chánh Thành cho biết, thông qua hệ thống kết nối Telehealth, đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn đã được tham vấn, chia sẻ chuyên môn từ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành ở tuyến Trung ương. Từ đó, đề ra phác đồ điều trị, phương thức tiếp cận người bệnh hợp lý giúp tiết giảm chi phí chữa bệnh và nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh tại đơn vị mình.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn do đội ngũ nhân lực y tế cơ sở thiếu và yếu, cơ sở hạ tầng, trang thiết y tế phục vụ cho việc khám, chữa bệnh từ xa chưa đáp ứng yêu cầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các địa phương chưa đồng bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, tính ưu việt của Đề án khám, chữa bệnh từ xa. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành y tế và các địa phương trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để phát huy tối đa phương thức khám chữa bệnh tiên tiến này.
Chủ đề liên quan:
Đề án khám chữa bệnh từ xa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở Y tế Hà Tĩnh