Tình yêu và giới tính hôm nay

Hàng hiệu… làm hại chị em

(SKGĐ) Bạn có thể là “tín đồ” của hàng hiệu nếu là người sang trọng, giàu có và am hiểu về món hàng mà phải mất rất nhiều tiền mới có thể mua được. Nhưng nếu bạn không thuộc những đối tượng trên, hàng hiệu có thể vô tình làm hại bạn…

Dùng hàng hiệu chứng nhận đẳng cấp

Hơn một năm nay, hễ chị Hồng Vân (Đông Anh, Hà Nội) xuất hiện ở đâu là ở đó lập tức nhốn nháo bàn luận về hàng hiệu chỉ vì những bộ đồ và phụ kiện giá khủng mà chị luôn mồm nhắc đến.

Đi đâu chị cũng khoe rằng trang phục, túi xách… trên nguời chị toàn hàng hiệu. Nhiều người chẳng biết hàng hiệu là như thế nào nên hỏi lại, lúc đó chị mới ớ người thế nên dần dần chị chỉ khoe giá của chúng. “Cái váy này em mặc có đẹp không? 10 triệu đấy chứ ít gì…” hay “Cái túi này giống túi của cô Ngọc Trinh dùng ý, hơn 15 triệu đấy nhé, chị sờ thử mà xem, mát hết cả tay”…

Ngày xưa, kinh tế gia đình chị cũng chỉ thuộc hạng tầm tầm, quần áo, giày dép chị toàn vào mấy shop thời trang ở trung tâm thị trấn mua sắm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhà chị được đền bù đất, từ khoản tiền đó, anh Hòa-chồng chị lại khéo làm ăn, xoay xở nên kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Chị Vân bắt đầu học đòi theo kiểu của người giàu, mạnh tay vung tiền cho quần áo, giày dép…

Được mấy cô nhân viên bán hàng truyền cho ít kinh nghiệm để nhận biết đâu là hàng hiệu xịn đâu là hàng nhái, thế là chị Vân mang ngay những “kiến thức” đó ra để kiểm nghiệm xem nó đúng sai đến đâu. Gặp ai ăn mặc bảnh bao một tí là chị cứ nhìn chằm chằm vào họ trong suốt cuộc trò chuyện để dò xét đấy có phải là hàng hiệu không. Khi phát hiện nhiều người nhà rất giàu nhưng cũng chỉ dám bỏ tiền ra mua hàng “fake”, chị Vân càng được thể lên mặt và càng khoe khoang tợn. Chị Vân làm lố đến mức vợ của mấy người bạn anh Hòa đâm ra ngại tiếp xúc với chị. Nhận thấy điều này, anh Hòa đã nhiều lần nhắc nhở vợ bỏ thói trịnh thượng phán xét người khác qua hình thức đi. Nghe chồng khuyên, chị Vân cũng ầm ờ đồng ý, nhưng chỉ được dăm bữa nữa tháng là chứng nào lại tật nấy.

Cứ mỗi lần gặp bạn bè, dù mọi người có đang tám chuyện gì đi nữa thì chị Vân vẫn cố tình lái câu chuyện sang hướng hàng hiệu. Chị không ngừng chia sẻ kinh nghiệm của mình, kiểu như: “Các chị để ý nhé, nhãn hiệu LV thì luôn có "data code" và một dãy serie. Còn Burberry thì phải nhìn cái dây mác ý nhé, nếu nó có màu xanh tím mới là hàng xịn, chứ màu nâu thì chắc chắn là hàng fake. Còn áo Lacoste xịn thì phải có hình con cá sấu được thêu chi tiết đến từng chiếc răng, nếu không có răng hoặc răng lưa thưa thì hàng "fake". Em nhìn là biết cái áo “cá sấu” này của chị là hàng fake rồi…" Có lần chị Vân còn làm chồng xấu hổ và đổ bể mất một hợp đồng buôn bán lớn chỉ vì chị chê bai từ bộ váy cho đến cái túi, rồi đôi giày của bà vợ ông đối tác.

Tuy mở mồm ra là nói chuyện quần áo như một chuyên gia, nhưng ngoài việc mạnh tay chi tiền mua hàng hiệu ra, chị Vân trông cũng chẳng khá hơn mọi người là mấy. Vốn không am hiểu về thời trang và có thân hình “mẹ sề” nên trang phục của chị chỉ đắt chứ chẳng giúp chị đẹp hơn ai. Mọi người thường xuyên há mồm, trợn mắt khi thấy chị nói giá của sản phẩm nên chị Vân thích lắm, cứ nghĩ họ đang ngưỡng mộ mình. Nhưng chị không biết rằng, sau khi gặp chị hay nghe chị khoe khoang về thời trang hàng hiệu, họ chỉ kinh ngạc vì không hiểu cái váy đó, cái áo đó làm bằng gì mà đắt thế, hay tại sao đắt thế mà mặc chả ra làm sao… Dần dần, họ nghĩ rằng chị Vân phét lạc, có một nói mười để khoe khoang, vênh váo.

Tan vỡ gia đình vì mê hàng hiệu

Nhiều ông chồng giàu chẳng mấy khi để ý đến việc tiêu tiền của vợ, có khi các ông ấy còn khuyến khích vợ mua các nhãn hiệu nổi tiếng để còn “lấy le” với đối tác. Tuy nhiên, chồng chị Hiền (Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) thì ngược lại, anh thường xuyên ca thán vì thói tiêu tiền không tiếc tay của vợ.

Anh Hùng, chồng chị Hiền không phải là người ki bo kẹt xỉ, nhưng vốn là làm nên cơ nghiệp từ 2 bàn tay trắng nên anh rất trân quý những đồng tiền do mồ hôi công sức của mình. Ấy thế nhưng vợ anh lại hoàn toàn không nghĩ vậy. Từ ngày lấy được chồng giàu, chị Hiền thường xuyên mua sắm hàng hiệu, một tháng chị sắm 1, 2 bộ váy áo cỡ chục triệu là chuyện bình thuờng. Có tháng chị còn tiêu tốn vài chục triệu nếu thấy vừa mắt với những thương hiệu quốc tế, tất nhiên là chồng chị không biết. Mọi việc chỉ suôn sẻ trong vòng 2 năm đầu, cho đến khi mẹ chồng chị từ quê lên chăm cháu.

Mỗi lần chị xách túi to, túi nhỏ về nhà là mẹ chồng chị lại xăm xoi, hỏi han rất là chi tiết, tỉ mỉ. Và vì tiếc của nên lần nào bà cũng bù lu bù loa lên khi nhìn thấy hóa đơn của mấy món đồ chị mua. Mới đầu, bà chỉ nói bóng nói gió, khuyên chị Hiền tiết kiệm tiền cho chồng, nhưng càng nói thì chị Hiền lại càng khó chịu và chọc tức bằng cách mua nhiều hơn, chọn thứ đắt hơn. Mẹ chồng chị tức quá, âm thầm lấy hóa đơn đưa cho chồng chị. Anh Hùng cảnh cáo vợ bằng cách khóa tài khoản của chị ở ngân hàng. Đang quen thói mua sắm, chị Hiền vay tiền bạn bè để thỏa mãn cơn khát shopping, thậm chí chị còn theo bạn bè ra hẳn nuớc ngoài để mua hàng hiệu.

Từ đó, vợ chồng chị thuờng xuyên cãi vã trong khi chị vẫn không ngừng vay tiền để mua hàng hiệu. Số nợ của chị ngày càng lớn, sẵn có giấy tờ nhà đứng tên mình, chị Hiền đem đi cầm cố lấy tiền giả nợ. Hơn 1 tháng sau anh Hùng mới biết chuyện. Anh chị cãi nhau 1 trận kịch liệt rồi anh Hùng nhất định đòi ly hôn. Anh nói sẽ đi chuộc lại giấy tờ nhà và đó coi như phần tài sản sẽ chia cho chị khi ly hôn, chị đừng mong lấy thêm của anh 1 đồng nào nữa.

Ngày ra khỏi nhà, hành lý của chị chất đầy một ô tô, ai cũng nghĩ chị đuợc chia nhiều tài sản lắm, chỉ có chị là biết rằng, tất cả chỉ là những bộ đồ hàng hiệu, thứ mà vì nó chị phải đánh đổi cả hạnh phúc gia đình và đứa con mà chị rứt ruột đẻ ra.

Phát bệnh vì mất tiền mua hàng nhái

Cũng là tín đồ của hàng hiệu, chị Loan (Q.1, Tp.HCM) vốn là con nhà đại gia lại làm trưởng phòng ở một ngân hàng lớn, cứ làm được bao nhiều tiền đều đổ cả vào những món hàng đắt đỏ mà chị nghĩ nó sẽ giúp chị tôn vinh giá trị bản thân. Địa chỉ quen thuộc mà chị thường ghé qua để mua hàng hiệu chính là của hàng M. ở Đồng Khởi, Q.1. Tháng nào chị cũng mua ít nhất là một món đồ của hiệu này, có tháng được thưởng chị còn mạnh tay mua vài món, tốn mấy chục đến hàng trăm triệu đồng… Ai cũng khen chị Loan ăn mặc hợp mốt và sành điệu, nên có phải bỏ ra một đống tiền chị cũng chẳng tiếc.

Đến khi báo chí rầm rộ đưa tin cửa hiệu M. bị cảnh sát kinh tế Tp.HCM sờ gáy vì lô hàng xuất xứ từ Trung Quốc thì chị Loan tá hỏa. Hóa ra, chị đã tiêu hàng đống tiền cho những món hàng nhái. Ngay sau ngày báo chí đưa tin rộng rãi vụ hàng hiệu nhái bị bắt, vừa bước vào cơ quan chị Loan đã nghe mấy đồng nghiệp túm tụm bảo: “Trả tiền ngu cho hàng hiệu nháy” mà chị đau xót trong lòng. Từ đó, vừa gậm nhắm nỗi đau mất tiền, chị Loan còn vừa lo bạn bè đồng nghiệp sẽ cười vào mũi mình vì trước đây, hễ sắm được món hàng hiệu nào chị cũng đi khoe cho cả làng cùng biết.

Vừa tức, vừa quá lo lắng việc mọi người sẽ coi thường mình và tiếc tiền, gần đây chị Loan thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ. Cứ thấy ai tụm năm tụm ba to nhỏ gì là chị lại lo nơm nớp cho rằng họ đang nói xấu mình. Nghĩ ngợi nhiều quá nên chị thường xuyên thẫn thờ, ngơ ngác, lúc nào trông cũng như người mất hồn. Người nhà chị Loan sợ quá phải đưa chị vào viện khám. Bác sỹ kết luận chị bị suy nhược cơ thể nặng và có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, cần được điều trị ngay.

Những tín đồ của hàng hiệu nên biết đâu là điểm dừng, tuy nó có thể giúp bạn khẳng định bản thân, tôn thêm vóc dáng ngọc ngà nhưng không nên để sở thích này ảnh hưởng đến gia đình, sức khỏe và tính cách của mình.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/hang-hieu-lam-hai-chi-em-16117/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY