12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Hành trình COVID-19 từ ca ghi nhận đầu tiên đến đại dịch và nỗ lực tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới

Bệnh do coronavirus ở người COVID-19 lần đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc vào năm 2019, sau đó lây lan toàn cầu trở thành đại dịch thứ 5 được ghi nhận kể từ đại dịch cúm năm 1918.

Đến tháng 9/2021, gần hai năm sau khi COVID-19 lần đầu tiên được xác định, đã có hơn 200 triệu trường hợp được xác nhận và hơn 4,6 triệu sinh mạng bị mất vì căn bệnh này.

Ở đây, chúng ta xem xét sâu hơn lịch sử của COVID-19 từ trường hợp đầu tiên được ghi nhận cho đến những nỗ lực hiện tại để hạn chế sự lây lan của căn bệnh này với các chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới.

Gần 2 năm xuất hiện, COVID-19 vẫn đang là đại dịch đe dọa toàn thế giới.

Trường hợp đầu tiên được báo cáo và phản ứng ban đầu với COVID-19

Các trường hợp chính thức đầu tiên của COVID-19 được ghi nhận vào ngày 31/12/2019, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thông báo về các trường hợp viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc mà không rõ nguyên nhân.

Vào ngày 7/1/2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã xác định một loại coronavirus mới, có tên tạm thời là 2019-nCoV, là nguyên nhân gây ra những ca bệnh này.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán và nhanh chóng lan sang nhiều nước.

Nhiều tuần sau, WHO tuyên bố sự bùng phát COVID-19 lây lan nhanh chóng là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của quốc tế vào ngày 30/1/2020. Tuy nhiên, phải đến tháng sau, vào ngày 11/2, loại coronavirus mới này mới có tên gọi chính thức là COVID-19.

Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận vào ngày 23/1/2020. Đây là hai cha con quốc tịch Trung Quốc là ông Li Ding (66 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi), được nhập viện và điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM.

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch

Trong những tháng đầu tiên của COVID-19, các cơ quan y tế toàn cầu, các cơ quan chính phủ và công chúng không chắc chắn về việc căn bệnh này sẽ lây lan như thế nào và nó sẽ ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống hàng ngày.

Vào ngày 1/3/2020, Liên hợp quốc đã xuất quỹ 15 triệu đô la để hỗ trợ ứng phó COVID-19 toàn cầu. Một tuần sau, vào ngày 7/3, số ca nhiễm COVID-19 lên tới 100.000. Vài ngày sau đó, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch và nhanh chóng chuyển từ một vấn đề nghiêm trọng dường như chỉ xảy ra ở Trung Quốc, trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu gần như chỉ trong một đêm.

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào giữa tháng 3.

Vào thời điểm này, tình hình ở Vũ Hán đã lan rộng sau khi áp dụng các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn virus. Khi bắt đầu bùng phát, Trung Quốc đã báo cáo hàng nghìn trường hợp mắc mới mỗi ngày, con số này đã giảm xuống hàng chục vào tháng 3.

Ở châu Âu, các ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng từng ngày, với Ý ghi nhận con số 250 ca tử vong chưa từng có trong 24 giờ từ ngày 12-13/3. Kết quả là, vào ngày 13/3, WHO tuyên bố châu Âu trở thành tâm chấn của đại dịch.

Tại Việt Nam, ngày 01/2/2020, một phụ nữ 25 tuổi được xác định nhiễm virus corona tại tỉnh Khánh Hòa (tiếp xúc với trường hai cha con người Trung Quốc được xác định là BN1 và BN2), đây là trường hợp truyền nhiễm nội địa đầu tiên tại nước ta.

Cuối tháng 3/2020, xuất hiện các ca lây lan trong cộng đồng. Chiều 20/3/2020, Bộ Y tế công bố 2 bệnh nhân COVID-19 thứ 86 và 87 là 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai với tiền sử dịch tễ không cho thấy nguồn lây khi cả hai không có lịch sử tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19.

Cuộc chạy đua để phát triển một loại vaccine COVID-19

Để đối phó với đại dịch, các biện pháp nghiêm ngặt đã được áp dụng trên khắp thế giới. Giữ khoảng cách xã hội và hạn chế đi lại bắt đầu có hiệu lực vào tháng 3, cùng với lời khuyên về kỹ thuật rửa tay đúng cách.

Tuy nhiên, các biện pháp này được dự đoán chỉ làm chậm sự lây lan của virus, các nhà khoa học hiểu rằng để vượt qua đại dịch, cần phải phát triển một loại vaccine.

Vào ngày 17/3/2020, các thử nghiệm vaccine COVID-19 đầu tiên trên người bắt đầu với vaccine mRNA Moderna.

Vaccine được xem là vũ khí hữu hiệu để giúp chúng ta trở lại cuộc sống bình thường mới.

Rõ ràng là những hạn chế ban đầu không đủ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nhanh chóng, các hạn chế ở hầu hết các khu vực trở nên khắc nghiệt hơn, với việc Vương quốc Anh thực thi quy tắc ở yên tại nhà vào ngày 26/3.

Nhiều quốc gia châu Âu đã thực hiện đóng cửa biên giới trong khoảng thời gian này. Đến ngày 2/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên 1 triệu.

Mức độ nghiêm trọng thực sự của đại dịch đã được làm sáng tỏ với con số này, và các chính phủ đã làm những gì có thể để trì hoãn sự lây lan của virus trước khi một loại vaccine có thể được công bố là an toàn để sử dụng.

Vào ngày 6/4, WHO đã công bố hướng dẫn về việc đeo khẩu trang, vì nhiều bằng chứng bắt đầu làm nổi bật vai trò của hơi thở trong việc lây lan dịch bệnh.

Các biến thể mới thay đổi tiến trình của đại dịch

Trong mùa hè năm 2020, nhiều quốc gia đã chứng kiến ​​sự sụt giảm số ca mắc, nhập viện và tử vong do những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, vào cuối mùa hè, vào tháng 8/2020, biến thể Lambda lần đầu tiên được phát hiện ở Peru. Đến nay, biến thể này đã lây lan sang ít nhất 29 quốc gia, theo WHO.

Một tháng sau, biến thể Alpha lần đầu tiên được xác định tại Vương quốc Anh vào tháng 9/2020. Việc phát hiện ra các biến thể này rất có ý nghĩa, nó cho thấy virus đang tiến hóa. Kết quả là, các triệu chứng và kết quả bệnh đã thay đổi.

Với sự xuất hiện của các biến thể mới này, các trường hợp nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng trở lại ở nhiều quốc gia và tính đến ngày 29/9/2020, đã có 1 triệu ca tử vong do COVID-19.

Dữ liệu cho thấy hiệu quả của nhiều loại vaccine

Các loại vaccine COVID-19 đã được phát triển trong thời gian kỷ lục. Vào ngày 9/ 11/2020, các thử nghiệm đã chứng minh vaccine Pfizer có hiệu quả trên 90%, và vaccine Moderna cũng được chứng minh là có hiệu quả chỉ một tuần sau đó vào ngày 16/11. Một tuần sau, vào ngày 23/11, vaccine AstraZeneca cũng được chứng minh là có hiệu quả.

Ngay sau đó, biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 tại Ấn Độ. Lo ngại về khả năng lây lan nhanh của các biến thể mới đã buộc nhiều chính phủ một lần nữa phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn ở một mức độ nào đó.

Cuối cùng, vào ngày 31/12/2020, WHO đã ban hành xác nhận sử dụng khẩn cấp đầu tiên đối với vaccine COVID-19, biến vaccine Pfizer/BioNTech trở thành vaccine đầu tiên được đưa vào sử dụng. Việc xác nhận khẩn cấp được coi là một bước tích cực trong việc cung cấp vaccine COVID-19 trên toàn cầu - một bước cần thiết để chấm dứt đại dịch.

Kể từ đó, vaccine Moderna, vaccine Oxford/AstraZeneca và một số loại vaccine khác cũng đã được chấp thuận sử dụng và các chương trình tiêm chủng trên khắp thế giới bắt đầu có hiệu lực.

Tính đến ngày 27/4/2021, 1 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm. Việc tiếp tục triển khai vắc xin ở tất cả các quốc gia là rất quan trọng để kiểm soát đại dịch và ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.

Tất cả chúng ta có thể học được nhiều điều từ câu chuyện về đại dịch COVID-19, và nhiều bài học hy vọng rút ra sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm cũng như ngăn chặn các đại dịch tiềm ẩn trong tương lai.

Xem thêm:

Mẹ không chịu tiêm vaccine, bé 4 tuổi chết vì COVID-19

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/hanh-trinh-covid-19-tu-ca-ghi-nhan-dau-tien-den-dai-dich-va-no-luc-tiem-chung-vaccine-tren-toan-the-gioi-32132/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY