Tâm linh hôm nay

Hậu luận đại thừa khởi tín (P.3)

Hai mươi, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có sự xem nhẹ lao động chân chính, luôn tán thán ,mọi công việc lợi ích cho người và cho xã hội dù đó là các việc phật sự hay việc thế gian.

Tịnh - nhiễm huân tập

Bài trước là nói cái nghĩa “dày công tu hành”, của chư Phật , chư Tổ. Nghĩa ấy để đối trị với người hạn hẹp mà ngã mạn ngông cuồng, coi thường bậc tri thức, dễ dàng với Phật tổ. Bài này làm rõ cái nghĩa “Phật pháp bình đẳng” để khuyến khích người chất phác khởi lòng tin Đại Thừa sâu sắc, thấy an lạc trong con đường tu hành.

Lòng tin Đại Thừa là lòng tin vào tự lực và tha lực.

Tin vào tự lực là tin vào tự tâm có Phật tính sáng suốt và tin mình có thể thành Phật. Tin vào tự lực còn bao hàm lòng tin vào Thầy Tổ và các vị thiện tri thức trong đời hiện tại, bởi sự chỉ dạy của các vị trong đời hiện tại là những điều mình có thể nhận thức, tư duy, tiếp thu và kiểm nghiệm thực tiễn, tin vào sự chỉ dạy này chính là tin vào “chính kiến, chính tư duy” của mình vậy.

Tin vào tha lực là tin vào nguyện lực đại bi của chư Phật, chư Bồ Tát thường hằng gia hộ cho tất cả chúng sinh chưa từng ngơi ngớt, lại tin vào phương tiện không thể nghĩ bàn của chư Phật , chư Bồ Tát ( phương tiện Đại Thừa ) thường ứng hiện làm “thân bằng quyết thuộc hoặc oan gia trái chủ…” và tất cả những cành thuận nghịch của thế gian để trợ duyên cho chúng ta tinh tiến nỗ lực thực hành chứng đạo giải thoát.

Cơ sở của lòng tin Đại Thừa này được “Luận Đại Thừa Khởi Tín” chỉ ra là cái huân tập của tịnh chân như và nhiễm sinh diệt. Từ đây mà hiểu được tông chỉ đường hướng tư tưởng của ngài Mã Minh Bồ Tát thông qua bài tụng kinh lễ quy y.

Người hảo tâm cầu đạo, nhìn từ vô thỉ thấy mình niệm niệm sinh diệt tương tục, nói đến cái tướng của tâm sơ khởi thật là mờ mịt; hướng tới vô chung còn e nghiệp tạo lớp lớp che lấp chân như, nói tới cái “trí viên giác” dường như xa lạ. Tự tin tâm mình thật là khó lắm ! Nên biết, ngay trong hiện tại ( tâm niệm ) so với vô thỉ chẳng nói là gần, so với vô chung chẳng nói còn xa; nghiệp tạo vô lượng mà dẫu chỉ khởi được lòng tin Tam Bảo, chuyên tâm trì niệm kinh điển Đại Thừa cho đến chỉ một danh hiệu Phật, đấy đã là gieo trồng thiện căn từ trăm ngàn ức kiếp đức Phật vậy. Đấy cũng là cái nghĩa dùng thân hư huyễn mà tu pháp tam muội , dùng trí chúng sinh mà tùy thuận uyên giác vậy.

Các vị, ngày nay được thấy Phật nghe pháp (được gặp Phật pháp, tin kính Tam Bảo) hẳn là vô lượng đời trước đã gieo trồng thiện căn sâu dày. Lại thấy những người tuy chưa tin Phật nghe pháp mà làm việc tốt, tâm tính ngay thằng, giúp đỡ mọi người, thương yêu muôn vật, xả thân cứu đồng loại, tình cảm trong sáng, chí công vô tư… nên biết họ là những bậc thiện tri thức tùy thuận theo lương tâm của mình mà làm việc lợi ích, rất đáng để chúng ta tôn trọng tán dương vậy !

Theo nghĩa thế gian mà nói, con người có lương tâm, thuận theo sự mách bảo của lương tâm, cái lương tâm ấy chính là tâm chân như, trí thanh tịnh mà Phật – Tổ thường nói vậy. Cái chân tâm ấy chính là bản tính lương thiện, chính là tâm Phật. Con người, lời nói, hành động, suy nghĩ thường tương ưng với lương tâm ấy chính là thấy Phật, chứ thật Phật chẳng ở đâu xa. Con người bản tính lương thiện, “bất giác” mà tạo tội, theo luật pháp phải nghiêm trị đến khi hối hận có khi đã muộn. Vậy nên phải có các bậc thiện tri thức thường xuyên nhắc nhở, các Ngài lại lấy tự thân làm gương, không phải xa lạ mà công đức lớn lao. Người đời phải lấy đấy mà tôn kính bậc tu hành, chẳng được xem thường cũng như sùng tín mê muội vậy!

Các vị, cái lương tâm ấy thường ở trong mỗi chúng sinh, nay hiện mai ẩn nên gọi là sinh diệt, chẳng phải sinh diệt là cái nghĩa “không tốt”. Vì vậy “Luận khởi Tín” nói rằng : Phải ngay từ sinh diệt mà đi vào chân như môn.

Như Kinh có nói: “Ruồng khắp năm uẩn, uẩn sắc cũng như uẩn tâm và cảnh giới sáu trần, tất cả đều rốt ráo vô niệm vì tâm không hình tướng rốt ráo vô niệm…”. Chúng sinh cũng vậy, vì bị vô minh che lấp mê hoặc gọi là tâm niệm, nhưng tâm thật không động, nếu ra sức quan sát biết tâm mình vốn vô niệm liền được tùy thuận mà vào chân như môn.

Kinh Viên Giác dạy rằng: “Chúng sinh vì còn mê muội điên đảo, nên chưa diệt trừ được các tướng huyễn hóa. Vì chúng sinh vọng khởi công dụng để đối trị các tướng huyễn hóa, biết có những tướng huyễn hóa đã diệt và chưa diệt, nên mới có thứ lớp tu chứng sai khác. Nếu người được tùy thuận tính Viên Giác tịch diệt của Như Lai rồi thì không còn thấy cảnh tịch diệt và người tịch diệt nữa”.

Các vị, đấy là cái nghĩa “Phật pháp bình đẳng – mê là phàm, ngộ là Thánh”, chỉ vì không biết tự tính thanh tịnh, phiền não trước cảnh điên đảo của thế gian, cho là cái tướng huyễn hóa rồi lại nhọc công đi tìm phương pháp đối trị nên mới sinh ra thứ lớp tu hành. Bốn hạng tùy thuận tính Viên Giác chẳng ngoài một tâm chân như (ví như bốn tấm gương) nay nhắc lại ở đây :

Một, là phàm phu tùy thuận tính Viên Giác : Nhờ gặp thiện tri thức chỉ dạy, đoạn trừ vĩnh viễn các trần lao vọng lự thì biết pháp giới thanh tịnh, nhưng đối với tính viên giác thì chưa được tự tại vì còn cái biết thanh tịnh làm cho chướng ngại. Người như thế gọi là “phàm phu tùy thuận tính Viên Giác”.

Hai, là Bồ Tát ở vị tam hiền tùy thuận tính Viên Giác: Các vị này đoạn được cái chướng ngại “biết thanh tịnh” nhưng còn chấp nơi “giác” nên tính Viên Giác vẫn còn bị chướng ngại, không được tự tại. Bởi thế gọi là “Bậc Tam hiền tùy thuận tính Viên Giác”.

Ba, là Bồ tát lên thánh vị tùy thuận tính Viên Giác : Cái nghĩa “biết” (chiếu) và “giác” nên tính Viên Giác vẫn còn bị chướng ngại vì còn “năng” và “sở”. Bồ tát thường giác mà không trụ nơi giác “năng chiếu – sở chiếu” đồng vắng lặng. Bồ tát dùng tâm chướng ngại diệt trừ các chướng ngại, khi chướng ngại diệt hết không còn “người năng diệt”. Tất cả kinh giáo Như Lai đều như ngón tay chỉ mặt trăng. Những người biết nhìn theo ngón tay kinh giáo này mà thấy được “mặt trăng Viên Giác” thì gọi là “Bồ tát lên Thánh vị tùy thuận tính Viên Giác”.

Bốn, là Như Lai tùy thuận tính Viên Giác. Tất cả chướng ngại tức là cứu cánh giác, chính niệm hay vọng niệm đều là giải thoát hữu tình vô tình đều thành Phật đạo; tất cả phiền não là rốt ráo giải thoát, vì biển trí tuệ chiếu soi các tướng như hư không. Đây gọi là “Như Lai tùy thuận tính Viên Giác”.

Kết lại, Phật phó chúc cho chúng sinh khởi lòng tin kiên cố : “Cái gọi là Bồ Tát và chúng sinh đời sau, chỉ trong tất cả thời giờ không khởi vọng niệm phân biệt, đối với các vọng tâm cũng chẳng cần diệt trừ, ở các vọng tưởng cũng chẳng gia thêm phân biệt, ở nơi cảnh không rõ biết chẳng cần phân biệt chân thật, khi nghe đến pháp môn này không lấy làm lạ lùng và kinh hãi, lĩnh thụ và phụng trì thì gọi là người tùy thuận tính viên giác”.

Lại nữa : “Chúng sinh tùy thuận như thế là đã nhiều đời tu hành từng trồng rất nhiều công đức cúng dường các Đức Phật và các vị Bồ Tát nhiều như số cát song Hằng. Phật sẽ ấn chứng cho người này được “ nhất thiết chủng trí” (bản thể trung đạo).

Trên là vì những người chân thật ma nói cái nghĩa “Chúng sinh bình đẳng” cách Phật chẳng xa. Nay lại nương vào “Luận Khởi Tín” nói cái cơ sở của pháp tùy thuận là Tịnh-Nhiễm huân tập.

Sao gọi là huân tập? Bởi cái Tịnh chân như vốn không ô nhiễm, cái nhiễm vô minh vốn không có nghiệp thanh tịnh chỉ vì chân như huân tập nên có dụng thanh tịnh. Chân như với vô minh vốn nương vào nhau mà thành lập nên “ Tốt – Xấu chẳng nói”, bởi có tính huân tập này nên “Công-Tội phải bàn”, cũng người ngu kẻ trí chẳng nói ai tốt ai xấu.

Vì người trí thì hay lấy đó mà suy xét thói đời “tránh dở làm hay” , Kẻ ngu thì vì đó mà nao núng trước việc phải trái tập nhiễm thói hư tật xấu. Bởi cái nhiễm huân tập chân như nên có vọng tâm, bởi tâm tán loạn không rõ “định chân như”, khởi niệm phân biệt, hiện ra vọng cảnh. Vọng cảnh làm duyên, cho nên liền huân tập vọng tâm, khiến niệm ấy say đắm, tạo nghiệp này nghiệp khác rồi chịu mọi khổ cả thân lẫn tâm.

Những diễn biến hết sức tinh tế trong nội tâm con người nếu không dựa trên lý duyên khởi thì thật khó mà lý giải cho được. Đoạn trên nói về diễn biến của nhiễm huân, lấy vô minh làm nhân của cái nhiễm liền huân tập chân như sinh vọng tâm, rồi theo lý duyên khởi vọng tâm huân tập vô minh sinh vọng cảnh, vọng cảnh huân tập vọng tâm mà sinh nghiệp này nghiệp khác (pháp giới trùng trùng vô tận). Lý duyên khởi này cũng thể hiện rất rõ quan hệ biện chứng giữa hiện thực và con người. Theo triết học hiện đại : hiện thực phản ánh sinh động vào nhận thức của con người, con người tư duy trừu tượng đúc kết thành tri thức rồi lại dùng tri thức đó tác động cải tạo hiện thực nâng cao cuộc sống cải thiện xã hội.

Con người hay xã hội đều có hai mặt tích cực và tiêu cực, tích cực là những đức tính tốt, tiêu cực là những thói nhiễm xấu.

Đứng trên phương diện tiêu cực ( mặt hạn chế ) thì vọng tâm khởi nghiệp trùng trùng tạo mọi cảnh khổ.

Đứng trên phương diện tích cực, bởi có chân như huân tập vô minh khiến vọng tâm chán ghét khổ sinh tử mong cầu vui Niết Bàn. Vọng tâm ấy lại huân tập chân như, khiến chúng sinh tự tin nơi chính mình biết tâm vọng động tu phép lìa xa.

Triết lý Phật giáo quả thực đã phát huy tối đa phép biện chứng ( lý duyên khởi ) , vận dụng triệt để hai nguyên lý của phép biện chứng là “nguyên lý về mối liên hệ phổ biến” và “nguyên lý về sự phát triển”, để khái quát những quy luật về sự vận động và phát triển của pháp giới, đặc biệt là những diễn biến cực kì vi tế ( chủ yếu là trong nội tâm con người ).

Theo “Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến” : tâm con người được chia làm hai mặt chân như ( sáng suốt ) và vô minh ( sinh diệt ). Hai mặt này vừa tồn tại độc lập ( được phân tích theo hai chiều tịnh huân và nhiễm huân ) , lại vừa động qua lại chuyển hóa lẫn nhau : nhiễm vô minh huân tập tịnh chân như, tịnh chân như huân tập nhiễm vô minh, qua lại chuyển hóa lẫn nhau…

Theo “Nguyên lý về sự phát triển” : “Tịnh nhiễm tương tư” là nguồn gốc của sự phát triển nội tâm, đó là quá trình đấu tranh mâu thuẫn giữa thiện và ác, chính và tà ngay trong nội tâm con người. Phật giáo hoàn toàn khác với các tôn giáo duy tâm – thần giáo. Quan điểm duy tâm thần giáo thường tìm nguồn gốc của sự phát triển ở Thần linh , Thượng Đế hay các lực lượng siêu nhiên…

Sự phát triển trong nội tâm con người cũng được thể hiện theo quá trình vận động từ đơn giản đến phức tạp, từ tâm niệm vi tế đến pháp giới trùng trùng vô tận. Quá trình tương tác trong nội tâm con người từ bản lai lương thiện đến bất giác nhiễm ô, rồi quay trở lại tìm lại tự tính sáng suốt. Đây phản ánh tính chất vận động đi lên, vận động tuần hoàn, ( thậm chí đi xuống – đọa lạc ). Tuy nhiên xem xét cả quá trình, vận động đi lên là khuynh hướng chung cho mọi người. Được khẳng định rất rõ trong tư tưởng “Tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật”.

Mặc dù nội tâm con người được phân tích trên nhiều phương diện ( không phiến diện tức là chính kiến ) thì không thể không bám chắc vào tính thống nhất của tâm. Phật giáo luôn kiên nguyên tắc thống nhất của tâm trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm : tâm con người lúc ban sơ gọi là “nhất tâm” – Phật tính đầy đủ công đức vô lậu thanh tịnh ; ngay hiện tại gọi là “vọng tâm” ( với chúng sinh ) đầy đủ hai mặt thiện – ác , tích cực – hạn chế , thể chân như – tướng sinh diệt ; khi giác ngộ thì gọi là “chân tâm” – trí tuệ sáng suốt, thấy biết chân thật khắp pháp giới. Suy cho cùng bản chất của tâm vẫn thống nhất ở tính thiện !

Vọng tâm tuy không gọi là chân mà trong ấy chẳng mất tính thiện. Nghĩa huân tập của vọng tâm có hai loại :

Một, là phân biệt sự thức : đây là nương nơi chúng sinh phàm phu và nhị thừa mà nói, vì họ chán khổ sinh tử cho nên tùy theo khả năng của từng người mà dần dần xu hướng đạo vô thượng.

Hai, là huân tập của ý : Đây là nương vào Bồ tát mà nói vì hạng này phát tâm dũng mãnh mau đi đến Niết Bàn.

Phân biệt sự thức và ý tức là thức tương tục với chúng sinh được biết và cả năm thức ( nghiệp thức, chuyển thức, hiện thức, trí thức và tương tục thức ), năm thức này với Bồ Tát mới rõ. Bởi là thức nên tính vốn tịnh, khi huân tập vô minh ( chuyển hóa ) mới khiến phàm phu khởi tâm tu hành , Bồ Tát phát tâm dõng mãnh đều hướng tới đạo vô thượng vậy !

Chân như tuy chẳng động ( phân biệt ) mà trong ấy chẳng mấy tính linh động sáng suốt. Nghĩa của huân tập chân như có hai loại. Một, là huân tập của tự thể tướng. Hai, là huân tập của dụng.

Huân tập của “tự thể tướng” chính là huân tập của Phật tính tự trong tâm mỗi chúng sinh đều trọn vẹn. Bởi tính huân tập này mà chúng sinh khi nghe nói đến chân như – thanh tịnh khởi lòng tin đó là chân thật bản chất duy nhất của các pháp nói chung và của nội tâm mỗi người ( chúng sinh ) nói riêng. Sự huân tập của “tự thể tướng” này chính là cơ sở cho lòng tin vào “tự lực” vậy.

Huân tập của “dụng” chính là sự huân tập của Pháp bảo vậy ( tượng pháp, kinh chú…) , nhờ sự huân tập này mà chúng sinh lễ Phật thấy linh thiêng, tụng kinh trì chú thấy linh nghiệm từ đó mà khởi lòng tin chân thật vào nguyện lực đại bi của chư Phật , chư Bồ tát thường gia hộ cứu khổ cho hết thảy chúng sinh, lại tùy theo căn cơ của chúng sinh mà ứng hiện ra để giáo hóa trợ duyên cho người tinh tiến tu hành vậy. Đây chính là cơ sở cho lòng tin vào “tha lực”.

Mặc dù trong có Phật tính, ngoài có sự gia hộ nhưng không gặp thiện tri thức ( là “duyên” ) mà có thể tự mình dứt trừ phiền não để vào Niết Bàn thì đó là điều không thể được. Thiện tri thức tuy có phương tiện giáo hóa ( thuộc tính dụng ) nhưng không dễ thuyết phục người nghe, mà người nghe còn tư duy, kiểm nghiệm ( chính kiến – chính tư duy ) rồi mới quyết định lòng tin nên vẫn xếp vai trò của thiện tri thức vào nhóm huân tập của “tự thể tướng”.

Bởi Phật tính tự tâm mỗi chúng sinh đều đầy đủ nên đây là nghĩa Pháp thân bình đẳng của Như Lai. Pháp bảo thù thắng trang nghiêm là cái nghĩa báo thân của chư Phật, chư Bồ Tát (phàm phu biết đến qua hình, tượng…) do công phu tu tập ba nghiệp thanh tịnh mà thành (lời nói chân thật, thân tướng trang nghiêm, ý nghĩ lợi ích). Thiện tri thức tương ứng với tự thể tướng hẳn là bậc “như thật tu hành”. Phần phá vô mình, phần chứng pháp thân mới có thể chỉ đường dẫn lối cho chúng sinh thoát khổ sinh tử tới bến Niết Bàn vậy.

Đến đây là rõ cái nghĩa lý trong lời thệ nguyện quy kính Tam Bảo của ngài Mã Minh Bồ Tát :

Quy y Phật là quy y Pháp thân Phật.

Quy y Pháp là quy y Báo thân Phật.

Quy y Tăng là quy y bậc Bồ Tát “như thật tu hành”

Lại nữa: vì thuộc tính của “nhiễm” là sinh diệt biến đổi, thường tính của “tịnh” là thường hằng bất biến, chân thật, bởi thế từ vô thủy tới nay nhiễm huân tập không dứt, nhưng đến khi thành Phật thì dứt, tịnh huân tập cho tới tận cùng đời vị lai cũng không dứt. Đây là cái nghĩa Như Lai không trở lại làm chúng sinh nữa vậy.

Lại nữa: vì cái tịnh huân tập không dứt nên chúng sinh dù trôi lăn ba või sáu đường vẫn có ngày chán khổ sinh tử cầu vui Niết Bàn phát tâm vô thượng. Đây là lời giải đáp sâu xa về nguồn gốc của “Đại đạo” vậy.

Quy hướng Tịnh độ

Đạo pháp của Phật Tổ thật khó nghĩ bàn. Việc đáng làm thì làm, còn ở đó vẽ ý them lời nữa làm chi. Xét lại chẳng phải vì còn lòng thương tưởng sao? Mình còn như vậy, huống gì đức Thường Tịch Quang!

Bởi thế chi bằng cùng nhau niệm Phật cầu nguyện vãng sinh Tây Phương Tịnh Độ, diện kiến đức Phật A Di Đà. Há chẳng phải là hơn hết sao !

Những đặc điểm cơ bản về Phật giáo

1. Hoàn cảnh ra đời và lịch sử phát triển

2. Động cơ cứu khổ

Động cơ là nói về cái điều thúc đẩy khiến đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là thái tử Tất Đạt Đa khởi tâm xuất gia cầu đạo giải thoát. Sau này các đệ tử Phật có các cơ duyên xuất gia khác nhau, tựu chung lại vẫn lấy động cơ cứu khổ cho mình và người làm hảo tâm vậy. Động cơ xuất gia của thái tử Tất Đạt Đa thể hiện rất sâu sắc trong các sự kiện qua các lần du ngoạn của Ngài.

Theo cuốn “Đức Phật và Phật pháp” của trưởng lão Narada, khoảng chừng 8 tuổi, Thái tử cùng vua cha tham dự buổi lễ hạ điền truyền thống. Trong khi mọi người vui chơi ca hát, thái tử gặp hình ảnh những con trùng bị loài ếch ăn thịt, ếch bị rắn tha, rắn bị diều hâu cắp… Lại thấy những cảnh đói nghèo của người nông dân, vất vả của loài cày kéo… bất chợt cảm khái vô hạn ! Nếu như không phải một bậc Thánh nhân ra đời giàu lòng bác ái thì mấy ai trong chúng ta đã có chút ưu tư trước những cảnh “chúng sinh ăn thịt lẫn nhau” vẫn diễn ra thường ngày trước mắt vậy. Sự cảm khái trong tâm hồn vị thái tử nhỏ tuổi ấy sau này đã phát triển thành tâm từ bi vô lượng của bậc Đại Giác Ngộ, là đức tính cao thượng hàng đầu của tinh thần Phật đạo.

Qua các lần dạo chơi ngoài thành, Ngài lại được thấy những cảnh con người phải chịu sự chi phối của tuổi già, bệnh hoạn, và cái ch*t.

Lần 1, Ngài thấy một cụ già thân thể gầy ốm.

Lần 2, Ngài thấy người bệnh hoạn đau đớn than khóc rên siết.

Lần 3, Ngài thấy một thây ch*t nằm ngay giữa đường, ruồi nhặng bu quanh thân thể sình lên ghê ghớm.

Đây là những quy luật khắc nghiệt của một kiếp người cùng với hiện thực cuộc sống cùng cực của con người trong xã hội bất công giai cấp, đã nảy nở trong tâm hồn vị thái tử giàu sang quyền lực nỗi đau xót, lòng cảm thông vô hạn, ý chí xuất thế tìm con đường giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Đây quả thực là một nhân cách cao thượng vĩ đại tột cùng vậy. Có thể nói trên thế gian này thật không thể có một vĩ nhân nào có động cơ xuất thế cao thượng hơn Đức Thế Tôn vậy!

3. Tính chất nổi bật : Lòng Từ Bi

Nói tới đạo Phật, ai ai cũng nghĩ ngay đó là đạo từ bi. Trong bốn đức tâm vô lượng : Từ, Bi, Hỷ, Xả thì Từ Bi là đức tâm cơ bản nổi bật nhất, tiêu biểu của tinh thần Phật giáo. Lòng từ bi là khởi nguồn của “Đạo”, là đường hướng của đạo và là tiêu chuẩn để người học đạo tự soi xét mình.

“Từ Bi” theo nghĩa cơ bản là ban vui cứu khổ, lòng từ bi của nhà Phật không có hạn lượng mà đến với tất cả chúng sinh khắp các cõi, không phân biệt già trẻ, nam nữ, sang hèn, đẳng cấp, chủng loại, giống loài…

Vì vậy mà có cái nghĩa là từ vô lượng và từ bi lượng

4. Tư tưởng chủ đạo: Trung Đạo

Tư tưởng trung đạo được hình thành khi Đức Thế Tôn từ bỏ hai thái cực “khắc kỷ quá độ” và “lợi dưỡng thái quá”. Phủ định cả định lạc và khổ hạnh. Bằng trí tuệ sắc bén, bằng phép quán trung đạo duyên khởi, Ngài đã hoàn thành được chính giác viên mãn.

Thực chất của trung đạo duyên khởi là sự thống nhất giữa chân lý và đức hạnh (đạo lý), dựa vào chân lý mà phát khởi đức hạnh, nương vào đức hạnh mà thể ngộ chân lý. Chân lý và đức hạnh thống nhất dung hòa, đạt đến lý và trí, trí và hành đều đầy đủ. Đó cũng là mục đích cao cả của Phật pháp.

Về sau trung đạo được phát triển thành một hệ thống lý luận (trung đạo luận) với tư cách là “đệ nhất nghĩa đế” phá trừ tất cả những biên kiến thiên chấp của ngoại đạo, phàm phu nhằm hiển bày nghĩa lý chân thật nhất phù hợp nhất của tất cả các pháp.

Trung đạo thông suốt cả pháp thế gian và xuất thế gian. Người tu hành trung đạo một cách thực tiễn thì có thể thấu suốt được thể tính của các pháp , tức là hiển lộ được Pháp thân bình đẳng của Như Lai.

5. Mục đích tối hậu : Giải Thoát .

Mục đích tu hành của đạo Phật được xác định ngay khi Đức Thế Tôn lập chí xuất gia là giải thoát cho mình và người thoát khổ.

“Giải thoát” theo tinh thần Phật giáo không phải là sự trốn tránh hiện thực, mong cầu vào một thế giới riêng khác, “Giải thoát” theo tinh thần Phật giáo có thể nói theo hai nghĩa tiêu biểu là “Giác Ngộ” , hay “Chứng Niết Bàn”.

Nghĩa của “Giác Ngộ” được thể hiện qua bốn trí: Đại viên kính trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí. Bốn trí này được thể hiện sự thống nhất giữa lý và trí, trí và hành, bốn trí này được xây dựng trên cơ sở tám thức vốn đầy đủ trong mỗi con người hiện thực, do nỗ lực tu hành mà thành tựu, hoàn toàn không mang sắc thái toàn năng của các lực lượng siêu nhiên.

Nghĩa của “Niết Bàn” được thể hiện qua bốn đức “Thường – Lạc – Ngã – Tịnh”. Đức Phổ Tuệ viết: “Thấu suốt quá – hiện – vị lai không đổi là thường. Ở mọi nỗi khổ không ngại gọi là lạc. Ở Thánh phàm mà không chấp gọi là ngã (chân ngã), qua 9 tướng mà không nhiễm gọi là tịnh”. Người tu hành đến quả Phật rồi thì được bốn đức Niết Bàn này. Với nghĩa “Niết Bàn” này thì “Giải Thoát” trong tư tưởng Phật giáo rõ ràng không phải là sự trốn tránh hiện thực mà là sự tồn tại trong hiện thực một cách hoàn thiện nhất.

Với cả hai nghĩa này, có thể hiểu “giải thoát” trong tư tưởng Phật giáo chính là sự hoàn thiện nhân cách và cải tạo hiện thực cuộc sống một cách phù hợp nhất.

6. Phạm vi phổ biến.

Phạm vi phổ biến : hữu tình, vô tình.

Phạm vi trọng tâm : các loài hữu tình.

Đối tượng chính yếu : con người.

Phạm vi phổ biến là muốn nói tới phạm vi tế độ của Phật pháp. Theo tinh thần Phật giáo : hữu tình – vô tình đồng pháp tính, hết thảy chúng sinh đều có Phật tính. Vì vậy mà Pháp giới viên dung, chúng sinh bình đẳng trong biển “Tỳ Lô Tính Hải” của Như Lai.

Đức Phật thị hiện cõi Sa Bà lấy con người làm đối tượng độ thoát chính yếu. Bởi con người có đức kham nhẫn và ý chí mạnh mẽ trên con đường cầu đạo giải thoát.

7. Lực lượng nòng cốt: Tăng Đoàn.

Tăng đoàn là lực lượng nòng cốt phụng hành Phật pháp. Tăng đoàn có hai vai trò chính yếu là trụ trì Phật pháp và tổ chức tu học.

Với vai trò trụ trì Phật pháp : Tăng đoàn là lực lượng nòng cốt cùng với sự phù trợ của hộ pháp chư thiên, nhân, long, thần… Phật pháp được duy trì và phát triển ở đời. Sự tồn tại của Tăng đoàn khiến giữ gìn bản chất của Phật pháp suốt quá trình phát triển.

Với vai trò tổ chức tu học : Tăng đoàn hòa hợp, giới luật nghiêm minh là môi trường thuận lợi nhất cho người xuất gia cầu đạo. Người xuất gia cầu đạo cần có một môi trường an ổn và khuôn khổ rèn luyện thân tâm làm cơ sở vững chắc trên con đường tu học đạo giải thoát.

Sự tồn tại của Tăng đoàn hòa hợp, an lạc, thanh tịnh còn là minh chứng khẳng định tính đúng đắn tích cực lý tưởng của cộng đồng Phật giáo trong xã hội hiện đại.

8. Giáo nghĩa trọng yếu: Tam Pháp Yếu.

Tam pháp yếu : các hành vô thường, các Pháp vô ngã, Niết Bàn tịch diệt.

Tam pháp yếu còn gọi là tam pháp ấn, là tiêu chuẩn để nhận định một vấn đề ( từ chủ thuyết cho tới hành vi ) có phải là chánh pháp (Phật pháp) hay không . “Pháp” là lý tính phổ biến, “Ấn” là y vào lý tính ấy mà chứng thực là rốt ráo chính xác, dựa vào ba pháp ấn đó để ấn chứng, ấy gọi là Phật Pháp.

Ba pháp ấn là cùng một pháp duyên khởi mà thể ngộ ra ba tính, có mối liên hệ mật thiết, chứ không thể chia tách một cách máy móc được.

Đức Phật thường dẫn dắt các vị Tỷ khiêu quán thông ba pháp: Năm uẩn là vô thường , vô thường là khổ, khổ là pháp biến dịch không phải ta, không phải của ta cho nên vô ngã” . Quán thông vô thường, vô ngã thì tâm cảnh vắng lặng, chứng đặng Niết Bàn giải thoát vậy. Niết Bàn vắng lặng là “chân không, diệt hữu”, là Pháp tính của muôn Pháp vậy !

Duy chỉ có Niết Bàn là không tương ưng với duyên khởi, là nghĩa “không” rốt ráo, tịch diệt.

Bởi ba pháp ấn chân thực cho hết thảy các pháp, do đó tự thân của hữu tình cũng vô thường, vô ngã, vắng lặng. Thấu suốt được ba pháp ấn cũng là thấu suốt được nguồn tâm, cũng gọi là “cứu kính giác” vậy. Với căn trí phổ thông, Phật dạy tuần tự quán ba pháp làm thứ lớp tu hành. Với bậc lợi căn lợi trí, Phật chỉ pháp nhất tâm tam quán hiển bày lý trung đạo, là cứu cánh liễu nghĩa.

Cơ sở của pháp quán thông ba ấn là ở bản tính “không – vô ngã” của Pháp duyên khởi. Bởi tính không – vô ngã mà sự sinh khởi của các pháp là huyễn khởi, hoàn diệt là huyễn diệt, sinh diệt vô thường mà xưa nay vốn vắng lặng, cho nên sự chứng đắc Niết Bàn là sự hiển bày thực tướng của các pháp. Ba pháp ấn cùng một tính không mà chẳng phải là cái không đoạn kiến vậy !

9. Giáo nghĩa căn bản : Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên.

“Tứ diệu đế” là bốn pháp chân thật không hư dối, là pháp tu của Thanh Văn. Tứ diệu đế là : Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

Khổ là quả khổ của sống ch*t. Tập là nhân của nghiệp mê hoặc : Hai nghiệp là pháp của thế gian.

Diệt là quả vui Niết Bàn. Đạo là nhân vui đạo phẩm. Hai nhân quả này là pháp xuất thế gian.

Tứ diệu đế cốt để dạy chúng sinh chán khổ dứt tập nhân, mến diệt khổ, vui tu đạo.

“Thập nhị nhân duyên” là mười hai chi hữu từ vô minh tới già ch*t do duyên khởi mà thành. Từ vô minh duyên tới hành động, hành động duyên tới nghiệp thức, nghiệp thức duyên tới sắc chất và danh từ, sắc chất duyên tới sáu nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập) , sáu nhập duyên tới tiếp xúc, tiêp xúc duyên tới chấp nhận, chấp nhận duyên tới yêu muốn, yêu muốn duyên tới giữ lấy, giữ lấy duyên tới có phần (hữu), từ hữu mà có sinh, có sinh ắt phải có già ch*t vậy.

Mười hai nhân duyên này gồm cả nhân quả ba đời theo lý duyên khởi không bao giờ thôi nghỉ.

Chúng sinh thuận dòng lưu chuyển là sinh tử.

Duyên Giác ngược dòng lưu chuyển là môn hoàn diệt.

Bồ Tát rõ tính không – duyên khởi, luôn vắng lặng cho nên Tâm Kinh dạy rằng : Không có vô minh, cũng không có vô minh hết, cho đến không già ch*t, cũng không có hết già ch*t.

10. Cơ sở lý luận : Thuyết Duyên Khởi.

Cơ sở lý luận là nói tới cơ sở của các pháp quán. Một thuyết duyên khởi theo trình độ mà chia làm nhiều chủ thuyết, đều thống nhất ở ba nguyên lý :

Chủ thuyết :

-Nghiệp cảm duyên khởi.

-A – lại – da duyên khởi.

-Chân như duyên khởi.

-Lục đại duyên khởi.

-Pháp giới duyên khởi.

-Như Lai tạng duyên khởi

-Trung đạo duyên khởi …

Các chủ thuyết duyên khởi đều thống nhất ở ba nguyên lý : Đối đãi, dung thông, như thị.

Vì nương vào nhau mà thành lập nên gọi là đối đãi.

Vì đồng một tính không nên gọi là dung thông.

Vì các pháp vốn như vậy nên gọi là như thị.

11. Phương pháp luận : Nhân Minh Luận.

“Nhân minh luận” là phương pháp lý luận và đức Phật và Thánh Tổ sử dụng để bác các ngoại đạo tà giáo, xiển dương chính lý. Trước Phật Thích Ca, phương pháp lý luận này đã được các trường phái sử dụng hiệu quả và được công chúng thừa nhận đủ tính thuyết phục, vừa đúng lý, vững chắc, vừa có quy tắc.

Sau Phật nhập diệt, hai vị luận chủ Mã Minh, Long Thọ sưu tập lại phân làm năm phần : Tông, nhân, dụ, hiệp, hết. Về sau Ngài Trần Na Bồ Tát cải cách, thành lập “nhân minh luận” gồm ba phần : Tông, nhân, dụ.

Lập thuyết là “Tông”.

Giải thích rõ rang là “Nhân”.

Thí dụ thích đáng là “Dụ”.

Người muốn xiển dương chính pháp không thể không xem tới.

12. Phương pháp tu học.

Đức Phật tùy theo trình độ căn cơ của hàng tín đồ mà chỉ ra các phương pháp tu hành khác nhau. Người tu học y theo lời chỉ dạy của Phật : tổ làm đức hành của mình để tiến tới giải thoát chân chính.

Đối với tín đồ tại gia phương pháp tu hành chủ yếu là đầy đủ năm pháp (ngũ pháp cụ túc).

Ngũ pháp cụ túc bao gồm :

“Tín cụ túc” : đầy đủ chính tín với Tam Bảo.

“Giới cụ tục” : giữ đủ năm giới, ngoài ra còn có “Bát quan trai giới”.

“Thí cụ túc” : đầy đủ tâm hoan hỷ bố thí bình đẳng.

“Văn cụ túc” : nghe pháp để có được chính kiến.

“Tuệ cụ túc” : nương theo pháp, thực hành đúng như pháp để có được chân đế.

Ngoài “ngũ pháp cụ túc” tín đồ tại gia thường tu them “tứ vô lượng tâm” : Từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, hoặc tu tam niệm ( niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng ) ; hoặc tu “lục niệm” (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên) .

Đối với hàng xuất gia lấy tinh thần lục hòa và ba tăng thượng học (giới, định, tuệ) làm nền tảng tu hành. Lục hòa là sáu phép hòa kính : thân hòa kính, khẩu hòa kính, ý hòa kính, giới hòa kính, kiến hòa kính, lợi hòa kính.

Về chính đạo giải thoát lấy “bát chính đạo” làm căn bản, nội dung của “bát chính đạo” là ba tăng thượng học (giới, định, tuệ). Bát chính đạo gồm : chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính niệm và chính định.

“Ba tăng thượng” học là : giới, định, tuệ. Theo thứ lớp mà nói : từ giới sinh định, nhờ định mà phát tuệ.

Theo tinh thần trung đạo, ba môn giới, định, tuệ chẳng rời nhau vậy.

Riêng đối với tuệ, muốn thực chứng trí tuệ vô lậu phải lấy văn – tư – tu làm phương tiện. Đây là nương vào thầy mà có ba tuệ văn – tư – tu. Việc nương theo thầy tu học, Phật lại chê tứ y làm cơ sở:

Một là y pháp bất y nhân: nương vào pháp không nương vào người

Hai là y nghĩa bất y ngữ: nương vào nghĩa không nương vào lời.

Ba là y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa: nương vào nghĩa chân thật, rốt ráo, không nương vào sự tướng phương tiện.

Bốn là y trí bất y thức: dựa vào trí tuệ không dựa vào ý thức cảm tính cá nhân.

“ Bốn y “ này làm chuẩn mực của việc tu học.

Các pháp quán tuệ có thể đưa đến giác chứng như thực, có thể kể đến: quán tứ niệm xứ, quán tứ đế, quán duyên khởi…và pháp quán trọng yếu nhất là quán thực tướng ba giải thoát môn: không, vô tướng, vô nguyện. Đây là pháp quán môn tam pháp ấn: nương vào vô thường thành tựu vô nguyện môn, nương vào vô ngã thành tựu không môn, nương vào Niết Bàn thành tựu vô tướng môn.

Đối với hàng Bồ-tát thì y chỉ vào “tam tâm” mà tu “lục độ vạn hạnh”, từ hạnh lợi tha mà thành Phật vậy.

“ Tam tâm” gồm:

Một, “ Đại Bi vô thượng thủ”: tức lấy đại bi làm đầu, cứu độ hết thảy chúng sinh, thực hành tự lợi, lợi tha viên mãn.

Hai, “Nhất thiết trí tương ứng tác ý” đó là ý chí phát tâm vô thượng chính đẳng, chính giác vậy.

Ba, “ Vô sở đắc vi phương tiện”, bởi “không tuệ” của Bồ-tát được thể ngộ, từ trong “hữu nhất thiết duyên khởi”, lại cùng bi nguyện lớn lao do đó “không làm mà vẫn làm” (vô sở vi nhi vi).

Nương vào tam tâm để tu lục độ: độ bá thí, độ trì giới, độ nhẫn nhục, độ thiền định, độ trí tuệ, độ từ bi.( theo đức Phổ Tuệ).

Ngoài ra môn “Tổ sư Thiền” còn có các phương pháp trực chỉ nhân tâm hết sức huyền diệu.

20 ĐIỀU HIẾM CÓ NƠI ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THƯỢNG THANH HẠ BÍCH.

Thời gian ba năm tôi được thân hầu Đức Trưởng Lão Hòa Thượng không phải là nhiều, tâm lượng rộng lớn của Đức Trưởng Lão chẳng phải là chỗ mà tôi có thể suy lường được. Tuy nhiên những điều mà tôi mắt thấy tai nghe thường ngày nơi Đức Trưởng Lão quyết không phải là cường điệu.

Sinh thời, đức Trưởng lão Hòa thương hay "xoa đầu" những phật tử đến dảnh lễ Ngài

Nay lược nói 20 điều hiếm có nơi Đức Trưởng Lão đề người sau lấy đó mà suy xét, biết cổ đức tu hành thận trọng ba nghiệp, chẳng phải cầu cạnh ở sự kiện bất thường mà có được cảnh giới tự tại của bậc như thật tu hành vậy.

Một, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có lời nói thô tục.

Hai, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có lời nói tiếu nhạo.

Ba, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có lời chỉ trích ác ý.

Bốn, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có lời nói dối, hoa mĩ.

Năm, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có lời ngụy biện.

Sáu, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có lời nói lỗi người.

Bảy, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có sự sai bảo kẻ khác như kẻ hầu người hạ.

Tám, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc tự ưu tiên mình, tự đề cao địa vi của mình.

Chín, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc tự mua sắm hay khuyến khích người khác cúng dàng cho mình những thức quý, hiếm, tốt, đẹp, bổ, sang, trọng…

Mười, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có sự lãng phí dù chỉ một mẩu bánh mì.

Mười một, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có sự xao động trước các sự kiện lớn nhỏ xảy ra.

Mười hai, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc tự khen mình dù chỉ trong ý tứ lời nói.

Mười ba, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc làm phiền nhiễu người khác, dù với thị giả chuyên trách.

Mười bốn, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc cổ sát.

Mười lăm, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc ăn các thức ăn từ sinh vật có tri giác biết đau đớn, oán hận, yêu ghét, tham sống sợ ch*t…

Mười sáu, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc giải đãi, buông thả. Tới khi Ngài đã 100 tuổi vẫn tinh tiến tu hành.

Mười bảy, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc sơ ý thất kính mỗi khi kiến Phật, diện Tổ, xem Kinh và đối trước đại chúng.

Mười tám, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có việc gián đoạn chính niệm thể hiện qua lời nói việc làm đều rất tự tại phù hợp.

Mười chin, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có sự phân biệt giữa người thân cận với kẻ xa cách, người cao sang với kẻ thấp hèn, người khôn ngoan với người kém cỏi, người trọng đạo với người ngoài đạo.

Hai mươi, ở nơi Đức Trưởng Lão hiếm có sự xem nhẹ lao động chân chính, luôn tán thán ,mọi công việc lợi ích cho người và cho xã hội dù đó là các việc phật sự hay việc thế gian.

Hai mươi điều hiếm có nơi Đức Trưởng Lão Hòa Thượng chẳng phải là những điều kỳ bí, siêu phàm vậy mà kẻ thân hầu tôi chưa học trọn được lấy một điều, thực vô cùng hổ thẹn. Thế mới hay Thánh-phàm xa khác chẳng ngoài ba nghiệp thanh tịnh vậy.

Kính ghi

Tiểu chùa Thích Tuấn Minh

Viết xong ngày 03/12/Giáp Ngọ.

Vô thủy chúng sinh bình đẳng

Tận lai chư Phật đồng đẳng.

Thích Tuấn Minh

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/hau-luan-dai-thua-khoi-tin-p3-d17196.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY