Sức khỏe hôm nay

Hãy dạy con gái cách giữ mình

(SKGĐ) Là cha mẹ, bạn cần biết những điều nên và không nên khi trò chuyện với con gái về an toàn tình dục để hướng trẻ đến một lối sống lành mạnh và an toàn trong tương lai.

Ảnh minh họa

Dưới đây là những điều nên và không nên khi bạn đề cập chủ đề nhạy cảm này với con gái được các chuyên gia tâm lý chia sẻ:

NÊN:

1. Thường xuyên cập nhật kiến thức của bạn

Trước khi trò chuyện, chia sẻ với con gái, bạn nên tìm hiểu kỹ các thông tin chính thống về tình dục an toàn, phương pháp tránh thai khoa học và tâm lý tuổi dậy thì… để giúp trẻ có thêm kiến thức và hiểu về tình dục lành mạnh.

2. Trò chuyện với con gái sớm hơn

Độ tuổi từ 6-7 tuổi trẻ đã biết tò mò qua những gì chúng nghe hay nhìn thấy qua tivi, internet hay được bạn bè cho xem. Nhiệm vụ của bạn là giải đáp những tò mò của trẻ nhưng một cách phù hợp với lứa tuổi. Nếu bạn nói với trẻ từ sớm thì chủ đề này không còn khó nói hay điều gì đó cấm kỵ sau này.

Có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng việc trò chuyện về tình dục không khiến trẻ muốn quan hệ sớm. Vì thế, bạn có thể yên tâm và chọn cách chia sẻ phù hợp với lứa tuổi của trẻ sớm nhất có thể.

3. Cởi mở chia sẻ quan điểm của bạn

Bạn nên cởi mởi và thoải mái chia sẻ về niềm tin, quan điểm của mình với con gái. Nhưng không nên áp đặt quan điểm đó mà hãy để trẻ tự đưa ra quyết định cho mình.

4. Thường xuyên trò chuyện với con gái

Không phải chỉ chia sẻ với trẻ một lần là đủ, mà bạn nên giới hạn những điều có thể chia sẻ theo độ tuổi phù hợp với trẻ. Đồng thời, sự chia sẻ nên được duy trì thường xuyên và mở rộng hơn theo thời gian. Hãy dần hình thành cách nghĩ và cách sống lành mạnh cho con mình.

KHÔNG NÊN:

1. Không chia sẻ quá nhiều

Trẻ con có nhiều tò mò mà khi được giải đáp chúng sẽ càng muốn biết nhiều hơn nữa. Nhiệm vụ của bạn là giải đáp những thông tin cơ bản về giới tính và phù hợp với độ tuổi của trẻ, vì thế, bạn không nên đi sâu vào chuyện cá nhân của mình hay một ai đó.

Bạn có thể đề cập đến một bài báo hoặc một điều gì đó khi gia đình đang xem trên tivi để giải thích cho trẻ hiểu.

2. Không tỏ ra ngần ngại

Trẻ con thường bị ảnh hưởng nhiều bởi cha mẹ và những người thân xung quanh, vì thế, nếu bạn tỏ ra ngần ngại về vấn đề này thì trẻ cũng cảm thấy xấu hổ khi đề cập.

Hãy luôn cởi mở và thẳng thắn để trẻ cảm thấy thoải mái và dễ dàng trao đổi với bạn hơn.

3. Không nên cánh báo hay trừng phạt

Việc cảnh báo với trẻ về những hậu quả có thể xảy ra nếu có chuyện đó ngoài ý muốn khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, không dám trò chuyện với bạn về vấn đề này và có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Thay vì cảnh báo những hậu quả có thể xảy ra, tại sao bạn không trang bị kiến thức giới tính và những biện pháp an toàn cho trẻ để trẻ tự tin và biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.

Hằng Ni

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/hay-day-con-gai-cach-giu-minh-19936/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY