Tất cả vì con
Vợ chồng tôi có với nhau hai mặt con đều ngoan hiền, cuộc sống êm đềm không nhiều sóng gió. Những tưởng hạnh phúc gia đình chỉ cần có thế, chỉ cần sớm tối bên nhau, mọi khó khăn cũng đều đã từng nếm trải. Nhưng rồi khi phát hiện anh đang lừa dối, thế giới quanh tôi gần như đổ vỡ. Đau vì bị phản bội, buồn vì không thể giữ hạnh phúc gia đình, và sợ con cái bị tổn thương.
Nhìn cảnh những cặp vợ chồng sau khi chia tay thì quay ra chán ghét, thù hằn nhau mà tôi sợ. Trong chuyện này, rõ ràng người có lỗi là anh. Nhưng tôi không muốn hình ảnh người cha hoàn hảo, tận tâm, chu đáo trong lòng hai đứa con suốt bao năm qua sụp đổ. Tôi cũng không muốn chúng lớn lên thiếu đi sự thương yêu, chăm sóc của cha. Nén tức giận, tôi đã nói chuyện thẳng thắn với anh. Dù thế nào, “anh đã từng là chồng tôi”, là người tôi yêu và tôn trọng. Và điều quan trọng nhất vẫn là tương lai của các con. Tôi trao đổi với anh về việc chuẩn bị tâm lý cho bọn trẻ.
Anh đã hỏi tôi: “Tại sao em không oán giận, không chửi mắng?”. Tôi chỉ cười buồn: “Như vậy thì giải quyết được vấn đề gì? Điều em quan tâm nhất lúc này là làm sao cho tụi nhỏ ít bị tổn thương nhất…”. Thay vì dày vò, trách cứ anh, tôi đã chọn các con. Cùng gọi các con lại, chúng tôi giải thích: “Bố mẹ không thể ở chung với nhau được nữa. Nhưng bố mẹ vẫn luôn yêu các con”.
Khoảng thời gian hụt hẫng nhất với cả tôi và hai con là lúc chờ hoàn tất thủ tục từ tòa án. Nặng nề và đau đớn. Thật khó khi phải đối diện nhưng tôi vẫn giữ thái độ vui vẻ với anh trước mặt các con. Tôi không hề muốn các con nghĩ rằng: “mình đã không còn cha”. Và cũng từ đó, mặc cảm của người có lỗi trong anh cũng vơi dần. Anh gần gũi với các con hơn. Anh lau nước mắt cho chúng khi chúng khóc, động viên, dặn dò các con và hứa sẽ thăm chúng thường xuyên. Tôi biết anh luôn yêu tụi trẻ. Dù anh không còn là chồng tôi, nhưng vẫn là cha của hai con tôi.
Thời gian cứ trôi, vết thương cũ dù còn âm ỉ nhưng đã không còn rỉ máu. Đều đặn mỗi tháng anh vẫn ghé thăm các con, và gửi tiền chăm lo cho chúng. Anh luôn thể hiện trách nhiệm đủ đầy của một ông bố cả về vật chất lẫn tinh thần. Ừ, thì đã đành đứt gánh, nhưng bọn trẻ vẫn nhận được tình yêu thương của cả mẹ lẫn cha, cho dù chẳng sống chung một mái nhà. Mai này lớn lên các con sẽ hiểu, có những chuyện người lớn cũng chẳng thể giải thích được. Có những sự việc dù không muốn nó vẫn xảy ra và ta phải đón nhận nó. Sau bao nhiêu thay đổi, tôi vẫn cảm ơn anh, người cha của các con tôi.
Hạnh phúc là thứ tha
“Người ta nói ba con là một thằng khốn! Tại sao con lại có một người ba như vậy? Tại sao chứ? Con ghét ba!”.
Cánh cửa phòng con đóng sầm trước mắt má. Má biết con gái má đang giữa độ tuổi nhạy cảm và rất dễ xúc động. Vậy mà con đã phải chịu đựng một cú sốc tinh thần quá lớn, tan vỡ. Chúng ta đã từng rất hạnh phúc phải không con?
Một gia đình giàu có với ba là giám đốc một công ty, má là bác sĩ. Con hay cười, hay làm nũng ba rồi vòi vĩnh má. Má thường đùa, vì con là con một nên ba má cưng con quá rồi. Má nhớ cái bĩu môi dễ thương và nụ cười vô âu lo của con khi đó. Nhưng rồi công việc làm ăn của ba xuống dốc. Ba hay cáu, hay đánh má và quát con. Ngày ngày ba con chìm trong men rượu.
Rồi công ty phá sản, ba con thành kẻ trắng tay. Tất cả diễn ra nhanh đến mức má cảm giác mình chưa nhận thức được chuyện gì đang diễn ra xung quanh. Má luẩn quẩn trong vòng rối tơ vò mà vô tình quên mất con, người đang phải chịu đau đớn kép. Má đã mất phương hướng và hoàn toàn sụp đổ khi ba đưa má tờ đơn ly hôn. Má hỏi tại sao? Má cũng muốn biết tại sao lắm. Ba con chỉ lắc đầu, và má hiểu chẳng thể níu giữ lại được gì nữa.
Chắc con đã rất đau lòng khi được tin ba tái hôn với một người phụ nữ giàu sang khác. Má đã nghĩ như vậy là hết thật rồi.
Nhưng con biết không, người nâng má dậy không ai khác chính là ba của con. Má đã từng nghĩ sẽ không nhìn mặt ba nữa. Má đã rất hận ba và cũng đã từng nghĩ sẽ không bao giờ để con gặp lại người ba không xứng đáng như thế, không bao giờ nhận một đồng xu nào từ người đàn ông tồi tệ ấy. Nhưng ba đã nói với má rất nhiều, đã giải thích cho má rất nhiều về tương lai và hạnh phúc của con. Má đã hiểu, má đã sai rồi. Má chẳng thể ích kỷ để con lớn lên mất cân bằng và trong hận thù như thế. Má biết, con nghĩ con ghét ba. Nhưng điều đó không đúng.
Ba đề nghị được chung tay nuôi nấng con, được chăm sóc con, cho con một gia đình dù không cùng chung một mái ấm. Ba má không còn là vợ chồng nhưng vẫn là bạn bè con à. Ba má vẫn có những người bạn chung, vẫn chia sẻ với nhau những khó khăn trong công việc, trong kinh tế và nhất là vẫn rất yêu con.
Má đã rất vui khi ngày qua ngày thấy con cười nhiều hơn. Con đã ngóng ba đến đón đưa con đi học, đi họp phụ huynh cho con, đã nhắc đến ba với giọng nói tự hào và vui mừng khi nhận được quà của ba, giống như trước. Má biết con của má đã dần vượt qua được cú sốc tâm lý và dần lấy lại cân bằng.
Chúng ta vẫn là một gia đình cho dù ba đã có gia đình khác. Con đã biết tất cả không như những gì con nghĩ phải không? Ba sẽ vẫn luôn yêu con vì ba mãi mãi là ba của con. Cho dù gia đình mình không còn đúng nghĩa là một gia đình, nhưng má thấy hạnh phúc. Rồi biết đâu đến một ngày, má sẽ tìm được một người khác, một chỗ dựa vững chắc để trao niềm tin. Nhưng má chắc chắn rằng, nụ cười của con, sự trưởng thành của con là điều quan trọng nhất trong cuộc đời ba má.
Giữ hình ảnh trong mắt con 1. Đừng bỏ đi trước khi chính thức ly hôn. Đây là khoảng thời gian bạn cần gần gũi nhất với con, an ủi và động viên con, giải thích cho con hiểu những gì đang xảy ra và sẽ xảy ra. 2. Đừng nói xấu bố/mẹ bọn trẻ. Nói xấu người kia chỉ khiến hình ảnh của bạn trong mắt con xấu đi hơn. Bạn sẽ trở thành một người ích kỷ và nhỏ nhặt trong mắt con. 3. Trút giận vào con là điều cấm kỵ. Đánh mắng con là sai lầm lớn nhất. Hành động này có thể giúp bạn hả giận trong giây lát nhưng nó lại là những vết hằn tâm lý khó có thể xóa nhòa trong suy nghĩ của con trẻ. 4. Không xem con là một món hàng: Không ép buộc mà nên tôn trọng ý kiến của con. 5. Đặt quyền lợi của con lên trên tự ái bản thân. Cùng bàn bạc với đối phương về việc chăm sóc con. Đó là cách tốt nhất để tạo dựng nhân cách cho con và giúp con bớt chơi vơi khi gia đình chia cắt. |
Bảo Bình
Chủ đề liên quan: