Tình yêu và giới tính hôm nay

Hãy “phớt lờ” nỗi buồn!

(SKGĐ) Chúng ta đã quen với việc khóc lóc, sầu ai mỗi khi có chuyện buồn. Thế nhưng, hãy thử làm điều ngược lại, biết đâu chúng sẽ giúp ích cho chúng ta.

Tiệc mừng ly hôn

Người ta vẫn coi, chia tay trong tình yêu là một điều vô cùng đau đớn, đặc biệt những người đó đã là vợ chồng, sống chung một mái nhà, có con cái. Nhưng cuộc sống không phải là một giấc mơ, một ngày nào đó bạn đã quyết định ly hôn vì cả hai không giữ được nhau hoặc tình yêu không còn nữa thì kéo dài cuộc hôn nhân này chỉ làm khổ nhau mà thôi. Vậy, sao bạn không nghĩ, khi được chia tay nhau rồi, lẽ ra đó phải là niềm vui?

Lâu này, dường như có một mặc định rằng đây là chuyện đau lòng và phải buồn thì mới đúng điệu. Do đó, nếu bạn ăn mừng vì ly hôn với chồng, chắc nhiều người sẽ cho rằng thần kinh bạn có vấn đề. Không sao, nếu bạn có ý định đó thì hãy thực hiện đi vì xu hướng ngày nay đang thay đổi, nhiều nơi trên thế giới, người ta đối diện với chuyện này bằng những tiếng cười, những lời nói chúc phúc, những tấm bưu thiếp, những bữa liên hoan tụ tập bạn bè, hoàn toàn không có gì đáng buồn cả.

Tiệc ly dị có xuất xứ từ Mỹ, và ngày càng lan rộng sang các nước. Nó được bắt nguồn từ việc một người phụ nữ Mỹ vừa ly dị phải giúp những người bạn vượt qua giai đoạn khủng hoảng, chờ đợi thủ tục ly hôn. Hàng ngày họ uống rất nhiều cocktail để quên đi nỗi buồn, cắt nhỏ áo sơmi của chồng cũ để hả giận, xem những bộ phim dành cho nữ giới, nghe những bản nhạc hay, thậm chí dùng cả tà thuật yểm hình nộm của chồng.

Họ nhận được sự đồng tình của những người có quan điểm mới với ý nghĩ tốt đẹp, còn đa phần vẫn là sự dò xét, hoài nghi. Nhiều người phải nhọc nhằn bước qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần sau ly hôn, họ chưa từng có trải nghiệm về buổi tiệc ly dị với rượu sâm banh, âm nhạc và khiêu vũ, nhưng bây giờ loại tiệc đặc biệt này ngày càng phổ biến khi tần suất ly dị ngày càng tăng lên.

Chuyên gia các mối quan hệ và xã hội học người Mỹ, Patricia Delahaie phân tích rằng: “Chúng ta sống trong một xã hội luôn thúc đẩy chúng ta suy nghĩ mọi điều tích cực. Chúng ta không có quyền thành nạn nhân, chúng ta phải là người chiến thắng”. “Cuộc sống hôn nhân đã được xem như điều gì đó miễn cưỡng và có thỏa hiệp, nên chúng ta có quyền lý tưởng hóa việc chia tay như việc lấy lại sự tự do”.

Hát hò tiễn đưa người mất

Nhạc rock trong lễ tang ở Australia

Bạn đừng hoảng hốt nếu nghe thấy tiếng nhạc vui nhộn reo hò và phía sau nó là một tang lễ của người theo đạo Thiên Chúa ở đây. Họ đã tạm quên đi những bài thánh ca buồn trong tang lễ để thay vào đó những giai điệu mới, những bài hát hiện đại. Theo một nghiên cứu gần đây, ca khúc truyền thống của đội bóng đá kiểu Australia là Collingwood cùng với 2 khúc ballad cổ điển My Way của Frank Sinatra và Wonderful World của Louis Armstrong là một trong các bài được hát nhiều nhất trong các lễ tang ở thành phố Melbourne.

Nhà tổ chức lễ tang lớn nhất ở Australia cho hay: “Ngày càng nhiều người Australia chọn nhạc rock thay thánh ca cho các lễ tiễn đưa người thân của họ. Một số những bài hát được yêu thích mà chúng ta nghe hàng ngày rất hợp với việc tổ chức lễ tang vì chúng tiêu biểu cho tính cách của người đã khuất”.

Một trong những thay đổi lớn nhất tại công ty tổ chức tang lễ Centennial Park trong những năm gần đây là sự tập trung vào việc tôn vinh cuộc đời của người đã mất, các dịch vụ lễ tang đều được thiết kế để phù hợp với một nhân vật nào đó. Họ quan tâm tới nhu cầu của thân nhân muốn ca tụng cuộc đời người đã khuất bằng dịch vụ bao gồm chụp ảnh, video và chơi những bài ca được người chết ưa thích. Người dân nước này thay đổi suy nghĩ rằng, việc tổ chức lễ tang cần xem xét ý nguyện của người chết, gia đình và bạn bè, chứ không hẳn phải tổ chức theo lối truyền thống.

Giám đốc điều hành Centennial Park cũng dự báo, những đám tang công nghệ cao chắc chắc sẽ là xu hướng trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng Giám mục Dennis Hart đưa ra chỉ thị về việc cấm hát hò những bài vui vẻ trong tang lễ, ông cho rằng, lễ tang Thiên Chúa giáo phải mang tính thiêng liêng chứ không phải là dịp ăn mừng thế tục. Những tác phẩm thế tục sẽ không được hát hay chơi tại lễ tang Thiên Chúa giáo, như ballad lãng mạn, nhạc pop, rock, nhạc chính trị, bóng đá.

Lệnh cấm đưa ra sau khi có nghiên cứu cho thấy một ca khúc bóng đá thuộc số được yêu cầu nhiều nhất trong các lễ tang ở Melbourne. Chỉ thị, được gửi đi cho hơn 200 giáo khu ở khu vực Melbourne, nhưng có lẽ họ khó lòng thuận theo.

Người Sài Gòn thuê người hát thay vì khóc thương

Nhắc tới đám tang, người nào ở miền Bắc cũng trả lời là chuyện đau buồn, càng khóc lóc thảm thiết càng có hiếu. Nhưng ngược lại, họ choáng váng với cách tổ chức tang lễ của người miền Nam, thuê người về chơi nhạc, hát những bài tấu thê lương, rồi chuyển qua giai điệu của nhạc vàng, nhạc trữ tình, nhạc trẻ… và hát theo yêu cầu của người thân.

Người lạ không biết, nghe qua lại tưởng chương trình văn nghệ nào. Ban đầu, những đám tang vui tươi chỉ xuất hiện trong cộng đồng người Hoa nhưng về sau phổ biến hơn. Ý nghĩa của việc này không xấu, theo họ vì có tang nghĩa là đau buồn, đối với cả người còn sống và đã khuất, nên cần phải xua tan bớt bầu không khí ảm đạm đó để mọi người được thanh thản hơn và linh hồn người chết dễ siêu thóat, có đau buồn thì chỉ nên khóc âm thầm, chứ gào thét quá cũng không hay.

Nhiều người cho rằng, nghe nhạc đám ma trong Nam, biết ngay người khuất núi là cụ ông hay cụ bà. Tuy phong tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng một số người Bắc vào Nam sống, khi mất đi cũng theo cách thức ở đây, không muốn thuê người khóc mướn theo cho thêm não lòng.

Nguồn gốc sâu sa của những lễ tang “vui” là như vậy. Tuy nhiên, ngày nay nhiều gia đình lại lợi dụng điều đó thuê “pê-đê” đến ca hát tới tận 2-3h sáng, làm ảnh hưởng đến hàng xóm và cách biểu diễn của họ lại vô cùng phản cảm, làm nhiều người cho rằng, chẳng khác nào “hạnh phúc của một tang gia”.

Mẹo nhỏ mách bạn

Không cần phải hát trong đám ma hay tổ chức tiệc chia tay linh đình, bạn cũng có vô số cách khác để những phiền muộn chỉ như một cơn gió nhẹ:

- Hãy khóc cho thỏa thích nếu bạn muốn, hãy ngủ thật nhiều và sau đó lãng quên. - Chạy vòng vòng trên một con đường yêu kiều nào đấy với những hàng cây rợp bóng, những ngọn đèn đường sáng trong.

- Vặn rađiô lên và nghe bài hát bạn yêu thích, hoặc nằm dài trên giường nghe tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ.

- Có thể tìm mua một món gì đấy đã được bán hạ nửa giá.

- Hãy phá lệ một lần: "nấu cháo" điện thoại để trò chuyện với ai đó.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/hay-phot-lo-noi-buon-15683/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY