12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Hẹp môn vị: Lơ lửng án ung thư

(SKGĐ) Ngỡ chỉ gặp rắc rối với chứng khó tiêu và cảm giác mệt mỏi, nhiều người không thể ngờ được án ung thư lại đến với mình chỉ vì hẹp môn vị.

Tai họa do chủ quan

Chị Hoa ở Nguyễn Tri Phương, Q.10, Tp.HCM hiện đang làm nhân viên kinh doanh ở một công ty bất động sản. Mấy năm gần đây, do thị trường nhà đất đóng băng, công việc khó khăn khiến chị Hoa mệt mỏi, thường xuyên bỏ bữa, ăn không tiêu, ăn xong bị nôn, cơ thể ngày càng gầy yếu, mệt mỏi.

Lúc đầu, do chủ quan nên chị Hoa không đến bệnh viện để kiểm tra mà chỉ ra hiệu thuốc mua một số loại thuốc trị rối loạn tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn. Nhưng dùng mãi vẫn không thấy bệnh tình thuyên giảm, thậm chí còn hay bị đau từng cơn liên tiếp sau khi ăn, đôi khi còn nôn rất nhiều sau ăn. Chị càng sợ ăn hơn, ngay cả khi rất đói. Vội vàng đi khám bác sỹ, chị mới biết mình bị bệnh hẹp môn vị giai đoạn 2. Sau một thời gian điều trị bệnh tình của chị Hoa đã thuyên giảm và không còn đáng ngại đến sức khỏe.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Hoa, một bệnh nhân dấu tên ở Trần Nhân Tông, Hà Nội do chủ quan nên không chú trọng điều trị. Chỉ đến khi những cơn đau xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, kèm theo cảm giác đầy bụng, trướng bụng, ậm ạch, ăn uống khó tiêu, toàn thân suy kiệt do mất sức, người nhà mới đưa bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh tình lúc này đã chuyển sang giai đoạn ung thư di căn khó chữa khỏi.

BS. Vũ Đức Chung- Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân y 354, Hà Nội cho biết: Hẹp môn vị là một căn bệnh dễ mắc và cũng đã có nhiều người mắc. Môn vị (nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng) đóng vai trò quan trọng trong tiêu hoá thức ăn và liên quan mật thiết với các bộ phận khác của dạ dày. Vì vậy mỗi khi một bộ phận nào đó của dạ dày bị tổn thương viêm, loét, đều có ảnh hưởng đến môn vị. Hẹp môn gây ra nhiều biến chứng khiến bệnh nhân ăn uống không được, nôn nhiều, mất chất điện giải, suy kiệt cơ thể.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh hẹp môn vị là dẫn tới ung thư hang, hay còn gọi là ung thư môn vị. Nguyên nhân là do hẹp môn vị khiến cho thức ăn khi vào dạ dày sẽ khó có thể chui qua môn vị để xuống ruột và thoát ra ngoài theo quy trình bình thường của hệ tiêu hóa. Thức ăn bị tắc nghẽn sẽ gây ra viêm nhiễm môn vị, từ đó hình thành các khối u. Khối u càng lớn thì sự chít hẹp môn vị càng nhiều, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến ung thư vùng hang vị, môn vị dạ dày.

Để không quá muộn

Để phát hiện sớm bệnh, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ, khi có nghi vấn cần được khám lâm sàng, nội soi dạ dày và siêu âm ổ bụng. Nếu phát hiện bị bệnh về dạ dày - tá tràng cần được điều trị tích cực, đúng phác đồ.

Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm, ngoài việc điều trị tích cực, BS. Vũ Đức Chung khuyên bệnh nhân cần chú trọng hơn đến vấn đề ăn uống:

- Nên ăn những thức ăn chín kỹ, ninh nhừ; Không dùng thực phẩm ăn sống. Nên ăn các thực phẩm như sữa, trứng (có tác dụng đệm trung hòa acid trong dạ dày); thức ăn nhiều đạm (thịt nạc, cá), tinh bột (cơm nát, bánh mì, các loại khoai củ), rau củ quả luộc.

- Ăn chậm nhai kỹ, không ăn quá no một lúc cũng không nhịn đói quá lâu. Nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa/ngày).

- Ăn đúng giờ, không ăn quá khuya (trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ)

- Hạn chế ăn nhiều canh với cơm, hạn chế chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá), thức ăn quá chua, cay, nóng.

- Tránh làm việc quá sức, ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy; cần hạn chế căng thẳng, lo âu.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/hep-mon-vi-lo-lung-an-ung-thu-15889/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY