Sức khỏe hôm nay

Hiểu đúng về chứng khó học ở trẻ

(SKGĐ) Chứng khó học hay rối loạn chuyên biệt học tập là một dạng khuyết tật học tập ở trẻ với những biểu hiện như khó khăn trong việc đọc, viết và tính toán… Việc hiểu đúng về chứng khó học sẽ góp phần tích cực đến kết quả giáo dục nhận thức và hành vi cho trẻ.

Anh Thuận ở Bình Dương có con 6 tuổi rất thông minh nhanh nhẹn, duy chỉ có việc học là dạy trước quên sau. Cháu không phân biệt được màu sắc, không đếm được từ 1-10 trong khi những cái khác thì nhớ rất lâu. Cũng như anh Thuận, chị Bình ở Đồng Nai có một cháu 10 tuổi, ngoan ngoãn hiếu động, nhưng cứ đụng tới chữ là không biết.

Ảnh minh họa

Nhận diện chứng rối loạn chuyên biệt học tập

Chia sẻ tại hội thảo Chứng khó học, những điều phụ huynh cần biết vừa diễn ra tại trường mầm non ANPHA, TS. Huỳnh Mai Trang (Khoa tâm lí giáo dục, Đại học Sư phạm Tp.HCM) cho biết: “Cần phân biệt chứng khó học với hiện tượng chán học do hoàn cảnh gia đình hay nhầm lẫn với các khuyết tật khác về trí tuệ, cảm xúc, giác quan. Sẽ là bình thường khi trẻ nhầm lẫn về chữ viết hay con số trong một giai đoạn nhất định. Chỉ khi khó khăn đó dai dẳng kéo dài và không đáp ứng được các biện pháp can thiệp từ gia đình và nhà trường thì phụ huynh mới nghĩ tới việc con em mình có thể mắc chứng khó học”.

Cũng theo TS. Huỳnh Mai Trang, khó học về toán thường được phát hiện sớm nhất thông qua việc theo dõi nhịp đếm ngón tay trẻ. Trẻ mắc chứng này thường xuyên lẫn lộn và không thể tính nhẩm. Các trẻ mắc chứng khó đọc sẽ không nhìn thấy các con chữ cố định như học sinh bình thường, gây khó khăn trong việc phát âm. Chứng khó viết khiến trẻ không viết được ngay hàng thẳng lối, viết sai do không phân biệt được các âm gần giống nhau.

Nguyên nhân gây chứng khó học xuất phát từ di truyền và sự rối loạn chức năng não trong quá trình phát triển. Vì vậy, phụ huynh nên sàng lọc dựa vào các dấu hiệu nhận biết là: trí tuệ trẻ bình thường (IQ>=90); Giác quan không bị khiếm khuyết; Não không bị tổn thương; Cảm xúc ổn định (trẻ không đang ở trong tình trạng sợ hãi, lo âu hay chịu những sang chấn về tâm lí…); Môi trường giáo dục thuận lợi (không có những thay đổi đột ngột từ phía gia đình hay nhà trường).

Sau khi loại bỏ tất cả 5 dấu hiệu trên mà kết quả học tập của trẻ vẫn ở mức quá thấp, trẻ vẫn khó đọc, viết, tính toán so với mặt bằng chung thì lúc đó cha mẹ nên nghĩ đến việc con mắc chứng khó học.

Thông thường, chứng khó học chỉ được phát hiện khi trẻ đã vào trường tiểu học. Việc can thiệp càng nhanh càng tốt cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải luôn theo dõi, nếu nghi ngờ con có nguy cơ khó học nên đưa đến bác sĩ hoặc các chuyên viên để được chẩn đoán và can thiệp sớm. Ngược lại, không nên tự ý gán nhãn bệnh tật cho trẻ khi chưa có kết luận chính xác.

Gia đình đóng vai trò cực kì quan trọng

Cũng trong hội thảo, Ths. Kiều Thanh Hà, chuyên gia tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ: Gia đình là không gian tối ưu để giúp trẻ khó học vượt qua những khó khăn ban đầu. Thực tế, nhiều phụ huynh không biết con mình khó học, cho nên, khi thấy con không học được, đạt kết quả thấp đã nghĩ rằng con mình lười biếng, nhút nhát hoặc quậy phá. Điều này dẫn đến hệ quả, cha mẹ mệt mỏi vì thất vọng, con trẻ thiếu hụt kỹ năng học tập và sự chia sẻ, ngày càng tự ti thu hẹp trong vỏ ốc của chính mình.

Ảnh minh họa

Chứng khó học không phải là căn bệnh thuộc về sinh lý nên điều trị chứng tật này không phải bằng thuốc mà bằng các biện pháp tâm lý và giáo dục. Khi phát hiện con mắc chứng khó học, việc đầu tiên cha mẹ cần giải thích cho trẻ về những khó khăn mà con gặp phải, làm cho trẻ hiểu rằng mỗi người có một thế mạnh khác nhau, tìm ra những mặt tích cực của trẻ giúp trẻ tự tin khắc phục điểm yếu của mình.

Nghiên cứu dịch tễ tại các trường học ở Việt Nam cho thấy, gần 9% học sinh tiểu học mắc chứng khuyết tật học tập, số liệu ghi nhận trên thế giới là 3-5%. Dù số trẻ mắc chứng khó học đang có chiều hướng gia tăng nhưng mức độ quan tâm của xã hội với vấn đề này chưa được sâu sát. Có trường hợp trẻ bị bệnh, cha mẹ, thầy cô vẫn đinh ninh con mình ngốc nghếch và biếng học.

Đồng quan điểm trên, TS. Huỳnh Mai Trang cho biết, việc nâng đỡ cảm xúc con trẻ của cha mẹ trong trường hợp này là cực kì quan trọng. Hơn ai hết, cha mẹ phải hiểu con trẻ không ngu ngốc và lười biếng, tránh những lời chỉ trích, quở trách khi trẻ thất bại. Ngược lại, cần nhận ra và khuyến khích sự tiến bộ, dù là rất nhỏ của trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần trở thành gia sư cho con theo nguyên tắc tạo và duy trì hứng thú việc học theo sở thích của trẻ, hạn chế vận hành những chức năng trẻ bị khiếm khuyết. Chẳng hạn nếu trẻ khiếm khuyết về toán học, cha mẹ không nên bắt trẻ vật lộn liên tục với những con số, thay vào đó cho trẻ chơi những trò chơi phù hợp với niềm đam mê và thế mạnh của trẻ, qua đó lồng ghép việc học một cách nhẹ nhàng.

Việc học với trẻ mắc chứng sợ học thật sự là một cực hình, vì thế, cha mẹ cần tận dụng các tình huống giao tiếp hằng ngày để giúp con học. Do đặc điểm ở trẻ mắc chứng khó đọc là khả năng tập trung không cao, thường tỏ ra mệt mỏi khi đọc, khả năng xử lý âm vị và ngữ âm không tốt khi viết chính tả. Cho nên, nếu tăng cường luyện đọc hay tăng cường kết hợp dạy đọc với dạy chính tả càng khiến các trẻ thêm áp lực, lỗi sai khó sửa.

TS. Huỳnh Mai Trang nhấn mạnh, gia đình cần hợp tác với chuyên gia và nhà trường. Các chuyên gia sẽ giúp phụ huynh xác nhận vấn đề của trẻ là gì, can thiệp thế nào và giúp phụ huynh gỡ bỏ những mối lo ngại. Nhà trường và phụ huynh cần thống nhất mục tiêu can thiệp và đưa ra những phản hồi về tình hình tiến bộ và những khó khăn của trẻ.

Các bài tập hỗ trợ

1. Đối với trẻ khó đọc

Thay chữ hoa bằng chữ thường. Một số kí tự như b, d thường hơi giống nhau gây khó khăn cho trẻ khó đọc. Việc thay bằng chữ thường giúp trẻ dễ nhận biết hơn.

2. Đối với trẻ khó viết

- Khuyến khích trẻ cầm bút và đặt vở đúng cách.

- Hướng dẫn trẻ tập thể dục tay khi đã mệt mỏi.

- Cho trẻ sử dụng loại giấy vở có hàng kẻ nổi bật.

- Chia những bài tập có liên quan đến kĩ năng viết thành những nhiệm vụ nhỏ hơn.

3. Đối với trẻ khó làm toán

- Cho phép trẻ được sử dụng tất cả những công cụ mà trẻ có thể thao tác được.

- Trong trường hợp trẻ có vấn đề về ngôn ngữ viết có thể sử dụng hình vẽ để thay thế.

- Luôn đưa ra những ví dụ làm mẫu để trẻ làm theo.

- Cải thiện khả năng số học, tính toán các thao tác logic bằng trò chơi.

Hạ Uyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/hieu-dung-ve-chung-kho-hoc-o-tre-17981/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY