Đã có quá nhiều vụ hoa quả bị xử lý qua hóa chất được phát hiện khiến người tiêu dùng không còn tin tưởng về độ an toàn của hoa quả bán trên thị trường, mọi người bàn với nhau “né” một số loại quả đẹp mã nhưng vị nhạt thếch vì chúng có khả năng tẩm hóa chất rất cao.
Tuy nhiên, đã qua rồi cái thời người tiêu dùng phải ăn thử, nếu thấy ngọt thì mới mua. Hiện nay, mít, chuối, đu đủ và rất nhiều loại hoa quả khác được bày bán ở các chợ đều đẹp mã, vị ngọt lịm đều khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ.
Thông tin trên báo chí về một loại hóa chất tiêm vào khiến hoa quả chín đều chỉ sau một đêm chính là giải đáp cho người tiêu dùng về những lo lắng trên. Thực chất loại hóa chất đó là gì? Mức độ nguy hiểm của loại hóa chất này tới đâu?
Ethrel có gây độc?
Hóa chất này được biết đến với tên gọi là Ethrel, đây là tên thương mại của hoạt chất Ethphon. TS. Đoàn Văn Lư (Bộ môn Rau, hoa, quả và cây cảnh – Khoa Nông học – Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho biết Ethrel là chất ức chế sinh trưởng dành cho thực vật, nó thường được xử lý cho dứa để thúc đẩy ra hoa.
Hoạt chất Ethrel đã được Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng với liều lượng thích hợp để dấm trái cây như cà chua, dâu, táo… Ngoài ra một số nước khác cũng được phép sử dụng Ethrel như Úc, New Zealand, Hà Lan.
Nên ăn hoa quả Việt Nam sản xuất, vì chất lượng không kém các nước khác, thêm vào đó, nhiều hoa quả nhập khẩu thường hay sử dụng các phương pháp bảo quản (cả dùng và không dùng hóa chất). Tuy nhiên, khi được nhập khẩu vào Việt Nam, thời hạn cần bảo quản thường bị kéo dài hơn quy định sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. |
Nếu dùng cho quả, Ethrel sẽ được hòa vào nước, phun lên cây, khi ngấm vào trong vỏ quả, Ethrel gặp acid sẽ sinh ra Etilen. Đây là loại cacbon không no, nó sẽ kích thích hô hấp, thúc đẩy quá trình chín của quả và làm mềm các mối liên kết giữa các tế bào khiến quả mềm, chín như tự nhiên. Do cơ chế kết hợp với acid để chuyển hóa nên quả càng chua, thu hoạch càng non thì lên màu càng đẹp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có khuyến cáo dùng Ethrel cho trái cây.
TS. Đoàn Văn Lư cho biết, hiện nay Ethrel vẫn chưa được Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế chấp nhận là hóa chất được sử dụng phổ biến trong ngành nông sản. Theo đó, tổ chức HACCP (hệ thống giúp nhận diện, đánh giá và kiểm soát các mối nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm) cũng chưa nhìn nhận Ethrel là hóa chất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tiến sĩ Lư cho rằng, nếu dùng Ethrel dấm quả thì nên hòa vào nước và phun thì an toàn hơn. Nhưng hiện nay người ta vẫn ưa dùng phương pháp tiêm thẳng vào cuống quả để ép chín giúp giảm chi phí phát sinh như thời gian, nhân công…
Tuy nhiên, nếu dùng phương pháp trên thì nguy cơ tiêm quá liều là khó tránh khỏi. Ngoài ra, Ethrel sẽ trực tiếp đi vào quả chứ không ngấm qua lớp vỏ nên khả năng chúng tồn dư trong thịt quả là rất lớn. Nguy hiểm hơn nữa là khi tiêm không chỉ có Ethrel ngấm vào quả, các chất phụ gia khác của Ethrel cũng ngấm vào quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.
Hiện Ethrel chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, nhưng tình trạng sử dụng chui đã được phát hiện nhiều. Thực tế thì việc dấm quả là một nhu cầu có thật trong kinh doanh hoa quả, nhất là trong tình trạng thu hoạch non, thu hoạch không đúng độ chín của quả khá phổ biến như ngày nay.
TS. Đoàn Văn Lư cũng cho biết, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam cũng đang xem xét có đưa Ethrel vào sử dụng chính thức hay không. Để đưa ra được tiêu chuẩn này phải xét đến các vấn đề như: có đủ an toàn, có bảo vệ được người tiêu dùng, có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không…? Nếu vậy thì Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế phải đề xuất và trình cho Cục Tiêu chuẩn Chất lượng Đo lường từ đó Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đưa ra tiêu chuẩn sử dụng Ethrel tại Việt Nam.
Nguy cơ tử vong vì chất bảo quản
Bên cạnh việc dùng Ethrel để ép chín, các thương lái còn dùng nhiều loại hóa chất khác để hoa quả có hình thức đẹp mắt. Điển hình như hồng xiêm ngâm trong oxit sắt để tạo màu nâu đỏ, nhúng trong dung dịch kali để thành màu vàng.
Bên cạnh đó, người ta cũng dùng cách xông hơi lưu huỳnh sunfua để giữ màu quả, cố định màu quả. Lưu huỳnh có thể kìm hãm men hô hấp, nếu ăn nhiều có thể sẽ bị khó thở.
Tiến sĩ Đoàn Văn Lư cho biết, việc tạo màu với quả tươi là không được phép. Hiện có rất nhiều hóa chất được dùng để tẩm ướp và bảo quản hoa quả phần lớn chúng đều là chất cấm.
Đề cập đến một số tin đồn hiện nay như việc hoa quả sau thu hoạch được ngâm hóa chất hàng loạt trước khi vận chuyển đi tiêu thụ, và tin đồn về gia đình bán hoa quả đã ngâm dưa bở vào hóa chất với nồng độ lớn, khiến con họ không biết ăn phải và bị tử vong.
Về tin đồn thứ nhất, tiến sĩ Lư cho rằng nhiều trường hợp thương lái sau khi thu mua có thể sử dụng biện pháp bảo quản ngay tại vườn. Hành trình hoa quả từ nhà vườn đến đại lý số 1 (đại lý lớn) là một chuỗi nguy cơ tiềm ẩn.
Thứ nhất, để đảm bảo cho khâu vận chuyển và để hoa quả đẹp mắt, nhiều thương lái sử dụng biện pháp ngâm hóa chất, tiêm hóa chất như đã nói ở trên.
Thứ hai là mối lo về nguồn gốc xuất xứ của hoa quả, nếu không quản lý chặt để thương lái vì lợi nhuận có thể trà trộn hoa quả Trung Quốc, hoa quả kém chất lượng vào. Thứ ba là chất lượng bảo quản, nếu không đúng tiêu chuẩn có thể khiến hoa quả bị phơi nhiễm khuẩn e.coli, salmonella…
Về tin đồn thứ hai, tiên sĩ Lư cho biết, việc hóa chất ngâm hoa quả có thể gây chết người là việc hoàn toàn có thể xảy ra nếu sử dụng với nồng độ lớn. Có nhiều hóa chất có thể gây tử vong, đặc biệt là nhóm bảo vệ thực vật có lân hữu cơ, nó ức chế men hô hấp khiến cơ thể không hô hấp được, gây đột quỵ và dẫn đến tử vong.
Cách nhận biết hoa quả an toàn
Tiến sĩ Lư cho biết, để chọn hoa quả an toàn chúng ta có thể dựa vào hình thái quả:
- Thứ nhất, nên chọn quả nhìn tươi nhưng phải tươi tự nhiên. Phải xem vết cắt ở cuống quả có tự nhiên hay không, những vết cắt nếu có xử lý thì màu của đầu vết cắt sẽ khác,.
- Thứ hai là nếu là quả non thì vỏ thường dày, và do vỏ quả đang hoạt động mạnh nên khi cắt đi sẽ làm vỏ nhăn, không căng tự nhiên. Nếu thu hoạch đúng độ chín, vỏ quả sẽ mỏng hơn, căng tự nhiên và không bị nhăn nhúm.
- Nếu nhìn bên ngoài, độ tươi của quả là như nhau, không phân biệt được thì chúng ta có thể cắt quả hoặc tách quả. Ví dụ, với xoài chín tự nhiên, khi cắt ra miếng xoài sẽ bám trên lưỡi dao, nếu quả non nó sẽ trượt ngay khỏi lưỡi dao do trong dịch tiết có độ nhớt. Hay dưa hấu khi cắt ra đỏ đều, không bị xốp, không trắng loang lổ…
- Mùa nào ăn thức ấy, nếu ăn trái vụ thì người ta sẽ phải bảo quản nên sẽ có nguy cơ.
Nên chú trọng đến những loại quả, rau có quy trình kĩ thuật sạch như: dứa, chuối, rau ngót…
- Người Việt Nam vẫn có thói quen mua rau quả ở những chợ xanh, chợ cóc, rau quả không được bảo quản trong bao bì, theo tiến sĩ Lư thì điều này không nên vì nguy cơ phơi nhiễm khuẩn rất cao. Khi mua rau quả chúng ta nên mua loại có bao bì đóng gói để tránh bị phơi nhiễm khuẩn, có thể nhìn xem trên bao bì có được chứng nhận VietGAP chưa, trên bao bì có nhãn mác không, nếu có nhãn mác hàng hóa thì người tiêu dùng có thể yên tâm là sản phẩm an toàn.
Lê Hường
Chủ đề liên quan: