Tình yêu và giới tính hôm nay

Hoàn hảo - không phải lúc nào cũng tốt

(SKGĐ) Bạn là người không ngừng tìm kiếm hạnh phúc. Vậy, trên những chuyến đi dài của cuộc đời, bạn đã tìm ra đáp án cho câu hỏi “mình đã hạnh phúc chưa”

Những năm 1970, một cuộc điều tra tại Mỹ cho thấy đa phần phụ nữ hạnh phúc hơn nam giới. Nhưng ngày nay, chiều ngược lại mới là chuẩn xác. Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt lớn như vậy?

Ảnh minh họa

Một giả thuyết cho rằng, trải qua vài thập kỉ, nữ giới đã thay đổi. Từ chỗ chỉ đảm nhận một công việc (thu vén việc nhà), giờ đây họ phải gánh vác thêm việc xã hội. Và con đường nhanh nhất dẫn đến cuộc sống thiếu hạnh phúc là một danh sách chất đầy những việc phải làm ngày càng phình to hơn - chưa kể đến những áp lực sẽ ngày càng gia tăng với những người muốn hoàn thành tất cả công việc đó.

Còn nữa, việc cố gắng để đạt đựơc những mục tiêu quá sức (như trở thành một nhân viên ưu tú, một phụ huynh kiểu mẫu - luôn tích cực, kiên nhẫn, và một người vợ hiểu biết - tất cả mục tiêu một lúc) đôi khi có thể phản tác dụng nếu bạn cứ tự đổ lỗi cho bản thân mỗi khi bạn có thiếu sót, - tiến sĩ Alice Domar, nhà tâm lý học, tác giả của cuốn sách “Hạnh phúc với Sự không hoàn hảo” giải thích.

Tương tự như vậy, cố đạt cho bằng được một sự thỏa mãn nào đó luôn là điều phi thực tế. Tiến sĩ Domar bảy tỏ một cách chân thành: “Nếu bạn nghĩ rằng mình nên được hạnh phúc trong tất cả thời gian, nó sẽ chỉ khiến bạn càng trở nên đáng thương mà thôi”.

Hãy quản lý tốt kì vọng của mình

Mới đây, truờng Đại học Virginia (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu về mức độ từ những sự kiện hàng ngày (gồm cả tích cực lẫn tiêu cực) tác động đến sự thỏa mãn của con người. Nghiên cứu được tiến hành trên bốn nhóm đối tượng: Người Mỹ gốc Âu, người Mỹ gốc Á, người Nhật, và người Hàn Quốc. Kết quả cho thấy nhóm người gốc Âu cảm thấy hạnh phúc hơn hẳn các nhóm còn lại. Nhưng họ lại cần đến gấp đôi các sự kiện tích cực để có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực.

Từ kết quả đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, mặt trái của việc luôn cảm thấy hài lòng trong một thời gian dài là nó sẽ khiến bạn có thói quen mong chờ được cảm thấy hạnh phúc ở tất cả thời điểm. Vì vậy, khi những việc tốt xảy ra, bạn sẽ đương nhiên xem nó là bình thường phải vậy, nhưng khi có điều gì xấu xảy ra, thì bạn lại nhanh chóng xem nó là thảm họa!

Đa số nhà tâm lý thường miêu tả hạnh phúc như một cảm giác của sự hài lòng và thỏa mãn với cuộc sống. Theo đó, bạn sẽ có được sự hài lòng với những niềm vui không mang chút ý nghĩa nào (thử nghĩ về việc massage chân), và có lúc bạn cũng sẽ hài lòng với những việc có ý nghĩa nhưng lại không đi kèm chút thú vị nào. Hạnh phúc chính là vũ điệu hoàn hảo của hai điều này.

Nếu đơn giản bạn chỉ chọn những mục tiêu thú vui không có ý nghĩa, bạn sẽ rất dễ có cảm giác trống rỗng bên trong. Nhưng nếu bạn thường chỉ tập trung duy nhất vào những mục tiêu cao ngất ngưởng, bạn sẽ có thể kết thúc trong trạng thái hoàn toàn kiệt sực và giận dữ.

Đừng cố mua hạnh phúc

Chắc chắn, tiền có thể giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt nếu bạn khởi sự từ nghèo khó, rồi dần trở nên dư giả hơn. Nhưng một nghiên cứu quy mô được công bố hồi năm ngoái trên Tạp chí Nghiên cứu các chỉ số xã hội của Mỹ đã chỉ ra rằng, những người mải mê chạy theo vật chất sẽ cảm thấy ít thỏa mãn với bạn bè, gia đình, công viêc, sức khỏe… hơn những người ít chịu sự chi phối của vật chất. Bởi vì những người mải mê chạy theo vật chất luôn tự tạo áp lực cho mình bằng những mục đích cụ thể như: phải mua bằng được chiếc Mecerdec 300 đời mới hay phải kiếm đủ tiền để mua căn biệt thự 1.000m2… với bản tính đó, những người này sẽ rất khó chấp nhận sự an phận hay thất bại.

Vì vậy, nếu muốn có được cuộc sống thảnh thơi và hạnh phúc, bạn hãy học cách “thả nổi” mình khi đã có cuộc sống vật chất tương đối. Với vài người, đạt được trạng thái “thả nổi” này có thể sẽ giống như phải thổi bay con dốc gồ ghề đá vì thói quen cầu toàn, đặt ra quá nhiều mục tiêu trong cuộc sống.

Nhưng với số người biết bỏ qua những yêu cầu hoàn hảo, những ôm đồm quá tải thì nó sẽ nhẹ nhàng và đơn giản như đang giải trò chơi ô chữ. Điều đem lại cảm giác hạnh phúc nhất: bất cứ hoạt động nào đem lại năng lượng cho bạn và khiến bạn cảm giác như đang trôi vù vù - hay thậm chí khiến bạn còn không nhận thức được nó đã diễn ra.

Khổ vì có quá nhiều sự lựa chọn

Có nhiều lựa chọn không phải lúc nào cũng tốt, theo ông Barry Schwartz, tác giả cuốn “Nghịch lý chọn lựa” cho biết. Trong một nghiên cứu những người tìm việc năm 2006, ông nhận thấy rằng những người “yêu cầu cao” (những người tìm kiếm cho đến khi tìm được vị trí tốt nhất) ít thỏa mãn với lựa chọn của mình hơn những người “hài lòng” (là những người chọn ngay lựa chọn đầu tiên họ cảm thấy tốt).

Schwartz giải thích rằng, quá nhiều lựa chọn có thể gây lo lắng và khiến người ta tự đổ lỗi cho mình nếu những lựa chọn đó hóa ra lại không tốt như họ kỳ vọng. Lời khuyên của ông là: Học cách chấp nhận những lựa chọn dủ tốt.

Cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng biết chừng nào cho những ai có thể tự tin nói rằng: Đây là kho chứa hạnh phúc của tôi. Một căn hộ tuyệt vời, nhưng nhà vệ sinh lúc nào cũng có thể kêu ùng ục. Một cậu con trai 9 tuổi rất dễ thương nhưng lại có bệnh tè dầm trong giấc ngủ. Một người chồng 10 năm gắn bó dù không phải lúc nào cũng ngồi run đùi xem bóng đá trong khi vợ tối mắt trong bếp, nhưng tôi chắc là tôi phải thường xuyên thay cái cầu chì đứt hay tìm thấy đôi tất có mùi chuột chết của anh ấy trong tủ giầy gia đình…!

Le Nga

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/hoan-hao--khong-phai-luc-nao-cung-tot-20528/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY