Điều đáng nói ở trào lưu này là khi các bác sĩ online thực hiện bẻ xương khớp luôn tạo ra âm thanh kêu “răng rắc”. Trong khi một người số xem có cảm giác sợ, tưởng như xương khớp bị gãy khi nghe âm thanh này thì nhiều TikToker trẻ bị kích thích đã hưởng ứng, xem nó như một trào lưu, thử thách thú vị để làm theo. Do đó, trào lưu này ngày càng trở nên viral, các video bẻ xương khớp xuất hiện ngày càng nhiều chỉ với mục đích tham gia thử thách, biểu diễn, câu view.
Trào lưu bẻ xương khớp trị đau rầm rộ trên mạng TikTok. |
Bẻ xương khớp kêu răng rắc để trị đau, chuyên gia nói gì?
Bác sỹ CKII Huỳnh Tấn Vũ - trưởng đơn vị điều trị ban ngày cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết bẻ xương khớp là phương pháp chữa trị dùng trong vật lý trị liệu. Nó còn được gọi là Chiropractic, cách chữa trị y học bằng tay giúp giảm đau và phục hồi chức năng vận động của con người. Nhưng không phải bất kỳ tình trạng nào của cơ xương khớp cũng có thể bẻ, nắn và không phải bất cứ người nào cũng có thể thực hiện đúng kỹ thuật chuyên môn.
Bác sỹ Vũ lý giải tiếng răng rắc phát ra thường là do âm thanh chuyển động của các đốt xương. Tiếng kêu này cũng là kết quả từ sự vỡ ra của bong bóng khí trong dịch khớp. Khi nắn chỉnh xương khớp, tiếng kêu này không thể hiện tính hiệu quả.
"Nhiều bệnh nhân rất thích nghe tiếng kêu răng rắc, nó là một yếu tố tâm lý, mang đến cho họ sự thoải mái, chưa nghe tiếng răng rắc thì chưa thấy khỏe. Thực chất, khi nghe âm thanh này giúp chúng ta có được cảm giác thoải mái, dễ chịu vì khi ấy cơ thể sản xuất ra hormone tạo cảm giác vui vẻ và hormone giảm đau mang tên endorphin. Một số nơi, đánh trúng tâm lý của khách hàng, người ta thường thực hiện nắn chỉnh kỹ thuật ở những vị trí dễ phát ra tiếng kêu nhằm mục đích biểu diễn, thay vì chú trọng điều trị sao cho đúng", BS Vũ cho hay.
Tự ý bẻ khớp, tác hại khôn lường
Chuyên gia khuyến cáo người thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu này phải được đào tạo và có chuyên môn, có kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp. |
Theo Bác sỹ Vũ, nếu tự ý bẻ khớp bắt chước theo các trào lưu rất dễ dẫn đến những hệ lụy lâu dài cho xương. Không có khớp xương nào mà được vặn, bẻ hay điều chỉnh thường xuyên sẽ mang lại lợi ích cả. Bản thân khớp xương được cấu tạo từ gân, các dây chằng và các cấu trúc mô mềm khác, theo thời gian, nó có thể bị mòn dần. Thường xuyên vặn bẻ xương sống vì thế, có thể đẩy nhanh quá trình mòn khớp. Nghiêm trọng hơn, có một số vùng quan trọng và nguy hiểm như vùng cổ, thao tác bẻ xương không đúng có thể gây chấn thương vùng cổ, gây yếu liệt tứ chi hoặc tổn thương mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến. Hơn nữa, lạm dụng việc nắn chỉnh quá nhiều có thể gây giãn dây chằng, bao khớp, làm mất vững các cấu trúc, tăng nguy cơ thoái hóa, chèn ép thần kinh.
Cùng chung quan điểm đó, Thạc sỹ, Bác sỹ Hoàng Quốc Nam - Phó khoa cơ xương khớp, Bệnh viện Thống Nhất - cảnh báo các kỹ thuật nắn chỉnh khớp chỉ được thực hiện khi bệnh nhân có chẩn đoán trật khớp, không thực hiện trên người có khớp bình thường. Người thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu này phải được đào tạo và có chuyên môn, có kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp.
Bác sỹ Nam cũng khuyến cáo, khi cơ thể có cảm giác mỏi cơ, không nên tự ý bẻ khớp mà nên thực hiện các biện pháp thư giãn nhẹ nhàng như khi ngồi lâu nên đứng dậy đi lại, xoay vặn người, tập một số động tác thả lỏng khớp, có thể chườm ấm vùng khớp đau mỏi. Nếu gặp các bệnh lý về cơ xương khớp thì phải tìm đến bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín để điều trị tránh tiền mất tật mang.
Xem thêm:
Đau lưng và cách xử trí một số trường hợp đau lưng thường gặp
Phong Vũ
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: