Tâm linh hôm nay

Hoằng pháp qua truyền thông di động, nên chăng?

Đó là nên hay không, sử dụng điện thoại di động trong việc hoằng dương Phật pháp?

Là tu sĩ, cư sĩ Phật giáo, chúng ta có bổn phận và trách nhiệm hoàn thành sứ mạng kế thừa và truyền bá giáo lý của đức Phật. Trước tiên chúng ta hãy xác định quan điểm giữa giới luật đạo đức Phật giáo trong hàng Tăng chúng, cư sĩ và khoa học kỹ thuật hiện tại thích ứng ở mức độ nào hầu tránh những thị phi và ảnh hưởng đến lòng tin của tín đồ quần chúng.

Bài liên quan

Án phạt tử hình nhân danh công lý - góc nhìn đặc biệt từ Phật giáo

Những hình thức báo chí, băng đĩa, truyền thanh, truyền hình, ngay cả đến Internet là phương tiện truyền thông cận đại nhất và là một phương tiện đầy cạm bẫy nếu người sử dụng chưa định tâm và còn dễ sa ngã, cũng đã được cân nhắc rất nhiều qua những cuộc hội thảo, bàn luận. Ở đây chúng tôi chỉ hạn hẹp đề cập đến một vật rất nhỏ nhưng là chủ đề của những vấn nạn rất quan trọng: Đó là nên hay không, sử dụng điện thoại di động trong việc hoằng dương Phật pháp?

Phật giáo được đức Thế Tôn khai sáng cách đây trên 2500 năm, du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II. Thiền Trung Hoa vào Việt Nam ở thế kỷ thứ III do một người Việt Nam là Khương Tăng Hội tu học tại Kiến Nghiệp (Thủ đô nhà Đông Ngô, tức Nam Kinh hiện nay). Nhưng  Phật giáo chỉ thực sự tích cực  đóng góp xây dựng đất nước từ thế kỷ thứ X từ khi Việt Nam dành được quyền tự chủ (Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng). Cao điểm nhất là thời nhà Lý, thế kỷ XI có nhiều vị cao Tăng như Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Lý Giác, Ngô Châu Lưu…) góp công vào chính sự giúp vua trị quốc nhưng không tham gia nắm chính quyền như các tôn giáo khác ở Âu Tây mà chỉ đóng góp ý kiến khi vua cần đến.

Hầu hết các Tăng sĩ đều có học thức, gần gũi dân chúng, có đạo đức uy tín, thực sự xa lìa lợi danh thế tục nên được vua dân tin tưởng quí trọng. Thăng trầm theo vận nước và trong giai đoạn lịch sử nào Phật giáo cũng đồng hành sẻ chia cùng đất nước dân tôc trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Chính vì thế Phật giáo Viêt Nam đã nằm trong lòng dân tộc một cách thấm thiết, gắn bó với đất nước với dân tộc như máu thịt, như một bộ phận thiết yếu không thể tách rời.

Bài liên quan

Không đưa mê tín vào ngôi nhà Như Lai

Nhìn từ quá khứ cho đến hiện tại chúng ta thấy cái nhìn, nhận xét, đánh giá theo ý nghĩ của người đời thường về giới hạnh đối với Tu sĩ vẫn không thay đổi. Có thể nói những suy nghĩ và hiểu biết về giới luật có phần khắc khe là vì chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa. Bởi vì khi Phật giáo Đại thừa truyền vào Trung Hoa gặp lúc xã hội nơi nầy đang thời kỳ luân lý đạo đức suy đồi. Để vực lại nền đạo đức mà trong đó Tăng sĩ phải là những tấm gương mẫu mực nên Phật giáo đã đặt ra những điều luật nghiêm khắc cho Tăng sĩ, chùa chiền. Trong phim truyện Trung Hoa chúng ta cũng thường nghe Tăng Ni  xưng hô Bần Tăng, Bần Ni. Có nghĩa là: không sở hữu một cái gì, có chăng là cũng chỉ “Tam y nhất bát”. Gốc cây, hang động, hay căn lều, chỏng tre, đều là nơi dừng chân ngơi nghỉ trên bước đường hoằng đạo, chứ không như hiện tại; đi hoằng pháp phải được ăn gạo thơm dẻo, ngủ khách sạn năm sao, dù che,  lộng rước... Thái tử Tất Đat Đa, Đức vua Trần Nhân Tông đã cởi bỏ long bào lìa xa ngai vàng như vất đi đôi dép rách, đi tu, tìm chân lý cứu độ chúng sanh thì chẳng lẽ hậu thế chúng ta đi tu để mặc lại áo hoa hòe, giống như long bào, để tìm lại ngai vàng, cung điện? Nếu cho là khế lý khế cơ, tùy duyên… thì với trí tuệ có lúc nào chúng ta quán xét phân tích xem kết quả của công tác hoằng pháp:

- Cao sang, xa hoa, hoành tráng so sánh với phong cách giản dị đơn sơ, dùng phần chi phí cho xa hoa hoành tráng ấy vào công tác từ thiện thì hiệu quả nào ảnh hưởng tốt đẹp sâu xa hơn?

- Chi phí xa hoa, phi lý cho chuyến hoằng pháp có mâu thuẩn với giáo lý trong bài giảng, bài thuyêt pháp không?

-  Nếu đời sống của Tăng sĩ không đua đòi theo xu hướng vật chất thời đại (Ví dụ: dùng hệ thống truyền thanh truyền hình, máy vi tính, điện thoại di động cũ kỹ lỗi thời …) thì có bị đánh giá là lỗi thời, là chậm tiến? Đức tài, lòng tôn kính tin tưởng của tín đồ có vì đó mà giảm thiểu hay không?

Thế nhưng nếu không sử dụng thì cũng gây ra nhiều bất cập. Bởi vì công nghệ thông tin hiện đại cũng vô cùng cần thiết và thiết thân với đời sống hàng tỷ người trên thế giới. Nếu sử dụng CNTT thuần thục, sẽ giúp cho việc hoằng pháp đỡ mất thời gian, thì mặt trái kèm theo là đầy dẫy những tệ nạn phát sinh. Nào là chat trên mạng, chơi game không lành mạnh, nhắn tin, gởi văn hóa phẩm phi Phật giáo qua điện thoại di động. Nhất là khi tâm của Tăng Ni trẻ chưa Định, hoặc thân thì nương náu cửa chùa, mặc áo nhà tu mà tâm thì rong chơi bên ngoài trần tục,  còn dễ bị cám dỗ, sa ngã mà cơ hội và môi trường hoàn cảnh tiếp xúc với nhiều Phật tử, thuận tiện và nhiều hơn người đời thường nữa. Vả lại một số không ít Phật tử đến chùa không vì Phật pháp mà vì để cầu khẩn việc gì đó, buôn danh, mua tiếng, ngắm cảnh, hay để chiếm hữu “sư phụ”, “sư mẫu” nào có ngoại hình, hoạt bát, dễ “gần gũi”v.v.

Đôi khi có những thảm trạng trong giới xuất gia vì nhiều lý do “biến lý tưởng thành tham vọng” mà quên rằng đối với người tu hành, giá trị đạo đức, trí tuệ mới đáng tôn quý, ngược lại thì giá trị những vật dụng, phương tiện lại hoàn toàn tỉ lệ nghịch với lòng tôn kính, sự tin tưởng của tín đồ. Vấn đề là rất khó để tri (tư duy, kiến thức) và hành (thực hiện, ứng dụng) tùy duyên bất biến. Sử dụng tiện nghi mà luôn đứng vững trước cám dỗ, phù phiếm, hào nhoáng, xa hoa và thật vững để không bị mê mờ, tha hóa. Dù biết rằng “mọi pháp đều là Phật pháp” và phương tiện trong phương tiện theo tinh thần Đại Thừa nhập thế của Phật giáo với những Phật sự - Từ thiện – Hoằng pháp đúng theo đạo lý chơn chánh thì việc vận dụng điện thọai hay đa phương tiện khác để truyền tải thông điệp tình thương và giáo lý của Phật Đà đến với muôn lòai thì đó là việc lợi tha và nghĩa cử cao cả nhất! Còn nếu ngược lại, sẽ gây phản cảm không ít đối với Phật tử còn giữ hình ảnh truyền thống của qúi Thầy Cô áo vàng áo nâu  khoan thai thoát tục ngày cũ.

 Và còn  những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe khi lạm dụng (sử dụng quá nhiều, quá lâu) điện thoại di động như:

   * Điện thọai di động:

-  Là nơi cư trú lý tưởng của một số loại vi khuẩn gây bệnh lây nhiễm (theo nghiên cứu của Tiến sĩ Charles Gerba, chuyên gia nghiên cứu về vi sinh vật, Đại học Arizona, Mỹ quốc).

- Gây mất tập trung. Nghiên cứu cho thấy con người khó có thể tiến hành đồng thời nhiều họat động vì thế dễ bị rơi vào trạng thái xao lãng. Nhất là khi lái xe sẽ dễ gây T*i n*n giao thông.

- Gây cảm giác hoang tưởng: Lúc nào cũng tưởng điện thoại đang rung (có ai gọi), nghĩ rằng không có  điện thoại di động thì mình sẽ chẳng làm được gì cả.

- Dị ứng: Chất liệu kim loại, nhất là Niken gây dị ứng như ngứa ngáy, nổi mụt đỏ trên da.

- Nghe nhạc: ù tai

- Bầm, thâm đầu ngón tay, lâu dần sẽ mất cảm giác rồi đi đến mấy đầu ngón tay mất chức năng thao tác, nếu nghiêm trọng có khi cần đến phẫu thuật.

- Nếu sử dụng thường xuyên và lâu dài rất có hại vì chỉ sau 15 giây sóng bức xạ điện tử Alpha bắt đầu áp chế tới hoạt động của não. Càng nói lâu sóng nầy sẽ làm người sử dụng mất dần khả năng tập trung trí tuệ, giảm trí nhớ hoặc nhớ lầm, hao mòn ý chí, khiến người dã dượi, mệt mỏi, mắt bị yếu dần đi, loạn sắc (mất khả năng xac định màu sắc chính xác).

- Nguy hiểm hơn là sẽ làm rối lọan trật tự gen tế bào, tạo điều kiện phát sinh những tế bào bệnh tật, khối u ác tính

- Khả năng miễn dịch kém dần. Dễ bị truyền nhiễm vì sức đê kháng của cơ thể yếu trước sự tấn công của các vi sinh vật.

- Về nội tiết: Làm tăng thành phần Andrenalin trong máu làm tăng huyết áp thường xuyên, gây ra stress(Căng thẳng thần kinh) kinh niên.

- Nữ giới nhạy cảm với bức xạ hơn nên ảnh hưởng đến thai nhi như có nguy cơ sinh con bị tật bẩm sinh (dù không liên quan đến giới tu hành nhưng cũng xin nêu ra những ảnh hưởng tai hại).

Vì vậy, khi dùng nên chọn điện thoại di động có công suất bức xạ thấp. Khi nghe không nên áp sát tai và đừng thái quá.

Bài liên quan

Lý giải về nguyên nhân những khổ đau trong xã hội loài người

Để cân bằng tiện nghi và cám dỗ thì Thiền môn có nên đặt một rào cản để bảo vệ luân lý đạo pháp đối với việc sử dụng điện thoại di động hay không, nhất là đối với Tăng Ni sinh tuổi đạo còn rất mỏng, Ngộ giác chưa có?. Đó là chưa nói đến không ít người lợi dụng cửa từ bi quá rộng, cạo đầu vì muốn lợi dụng làm kế sinh nhai, hoặc che dấu hành tung không tốt của mình.. Theo tinh thần Phật giáo thì người xuất gia, Tăng đoàn không được chấp nhận  có đời sống riêng. Không đi ra ngoài một mình, đi thì phải có Tăng lữ đi cùng.  Mọi hành vi đều với tư cách đại diện tập thể, bình đẳng, dân chủ. Mọi việc lỗi phải đều cùng tập thể giải quyết. Chỉ có người trách nhiệm (là người có đức hạnh, uy lực, người được mọi người tín nhiệm như Trụ trì chẳng hạn) thâu nhận ý kiến rồi đưa ra kết luận sau cùng.

Điện thoại di động là một phương tiện giúp chúng ta liên lạc, thông tin nhanh chóng. Trong công việc hoằng pháp dĩ nhiên rất hữu ích và cần thiết. Tuy nhiên, bản thân chiếc điện thoại di động là vật vô tri vô giác, vì vậy người sử dụng cũng nên nghĩ đến hai mặt: Phật, Ma mà khả năng lý giải của người đầu bên kia cũng như năng khiếu truyền đạt, diễn giải của người hoằng pháp bên nầy có thể làm sai lệch ý nghĩa muốn truyền tải, đòi hỏi người thực hành công tác phải có khả năng giao tiếp qua âm thanh cũng như có  “nghệ thuật” biết lắng nghe và thấu hiểu, bởi vì ngăn cách không gian, không cảm nhận trọn vẹn tình cảm thể hiện trên nét mặt người nói hay người nghe. Mặt khác độ thu nhận mạnh yếu của mạng sóng, đôi khi bị ảnh hưỡng, nghe tiếng được tiếng không, rất dễ gây sự hiểu lầm dù với cùng một câu nói.

Tâm lý con người những lúc gặp khổ đau, bế tắc, không lối thoát thường mong chờ được giãi bày nỗi lòng, được nghe ai đó sẵn sàng giúp mình, an ủi mình. Nếu người mang trách nhiệm là chỗ dựa tinh thần, tâm linh lúc nào cũng có thời gian, cũng kiên nhẫn, cũng sẵn sàng, cũng chịu khó lắng nghe với tấm lòng chân thành, thấu cảm thì đối với người nghe đó là Phật, ngược lại thì sẽ dễ dàng mất đi một tin đồ. Sử dụng điện thoại di động để hoằng dương chân chính hay lợi dụng công cụ nầy và vị trí của mình để chuyện phiếm, tán gẫu, quyến rũ người vào sa đọa, rồi cùng lén lút phạm giới thì rõ ràng Phật Ma không do chiếc điện thoại mà do chính tâm ta vậy. Trong khi chưa có một giải pháp nào tương đối nhưng cũng không thể bỏ mặc, chúng ta hãy cùng suy nghĩ, bàn luận để cùng nhau giữ vững niềm tin của Phật tử quần chúng, nâng cao giá trị, hiệu quả của con đuờng hoằng pháp, duy trì và bảo tồn Phật pháp để xứng đáng với nhân duyên phước đức thiện căn làm người nối chí Đức Phật.

Mượn phương tiện để hoằng dương chánh pháp

Thì dùng cell phone, internet hay vạn thể, lý nào

Đều huyền linh, không dị biệt, chẳng khác nhau

Vì tất cả  tự mình tạo tác

Phật hay ma do chính mình dẫn đạo

Với chân tâm vạn pháp nhiệm mầu

Phật ma, ma phật do tâm tạo

Riêng chiếc cell phone sẵn vậy rồi!

> CHUYÊN MỤC NGHIÊN CỨU VỀ PHẬT GIÁO

Phật tử Trần Đăng

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/hoang-phap-qua-truyen-thong-di-dong-nen-chang-d32776.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY