Năm hết Tết đến, trẻ con háo hức được diện áo mới đón xuân bao nhiêu thì người lớn lại tái mặt lo tiền chi tiêu sắm Tết bấy nhiêu.
Đặc biệt với những gia đình có thu nhập ở mức trung bình thì quả thật 2 từ "sắm tết" đúng là nỗi ám ảnh, chỉ nhắc tới thôi cũng đã đủ khiến nhiều người phải rùng mình. Nhất là hội chị em – những tay hòm chìa khóa, quản lý chi tiêu chính trong nhà.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có kế hoạch sắm Tết một cách chi tiết và khoa học thì Tết đến sẽ không còn là nỗi lo. Giống như chia sẻ của chị Dịu – 1 "mẹ mìn" 2 con dưới đây chẳng hạn. Chỉ với 9 triệu đồng, chị vẫn sắm được 1 cái Tết đầm ấm, đủ đầy.
Vợ chồng mình đều xuất thân tỉnh lẻ, cưới nhau tính tới nay cũng được hơn chục năm và đã có 2 con. Bé thứ nhất đang học lớp 7, bé thứ hai lớp 2. Vợ chồng mình đều làm bên khối văn phòng, thu nhập 1 tháng cả hai cộng lại còn chưa được 17 triệu. Cũng may nhà cửa có rồi nên thu nhập như thế cũng gọi là đủ tiêu. Tháng nào con không ốm, cũng không có khoản phát sinh thì mình để tích lũy được chút ít.
Song đến tháng Tết thì mọi chi tiêu đều phải đội lên. Vì vợ chồng mình không có khoản thu ngoài, mọi thứ đều gói gọn trong tiền lương và thưởng nên mình phải có kế hoạch chi tiêu thật cụ thể rõ ràng. Năm nào cũng thế, tiền Tết mình quy định chỉ tiêu trong vòng 9 đến 10 triệu, bao gồm tất cả tiền mua sắm cũng như biếu 2 bên nội ngoại. Số còn lại mình sẽ giữ để ra Giêng đóng tiền điện nước, nộp học cho con cũng như phòng khi có việc phát sinh.
Nhiều khi ra ngoài nghe người ta kể, Tết nhà họ tiêu cả trăm triệu không đủ, nhưng nhà mình đúng là chỉ gói gọn trong ngần ấy tiền. Nói chung phải lựa hoàn cảnh mà tiêu thôi, gọi 'liệu cơm gắp mắm' kiểu 'khéo gói thì no mà khéo co thì ấm' ấy", chị Dịu vui vẻ tâm sự.
Bánh chưng, giò mỡ, đồ muối, mứt dừa, mứt bí là nhưng món gia đình chị Dịu luôn tự tay làm. Chị kể, năm nào cũng thế, cơ quan bắt đầu nghỉ tết là vợ chồng chị rục rịch cùng nhau đi mua đồ về gói bánh. Tuy có hơi lách cách một chút nhưng cả nhà đều vui, hai đứa con của chị cũng hào hứng lắm.
Theo chị Dịu, để sắm Tết tiết kiệm, chị em nên liệt kê chi tiết những thứ cần mua, tổng chi phí trong phạm vi túi tiền. Làm như thế sẽ tránh được tình trang sa đà vào những món đồ không thật sự cần thiết và không bị "vung tay quá trán".
Có sẵn khoản dự kiến mua sắm rồi, chị Dịu sẽ không mua thêm bất cứ một món hàng nào ngoài danh sách cần mua kể cả gặp hàng khuyến mại, giá hấp dẫn chị cũng nhất định nói "không".
Ngoài ra chị Dịu còn hết sức tận dụng những món đồ cũ ví dụ như khay đựng bánh kẹo, hoa quả. Thức ăn cũ còn lại trong tủ lạnh chị vẫn mang ra dùng trong những ngày tết. Thường chị cũng chỉ mua sắm đồ mới cho các con diện Tết còn người lớn thì vẫn mặc lại những bộ đồ trong năm.