Hình minh họa |
Biết cách biến khó khăn thành cơ hội
Bắt đầu bước vào một công việc hay môi trường mới luôn tạo cho bạn những khó khăn và những lý do khác nhau để chán nản và dừng lại. Nhưng nếu bạn vội bỏ cuộc, bạn sẽ không bao giờ biết năng lực của mình đến đâu và không bao giờ chạm được tới thành công vì luôn sợ thất bại.
Hoặc nếu bạn gặp thất bại và nhận được lời chỉ trích của cấp trên, đừng vội tự ái và ra đi mà hãy lấy đó làm kinh nghiệm của bản thân và dốc sức tìm cách để đứng lên. Nó sẽ giúp bạn tích lũy nhiều bài học cho mình và hơn thế, có thể khẳng định chí tiến thủ và tài năng của mình trong mắt đồng nghiệp. Hãy biến sự dè bỉu, coi thường của họ lúc đầu thành sự khâm phục và ngưỡng mộ bạn nhé!
Đặc biệt, dù có bị kẻ xấu "hạ bệ", bạn đừng bao giờ cư xử thô lỗ mà hãy khéo léo ứng xử thông minh và có chừng mực nhé! Nhất định họ sẽ tự động xin lỗi bạn và chủ động "kết thân" với bạn trước đấy.
Luôn hòa nhã, cởi mở với mọi người
Ở nơi công sở, mỗi người đều có một công việc nhất định và thường xuyên làm việc với máy tính. Vì vậy, nếu bạn không chủ động bắt chuyện thì cũng không ai để ý tới bạn đâu.
Nếu bạn chỉ biết "chúi mũi" vào công việc, kiệm lời thì chính bạn đã tự đánh mất cơ hội hòa nhập với môi trường và khiến công việc trở nên nhàm chán rất nhiều đấy.
Có thể trong giờ làm việc cần sự yên tĩnh nhưng bạn có thể tranh thủ vào giờ nghỉ trưa để bắt chuyện, hỏi han về mọi người xung quanh. Chắc chắn bạn sẽ tạo được cảm tình với đồng nghiệp là một người thân thiện và cởi mở.
Cách trên sẽ là tiền đề tốt để bạn tham gia vào các công việc theo nhóm được thuận lợi hơn. Cũng là tấm vé an toàn để tránh khỏi sự cạnh tranh "ngầm" chốn công sở.
Đừng làm như một cái máy mà hãy biết lên tiếng
Nếu bạn chỉ biết làm việc như một cái máy theo lập trình mà sếp đã định sẵn thì bạn chỉ có thể đảm bảo sự an toàn chứ không thể thăng tiến lên chức vụ quản lý. Trong một cuộc họp, nếu bạn chỉ biết ngồi lắng nghe mà không đưa ra ý kiến nào, thậm chí là phản biện thì sẽ khiến sếp đánh giá thấp về bạn về lâu dài.
Tâm lý ông chủ nào cũng muốn nhân viên có tính chủ động và sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển của công ty. Vì vậy, nếu bạn làm chỉ đảm bảo tiến độ công việc mà không thật sự "tỏa sáng" ở vị trí đó, chắc chắn sếp bạn sẽ tìm một người khác thay thế. Điều bạn cần làm là chứng minh được ngoài bạn thì sếp khó tìm ra người nào có thể đảm đương tốt vị trí này hơn bạn.
Đối mặt với sự cạnh tranh một cách thông minh
Nếu bạn là nhân viên mới và đang đối mặt với tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới" thì đừng dại dột mà phản kháng gay gắt. Cách ứng xử thông minh trong trường hợp này là hãy tìm đồng minh ở những người đồng nghiệp khác để họ có thể bày cách tránh cho bạn những vấn đề rắc rối từ sự "bắt nạt" này.
Còn nếu sự việc đang diễn ra một cách thái quá, bạn nên tế nhị đề cập vấn đề khó khăn của bạn với cấp trên. Tuy nhiên, nếu muốn được cấp trên lên tiếng bảo vệ, bạn cần chứng tỏ được năng lực của mình trước và vị trí của bạn cũng quan trọng không kém người đang gây hấn với bạn.
Nhưng nếu sự bất công đến ngay từ sếp của bạn ư? Đừng bao giờ nghĩ bạn sẽ bảo vệ ý kiến một cách gay gắt thì sếp sẽ nhường bạn. Lúc này, bạn cần phải biết kiềm chế, nhẫn nhịn và cố gắng thể hiện năng lực của mình. Đến khi bạn đã đạt được một "đẳng cấp" nào đó, chắc chắn sếp sẽ không có lý do gì để quý trọng một tài năng như bạn đâu.
Và một khi bạn vượt qua được những thử thách nói trên, chắc chắn bạn sẽ trở nên chững chạc hơn, chiếm một vị trí nhất định và tự tin đi bất cứ môi trường làm việc nào.
Linh Nhi
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: