12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Hội chứng ruột kích thích: Chớ coi thường

(SKGĐ) Mặc dù không gây nguy hiểm, nhưng Hội chứng ruột kích thích lại rất khó điều trị dứt điểm và hay tái phát gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Vừa ăn được vài miếng cơm, chị Hương (Chợ Lớn, Q.5, Tp.HCM) đã nhăn nhó mặt mày rồi đóng hộp cơm lại. Đồng nghiệp tếu táo trêu chị một câu: “Hôm nay ăn ít thế, hay là nhịn ăn để giảm eo!?”. Chị Hương cau có quay sang: “Giảm con khỉ, tôi đang sắp chết đây”.

Chẳng là mấy ngày nay chị Hương lúc nào cũng có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, chưa ăn đã no, thi thoảng bụng chị cứ cuộn lên đau nhức nhối. Hơn nữa, chị đang “đến tháng” nên nghĩ có thể nguyên nhân là do đó. Thế nhưng vài ngày sau đó, tình trạng của chị vẫn không thuyên giảm. Kèm theo đó, mỗi ngày chị đi ngoài rất nhiều lần, khi thì tiêu chảy, khi thì táo bón thất thường, lúc đau bụng lúc không. Công việc bận rộn mà chị lại rất ngại khoản chờ đợi khi đến bệnh viện khám nên chị cũng mặc kệ.

Được nửa tháng, tình trạng tồi tệ hơn, ngay cả “chuyện ấy” với chồng chị cũng không thể vì bụng đau dữ dội. Và vì không ăn được nên người chị lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, rệu rã, khó chịu, bứt dứt và làm việc không hiệu quả. Tới phòng khám chị mới biết mình bị hội chứng ruột kích thích.

Ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống

Theo PGS.TS Vũ Văn Khiên (Khiên (Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện TW Quân đội 108): Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) hay còn gọi là hội chứng đại tràng kích thích; đại tràng co thắt. Là một thực thể bệnh lý nằm trong các rối loạn chức năng ống tiêu hóa. Cơ chế gây HCRKT đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên những người dễ mắc phải hội chứng này là những bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý, rối loạn sự vận động của ruột, rối loạn về cảm thụ của ống tiêu hóa...

Về những triệu chứng của HCRKT, PGS.TS Vũ Văn Khiên chỉ ra: Thứ nhất, bệnh nhân mắc hội chứng này thường có biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ với từng đợt táo bón. Tiêu chảy thường xảy ra vào buổi sáng. Mỗi ngày người bệnh thường đi ngoài từ 3-4 lần với phân nhiều nhầy, nước, không có máu. Táo bón thì thường kết hợp với đau bụng, mỗi ngày bệnh nhân đi ngoài dưới 3 lần, phân lổn nhổn giống phân dê.

Triệu chứng thứ hai mà người mắc HCRKT thường gặp, đồng thời cũng rất dễ nhận biết là đau bụng. Tuy nhiên, đau bụng của HCRKT có tính chất mạn tính, đau âm ỉ dai dẳng, vị trí thường thấy nhất là ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc không đại tràng, và rất khó xác định chính xác vị trí. Người bệnh thường cảm thấyn chướng và tức ở hai bên bụng dưới, vùng bụng bên phải, bên trái, vùng trên rốn. Chướng bụng nhiều sau khi ăn, kèm theo sôi bụng, sau khi ợ hơi mới có cảm giác thoải mái, có khi ruột cuộn thành đoạn cứng và đau, day hoặc xoa bóp một lúc thì mất đi hoặc để tự nhiên cũng mất. Người bệnh còn có những dấu hiệu ở đường tiêu hóa cao như trào ngược dạ dày - thực quản với cảm giác nóng ở thượng vị, buồn nôn, nuốt khó, đôi khi có cảm giác có cục vướng ở họng.

Ngoài ra còn có các triệu chứng không phải đường tiêu hóa như đau đầu, mệt mỏi, ra mồ hôi chân tay, hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, liệt dương ở nam, đau khi giao hợp, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu đêm. Tinh thần tỏ ra lo lắng, có tâm trạng sợ bị bệnh, tính khí thay đổi, dễ xúc động, dễ buồn, dễ vui…

HCRKT khó điều trị dứt điểm

Theo PGS.TS Vũ Văn Khiên: “HCRKT là một hội chứng bệnh có tính mạn tính, hay tái phát và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị HCRKT là một điều trị toàn diện, là sự phối hợp giữa các phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc như chế độ ăn uống, luyện tập, vật lý liệu pháp…”.

Để giảm các triệu chứng, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng chống đau, chống co thắt như Phlorolucinol, Trimeutill; thuốc chống táo bón như Forlax, Sorbitol; hay các loại thuốc chống chướng bụng đầy hơi như Debridal, Motilium M…

Đối với chế độ ăn uống, bác sĩ Khiên cho biết, quan trọng nhất là trong đợt đang có triệu chứng. Người bệnh cần kiêng những loại thức ăn như sữa, tôm, cua, cá…; tránh những loại thức ăn sinh hơi nhiều và khó tiêu (khoai, sắn, hoa quả nhiều đường); những chất kích thích như rượu, bia, cà phê; thức ăn tái sống, thức ăn để lâu. Về chế độ luyện tập, người bệnh luyện đi ngoài ngày 1 lần vào buổi sáng kết hợp massage bụng buổi sáng để gây cảm giác đi ngoài. Luyện tập thư giãn, khí công.

Ngoài ra HCRKT bị kích thích bởi các yếu tố tâm lý. Do vậy, tâm lý trị liệu được cho là có lợi ích đặc biệt với những bệnh nhân có kèm theo lo âu hoặc trầm cảm. Các kỹ thuật tâm lý trị liệu bao gồm liệu pháp nhận thức về hành vi, tâm lý trị liệu động, liệu pháp thư giãn và thôi miên trị liệu. Bác sỹ Khiên cũng khuyên bệnh nhân nên bình tĩnh, không nên lo lắng quá nhiều vì bệnh không nguy hiểm, do đó người bệnh yên tâm có thể chung sống hòa bình với bệnh.

Phòng tránh bệnh

Để phòng ngừa HCRKT, mỗi người nên thực hiện những điều sau:

- Cần có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh.

- Chế độ làm việc điều độ, tránh tình trạng căng thẳng.

- Vận động thường xuyên, đi bộ nhiều. Cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ.

- Hít thở sâu giúp thư giãn cơ bụng có thể đưa tới hoạt động tiêu hóa nhiều hơn bình thường.

- Hãy dành ít nhất 15 phút/ ngày cho các hoạt động thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, chơi game hoặc chỉ ngâm trong bồn tắm nước ấm…

Theo PGS.TS Vũ Văn Khiên: “Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý phổ biến. Trên thế giới, ước tính có khoảng 30-35% số bệnh nhân đến khám mắc chứng này. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh là 13-18%. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới gấp 2-5 lần, lứa tuổi thường gặp là từ 30-50, tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn. HCRKT là hội chứng bệnh có tính mạn tính, hay tái phát nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh”.

Cao Dương

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/hoi-chung-ruot-kich-thich-cho-coi-thuong-12155/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY