12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Hội chứng “sớm nắng chiều mưa”

(SKGĐ) Khi thấy ai đó bỗng nhiên vui vẻ, hoạt bát, nói cười luôn miệng, liên tục hoa tay múa chân và quá dễ tính với mình… thì bạn đừng nên mừng vội!

Câu chuyện thứ 1: Hưng phấn theo mùa

Đang là sinh viên một trường đại học danh tiếng của Mỹ, một ngày đầu hè, Thu bỗng có những biểu hiện khác lạ. Cô đột nhiên vui vẻ hẳn lên, suốt ngày hát hò, nhảy nhót và đặc biệt là vô cùng lẳng lơ. Cô mời chào bất cứ chàng trai nào mình gặp gỡ để “lên giường” với mình. Bạn cùng phòng với cô kể, số người cô quan hệ tình dục có khi lên đến 5,6 người mỗi ngày.

Không nghiện sex như Thu, chị Hằng lại nghiện mua sắm vào mùa đông. Chồng chị đã phát hoảng khi thấy vợ tha về mấy chục bộ váy áo và giày dép cứ mỗi độ tiết trời chuyển thu sang đông. Đã vậy, khoảng thời gian đó chị luôn miệng nói cười và có những suy nghĩ rất hoang tưởng: mình được thăng chức, đang đi du lịch ở Mỹ, là hoa hậu…

=>Tìm lời giải đáp:

4 nhóm biểu hiện của chứng hưng cảm

- Cảm xúc: Khí sắc tăng, bệnh nhân cảm thấy khoan khoái dễ chịu, nhìn cuộc sống xung quanh thấy vui tươi, sáng sủa, màu sắc sặc sỡ, đầy thú vị.

- Tư duy: Bệnh nhân thấy ý nghĩ của mình luôn tuôn trào; các câu, từ thường liền vần và hay vận dụng ca dao, tục ngữ vào câu nói. Đặc biệt trong trường hợp nặng hơn, họ tự đánh giá cao bản thân, cho rằng mình giỏi hơn nhiều người và đang thực hiện trọng trách lớn lao.

- Vận động: Bệnh nhân luôn hoạt động, nói nhiều, nói nhanh hơn, đi lại nhiều, can thiệp vào mọi việc xung quanh mà không biết mệt mỏi.

- Một số triệu chứng khác: Đa số bệnh nhân đều có rối loạn giấc ngủ, chủ yếu là mất ngủ. Một số bệnh nhân tăng nhu cầu hoạt động tình dục.

Tiến sĩ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) cho biết, những nhân vật ở hai câu chuyện vừa kể trên đang mắc phải hội chứng hưng cảm. Đây là một dạng rối loạn cảm xúc do người mắc thừa chất Dopamine trong não.

Rối loạn hưng cảm đặc biệt chịu sự tác động của mùa, tức là cứ đến một thời điểm nào đó trong năm, bệnh nhân lại phát bệnh hoặc bệnh nặng hơn, như dân gian xưa vẫn gọi là "rồ hoa mướp". Khi cơn hưng cảm đến, bệnh nhân không điều khiển được hành vi của mình. Họ có thể bỗng trở nên hăng say nói, làm mọi việc, tự cao tự đại đến mức hoang tưởng về bản thân. Những lúc ấy, họ rất dễ bị lợi dụng, chỉ cần khen ngợi, khuyến khích ít câu là xin gì cũng cho, đề nghị gì cũng được.

Những người hưng cảm rất tự tin, cảm thấy mình có thể làm được những việc khó khăn nhất. Các ý tưởng ào ạt đến trong đầu và đa phần là không khả thi. Tuy nhiên, rất khó để thuyết phục được họ nên dừng lại.

Câu chuyện thứ 2: Cái gì cũng gật

Nổi tiếng là một trưởng phòng nghiêm khắc, nhưng không hiểu sao mấy tháng lại đây Thanh Tùng (32 tuổi, Hà Nội) lại khiến đám nhân viên mắt tròn mắt dẹt vì sự thay đổi đến 180độ của mình. Nhân viên đề xuất tăng lương cũng gật, lên kế hoạch đi liên hoan, du lịch liên miên cũng kí ngay, lại nói cười luôn miệng với mọi người. Được thể, đám nhân viên lại càng ra sức nịnh và sếp thì thích chí đồng ý tuốt. Hàng ngày, anh đến công ty với một niềm hứng khởi lớn, thường xuyên tập hợp nhân viên lại họp để nghe anh hào hứng nói về những ý tưởng, kế hoạch lớn của mình.

Nhưng, được chừng một tháng, Tùng lầm lì, ít nói hơn hẳn. Anh đến công ty trong bộ dạng phờ phạc, lếch thếch như người mất hồn. Tâm hồn cứ lơ lửng như treo ngược càng cây. Tình trạng đó cứ tiếp diễn như thế nhiều lần, kết quả công việc đi xuống thảm hại, lợi nhuận công ty giảm sút nhanh chống và tất nhiên Tùng bị sa thải ngay lập tức.

Vui nhanh buồn lâu

Những cơn hưng cảm này có thể diễn ra trong vài ngày hoặc một tuần, có khi vài tuần. Và ngay sau đó, bệnh nhân rơi ngay vào cơn trầm cảm, kéo dài gấp nhiều lần thời gian hưng cảm trước đó. Đang vui vẻ, khỏe mạnh tới đỉnh bệnh nhân lại kiệt sức, rũ rượi, chán nản, tuyệt vọng… tới đáy do toàn bộ sức sống đã bị “đốt” hết trong thời gian ngắn. Đặc biệt, các ý tưởng lúc hưng cảm càng vĩ đại bao nhiêu thì giờ trong cơn trầm cảm họ càng tuyệt vọng bấy nhiêu vì những thất bại.

Theo các chuyên gia tâm lý, 70% cơn hưng cảm xuất hiện ban đầu thường do một chấn thương tâm lý, nhưng sau đó, khi đã vào chu kỳ thì các tác động bên ngoài không còn ý nghĩa nữa. Bởi thế, những cú sốc tâm lý không phải là nguyên nhân gây bệnh mà chỉ có vai trò thúc đẩy, khiến bệnh xuất hiện ở những người đã có yếu tố nội tại của bệnh này.

Nếu như trầm cảm có thể điều trị nhiều cách, từ liệu pháp tâm lý hành vi đến thuốc và kết hợp hai cách trên, thì hưng cảm thường chỉ điều trị dứt bằng thuốc hoặc sốc điện. Thường cơn hưng cảm kéo dài ít nhất là một tuần, lâu nhất là 6 tháng rồi tự hết. Tuy nhiên, bệnh nhân phải uống thuốc củng cố suốt đời. việc dùng thuốc sẽ giúp rút ngắn cơn, giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chặn tái phát. Trong thời gian đó, cần tránh sử dụng rượu bia cũng như hạn chế các chất kích thích khác.

Điều trị ra sao?

- Khi phát hiện người có biểu hiện của hội chứng hưng cảm, cần đưa đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần gần nhất để các bác sĩ khám tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

- Việc điều trị phải tuân thủ các nguyên tắc sau: chữa theo nguyên nhân gây bệnh, chữa triệu chứng hưng cảm, điều chỉnh nước, điện giải, bồi dưỡng cơ thể...

- Trong giai đoạn trầm cảm, người nhà không nên trách móc, lên án những chuyện mà bệnh nhân đã làm khi hưng cảm, vì sẽ khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/hoi-chung-som-nang-chieu-mua-15684/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY