Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng ngừng trệ cấp máu cho não. Đột quỵ được chia thành 2 loại tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh:
- Xuất huyết não: Xảy ra khi mạch máu bị vỡ. Lúc này, máu sẽ thoát khỏi thành mạch và chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất...
- Nhồi máu não hoặc thiếu máu não cục bộ: Xảy ra khi một nhánh mạch máu bị tắc nghẽn. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất khiến não bị tổn thương, tại nhánh mạch đó sẽ bị thiếu máu và gây hoại tử nếu để lâu.
3 dấu hiệu cơ bản để nhận biết bệnh nhân bị đột quỵ
- Cách đơn giản nhất để nhận biết được dấu hiệu đột quỵ là yêu cầu bệnh nhân nói chuyện. Bởi những người đột quỵ thường có biểu hiện khó nói, nói ngọng, nói không tròn vành rõ chữ, nói không thành tiếng hoặc nói các từ vô nghĩa.
- Méo miệng, méo mặt là dấu hiệu thứ 2 để nhận biết người bị đột quỵ. Bạn có thể yêu cầu người bệnh cười để nhìn rõ hơn tình trạng này.
- Tay chân bị liệt: Bệnh nhân đột quỵ sẽ không giơ được tay lên hoặc giơ hai tay lên ngang vai nhưng một bên tay bị sệ hơn, nhấc chân lên nhưng không nhấc được hoặc nhấc khó.
Cách sơ cứu người bị đột quỵ
Khi có 3 dấu hiệu kể trên thì đó chính là thời điểm “vàng” để đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu. Dưới đây là 4 bước cơ bản để sơ cứu người bị đột quỵ trước khi đưa họ tới bệnh viện:
Bước 1: Gọi người trợ giúp hoặc gọi xe cứu thương để chuyển người bệnh tới bệnh viện.
Bước 2: Trong thời gian chờ hỗ trợ, bạn cần nhanh chóng đỡ bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm yên. Lưu ý, không được bế thốc bệnh nhân lên để đưa đi cấp cứu mà phải từ từ cho người bệnh nằm ngửa xuống, kê đầu của bệnh nhân cao hơn.
Bước 3: Theo dõi tình trạng của bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân bị nôn ói, hãy cho bệnh nhân chuyển sang tư thế nằm nghiêng rồi dùng khăn lau sạch chất nôn, đờm trong miệng để tránh việc chất nôn đi vào phổi, gây tắc đường thở, suy hô hấp.
- Nếu bệnh nhân có một số biểu hiện như lú lẫn, lơ mơ, bị đại tiện - tiểu tiện dầm thì có nghĩa là người bệnh đã bị mất ý thức. Lúc này, bạn nên kiểm tra nhịp tim và huyết áp của người bệnh. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc nào.
Bước 4: Khi người hỗ trợ tới, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để điều trị. Trong quá trình di chuyển, vẫn để đầu bệnh nhân nghiêng sang một bên, tránh để bệnh nhân bị va đập, rung lắc mạnh.
Lưu ý khi sơ cứu người bị đột quỵ
- Không dùng kim chích máu ở 10 đầu ngón tay của bệnh nhân, không được cạo gió, châm cứu hay vuốt dái tai của người bệnh.
- Không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì, đề phòng nôn ói, trào ngược vào đường thở.
- Không tự ý cho bệnh nhân dùng bất kỳ loại thuốc nào để hạ huyết áp.
- Khi phát hiện người bệnh cần tìm người hỗ trợ để đưa đi bệnh viện hoặc gọi cấp cứu rồi sơ cứu theo các bước trên.
Hà Phương
Theo Tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: