Đánh vào tâm lý tiêu dùng
Hầu hết các loại đũa gỗ trên thị trường hiện nay được phủ một lớp sơn bóng, sơn vàng, thậm chí còn có đường viền, hoa văn trang trí rất bắt mắt. Theo TS. Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì đây chính là lớp sơn bảo vệ bên ngoài để tạo độ bóng, tạo màu giả gỗ.
Trên thực tế, dù có dùng loại sơn nào thì vẫn phải có dung môi để hòa tan. Dung môi là dầu thực vật thì lâu tan, không có hại nhưng lại rất mất thời gian và sản xuất công phu. Trong khi đó, dung môi hữu cơ có quá trình sơn phủ nhanh và dễ dàng hơn, giá thành rẻ hơn nhiều. Vì vậy, sự lựa chọn này đem lại lợi nhuận cao cho các nhà sản xuất nhờ đánh vào tâm lý của số đông: thích hình thức, giá thành rẻ.
Hậu quả lâu dài mà những hóa chất này gây ra với sức khỏe là điều đáng lo ngại. Những loại sơn này có thể bị thôi ra trong một điều kiện hay nhiệt độ nào đó, nhất là các đồ dùng trong thực phẩm. Sơn và vecni là các hợp chất hữu cơ, chứa những thành phần độc cho sức khoẻ con người như: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đường hô hấp…
Công nghệ tẩy trắng
Không thể phủ nhận sự tiện lợi, giá thành rẻ (khoảng 200 đồng/đôi) của đũa ăn một lần. Chính vì thế, loại đũa này được chào đón nồng nhiệt ở các quán ăn bình dân, nhà hàng vừa và nhỏ. Nhưng, khi được chứng kiến công nghệ sản xuất loại đũa này ở một số cơ sở tư nhân, nhiều người mới hiểu vì sao nó lại rẻ đến thế.
Sau khi vót gọt xong, đũa tre được rửa sạch rồi thả vào chậu nước được pha sẵn cùng một loại chất hóa học. Ngâm khoảng 15-20 phút, đũa tre được vớt ra, độ trắng được cải thiện rõ rệt. Sỡ dĩ đũa không bị mốc là do sau khi làm trắng được tẩm ướp hóa chất bảo quản, một vài nơi còn tẩm hương liệu để dậy mùi tre thiên nhiên (để bán với giá cao hơn).
Clo là hóa chất tẩy trắng được ưa chuộng vì đạt hiệu quả tối ưu và rẻ tiền. Nhưng nó cũng được cảnh báo là bất lợi với hệ hô hấp, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi. Khi kết hợp với các hóa chất bảo quản và hương liệu thì tác hại tới sức khỏe còn phức tạp và khó kiểm soát hơn. Đũa đưa thẳng vào miệng nên rất dễ dàng để các hóa chất ngấm qua nước bọt để thẩm thấu vào trong dạ dày.
Chọn loại đũa nào? - Tránh xa các loại đũa có màu sắc trông không thật. Trước khi sử dụng lần đầu tiên, nên rửa kỹ với nước rửa bát; dùng cồn để lau sạch lớp hóa chất bên ngoài rồi rửa lại với nước sạch hoặc luộc trong nước sôi. - Thời gian sử dụng 1 đôi đũa từ khi sản xuất đến khi sử dụng là 4 tháng, vì vậy bạn nên thường xuyên thay đũa mới. - Đũa nhựa khi gặp nóng sẽ giải phóng ra thành phần hoá học có thể gây hại cho cơ thể người, thành phần đó từng giờ từng phút gây hại cho sức khoẻ, hơn nữa đũa nhựa rất mềm, dễ bị biến hình. - Nên chọn lựa loại đũa có nguồn gốc tự nhiên (tre, trúc…). Tuy nhiên, loại này khó rửa sạch, dễ bị nấm mốc, cho nên sau bữa ăn nên chú ý rửa thật sạch sẽ, bảo quản nơi khô ráo, thoáng khí. |
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: