12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Hướng dẫn vệ sinh đường thở đúng cách nhất

(SKGĐ) Không có gì đảm bảo đường thở của bạn sẽ không gặp tình trạng “ách tắc giao thông” kèm theo “ô nhiễm dạng có mùi” ở miệng nếu lơ là khâu vệ sinh.

 

Làm sạch khoang miệng

Khoang miệng là vùng ảnh hưởng tới mùi của hơi thở nhiều nhất. Bài học vỡ lòng đầu tiên không nói ai cũng biết là đánh răng, ngày 2-3 lần, buổi sáng sớm và trước khi đi ngủ. Để lấy thức ăn mắc ở răng bạn nên dùng chỉ nha khoa chứ không nên dùng miếng cau khô, vải khô, tặm nhọn để xỉa răng. Những động tác này sẽ làm xước bề mặt răng, làm hỏng men răng bên ngoài và có thể làm rách, xước lợi gây chảy máu.

Súc họng

Họng là điểm giao nhau của mũi, thực quản và khí quản. Họng có khá nhiều ngõ ngách, khe kẽ nên rất dễ đọng lại những mảnh thức ăn nhỏ xíu; cũng là nơi vi khuẩn từ đường tiêu hóa và khí thở thường bám lại. Để loại bỏ vi khuẩn, súc họng sau khi ăn là điều nên làm.

Cách súc họng đúng:

Lần 1: Ngậm một ngụm nước, súc miệng sao cho nước phải tràn vào khe giữa má và răng hàm; súc khoảng 15 giây thì nhổ bỏ.

Lần 2: Ngậm một ngụm nước, ngửa cổ lên và khà hơi ra ngoài như kiểu đun nước sôi cho đến khi nghe thấy có tiếng bong bóng vỡ. Khi đó, nước sẽ trôi xuống họng rồi được đẩy lên rất sạch sẽ.

Mách bạn: Nên súc miệng bằng nước muối nhạt hoặc cho thêm vài giọt nước chanh vào  nước khoảng 3-5 phút trước khi súc miệng.

Vệ sinh mũi

Cùng với sự thay đổi của thời tiết, chất lượng không khí cũng thay đổi (có thể trở nên lạnh và khô vào mùa đông và nóng, ẩm vào mùa hè). Bởi thế, vai trò làm ẩm và ấm không khí trước khi đưa vào phổi của khoang mũi càng trở nên quan trọng. Để bảo vệ “bộ máy” này bạn nên:

• Đeo khẩu trang khi đi đường.

• Nhỏ nước mũi sinh lý khi bị viêm mũi để làm sạch. Khi rửa mũi nếu nước nhỏ mũi chảy vào họng, miệng thì nên nhổ ra ngoài, không nuốt.

• Xông máy khí dung với nước muối sinh lý ấm khi có cảm giác rát mũi họng (thường gặp khi thời tiết quá hanh khô).

• Khi bụi bẩn bám lại trong mũi, không dùng tay ngoáy mũi mà nên dùng gạc mềm, tẩm nước muối ấm, nhạt quấn tròn đưa vào mũi, xoay tròn để lấy bụi bẩn ra; thực hiện 1-2 lần.

Mách bạn: Trị ngạt mũi nhờ gừng. Giã nát một củ gừng nhỏ cho vào bát, rót một ít nước sôi nóng vào; dùng bát nước này để xông mũi. Bạn có thể thay thế gừng bằng sả hoặc 1-2 giọt dầu gió.

Bạn nên cẩn trọng với mẹo nhỏ nước tỏi trị ngạt vì nước tỏi có thể khiến mũi bị xót, nóng đến mức đỏ cả mắt, mặt và tai.

Vỗ đờm cho bệnh nhân viêm phổi

Đờm chứa rất nhiều mầm bệnh, vi khuẩn và có thể làm tắc đường thở nên cần được khạc, nhổ ra ngoài; thường rất hay gặp ở người bị viêm phổi.

Để loại bỏ nó, bạn cần sự giúp đỡ của một người khác: Nằm nghiêng người về phía không bị viêm phổi (nếu bạn bị viêm phổi trái thì nằm nghiêng sang phải), đầu hơi thấp (để đờm mủ chảy xuống họng chứ không cho rơi sâu xuống phổi). Nhờ một người dùng tay vỗ vào bên phổi trái.

Mục đích làm rung đờm, để đờm long ra, rươi xuống. Lúc này, người bệnh chỉ cần khạc nhổ ra. Thời gian thực hiện: 20-30 phút/lần; ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều.

Thảo Nhi

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/huong-dan-ve-sinh-duong-tho-dung-cach-nhat-13816/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY