Insulin là gì?
- Insulin là một loại chất đạm (protein) duy nhất trong cơ thể có tác dụng làm giảm đường huyết. Vì insulin là chất đạm nên khi uống vào đường tiêu hóa sẽ bị phân hủy do đó cần phải tiêm.
- Insulin được tụy tiết ra một cách liên tục suốt 24 giờ trong ngày, số lượng tùy thuộc vào lượng đường do gan cung cấp vào khoảng 200-300g/ngày.
- Lượng insulin này được gọi là lượng insulin nền, khoảng 0,3-0,5 đơn vị/kg tức là vào khoảng 2/3 tổng số insulin trong 24 giờ.
- Insulin còn được tiết ra theo nhu cầu từng lúc của cơ thể, kích thích chủ yếu là sự tăng đường máu, nhất là sự gia tăng đường máu sau các bữa ăn…
Hiểu insulin để dùng đúng
Theo trang Diabetes, insulin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách đưa glucose vào trong các tế bào để cung cấp năng lượng. Không có insulin, glucose sẽ tăng cao trong máu. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân rất dễ bị hôn mê do tăng đường huyết. Tất cả mọi người bị tiểu đường tuýp 1 (còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin) đều có nhu cầu insulin, khi họ không thể sản xuất đủ insulin, họ sẽ được tiêm insulin mỗi ngày.
Sau 5 năm mắc bệnh đái tháo đường thì có 30-40% số người buộc phải dùng insulin nếu muốn có đường huyết ổn định tốt, sau 10 năm mắc bệnh chỉ còn khoảng 15% số bệnh nhân điều trị được bằng các loại thuốc uống hạ đường huyết. |
Với những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2 về cơ bản dựa vào chế độ ăn, tập thể dục và thuốc uống. Tuy nhiên có nhiều tình thế bắt buộc phải sử dụng insulin như: Khi bị hôn mê tăng đường máu, nhiễm trùng nặng; Bị tai biến mạch máu não, tắc mạch; Khi điều trị phẫu thuật; Khi có biến chứng suy gan, thận, suy tim...
Tất cả các bệnh nhân đái tháo đường có thể phải điều trị bằng insulin một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tiêm insulin càng sớm càng có cơ hội quay trở lại với thuốc uống hạ đường máu. Việc sử dụng insulin để điều trị không có nghĩa là bệnh nặng lên, chỉ đơn giản là cơ thể của bạn cần thêm một lượng insulin từ bên ngoài để duy trì cân bằng đường máu.
Insulin thường được tiêm chích dưới da, tiêm trước bữa ăn, không bao giờ được ngừng tiêm insulin kể cả không ăn gì, không được thay đổi loại insulin và số lần tiêm nếu không có ý kiến của bác sĩ. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng một bơm insulin liên tục.
Ngày nay, insulin đã có dạng sử dung bằng đường hít. Loại Insulin và số lần tiêm trong ngày phải do bác sĩ chỉ định dựa váo mức đường huyết của bệnh nhân. Bệnh nhân tiểu đường cũng cần phải biết cách tự điều chỉnh liều insulin trong các tình huống như: Khi tập thể dục, khi bị bệnh, khi ăn nhiều hơn hoặc ít hơn, khi họ đang đi du lịch…
Tác dụng không mong muốn của insulin
- Hạ đường huyết: do bỏ ăn, ăn ít, vận động quá nhiều bất thường, dùng quá liều thuốc, do tương tác với các thuốc gây hạ đường máu khác...
- Nổi mẩn đỏ và ngứa nơi tiêm: các triệu chứng này rất nhẹ, bệnh nhân chỉ có khó chịu chút ít.
- Dị ứng insulin: có thể ở mức độ trung bình. Các triệu chứng bao gồm mẩn ngứa, sưng nề chỗ tiêm. Nếu nặng hơn: mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở. Trong trường hợp này cần phải đưa bệnh nhân đi bệnh viện ngay.
- Tăng cân: cũng như bất kỳ thuốc làm giảm đường máu nào khác, bệnh nhân thường sẽ tăng vài cân khi đường huyết hạ xuống về mức bình thường. Điều chỉnh thật phù hợp liều insulin và chế độ ăn sẽ hạn chế được tác dụng phụ này.
Ngân Khánh
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: