Tình yêu và giới tính hôm nay

Jack Kevorkian - bác sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho cái chết êm ái

“Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ…” - Trích lời thề Hypocrat
Bác sĩ Jack Kevorkian - người chiến đấu không mệt mỏi trong cuộc tranh cãi về “cái chết êm ái" .

Như bao bạn đồng môn khác, bác sĩ Jack Kevorkian cũng từng kính cẩn đọc lời tuyên thệ Hypocrat thiêng liêng. Nhưng trên bước đường hành nghiệp, ông lại chọn cho mình hướng đi trái ngược với lời tuyên thệ trên để trở thành vị bác sĩ có một không hai trên thế giới: “Bác sĩ tử thần”.

Cuộc đời kỳ lạ của bác sĩ Jack Kevorkian

Jack Kevorkian được sinh ra ở Pontiac, thành phố Michigan, Mỹ năm 1928 trong gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Từ nhỏ Jack Kevorkian đã nổi tiếng là người đa tài. Ông tự mài mò học thông thạo 7 ngoại ngữ, trong đó có những ngoại ngữ khó như tiếng Nga và tiếng Nhật.

Jack Kevorkian còn có thiên hướng đặc biệt về nghệ thuật. Ông có thể bỏ ra hàng giờ liền chỉ để nghe nhạc thính phòng và ngắm nghía các bức tranh sơn dầu. Không chỉ là người biết thưởng thức, với khả năng chơi thành thục 3 loại nhạc cụ và tài vẽ tranh bẩm sinh, Jack Kevorkian có thể sáng tác nhạc jazz và vẽ nên những bức tranh rất có hồn.

Năm 1945, Jack Kevorkian ghi danh vào trường Đại học Michigan và tốt nghiệp trường Y vào năm 1952. Chuyên môn của ông là bệnh lý, chuyên nghiên cứu các xác chết để xác định nguyên nhân cái chết. Sự nghiệp của ông bị gián đoạn trong 15 tháng khi ông phục vụ trong quân đội thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên. Sau khi được phục viên, ông về làm bác sĩ thường trú tại Bệnh viện Đa khoa Pontiac tại thành phố Detroit, Mỹ.

Dù bị dư luận phỉ báng vì nghề nghiệp của mình nhưng Jack Kevorkian chẳng bao giờ đụng đến khoản tiền “cảm ơn” hậu hĩnh do thân nhân “người muốn chết” chuyển vào tài khoản của ông.

Vào năm 1958, Jack Kevorkian bắt đầu quan tâm đến cái chết và có bài thuyết trình về chủ đề này tại một hội nghị của Hiệp hội vì Sự tiến bộ của Khoa học Mỹ năm 1958. Trong bài thuyết trình, ông đề xuất rằng những kẻ giết người đáng chết nên được xử tử bằng thuốc mê để họ có thể hiến các bộ phận cơ thể cho việc nghiên cứu.

Cuộc đời của bác sĩ Jack Kevorkian có lẽ sẽ yên bình hơn nếu ông không có chuyến đi đến Hà Lan vào năm 1986. Tại đây, ông đã chứng kiến các đồng nghiệp của mình giúp các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị được chết trong nhẹ nhàng. Lúc bấy giờ, Hà Lan là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép các bác sĩ thực hiện "mũi tiêm giải thoát".

Trở về Mỹ, Jack Kevorkian tin tưởng rằng cách hành xử như thế mới thật sự là nhân đạo. Ông cho rằng giúp những người bệnh vô phương cứu chữa được nhẹ nhàng sang thế giới bên kia là đúng đắn hơn việc cứ cố kéo dài sự sống thoi thóp của họ trong những ngày dài đau đớn. Ngay sau đó, Jack Kevorkian bắt đầu viết một loạt các bài báo trình bày rõ quan điểm của mình và cho đăng trên tạp chí “Y học và Pháp luật" (Medicine & Law) của Đức.

Không cần chờ sự hậu thuẫn hay phản biện từ dư luận xã hội trước quan điểm của mình, đến năm 1989, Jack Kevorkian tự thiết kế cỗ máy "cỗ máy tự tử" mà ông hay gọi là Thanatron. Đó là một hệ thống cực kỳ đơn giản gồm các lọ dung dịch kết hợp với nhau. Trong đó có 1 lọ chứa chất an thần (barbiturat) giúp người ta tỉnh táo và khỏi đau trong chốc lát, 1 lọ là dung dịch kali clorua, đây là chất có tác dụng làm tim ngừng đập và 1 lọ chứa pancuronim bromide để tránh hiện tượng co giật.

Sau khi thiết kế xong cổ máy tự tử này, Jack Kevorkian tiến xa thêm 1 bước trong việc thách thức dư luận khi cho in card quảng cáo dịch vụ giúp người muốn chết được toại nguyện và nhấn mạnh sẽ trợ giúp miễn phí.

Bác sĩ Jack Kevorkian - “Chuyên môn của tôi là mang đến cái chết”

Vào năm 1993, bác sĩ Jack Kevorkian chuyển hẳn sang nghề tư vấn cho những bệnh nhân mắc các chứng bệnh nan y (như ung thư) tìm tới cái chết êm ái. Ông từng phát biểu trên tạp chí danh tiếng Time rằng: "Chuyên môn của tôi là mang đến cái chết". Và để “rộng đường dư luận”, Jack Kevorkian đã công bố việc của mình một cách công khai.

Vì thế mà người dân nước Mỹ mới biết được toàn diện "bề dày thành tích” của ông trong suốt thời gian hành nghề. Tính cho đến khi bị bắt vào năm 1998, Jack Kevorkian đã giúp cho 130 bệnh nhân bước vào thế giới của tử thần bằng phương pháp "cái chết êm ái".

Bạn có biết?

- Hiện tại trên thế giới đã có một số quốc gia công nhận “quyền được chết” trong hiến pháp và cho phép các bác sĩ thực hiện việc này như Hà Lan, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Luxembourg và một số bang tại Mỹ.

- Tại nhiều nước ở châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, vấn đề này không đơn giản. Vì nó còn phải phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như tôn giáo, tâm linh, tình cảm.

Bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ Jack Kevorkian là bà Janet Adkins 54 tuổi sống tại Michigan, Mỹ vốn là người gặp nhiều khốn khổ vì bệnh Alzheimer. Bà đã đề nghị “bác sĩ tử thần” ban cho cái chết nhẹ nhàng vào ngày 4/6/1990 và Jack Kevorkian đã sử dụng cỗ máy Thanatron.

Jack Kevorkian không trực tiếp thực hiện các thao tác khởi động cỗ máy tự tử, ông chỉ là người hướng dẫn ccho người bệnh biết cách sử dụng thiết bị của mình. Việc sống hay chết đều do chính bàn tay người bệnh quyết định mà thôi.

Sau vụ này, Jack Kevorkian đã bị khởi tố với tội danh giết người, tuy nhiên cáo buộc bị hủy bỏ sau đó vì không có quy định nào trong luật của bang Michigan cấm việc tự sát dưới sự hỗ trợ của người khác và tòa án cũng không có đủ bằng chứng buộc tội ông. Kể từ đó, Jack Kevorkian trở nên nổi tiếng bởi tai tiếng và được người đời gán cho danh hiệu "bác sĩ tử thần”.

Bất chấp sự chỉ trích, Jack Kevorkian luôn khẳng định ông đơn giản chỉ giúp bệnh nhân giảm bớt những gì họ phải chịu đựng. Năm 1991, Jack Kevorkian bị chính quyền bang Michigan cấm không cho thực hiện tư vấn cái chết cho người bệnh. Tuy nhiên ông vẫn không ngừng "công việc của thần chết" khi mà có quá nhiều bệnh nhân xếp hàng chờ được "giải thoát".

Năm 1992, Hội đồng pháp lý bang Michigan đã ra văn bản pháp quy chính thức, cấm Jack Kevorkian hành nghề nhưng đến năm 1993, Jack Kevorkian tuyên bố đã giúp 19 người tự kết liễu cuộc sống của họ.

Từ tháng 5/1994 tới 6/1997, Jack Kevorkian đã phải hầu tòa 4 lần nhưng đều thoát tội nhờ sự hỗ trợ của luật sư Geoffrey Fieger. Khi số người chết đã quá nhiều, một đội phóng viên truyền hình đã bí mật quay được cảnh Jack Kevorkian đang truyền thuốc độc cho một người đàn ông tên Thomas Youk. Ngay sau khi cuốn băng được phát sóng, "bác sĩ tử thần” bị bắt và bị toà tuyên án tội “giết người cấp độ hai” với mức án tù từ 10-25 năm.

Jack Kevorkian bị ngồi tù vẫn chưa từ bỏ quan điểm

Trước khi chết, Jack Kevorkian đã yêu cầu y tá mở cho nghe những bản nhạc cổ điển yêu thích để ông nhẹ bước về cõi vĩnh hằng.

Trong cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình MSNBC hồi tháng 9/2005, Jack Kevorkian tâm sự rằng nếu được phóng thích sớm, ông sẽ lập tức quay trở lại giúp các bệnh nhân được tự sát theo nguyện vọng và không ngần ngại khẳng định quyền được chết cũng quan trọng không kém với quyền sống. Kết quả là đơn xin phóng thích của ông bị từ chối vào cuối năm đó.

Mãi tới tháng 6/2007, Jack Kevorkian mới được trả tự do sau 8 năm ngồi tù. Ông được hưởng quyền tha bổng trước thời hạn vì lý do sức khỏe (ông bị bệnh thận và ung thư gan) và do tuân thủ tốt các quy định. Sau khi ra tù, Jack Kevorkian đã phải vất vả vật lộn với bệnh tật nên không còn thời gian để hành nghề. Sức khỏe của ông xấu đi một cách nhanh chóng.

Ngày 3/6/2010, Jack Kevorkian qua đời tại Bệnh viện William Beaumont vùng Royal Oak, Michigan, Mỹ. Trước khi chết, Jack Kevorkian đã yêu cầu y tá mở cho nghe những bản nhạc cổ điển yêu thích để ông nhẹ bước về cõi vĩnh hằng chỉ 8 ngày sau khi đón sinh nhật lần thứ 83.

Điểm son cần ghi nhận trong cuộc đời kỳ lạ của Jack Kevorkian là dù bị phỉ báng nhưng ông luôn chiến đấu không mệt mỏi trong cuộc tranh cãi về “cái chết êm ái”. Chính nhờ cuộc chiến không mệt mỏi của Jack Kevorkian mà đến nay ở Mỹ đã có 3 bang công nhận tính hợp pháp của việc giúp bệnh nhân được chết êm ái.

Và cuộc đời của Jack Kevorkian đã được hãng truyền hình danh tiếng HBO dựng thành phim “You Don't Know Jack”. Bộ phim không chỉ mang về cho nam diễn viên Al Pacino (thủ vai Jack Kevorkian) giải Emmy và Quả cầu vàng mà còn mang lại cho công chúng những gốc nhìn đầy tính nhân văn trong con người được mệnh danh là “bác sĩ tử thần” này.

Khánh Ly

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/jack-kevorkian--bac-si-dau-tranh-khong-met-moi-cho-cai-chet-em-ai-16906/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY