Tâm linh hôm nay

Khái luận về Pháp tướng Duy thức học (P.1)

Sao gọi là Chân Như? Chân Như nghĩa là thể tính chân thật của tất cả pháp đều như thế, phổ biến như thế, thường trụ như thế và tất cả pháp biến hóa đều nương nơi thể tính chân thật này làm thể của mình nên gọi là chân như.

LỜI NÓI ĐẦU


Trong tiến trình phát triển Duy Thức Học kể từ ngày sáng lập cách đây hơn 25 thế kỷ do Bồ Tát Di Lặc với các bộ luận như Du Già Sư Địa Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Thập Địa Kinh Luận, Trung Biên Phân Biệt Luận. Những sáng kiến mới của Duy Thức Học tiếp tục phát sinh như:


a) Tư tưởng Alaya Duyên Khởi do Bồ Tát Vô Trước đề xướng vào thế kỷ thứ IV Tây Lịch với những bộ luận: Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận v.v...


b) Tư Tưởng Cảnh, Hạnh, Quả của Duy Thức Tướng, Duy Thức Tánh và Duy Thức Vị do Bồ Tát Thế Thân chủ trương cũng vào thế kỷ thứ IV Tây Lịch và lập thành hệ thống Duy Thức Phật Giáo quan hệ vô cùng chặt chẽ với những bộ luận: Duy Thức Tam Thập Tụng Luận, Duy Thức Nhị Thập Luận, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận v.v...


Tiếp theo có mười đại luận sư kế thừa sự nghiệp của Bồ Tát Thế Thân phát huy tư tưởng Duy Thức Học sáng ngời một thời tại Ấn Độ. Trong số đó vào khoảng thế kỷ thứ V Tây Lịch, với ngài Trần Na đưa tư tưởng Duy Thức Học biến thành Luận Lý Học với bộ luận gọi là Nhân Minh Chính Lý Môn Luận Bản. Đến khoảng thế kỷ thứ VIII Tây Lịch, tư tưởng Duy Thức Học trở thành tông phái tại Trung Quốc gọi là Pháp Tướng Tông do ngài Huyền Trang thành lập với bộ luận gọi là Thành Duy Thức Luận. Ngoài ra ngài Huyền Trang trong 20 năm đã dịch rất nhiều kinh luận tổng cộng 76 bộ, gồm 1349 quyển đã mang lại nhiều sắc thái mới cho Phật Giáo Trung Quốc thời bấy giờ.


Đến năm 1915, Đại Sư Thái Hư đứng ra vận động chấn hưng Phật Giáo Trung Quốc, chỉnh lý chế độ Tăng Già, chủ trương giáo dục Tăng Ni làm nền tảng với tác phẩm Chỉnh Lý Tăng Già Chế Độ Luận. Ngài dựa theo Tam Dân Chủ Nghĩa (Dân Tộc độc lập, Dân Quyền tự do, Dân Sinh hạnh phúc) của Tôn Văn mà đề xướng ra Tam Phật Chủ Nghĩa (Phật Tăng, Phật Hóa, Phật Quốc). Mục đích của Phật Tăng Chủ Nghĩa là cải cách giáo đoàn, bài trừ ngu tăng, đào tạo tăng ni học thức; Phật Hóa Chủ Nghĩa thì lấy Phật Giáo làm căn bản để giáo hóa khắp nhân gian; còn Phật Quốc Chủ Nghĩa thì chủ trương biến quốc gia thành Phật Quốc Tịnh Độ hiện tại.

Với chủ trương nói trên, Đại Sư Thái Hư lần lượt thành lập: Kim Lăng Học Đường tại Nam Kinh, Võ Xương Phật Học Viện, Mân Nam Phật Học Viện tại Hạ Môn, Tạng Văn Học Viện tại Bắc Kinh, Thế Giới Phật Học Uyển Đồ Thư Quán tại Võ Xương và Thế Giới Phật Học Uyển Hán Tạng Giáo Lý Viện tại chùa Tấn Vân nơi Trùng Khánh.

Ngoài ra ngài còn thành lập Thế Giới Phật Học Uyển Tịnh Độ Lâm tại chùa Đại Lâm Lư Sơn, Thế Giới Phật Uyển Thuyền Quán tại chùa Tuyết Đậu Phụng Hóa, Luật Nghi Viện tại chùa Khai Phong ... Nhờ đó Phật Giáo Trung Quốc cận đại vô cùng hưng thạnh và còn ảnh hưởng đến các nước trên thế giới, nhất là Phật Giáo Việt Nam. Nhờ ảnh hưởng sự canh tân của ngài, các Hội Phật Giáo, Hội Phật Học khắp Nam, Trung, Bắc Việt thi đua ra đời.


Ngoài ra Đại Sư Thái Hư còn trước tác và giảng giải rất nhiều kinh luận, đặc biệt là lối giảng giải Phật Pháp của ngài đều căn cứ trên nền tảng luận lý khoa học và triết học cận đại để biện minh. Tất cả những điều nói trên đều được ngài ghi lại trong Thái Hư Toàn Thư. Lối giảng giải Phật Pháp của ngài mặc dù sử dụng rất nhiều ngôn từ khoa học và triết học cận đại nhưng không làm mất bản chất ý nghĩa cũng như giá trị Phật Pháp mà còn làm sáng tỏ tư tưởng thâm sâu huyền diệu của Phật Giáo trên bình diện khoa học thực nghiệm.


Trên lãnh vực Duy Thức Học, Đại Sư Thái Hư sáng tạo rất nhiều tư tưởng theo chiều hướng nhận thức mới qua nhiều tác phẩm của ngài. Điều đáng ghi nhận là ngài đem những đặc điểm của Duy Thức Học so sánh với các Triết Học Tây phương giúp cho đọc giả dễ nhận thức những ưu khuyết điểm giữa tư tưởng Duy Thức Học và tư tưởng các Triết Học Tây phương. Ngài đã ghi lại những sự so sánh này trong quyển Pháp Tướng Duy Thức Học Khái Luận và quyển luận này đã được ghi trong Thái Hư Toàn Thư.

Dịch giả mạo muội xin dịch quyển Pháp Tướng Duy Thức Học Khái Luận nói trên ra tiếng Việt với hy vọng nhằm giúp quý đọc giả có cảm tình Duy Thức Tông tiện viện nghiên cứu thêm tư tưởng mới của Duy Thức Học trên lãnh vực Triết Học và góp phần tư liệu vào công cuộc phát huy Phật Giáo trong nền văn hóa dân tộc. Lối dịch thuật của dịch giả phần lớn chú trọng về tư tưởng nhiều hơn là chú trọng lối cấu trúc văn chương bóng bảy và cố làm sao phơi bày được giá trị của tác phẩm.

Lối văn pháp của Trung Quốc khác hơn lối văn pháp của Việt Nam và văn pháp của nước nước này không có mệnh đề cụ thể, cho nên khi chuyển qua văn pháp Việt Nam phải thêm một số chữ Việt vào hoặc bớt đi một số chữ Hán để được rõ nghĩa mà không sai ý, đó là điều khó khăn cho người dịch. Dịch giả cố gắng sắp xếp theo chiều diễn tiến của tư tưởng Duy Thức trong tác phẩm này cho khỏi lạc ý của tác giả.


Nhằm phát huy tư tưởng Duy Thức Tông trong thời đại mới, thời đại văn minh cơ giới cực thịnh và để gieo duyên với các đọc giả tân học học muốn nghiên cứu Duy Thức Học, dịch giả phát nguyện dịch tác phẩm Pháp Tướng Duy Thức Học Khái Luận của Đại Sư Thái Hư với nhan đề là "Khái luận về Pháp Tướng Duy Thức Học" ngõ hầu cống hiến đến quý đọc giả những nhận thức mới về Duy Thức Học trong kho tàng tư tưởng của Duy Thức Tông.

Dịch giả hy vọng có thể góp một phân nhỏ nhoi cùng các bậc cao minh thạc học trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Phật Giáo dân tộc càng thêm phong phú nơi vườn hoa tư tưởng, để làm nền tảng căn bản cho giống nòi ở hải ngoại được nảy nở và phát triển. Về vấn đề dịch thuật, dịch giả vì tài sơ trí thiển, học cạn hiểu gần nên tác phẩm này không thể nào chu toàn giáo nghĩa của nó. Nếu có chỗ sai lầm hoặc thiếu sót, kính mong các bậc cao minh niệm tình chỉ giáo. Thành thật cảm ơn chư Tôn túc, quý thức giả và quý đọc giả bốn phương.


Trân trọng cẩn bút,

Thắng Hoan

(Đại sư Thái Hư giảng tác phẩm này tại Hạ Đại Văn Triết Học Hi, tháng 12 năm thứ 21)


I. GIẢI THÍCH TỔNG QUÁT VỀ PHÁP TƯỚNG DUY THỨC HỌC


Khái Luận về Pháp Tướng Duy Thức Học Khái Luận chính là một thứ học vấn rất trọng yếu trong Phật Học. Thứ học vấn này thì quá nhiều điển tích nên chỉ xin nêu lên những cương yếu theo thứ tự để chúng ta cùng nghiên cứu. Trước khi đi sâu vào nội dung của môn học, chúng ta hãy thử tìm hiểu về danh xưng Pháp Tướng Duy Thức Học. Pháp Tướng Duy Thức Học trong Phật học có chỗ gọi là Pháp Tướng Học và cũng có chỗ gọi là Duy Thức Học. Nội dung của hai danh xưng nói trên đều giống nhau. Hai danh xưng này hợp lại với nhau nên được gọi chung là Pháp Tướng Duy Thức Học. Pháp Tướng Duy Thức Học có ý nghĩa đặc biệt của nó.

Người cận đại lại gọi là Pháp Tướng Học Phạm Vi Khoan Đại. Nếu xét về quan hệ với Đại Thừa và Tiểu Thừa, Duy Thức Học đúng ra chỉ quan hệ một phần nào với Đại Thừa. Theo ý tôi, Pháp Tướng Duy Thức Học là danh xưng rất thích hợp và Tiểu Thừa không nên quy vào Pháp Tướng Học, nguyên vì Pháp Tướng Duy Thức Học chính là tên riêng của nó vậy. Ý nghĩa này sẽ được trình bày tường tận ở phần sau. Danh xưng Pháp Tướng Duy Thức Học được phân tích và giải thích như dưới đây:


A. Sao Gọi Là Pháp?


Chữ Pháp mà phổ thông thường dùng là chỉ cho pháp luật và pháp tắc. Nghĩa của chữ Pháp nói đây rất trừu tượng. Chữ Pháp của Phật Học sử dụng nếu như so sánh với pháp luật và pháp tắc của phổ thông thường gọi thì có phần cụ thể hơn. Theo Phật Học, nghĩa của chữ Pháp bao hàm phạm vi rất rộng lớn, lẽ cố nhiên không luận cụ thể hay trừu tượng có thể luận bàn bằng ngôn ngữ hoặc diễn đạt qua tư tưởng đều là nghĩa của chữ Pháp.

Cái Có của sự vật khả dĩ gọi là Pháp và cái Không của sự vật, mặc dù chỉ khái niệm về Không, cũng có thể gọi là Pháp. Cái Cực Vi của sự vật được phân tích chính là Pháp và tập hợp chúng lại thành cụ thể cũng gọi là Pháp; sự vật có biến hóa, có tác dụng đều gọi là Pháp và sự vật không biến hóa, không tác dụng cũng gọi là Pháp; cho đến cái Không của lông rùa, của sừng thỏ rốt cuộc cũng gọi là Vô Pháp. Chúng ta thường cho phạm vị rộng lớn của chữ pháp là chữ [Vật] của vạn vật. Phạm vi rộng lớn của chữ Pháp thì đã được tường thuật ở trên, nhưng nó được định nghĩa như thế nào? Căn cứ nơi Phật điển, chữ Pháp có hai nghĩa: một là chuẩn mực để người khác hiểu biết, hai là bảo trì được tự tính của chất trắng.

Thí dụ như màu trắng, chính nó bảo trì được tự tính của chất trắng để tồn tại nên gọi là nghĩa bảo trì được tự tính để tồn tại của một pháp; vả lại màu trắng khiến cho người khác nhìn đến biết ngay là trắng và không lầm với màu khác nên gọi là nghĩa chuẩn mực để người khác hiểu biết. Nghĩa của câu trước là có khả năng bảo trì thể tính của riêng nó và nghĩa của câu sau là khiến người ta hiểu rõ không sinh ý tưởng khác. Màu trắng là như thế và các màu khác thì cũng giống như vậy, hai nghĩa này đều gọi là Pháp cả.


B. Sao Gọi Là Tướng?


Theo phổ thông của Trung Quốc, chữ Tướng có ba nghĩa: chữ tướng của sự hỗ tương là chỉ cho sự quan hệ lẫn nhau, chữ tướng của tể tướng là chỉ cho nghĩa phụ trợ cho nhau, chữ tướng của sự xem tướng là để chỉ cho sự xem xét. Ba loại tướng vừa nêu trên không phải là chữ Tướng muốn nói đến. Chữ Tướng mà chúng ta muốn đề cập đến chính là chỉ cho ba loại tướng, chữ tướng của tướng mạo, chữ tướng của nghĩa tướng và chữ tướng của thể tướng. Ba loại tướng này đích thực là nghĩa của Pháp Tướng Duy Thức đã chọn.


1. Chữ Tướng Của Tướng Mạo


Tướng mạo của sự vật được đề cập đến bình thường là chỉ do Nhãn Thức nhìn thấy, nhưng tướng mạo đây có thể phân biệt không những chỉ do Nhãn Thức nhìn thấy mà còn có Ý Thức để hiểu biết. Trường hợp như trong lúc Tâm không có mặt, đôi mắt vẫn nhìn mà không thấy chi cả, nghĩa là lúc đó Ý Thức không chăm chú đến, cho nên Nhãn Thức mặc dù nhìn thấy nhưng cũng giống như không nhìn thấy.

Tướng mạo dài ngắn, rộng hẹp nảy sinh ra là do Ý Thức và Nhãn Thức cùng nhau phát khởi tác dụng. Sắc Trần là do Nhãn Thức và Ý Thức cùng nhau hiểu biết, còn Hiển Sắc của màu xanh, của màu vàng, của màu đỏ, màu vàng, của màu trắng v.v... và Hình Sắc của chiều dài, của chiều ngắn, của hình vuông, của vòng tròn v.v... cho đến Biểu Sắc của sự đi, của sự đứng, của sự cong lại, của sự duỗi ra v.v... ba loại này đều hoàn toàn là do Ý Thức tác dụng nhận xét.


2. Chữ Tướng Của Nghĩa Tướng


Hình tướng của Ý Thức phân biệt được gọi là chữ Tướng của Nghĩa Tướng. Chỗ phân biệt, chỗ suy nghĩ, chỗ phán đoán của Ý Thức đều là chữ Tướng của Nghĩa Tướng, Năm Thức trước như, Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức không thể nào hiểu biết đến Nghĩa Tướng của Ý Thức nhận thức. Nói rõ hơn, Nghĩa Tướng là hình tướng của Ý Thức thứ sáu và Ý Căn thứ bảy cùng nhau nhận thức. Mạt Na Thức thứ bảy nhận thức hình tướng tự ngã bên trong kín đáo không thể hiểu biết.

Ngoài ra, tất cả nghĩa Tướng đều là hình tướng của Ý Thức nhận thức. Đúng ra, phàm những hồi ức của quá khứ, những suy tưởng của vị lai, những giả thuyết của danh từ, những ghi chép của văn tự, không luận tư tưởng cho đến tri thức, tất cả đều là chữ Tướng của Nghĩa Tướng. Nghĩa Tướng này chỉ thông dụng riêng cho Ý Thức thứ sáu và Mạt Na Thức thứ bảy cảm nhận mà thôi.


3. Chữ Tướng Của Thể Tướng


Chỗ cảm nhận trong đây chính là một thứ Thể Tướng quan hệ trực tiếp đến cảm giác. Nói một cách đơn giản, thật thể mà tri giác có thể hiểu biết đến thông thường gọi là trực giác đơn thuần. Tâm Lý Học gọi trực giác đơn thuần này là cảm giác, nhưng cảm giác của thực thể đơn thuần chính là chữ Tướng của Thể Tướng. Thể Tướng này thì rất thích hợp với năm Thức trước và không thích hợp với Ý Thức thứ sáu vì Ý Thức thứ sáu thường hay cấu tạo những tác phẩm vô căn cứ.

Hình tướng này phải có thật thể thì mới kích thích được khả năng cảm giác, cũng như âm thanh vừa mới đến thì nghe tiếng ngay và mùi vị vừa mới đến thì biết mùi ngay, nhưng chỗ cảm giác của Ý Thức và năm Thức trước hợp tác cũng có thể gọi là chữ Tướng của Thể Tướng vì trong Thể Tướng này có thêm Nghĩa Tướng của Ý Thức. Chỗ hiểu biết của Thức thứ tám cũng là chữ Tướng của Thể Tướng, lý do chỗ hiểu biết của Thức thứ tám cũng có thật thể. Hình tướng của chỗ cảm giác bị Tâm hiểu biết có thể phân làm ba loại:


1) Tánh Cảnh là cảnh giới của thể tính có thể chất chân thật, tức là chữ Tướng của Thể Tướng.


2) Đới Chất Cảnh là Nghĩa Tướng của Ý Thức tác dụng nhận thức chồng lên trên hình tướng nguyên thể của Tâm Lý Chủ Quan; cũng như màu trắng của Nhãn Thức hiểu biết, danh từ màu trắng đây chính là hình tướng trắng của Nghĩa Tướng do Ý Thức nhận thức không phải là bản chất của thể tướng; cho đến ngôn từ phân biệt không phải loại màu trắng cũng là nghĩa tướng của Ý Thức nhận thức, mặc dù nói rằng thể tướng cũng từ nơi màu trắng, nhưng thực sự không phải là chữ Tướng của Thể Tướng, cho nên gọi là Đới Chất Cảnh.


3) Độc ảnh Cảnh là những hồi ức của quá khứ, những suy tưởng của tương lai, cho đến danh từ lông rùa, sừng thỏ v.v... được thiết lập và giả tưởng của Ý Thức, ảnh tượng của sự so sánh, tất cả đều gọi là Độc Ảnh Cảnh.


Từ nơi ba loại cảnh đã được đề cập ở trên, chữ Tướng của Thể Tướng thì dung thông với Tánh Cảnh. Chữ Tướng của Thể Tướng đã dung thông với Tánh Cảnh thì Chân Như, Thể Tánh, Pháp Tánh cũng đều bao gồm ỏ trong Thể Tướng, nguyên do Chân Như là chỗ hiểu biết căn bản của Trí không phân biệt và Chân Như cũng tức là thật thể của vô tướng. Chữ Tướng của Nghĩa Tướng thì dung thông nơi Đới Chất Cảnh, còn chữ Tướng của Tướng Mạo thì lại dung thông cả hai cảnh, Tánh Cảnh và Đới Chất Cảnh. Như thế sự quan hệ giữa ba Tướng và ba Cảnh đã được trình bày tổng quát ở trên.


Chổ hiểu biết của Tâm Thức chính là hình tướng của chỗ nhận thức. Chữ Tướng ngoại trừ ba loại nghĩa trên, còn có năm thứ hình tướng khác nữa là Tự Tướng, Cộng Tướng, Sai Biệt Tướng, Nhân Tướng và Quả Tướng. Chẳng hạn như cây bút thép, bản thân riêng của cây bút thép là Tự Tướng. Đề cập đến cây bút thép thì tất cả cây bút thép đều bao gồm ở trong và cây bút thép này chỉ là một trong vô số cây bút thép nói trên, đó gọi là Cộng Tướng.

Lại nữa, cây bút thép này thì được chế tạo bằng kim khí và những cây bút thép khác cũng đã được chế tạo bằng kim khí thì đều đồng loại với nhau, còn cây bút nào không phải chế tạo bằng kim khí thì không phải đồng loại. Sự quan hệ khác biệt với đa số nói trên tức là hiển bày cái Tướng sai biệt của nó. Cây bút thép này được chế tạo như thế nào chính là Nhân Tướng và từ nhân tướng đây mà suy cứu ra cái kết quả của nó chính là Quả Tướng. Phàm tất cả tư tưởng trên, chỗ có thể phân biệt được đều có năm tướng này.

Luật Đồng Nhất (Law of Identity), Luật Mâu Thuẫn (Law of Contradiction) và Luật Nhân Quả (Law of Cause and Effect) của Triết Học Tây phương đều dung thông nơi nghĩa của những Tướng này.


C. Sao Gọi Là Pháp Tướng?


Nghĩa riêng của từng chữ Pháp và chữ Tướng đã được giải thích rõ ràng ở trên. Giờ đây hai chữ Pháp Tướng này xin được trình bày chung lại với nhau. Pháp Tướng nghĩa là tướng mạo, nghĩa tướng và thể tướng của tất cả pháp. Pháp Tướng trong Phật Điển có hai nghĩa: năng tri và sở tri.


Sở tri nghĩa là nơi chốn bị hiểu biết. Tất cả pháp đều là nơi chốn bị hiểu biết. Đối tượng của sở tri là năng tri. Năng Tri nghĩa là tâm linh của nhân loại và của các động vật có khả năng tác dụng để hiểu biết.


Nhưng Năng Trí (tâm linh để hiểu biết) cũng là Sở Tri (nơi chốn bị hiểu biết). Giả sử năng tri không phải là sở tri thì làm sao biết được nó có khả năng tác dụng để hiểu biết. Chấp nhận năng tri tất nhiên cũng là sở tri, ngoại trừ sở tri nhất định không thể là năng tri. Phạm vi lớn nhỏ của năng tri và sở tri được diễn tả qua đồ hình sau đây:


Năng tri (tâm linh để hiểu biết) là một bộ phận của sở tri (nơi chốn bị hiểu biết). Phạm vi của sở tri thì rộng lớn và phạm vi của năng trí thì nhỏ hẹp. Cũng như tất cả pháp đều là sở trí, nhưng Tâm Pháp một bộ phận trong tất cả pháp thì thuộc về năng tri và đồng thời cũng có thể là sở tri. Như tri thức của Ý Thức khởi lên một sát na để hiểu biết thì tri thức này chính là năng tri và ngoài ra đều là sở tri, còn tri thức của sở tri cũng là tri thức có khả năng hiểu biết, mặc dù không rời năng tri, nhưng nó cũng là một thứ sở tri.

Cho nên năng tri đây thì cũng bao gồm cả sở tri ở trong. Khác nào Kiến Phần mỗi khi duyên nơi Tướng Phần tức thì nương tựa nơi Tự Chứng Phần làm nơi sở duyên (thuộc sở tri). Do đó năng tri đồng thời cũng là sở tri. Tri thức có khả năng hiểu biết cũng là một pháp của sở tri. Từ đó Pháp Tướng hàm chứa cả tướng mạo, nghĩa tướng và thể tướng của tất cả pháp sở tri. Tiếng Phạm gọi là Nhĩ Diệm và dịch nghĩa là sở tri hoặc nghĩa là cảnh tượng, tức là cảnh sở tri của tất cả pháp.


Thứ đến, chữ Pháp lại được chia thành năm thứ pháp tạng: Danh, Tướng, Phân Biệt, Chánh Trí và Chân Như.


1) Danh là có khả năng giải rõ tất cả sự vật biểu hiện.


2) Tướng là tên của các sự vật biểu hiện đã được giải rõ.


3) Phân Biệt là tâm thức có khả năng phân biệt.


4) Chánh Trí là trí tuệ có khả năng hiểu biết sau khi lìa khỏi sự hư vọng phân biệt.


5) Chân Như là pháp thể của chính trí hiểu biết.


Năm pháp này có khả năng gồm thâu tất cả pháp nên gọi là Tạng, cũng như cái kho chứa đựng toàn là sách vở.


Hơn nữa chữ Tướng lại cũng là ba Tánh Tướng của Biến Kế Sở Chấp, của Y Tha Khởi và của Viên Thành Thật. Ba Tánh Tướng gồm có:


1) Biến Kế Sở Chấp Tướng là hình tướng điên đảo hư vọng của nghĩa tướng.


2) Y Tha Khởi Tướng là hình tướng do nhân duyên hòa hợp sinh khởi.


3) Viên Thành Thật Tướng là thể tướng chân thật thành tựu viên mãn không bị biến hoại.


D. Sao Gọi Là Pháp Tướng Duy Thức?


Pháp Tướng là tướng mạo, nghĩa tướng và thể tướng để được hiểu biết của tất cả pháp. Tất cả pháp thì vô cùng vô tận, không thể kể cho hết, nhưng các học giả Pháp Tướng Duy Thức nghiên cứu chỗ rất trọng yếu, chỗ rất cơ bản thì tất cả không ngoài một trăm pháp. Căn cứ vào những tác phẩm Thiên Thân Bách Pháp Minh Môn Luận, Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận v.v... để sưu tầm, nghiên cứu và tham khảo, một trăm pháp được chia thành năm nhóm: Tâm Pháp, Tâm Sở Hữu Pháp, Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp và Vô Vi Pháp.


1. Thứ Nhất Là Tâm Pháp - Citta (Consciousness). Tâm Pháp gồm có tám loại:


1) Nhãn Thức (Eye Consciousness)


2) Nhĩ Thức (Ear Consciousness)


3) Tỷ Thức (Nose Consciousness)


4) Thiệt Thức (Tongue Consciousness)


5) Thân Thức (Body Consciousness)


6) Ý Thức (Mental Consciousness)


7) Mạt Na Thức (Mind afflicted by egoism)


8) Tạng Thức (Alya or Foundation Consciousness)


2. Thứ Hai Là Tâm Sở Hữu Pháp - Caitasika Dharmas (Mental Factors). Tâm Sở Hữư Pháp gồm có năm loại:


1) Biến Hành: (Ommipresent Mental Factors). Biến Hành có năm thứ:


a) Tác Ý: Manaskara (Mental Engagement)


b) Xúc: Sparsa (Contact)


c) Thọ: Vedana (Feeling)


d) Tưởng: Samjna (Ideation)


e) Tư: Cetana (Intention).


2) Biệt Cảnh: (Particular Mental Factors). Biệt Cảnh có năm thứ:


a) Dục: Chanda (Desire to act)


b) Niệm: Smrti (Mindfulness)


c) Thắng Giải: Adhimoksa (Deciding)


d) Tam Ma Địa: Samadhi (Concentration)


e) Huệ: Mati (Wisdom)


3) Thiện Tâm Sở: (Virtuous Mental Factors). Thiện Tâm Sở có mười một thứ:


a) Tín: Sraddha (Faith)


b) Tin Tấn: Virga (Effort)


c) Tàm: Hri (Shame)


d) Quí: Apatrapa (Embarrassment)


e) Vô Tham: Alobha (Absence of cupidity)


f) Vô Sân: Advesa (Absence of hate)


g) Vô Si: Amoha (Absence of ignorance)


h) Khinh An: Prarabdhi (Serenity)


i) Bất Phóng Dật: Apramada (Carefulness)


j) Bất Hại: Ahimsa (Harmlessness)


k) Hành Xả: Upeksa (Equanimity).


4) Bất Thiện Tâm Sở: (Demeritorious Mental Factors). Bất Thiện Tâm Sở gồm có:


Căn Bản Phiền Não và Tùy Phiền Não.


Căn Bản Phiền Não có sáu thứ:


a) Tham: Labha (Cupidity)


b) Sân: Dvesa (Hatred)


c) Si: Moha (Ignorance)


d) Mạn: Mana (Pride)


e) Nghi: Vicikitsa (Doubt)


f) Ác Kiến: Asamyag-drsti (Erroneous views)


Tùy Phiền Não. Tùy Phiền Não có hai mươi thứ:


a) Phẫn: Krodha (Anger)


b) Hận: Upanaha (Enmity)


c) Phú: Mraksa (Concealment)


d) Não: Santapa (Gloom)


e) San: Karpanya (Miserliness)


f) Tật: Irsya (Jealousy)


g) Cuống: Sathya (Deceit)


h) Siểm: Maya (Fawn upon)


i) Hại: Vihimsa (Harmfulness)


j) Kiêu: Mada (Flaughtiness)


k) Vô Tàm: Ahrikya (Shamelessness)


l) Vô Quí: Anapatrapya (Impudence)


m) Hôn Trầm: Styana (Lethargy)


n) Trạo Cử: Auddhatya (Excitement)


o) Bất Tín: Asraddha (Lack of Faith)


p) Giãi Đãi: Kausidya (Lazyness)


q) Phóng Dật: Pramada (Carelessness)


r) Thất Niệm: Musitasmrtita (Forgetfulness)


s) Tán Loạn: Viksepa (Confusion)


t) Bất Chánh Tri: Asamprajna (Wrong judgment).


5) Bất Định Tâm Sở: (Changeable Mental Factors). Bất Định Tâm Sở có bốn thứ:


a) Hối: Kankrtya (Remorse)


b) Miên: Middha (Sleep)


c) Tầm: Vitorka (Investigation)


d) Tư: Vicara (Analysis).


3. Thứ Ba Là Sắc Pháp - Rupa (Matter literally form or shape). Sắc pháp gồm có mười một thứ:


1) Nhãn Căn: (Sight organ)


2) Nhĩ Căn: (Sound organ)


3) Tỷ Căn: (Smell organ)


4) Thiệt Căn: (Taste organ)


5) Thân Căn: (Touch organ)


6) Sắc Trần: (Sight object)


7) Thinh Trần: (Sound object)


8) Hương Trần: (Smell object)


9) Vi Trần: (Taste object)


10 Xúc Trần: (Touch object)


11) Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc: (Form for the mental consciousness).


4. Thứ Tư Là Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp - (The Citta - Viprayukta Wharmar) gồm 24 loại:


1) Đắc: Prapti (Attainment)


2) Mạng Căn: Jwitendriya (Vitality)


3) Chúng Đồng Phân: Sabhagata (Uniformity of characteristics)


4) Di Sinh Tánh: Evambhagiya (Individuality)


5) Vô Tưởng Báo: Asamjuika (one having no discrimination)


6) Vô Tưởng Định: Asamjni samapatti (Absorption without discrimination)


7) Diệt Tận Định: Virodha - samapatti


8) Danh Thân: Namakaya (Word)


9) Cú Thân: Padakaya (Sentences)


10) Văn Thân: Vyanjanakaya (Letters)


11) Sinh: Jati (Birth)


12) Lão: Jara (Aging)


13) Trụ: Sthiti (Stay in one place)


14) Vô Thường: Anityata (Impermanence)


15) Lưu Chuyển: Pravrtti (Continuity)


16) Định Vị: Aprapti (Distintinction)


17) Tương Ưng: Pratyanubandha (Correlation)


18) Thế Tốc: Javanya (Rapidity)


19)Thứ Đệ: Anukrama (Order)


20) Phương: Desa (Direction)


21) Thời: Kala (Time)


22) Số: (Number)


23) Hòa Hợp Tánh: Samagri (Collection of same kind)


24) Bất Hòa Hợp Tánh: Bedha (Non cllection of same kind.


5. Thứ Năm Là Vô Vi Pháp - Asamkrta


(Unconditoned Phenomena). Vô Vi Pháp gồm có sáu thứ:


1) Hư Không Vô Vi: Akasa (Space)


2) Trạch Diệt Vô Vi: Pratisamkhya Nirodha (Analytical cessation)


3) Phi Trạch Diệt Vô Vi: Apratisamkhya Nirodha (Non analytical cessation)


4) Bất Động Vô Vi: Heala (Unfluctuating cessation)


5) Tưởng Thọ Diệt Vô Vi: Samjna - Vedana Nirodha (Cessation of discrimation and feeling)


6) Chân Như Vô Vi: Tathata (Suchness or the True Nature).


SAO LỤC ĐỐI CHIẾU: Anh Văn đây đã được thu nhặt và sao chép để dịch danh từ Duy Thức. Ý nghĩa của Anh Văn đây tuy không được hoàn toàn cho lắm, nhưng không đến nỗi sai lầm lớn và nhờ ngôn ngữ Tây phương có thể tạo thêm một tiếng vang của sự nghiên cứu học Phật học.


Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân là năm căn và Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc là năm trần. Chữ Xúc thường thì quan hệ nơi Năng (năng tri) và Sở (sở tri), nhưng chữ Xúc, một trong năm căn là chỉ cho nơi tiếp xúc (thuộc sở tri), còn Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc là sắc pháp của Ý Thức tiếp nhận và loại sắc pháp này Nhãn Thức v.v... thì hoàn toàn không thể nhìn thấy. Như điện tử của hóa học chẳng hạn chính là thuộc về loại nguyên tử của vũ trụ do các nhà thiên căn suy tưởng tìm ra và điện tử của hóa học đây cũng thuộc về loại Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc. Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc có năm loại:


1.- Cực Lược Sắc nghĩa là tên của sắc pháp có thực chất bị phân tích đến chỗ quá nhỏ như vi trần.


2.- Cực Hánh Sắc nghĩa là tên của sắc pháp không thể chất được phát sinh từ nơi sự sáng tối trong hư không v.v... chỉ biết qua sự suy đoán đến chỗ rất xa và khó nhìn thấy được.


3.- Định Sở Dẫn Sắc nghĩa là tên cảnh giới của sắc, thinh, hương, vị v.v... do thiền định biến hiện nên.


4.- Thọ Sở Dẫn Sắc cũng gọi là Vô Biểu Sắc, nghĩa là tên của sắc pháp khi thọ giới nhờ nơi động tác và ngôn ngữ trợ duyên cảm thọ thành giới thể.


5.- Biến Kế Sở Chấp Sắc nghĩa là tên của sắc pháp do Ý Thức giả tưởng tính toán hư vọng, so lường chấp trước cho rằng thật có. Cũng như những kẻ cho Thượng Đế là người sáng tạo ra thế giới. Đây là thí dụ về tính chất của Biến Kế Sở Chấp Sắc.


Tương Ưng nghĩa là có thể hợp tác cùng với tâm làm một việc. Bất Tương Ưng nghĩa là không có thể hợp tác cùng với tâm làm một việc. Cũng như phạm trù (Catégories) thứ mười hai của Khương Đức (Kant) đều thuộc về phạm trù của những kẻ khác. Bất Tương Ưng Hành Pháp thì gồm có 24 thứ, nhưng hôm nay xin chỉ trình bày khái lược về tám thứ sau đây:


1.- Tánh Cùng Loại Và Khác Loại: nghĩa là mỗi loại chúng sinh nếu như phân biệt thì đều có đặc tính riêng của nó, như tính nam, tính nữ, tính người, tính thú v.v...


2.- Mạng Đã Định Và Chưa Định: chữ mạng đây tức là chỉ cho mạng căn, nghĩa là vận mạng đã quyết định hoặc chưa quyết định. Như mạng căn của thiên mệnh, mạng căn của Hắc Tử (Bao Công) không phải vận mạng và mạng căn của Phật Học v.v... đều gọi là pháp cả.


3.- Thời Gian Của Quá Khứ, Hiện Tại Và Vị Lai: một sát na, một tháng, một năm và thời gian tương lai đều được giả lập theo sát na chuyển biến của sắc tâm.


4.- Không Gian Của Bốn Phương Thượng Hạ: sự sai biệt về không gian của bốn phương thượng hạ là căn cứ nơi hình chất trước sau, phải trái để giả lập.


5.- Số Lượng: số nhiều như 1, 2, 3 ... và số sai biệt như 1, 10, 100, 1000 cho đến A Tăng Kỳ.


6.- Sụ Đo Lường Của Điểm Tuyến Diện Tích: nghĩa là tích lũy nhiều điểm thành chiều dài và tích lũy chiều dài thành mặt phẳng v.v... nên gọi là sự đo lường của điểm tuyến diện tích.


7.- Tướng Sinh, Dị, Biệt: nghĩa là hình tướng của các ngôi vị do vì sinh thành cho nên bị biến động để đi đến diệt tận.


8.- Giáo Điển Của Danh, Cú, Văn: nghĩa là văn tự đều căn cứ nơi chữ và nơi câu văn để thành lập. Ngoài ra văn tự còn y cứ nơi sự ép xuống, đi lên, dài ra, ngắn lại, uốn cong, thẳng hàng của âm thanh để giả lập. Sách vở chính là sắc tướng của chữ, của câu văn, của thư từ và lại còn của chấm câu, của bức họa, của gạch ngang, của xổ thẳng v.v... để giả lập. Những giáo điển này luôn luôn tác dụng trên sự biến hóa của thanh sắc cho nên đều thuộc về loại Bất Tương Ưng Hành Pháp.


Như đã nói ở trên, tám thứ trong 24 thứ Bất Tương Ưnh Hành Pháp vừa được trình bày chỉ nói sơ lược mà thôi.


Các pháp hữu vi thì có tạo tác, có biến hóa, có công dụng và các pháp vô vi thì không có tạo tác, không có biến hóa, không có công dụng. Sao gọi là Hư không Vô Vi? Hư Không là nơi mà mắt không thể nhìn thấy và cũng là không gian mà loài người cũng như loài vật không thể xuyên qua được, còn không gian mà mắt có thể thấy được thì thuộc về loại hiển sắc trong sắc pháp và cũng là loại sắc pháp của hữu vi. Không gian bị xuyên qua được là pháp thuộc về hữu vi và bị biến động luôn, không an trụ một chỗ nhất định. Riêng thể hư không của không gian thuộc pháp vô vi thì thường trụ và không cách biệt.

Sao gọi là Chân Như? Chân Như nghĩa là thể tính chân thật của tất cả pháp đều như thế, phổ biến như thế, thường trụ như thế và tất cả pháp biến hóa đều nương nơi thể tính chân thật này làm thể của mình nên gọi là chân như. Tất cả pháp ở trên gồm có năm loại và tổng hợp lại thành một trăm pháp. Tất cả pháp không ngoài một trăm pháp và một trăm pháp này bao quát tất cả pháp ở trong, mặc dù chỗ hiểu biết về cảnh tướng có giới hạn trong phạm vi của sự quan sát. Một trăm pháp này được phân loại qua những đồ biểu sau đây:


NHỨT THẾ PHÁP


A. HỮU VI PHÁP:


1. THẬT DỤNG:


a) TÂM PHÁP:


* TÂM VƯƠNG: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Mạt Na Thức, Alaya Thức.


* TÂM SỞ: 5 Biến Hành, 5 Biệt Cảnh, 11 Thiện, 6 Phiền Não, 20 Tùy Phiền Não, 4 Bất Định.


b) SẮC PHÁP:


* HỮU ĐỐI SẮC:


• Ngũ Căn:


- Tế Sắc Căn: hệ thống cân não và hệ thống thần kinh.


- Thô Sắc Căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân Biểu Sắc.


• Ngũ Trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc.


* PHÁP XỨ NHIẾP SẮC.


* VÔ ĐỐI SẮC:


• Cực Lược Sắc


• Cực Hánh Sắc


• Định Sở Dẫn Sắc


• Thọ Sở Dẫn Sắc


• Biến Kế Sở Chấp Sắc.


2. GIẢ DANH:


Mạng Căn v.v... 24 giả pháp thuộc phân vị của Bất Tương Ưng Hành.


Pháp Tướng Duy Thức gọi chung là năm pháp, ba tướng v.v... là biểu thị một trăm pháp đều do Duy Thức biến hiện. Chữ Duy là nghĩa chẳng lìa khỏi và chữ Thức tức là tám Thức và 51 Tâm Sở trong một trăm pháp. Ngoài ra, 41 pháp cũng đều không thể tồn tại ngoài Thức, nguyên vì tất cả pháp đều do Duy Thức biển hiện. Cho nên tất cả pháp đa phần đều chịu ảnh hưởng của Thức để biến hóa.

Chữ Hiện có hai nghĩa: một là nghĩa biến hiện, như Sắc pháp v.v... hai là nghĩa hiển hiện, như Chân như v.v... Pháp Tướng là chỉ bày chỗ biến hiện của Duy Thức, nhưng chỗ biến hiện của Duy Thức tức là chỉ cho tất cả Pháp Tướng. Duy Thức thành lập tông phái Pháp Tướng, cho nên Pháp Tướng là tất nhiên đều thuộc về Tông Duy Thức.

Chỗ biến hiện tất cả pháp thì rất sâu và rộng, nhưng quy tắc để biến hiện tất cả pháp thì ở nơi Duy Thức, cho nên tông chỉ được trình bày với nhan đề là Pháp Tướng Duy Thức. Pháp Tướng Duy Thức Học chính là thuyết minh chỗ học lý và luận lý của Pháp Tướng Duy Thức. Phàm những kinh luận phát huy sáng tỏ nghĩa của Pháp Tướng và của Duy Thức đều thuộc về Pháp Tướng Duy Thức Học.

Tác giả: Đại Sư Thái Hư
Dịch giả: Thích Thắng Hoan
Trích trong: Khái luận về Pháp tướng Duy thức học
Còn nữa...

Thái Hư

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/khai-luan-ve-phap-tuong-duy-thuc-hoc-p1-d25918.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY