Sức hấp dẫn của "vương quốc" nội dung rộng lớn cực kỳ thu hút các bạn trẻ có năng khiếu viết lách, giàu ý tưởng sáng tạo; khiến Content Creator trở thành một trong những nghề nghiệp "hot" trong thời đại công nghệ 4.0. Tất cả các nội dung qua tin tức, quảng cáo, branding, vlog, hình ảnh, blog, social updates... đều là sản phẩm content, tạo cầu nối giữa thương hiệu và khách hàng qua việc truyền tải thông điệp bằng ngôn ngữ, tín hiệu...
Có thể thấy, để tạo ra sản phẩm không khó, nhưng để được người xem đón nhận và định vị thương hiệu là một thử thách. Đó là lý do, ở bất kỳ nền tảng công nghệ nào, nội dung cũng là yếu tố cốt lõi và người xây dựng content phải tạo nên nét "cá biệt hóa", tạo ra các nội dung dành riêng cho các đối tượng khác nhau tạo ra sự gắn kết, tin tưởng đối với khách hàng mà bạn muốn hướng tới. Suy cho cùng, người xem sẽ chỉ gắn bó với các thông điệp truyền tải mà nhà nội dung đem đến những câu chuyện thú vị và những bài học bổ ích.
Hiện nay, tổ chức nào muốn tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu cũng cần tuyển dụng những người làm content tốt. Nhu cầu nhân lực cao, nhưng nơi nào đào tạo những Content Creator xuất sắc? Quả thực ở Việt Nam, chưa có ngành đào tạo chuyên biệt về "content" – một lĩnh vực đòi hỏi tổng hòa nhiều kiến thức, kỹ năng và tố chất đặc biệt.
Từ góc nhìn sâu về nghề sáng tạo content, ngày 13/3/2020, Trường Đại học Văn Lang – TP. HCM tổ chức chương trình livestream tư vấn "Sáng tạo Content – nghề của vua?", định hướng cho sinh viên học sinh cách theo đuổi ngành nghề hấp dẫn này trong kỷ nguyên công nghệ.
Khó khăn mà nhiều bạn trẻ gặp phải khi bắt đầu làm quen công việc viết content thường là: "bí" ý tưởng. Nhưng thực ra, vấn đề lớn các bạn cần khắc phục chính là: Học cách diễn đạt ý tưởng thành sản phẩm nội dung. Một số ngành học hiện nay có thể đào tạo bạn thành thạo những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ: ngành Văn học, Quan hệ Công chúng (PR), Báo chí… giúp bạn có lợi thế phát triển nhanh trong nghề Content.
7 khóa sinh viên ngành Quan hệ Công chúng đã tốt nghiệp từ ĐH Văn Lang cung ứng cho thị trường content nguồn nhân sự chất lượng.
ThS. Nguyễn Thị Mến – Phó phòng, phụ trách Phòng Tuyển sinh & Truyền sinh ĐH Văn Lang gợi ý cho các bạn học sinh yêu thích nghề Content hai ngành đào tạo phù hợp: ngành Quan hệ Công chúng (PR) và ngành Văn học Ứng dụng. Theo trắc nghiệm Holland, nếu bạn có tố chất thuộc nhóm Xã hội, nhóm Nghệ thuật, nhóm Nghiên cứu, bạn phù hợp với ngành Văn học Ứng dụng. Nếu bạn thuộc nhóm Xã hội, nhóm Quản lý, bạn có thể chọn ngành PR. (Để biết kết quả Holland định hướng chọn ngành nghề tương lai, bạn làm bài trắc nghiệm tại đây nhé!).
TS. Hồ Quốc Hùng - Trưởng ngành Văn học Ứng dụng, ĐH Văn Lang - tâm huyết gửi gắm đến học sinh: "Văn chương giúp chúng ta hiểu sâu cuộc sống; lắng nghe, tích lũy kinh nghiệm; khai phá tư duy sáng tạo, diễn đạt ý tưởng bằng ngôn từ. Nếu các em định hướng Content là sự nghiệp theo đuổi lâu dài, gắn bó suốt một đời thì cần đầu tư học tập căn bản từ bậc đại học. Có nhiều cách học, nhiều nơi học, chỉ cần bạn thiện chí, toàn tâm toàn ý. Quá trình hoàn thiện bản thân trong nghề nghiệp mệt mỏi vô cùng, nhưng cũng vô cùng thú vị và đáng giá!".
TS. Hồ Quốc Hùng cùng ThS. Nguyễn Thị Mến là khách mời của NHÀ LẠC – livestream trên fanpage Trường Đại học Văn Lang (chương trình diễn ra trưa ngày 13/3/2020).
Chương trình "Sáng tạo content – nghề của vua" nằm trong chuỗi chương trình livestream "Nhà Lạc" độc quyền trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang. Trong diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, các cơ sở đào tạo không tổ chức học tập trung. Để đảm bảo cung cấp thông tin tuyển sinh 2020 đến học sinh lớp 12, các trường đại học tổ chức tư vấn bằng hình thức trực tuyến. Trong các chuỗi chương trình livestream, NHÀ LẠC của Trường ĐH Văn Lang như một "làn gió mới" mang lại không khí vui tươi, thú vị cho người xem, khi giới thiệu các ngành nghề "hot" thời công nghệ 4.0 và thông tin nghề nghiệp thiết thực, bổ ích. Chương trình phát sóng từ 03/3/2020 và dự kiến phát định kỳ hằng tuần, kéo dài đến tháng 8/2020.
Chủ đề liên quan:
câu nói nổi tiếng chuyên chuyên gia Góc nhìn sáng tạo thời đại công nghệ văn học ý tưởng sáng tạo