Tình yêu và giới tính hôm nay

Khi chồng chán, chán chồng

Hai cuộc hôn nhân tan vỡ, bốn con người truân chuyên trong cái vòng luẩn quẩn của ái tình, hai đứa con thiệt thòi vì thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Quá dễ để phê phán sự ích kỷ của những người vì chán chồng, chán vợ mà đi tìm bến đỗ khác. Nhưng hay thử một lần nghe suy nghĩ của họ.

Một ngày anh Trung chồng chị Hà đi làm về thì thấy một phong thư của tòa án gửi đến mình, mở ra anh mới té ngửa, đó là tráp gọi anh ra hầu tòa để giải quyết chuyện ly hôn. Vợ anh là người đã đơn phương gửi đơn lên tòa. Lúc này anh mới cuống cuồng đi năn nỉ vợ - không được, anh lại chạy ngược chạy xuôi nhờ bạn bè, gia đình hai bên tác động, rồi làm sức ép, nhưng sự thể "đã rồi". Chị Hà dứt khoát “thoát” khỏi anh bằng bất cứ giá nào, kể cả đứa con chung của hai người cũng không thể níu kéo chị ở lại. Chị nói: chị đã thật sự chán cái cảnh sống như thế này mãi rồi, chị phải làm lại cuộc sống mới, chị ra đi chỉ xin mang theo đứa con, còn nhà cửa và mọi thứ trong ngôi nhà do hai vợ chồng gây dựng chị để lại cho anh hết.

Anh Trung trước đó đã có nghe vợ nói bóng gió về vấn đề ly hôn, nhưng cứ nghĩ rằng chuyện vợ chồng chẳng có gì to tát mà đến nỗi phải bỏ nhau. Chỉ đến khi thấy tòa án gọi, anh mới thực sự “sốc” và không còn đường để níu lại. Cái đau đớn nhất của một người đàn ông là khi vợ mình tự nhiên lẳng lặng nộp đơn ra tòa án xin ly hôn mà “không thèm” đến xỉa nói một tiếng nào với chồng và gia đình. Cái tính dứt khoát của chị Hà - không tranh cãi, không thương lượng “bỏ là bỏ” miễn bàn - làm anh thực sự sợ. Anh nghĩ: chắc cô ấy đã chán ghét cuộc sống với chồng lắm rồi mới thế. Anh buông xuôi.

Ảnh minh họa

Từ nỗi thất vọng chồng keo kiệt

Còn chị Hà, mỗi khi chị Hà nhớ lại những ngày sống cùng anh Trung, chị vẫn thấy “khinh chồng”. Thực ra lỗi lớn nhất của anh Trung là cái tính keo bẩn. Ai đời vợ sinh con, yếu nằm nhà, tiền lương nghỉ đẻ thì chưa lấy, mà có lấy thì lương bảo hiểm cũng chỉ được vài đồng, thế mà ông chồng ngày ngày đi làm về chẳng những không giúp vợ được gì mà tiền cũng chả đưa hay mua gì cho con. Chị có nhắc thì anh đưa cho vài đồng “không bõ bèn gì”. Nghỉ sinh đến tháng thứ ba số tiền chị tích cóp đã cạn, chị Hà phải đi làm trở lại sớm hơn dự kiến. Tiền luôn thiếu, có hôm chị phải chạy đôn chạy đáo đi mượn ngược xuôi mượn tiền về đưa con đi khám và mua sữa. Vợ thì đầu tắt mặt tối, thế mà ông chồng vẫn dửng dưng. Chị có nói, có bảo nhưng anh bảo lương anh thấp chỉ đủ anh tiêu.

Những năm sau cũng không khá hơn, anh thì cứ tà tà như người dưng trong nhà, mọi vấn đề "cơm áo gạo tiền" trong gia đình một tay chị phải lo cả, anh làm ra được đồng nào thì chỉ biết lo cho bản thân mình, thế mà lúc nào cũng chi li từng chút làm chị không còn đủ kiên nhẫn để chịu đựng. Dần dà, tình cảm vợ chồng phai nhạt và chị đâm ra coi thường anh. Rồi đến khi con được gần 10 tuổi, sự chịu đựng của chị không còn nữa, thì chị dứt khoát “đường ai lấy đi”. Giọt nước tràn li chính là sự xuất hiện của một người đàn ông mà chị Hà tình cờ quen qua công việc.

Đến thất vọng vợ nhàm chán

Khi chị Hà gặp anh Thành, gia đình anh vẫn đang trong ấm ngoài êm. Nhưng cứ như có một ma lực vô hình, họ dính vào nhau, cuốn vào nhau một cách tự nhiên, và không thể dứt ra nổi. Ban đầu là cố tình tạo ra những tình huống để nhìn thấy nhau, để gặp nhau, rồi sau đó là xa hơn nữa hai người lén lút hẹn hò gặp nhau ngày càng nhiều, yêu nhau lúc nào không hay và cảm thấy không thể thiếu nhau được nữa. Thế là cả hai cùng về nhà làm một cuộc bứt phá là ly dị chồng và ly dị vợ để đến với nhau.

Anh Thành là một ngươì đẹp trai, thành đạt sớm, đang là phó giám đốc của một ngân hàng lớn, lại là con trai trưởng trong một gia đình người Hoa rất gia giáo ở Sài Gòn. Vợ chồng anh cũng đã có một đứa con trai. Chuyện ly hôn đối với gia đình anh vì thế là một điều không tưởng. Ngày anh về nhà đòi bỏ vợ, vợ anh như không tin vào tai mình khi nghe anh nói ra điều đó. Chị nghĩ là anh đùa hay làm sao. Chị không hiểu vì đâu mà anh như vậy, dù đôi lúc cũng nghe người nọ người kia nói chồng mình có số đào hoa. Đến khi nghe anh nói chuyện rất nghiêm túc về những suy nghĩ của mình, chị mới hiểu anh Thành dù thân xác ở bên chị nhưng cả trái tim và tâm hồn đã thuộc về người khác.

Như anh Thành nói, anh thấy hương vị cuộc sống của anh và chị từ sau ngày cưới nó cứ nhạt dần đi. Anh cũng chả hiểu vì đâu mà càng sống chung anh càng thấy chán vợ, dù chị có sinh cho anh một cậu "quý tử" thì tình cảm anh dành cho chị cũng không vì thế mà tăng lên. Trước khi chưa gặp chị Hà anh nghĩ, kệ thôi hôn nhân nào mà chẳng chán như vậy. Anh không bao giờ nghĩ và có lẽ cả không đủ can đảm để bứt ra khỏi cái sự “chán” đó để đi tìm một tình yêu mới. Nhưng chị Hà như một tia chớp bùng trong trái tim anh, để lại một ấn tượng mạnh mẽ và càng gặp anh càng "say".

Người ta bảo "có duyên có số nó vồ lấy nhau" trong trường hợp của chị Hà anh Thành thì đúng là không sai. Vượt qua mọi rào cản của dư luận, vượt qua mọi định kiến, họ quyết đến vơí nhau lúc muộn màng theo tiếng gọi của trái tim. Giờ đây họ đang sống trong một gia đình có "con anh, con tôi, con chúng ta" nhưng rất hạnh phúc. Không phải ai cũng có thể tìm thấy một nửa để làm lại, lại dựa trên tình yêu và sự kính trọng được vuông tròn nhanh đến vậy và tâm đắc đến thế. Hy hữu mới có một cặp đôi như vậy. Giải thích cho sự hy hữu này, có lẽ chỉ là sức mạnh của tình yêu.

D.N

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/khi-chong-chan-chan-chong-21317/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY