Những bữa cơm mòn mỏi vợ chờ chồng về nhà ăn tối. (Ảnh minh họa) |
Những bữa cơm vắng chồng
Đã hơn 8 giờ mà chưa thấy anh về, chị nhìn sang bên cạnh, con gái ngủ gật bên bàn ăn từ bao giờ, nước mắt chị cứ thế thi nhau rơi trên má. Tối nay cũng như bao nhiêu tối khác, anh lại bỏ cơm nhà theo bạn bè tụ tập, bù khú đâu đó. Có lẽ, anh đã quên mất mình đã có một gia đình, có một người vợ vẫn ngày ngày nấu cơm lặng lẽ chờ chồng trong mòn mỏi.
Thật lòng chị không nghĩ anh là người chồng vô trách nhiệm, về bản chất anh là người thương vợ thương con, không gái gú, lăng nhăng, không gia trưởng, vũ phu, nhưng phải cái tội ham vui hay thích chơi bời nhậu nhẹt, rồi đâm ra bỏ bê cửa nhà. Nhiều lần, chị đã nặng nhẹ nhắc nhở nhưng anh vẫn “chứng nào tật ấy”.
Chị nhìn quanh ngôi nhà vắng lặng, thế cũng đã 5 năm vợ chồng. Thời gian trôi nhanh như tên bắn. Từ hai bàn tay trắng anh chị đã dựng lên một căn biệt thự khang trang đầy đủ tiện nghi vật chất. Một bé gái kháu khỉnh ra đời. Nhưng hình như chị đang bị đẩy ra ngoài cuộc sống của anh. Chị thở dài, lặng lẽ cất riêng phần cơm cho anh (đi nhậu thì uống nhiều chứ ăn được bao nhiêu, cất đấy, anh về có đói thì ăn thêm). Rồi lay con bé con dậy cho nó ăn cơm, còn đi ngủ, khổ thân con bé, cứ nằng nặc “con chờ bố về”.
Anh xa nhà liên tục trong những chuyến công tác, vội vã với những buổi họp mặt, rồi tiếp khách hàng. Lâu dần thành quen, thành mê, anh chỉ về với chị khi cơn say đã thấm, chân đi không vững và mắt nhìn một thành hai. Những bữa cơm nhà vắng mặt anh thường xuyên, chỉ một mình chị chờ đợi bên mâm cơm nguội ngắt. Chị lặng lẽ bế con vào giường, thu dọn mâm cơm gần như còn nguyên, lòng chát đắng. Vào phòng ngủ, ngồi trên chiếc giường hạnh phúc đã nguội lạnh, chị cứ ngồi mãi như thế.
Đồng hồ nhích dần đến số 12, đã gần nửa đêm, tiếng giày nện lộp cộp trên nền nhà, tiếng bước chân 5 năm qua chị đã quá quen thuộc, anh về. Không ngoái lại nhưng chị biết anh sắp đẩy cửa bước vào, thật gần, thật gần chị, từng bước từng bước một. Chị thấy vòng tay anh ôm qua bụng, ghì chị vào trong lòng. Mùi bia, mùi khói thuốc xộc vào mũi chị nôn nao, miệng lảm nhảm: “Anh về muộn tí thôi, vợ yêu giận à?!”.
Gương mặt ấy, giọng nói ấy sao giờ xa lạ quá!
Kéo chồng về nhà
Sau nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc suy tính, chị quyết tâm tìm cách để kéo chồng về nhà vào bữa cơm tối. Mà chị nghĩ rồi, suy cho cùng thì đàn ông đa phần là giống vô tâm, nên đừng mong các ông tự nghĩ ra và đoán biết cảm xúc của phụ nữ. Nên những lúc hai vợ chồng vui vẻ, chị thắng thắn chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình chứ không tự dày vò mình rồi hậm hực trong lòng.
Để anh bớt tiệc tùng, ăn nhậu ở ngoài vừa tốn kém, vừa nguy hiểm (say khướt như thế đi đường nhỡ gió máy, tai nạn thì khổ) cũng không phải là quá khó. Chị khéo léo bảo anh “Cuối tuần này sinh nhật con gái, anh mời bạn bè về nhà tụ tập chung vui với con”. Anh sung sướng nhận lời, alô ngay cho các chiến hữu. Sáng chủ nhật, chị trong vai một người vợ đảm đang, nấu những món ngon chiêu đãi mọi người.
Khỏi phải nói chiêu này của chị khiến anh phục “sát đất”. Bởi anh có dịp được “phổng mũi” với bạn bè không chỉ vì tài nấu nướng mà còn rất tâm lý, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con của vợ. Mà chị vẫn yên tâm, không lo anh quá chén lại tăng hai, tăng ba ở đâu. Thỉnh thoảng cuối tuần lại bày biện, mời bố mẹ, anh chị em, người thân sang sum họp. Anh là chủ nhà lẽ nào lại bỏ đi nhậu.
Chưa kể, chị học thêm nhiều món ngon, tăng cường những món “tủ” của chồng, và quan trọng là không quên nhắn tin cho anh “hôm nay em mua được mớ cá đồng ngon lắm, tối về kho khế thì ngon tuyệt, anh nhớ về ăn” thì ai nỡ chối từ.
Độc chiêu trị chồng Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều bà vợ thường không thể “chịu nhịn” khi thấy chồng trở về nhà trong tình trạng say xỉn, nên đã tìm cách “trừng phạt” như đóng cửa không cho vào nhà, không cho ngủ chung, không nói chuyện, tạo không khí căng thẳng để cho chồng phải sợ. Có những người còn tìm cách kéo con vào cuộc chiến của bố mẹ. Cách làm này khiến người chồng cảm thấy mình là người vô dụng, thừa thãi, cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình. Còn nếu bạn tỏ ra cáu giận, to tiếng cãi vã, mắng nhiếc chồng sẽ khiến người chồng mệt mỏi, chán vợ, cảm giác bị trói buộc khiến cho anh ta càng muốn đi ra khỏi nhà. Bạn hãy chờ đến khi anh ấy trở lại bình thường, nhẹ nhàng tâm sự với chồng, rằng vợ con luôn chờ đợi ở bờ vai vững vàng của anh ấy. Nên có quy định rõ ràng Lấy phải người say xỉn, đa số chị em đều nung nấu ý định bắt chồng phải bỏ rượu bia. Nhưng ý định này đa phần là thất bại và các quý ông vốn xem hơi men như “bạn” thì khó có thể tách được họ ra, trừ khi bệnh tật (liên quan đến bia rượu) đe dọa mạng sống của họ. Hãy đặt mục tiêu giảm tải trước khi tính đến chuyện xóa bỏ hoàn toàn. Hãy thỏa thuận với anh ấy: Mỗi tuần chỉ được tụ tập nhậu 1-2 buổi, và không được về muộn quá một mốc thời gian cụ thể (VD: 11 giờ tối). Đề cao vai trò của chồng Việc nhà tuy không tên nhưng rất nhiều, cần trao một phần trách nhiệm cho các ông. Nếu các ông chưa tự giác thì cần có “chiêu” nhờ vả ngọt ngào: “Anh ơi, giúp em cái này! Chỉ có anh nấu món này mới ngon/làm việc này mới ổn”. Đề cao vai trò của chồng sẽ khiến anh ấy có trách nhiệm hơn với gia đình và cảm thấy mình là một phần không thể thiếu trong ngôi nhà; dù có đi đâu cũng phải lo lắng đến gia đình mà sớm trở về nhà. Xây tổ ấm Người vợ nên tạo một không khí đầm ấm, vui vẻ hơn ở bên ngoài để... níu chân chồng về. Nụ cười, lòng tin cậy và tình yêu thương luôn là yếu tố cần thiết để giữ ngọn lửa gia đình luôn ấm áp và đủ sức gắn kết mọi thành viên trong gia đình, chứ không phải là những cam kết lạnh lùng. Người vợ có thể tâm sự với chồng để hiểu những khó khăn, vướng mắc của anh ấy. Tích cực nấu những món ăn ngon vào buổi tối, nói với anh từ hôm trước hoặc gọi điện cho anh vào buổi trưa để người chồng về nhà sớm ăn cơm với vợ con. Tạo cho anh ấy một thói quen về nhà đúng giờ, để làm được điều này bạn đừng quên sự giúp đỡ của con cái. Qua đó, chồng bạn sẽ thấy rằng vợ con luôn cần đến anh ấy và gia đình là điểm tựa vững chắc, giúp anh ấy vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. |
Phương Nam
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: