Sức khỏe hôm nay

Khi con bạn ở tuổi ẩm ương

(SKGĐ) Khi con bạn bước vào thế giới thành niên. Đây có thể là giai đoạn gia đình bạn có những khủng hoảng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và vợ chồng bạn đang bối rối khi tìm cách làm mới hình ảnh mình trong mắt con.
Ảnh minh họa
Con càng lớn càng xa cha mẹ

“Tôi không hiểu nổi con của mình nữa” đó là tâm sự của một facebooker. Chị kể rằng một hôm chị về nhà rất vui vẻ vì vừa được tăng lương, thấy thằng con trai 16 tuổi ngồi ở sofa, chị ôm chầm lấy nó như mọi lần và hồ hởi: “Hè, mẹ vừa được tăng lương”. Nhưng thằng bé không hưởng ứng mà đẩy mẹ ra với vẻ mặt khó chịu: “Trời, thế mà mẹ…”. Chị chưng hửng: “Có chuyện gì thế, con giận mẹ gì à”.

Nó đi thẳng lên cầu thang và nói vọng xuống: “Con sắp đi sinh nhật thằng Hùng, đợi mẹ lâu về quá”. Sau đó, khi chị mang cốc nước hoa quả lên, đẩy cửa phòng đi vào thì bị khựng lại vì cửa đã chốt trong: “Con làm gì mà chốt cửa thế?”. “Con đang thay quần áo, tụi bạn đang đợi”.

Lúc nó mở cửa phòng ra chị đặt cốc nước cam lên bàn: “Uống đi con” rồi chị đưa tay vuốt cổ áo thằng bé rồi véo má nó: “Đừng đi khuya quá nha con”. Nó lại ngoảnh đi: “Thôi, mẹ cứ làm con như thằng Tí vậy. Thôi con đi đây”. Chị ngẩn người, thì từ trước giơ chị cứ nựng nịu nó và thằng Tí em nó kiểu đó mà. Sau giờ nó quạu quọ thế?!

Cảm giác đứa con càng lớn càng “vuột” khỏi tay khiến chị hụt hẫng. Đã thế, gần 23h mà nó chưa về, cũng chẳng gọi điện về báo, trong khi chị đã từng quy định “về trước 22h”. Chị lại phải thức đợi con. Nó vừa về, chị nạt nộ: “Con không còn nghe lời mẹ nữa rồi đấy, bây giờ là mấy giờ, sao con không mượn điện thoại gọi về cho mẹ?!”.

Thằng nhỏ vùng vằng: “Bạn con đứa nào cũng có điện thoại di động, có mỗi mẹ nhất định không cho con dùng, mượn chúng nó cười cho. Con về muộn vì xe hỏng phải sửa chứ không phải vì chơi muộn”. Sau đó, nó lừng thững đi lên gác.

Chị than trên Facebook rằng: “Không hiểu sao mới có năm trước còn hay ôm mẹ, nằm sofa còn gối lên chân mẹ thế mà giờ nó cứ như người lạ, lảng tránh mình”. Nhiều lúc chị sinh ra “bực mình” với con, nhất là bỗng dưng thấy nó hay chốt cửa phòng lại. Chị cảm giác trong cái căn phòng ấy là thế giới riêng, nuốt chửng nó và ngăn cách với chị.

Hỏi nó có chuyện gì thì nó vùng vằng: “Mẹ bảo đây là phòng riêng của con mà”. Và câu cuối cùng trong entry của mình, chị dằn vặt: “Không biết có nên lục tung cái phòng của nó, không biết trong đó có gì, cứ như thế này thì mình mất quyền kiểm soát với chính con mình? Đúng là nuôi con lớn để chúng chống đối rồi bay đi”.

Để cha mẹ xích gần con hơn

Làm cha mẹ không chỉ vất vả ở việc bạn nuôi dưỡng chúng mà còn phải biết chuyển hướng ứng xử với từng giai đoạn phát triển của con. Theo các chuyên gia tâm lý thì giai đoạn “mới lớn”, con của bạn sẽ có nhiều thay đổi về thể chất, tinh thần nên có thể khiến bạn “hoảng”.

Theo chuyên gia tư vấn Minh Tâm (Trung tâm Tư vấn Tâm lý Gia đình - Thanh thiếu niên, Tp.HCM) cho rằng ở giai đoạn này, cha mẹ cần phải biết “làm bạn” với con. Chính vì thế mà lúc này, bạn cần đặt mình ở tâm thế khác, nhìn thấy sự lớn lên ở con và điều chỉnh chính ứng xử của mình để cải thiện quan hệ với chúng.

Các bậc cho mẹ nên thực hiện một số điều sau để hiểu và gần con hơn:

1. Hãy tâm sự cùng con

Bạn sẽ hiểu hơn những gì đang diễn ra trong đầu con, con cần gì, muốn gì, thích gì, sợ gì?

- Nói với con về sex: Theo các nhà khoa học thì tuổi 17-18 là độ tuổi mà ham muốn tình dục cao nhất và dễ bị cám dỗ nhất. Lúc này sex là một “địa hạt” mà con bạn vô cùng tò mò, dễ bị kích thích và dễ có những “trải nghiệm” sai lầm. Hai vợ chồng bạn nên cùng “thỏa thuận” những chuyện để nói với con. Hãy “lôi” chồng vào cuộc nếu bạn khó nói với con trai.

- “Tâm lý” với những thay đổi trên cơ thể tính cách của con: Hãy để ý, con gái bạn có thể đang dè dặt vì nhũ hoa nở ra hay kỳ kinh thất thường, con trai thì ngại ngần với giọng nói oang oang… Chủ động nói với con “Đó là vấn đề tự nhiên của con người”, hướng dẫn con để khỏi xấu hổ.

- Lắng nghe chuyện của con: Nó có thể khiến bạn khó chịu, lo lắng và thấy nhí nhố. Nhưng hãy bình tĩnh, thời xa lắc, bạn cũng có những câu chuyện như thế. Khích lệ con “nhiệt tình” kể về các mối quan hệ của chúng bằng những những cái gật đầu, bằng chủ động hỏi, bằng câu tán dương “con kể tiếp đi”, hoặc “chêm” vào những chuyện ngày xưa của bạn .

2. Hãy làm bạn với con

Để con và bạn gần gũi hơn, thân thiết hơn, có những điều con chỉ chia sẻ với bạn bè mà không dám nói với bề trên. Khi thấy bạn bình đẳng, chúng sẽ “cởi mở” và không còn là “mê cung” khó hiểu với bạn.

- Rủ con đi mua sắm: Quan sát sở thích, sự quan tâm của chúng. Tư vấn cho chúng những gì cần và những gì thích hợp. Ngược lại, bạn có thể nhờ con tư vấn cho mình.

- Chia sẻ về những định hướng với con cái: việc học tập, hướng nghiệp cho con. Cùng con đọc sách, đi công viên.

- Xin lỗi con về những gì mình đã sai, đã làm chúng buồn, đã vô tâm với chúng như xin lỗi vì bạn đã quên sinh nhật chúng, xin lỗi vì hôm trước đã mắng oan, xin lỗi vì đã không nhã nhặn với bạn của chúng…

- Kể cho chúng nghe chuyện thời niên thiếu của bạn: những kỷ niệm nhỏ khi xưa của bạn sẽ làm con cái cảm thấy gần gũi với bạn hơn và bạn cũng sẽ dễ thông cảm với những sai lầm do non trẻ của chúng hơn.

3. Hãy có thái độ thân thiện với con

Tâm lý con trẻ lúc này rất phức tạp, chúng muốn được thể hiện bản thân nên thái độ đúng đắn của bạn khiến con trẻ trở nên tin tưởng.

- Từ bỏ việc ra lệnh, xét nét, quát mắng hãy thể hiện tin tưởng, chia sẻ tư vấn. Con trẻ ở tuổi này có thể vô cùng ngang bướng, chúng ta không thể “ép” chúng ngay tức thì hành động giống mình.

- Không hối thúc, “ra chỉ tiêu” về việc con phải học hành thế này, phải làm thế kia vì có thể sẽ gây áp lực cho chúng. Bạn có biết con trẻ có thể tự tử chỉ vì những áp lực gia đình?!

- Đừng hôn hít chúng như mấy năm trước, vì chúng đang muốn thể hiện sự trưởng thành. Đồng thời thái độ ấp lồng kính của bạn có thể khiến con trở nên nhút nhát, thiếu tự tin.

- Không kể những tính xấu của con trước mặt bạn bè chúng hoặc người ngoài vì sẽ làm chúng tức tối, mất sỹ diện.

Như Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/khi-con-ban-o-tuoi-am-uong-17197/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY