Sức khỏe hôm nay

Khi con nói chẳng lên lời

(SKGĐ) Không phải trẻ chậm nói hay không biết nói nhưng trẻ lại không diễn đạt được ý nghĩ, quan điểm của mình thành lời. Đừng vội cáu gắt, hay lo lắng bởi thái độ của bạn sẽ khiến tình trạng của con nặng thêm.

 

Không biết bày tỏ- con thành kẻ đần

Chúng tôi đã từng gặp khá nhiều bậc phụ huynh than thở rằng nhiều lúc chẳng biết con trẻ muốn nói cái gì. Có nhiều trường hợp thấy con bất an, cha mẹ hỏi nhưng con lại lắp bắp không trả lời được thành tiếng. Điều đó vừa khiến họ lo lắng, bối rối, vừa khiến họ bực mình. Rối loạn khả năng bày tỏ của trẻ được bộc lộ rõ nhất là khi trẻ đi học. Nhiều phụ huynh đã đau đầu khi nghe thầy cô giáo phản ánh rằng con họ không trả lời được các câu hỏi kiểm tra bài. Chính vì thế thầy cô giáo, bạn bè nghĩ rằng các học sinh này không tiếp thu được bài vở, không hiểu, không thuộc bài.

Nhưng thực chất, các chuyên gia tâm thần kinh gọi đây là chứng rối loạn khả năng bày tỏ. Những trẻ thuộc trường hợp này không hẳn đã đần, đã kém trí thông minh. Thực chất trẻ hiểu lời người khác nói, hiểu những gì chúng viết ra. Nhưng các em lại khó khăn khi diễn đạt thông tin bằng lời nói.

Lỗi có phần của người lớn

Khó khăn bày tỏ bằng ngôn ngữ của trẻ có thể do di truyền, sau chấn thương não và cũng có phần do cách ứng xử của người xung quanh. Nếu phụ huynh không kiên nhẫn, mà thường cáu gắt: “Nhanh lên! Con muốn nói gì hả? Con làm bố (mẹ) chẳng hiểu gì cả” thì trẻ càng khó thực hành lời nói. Đó là bởi cách hành xử đó của cha mẹ đã dập tắt sự tự tin (vốn thiếu) của trẻ. Với những đứa trẻ vốn nhút nhát, ít tiếp xúc với bên ngoài, để trình bày rõ ràng một vấn đề, hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Ở cùng một lứa tuổi, khả năng bày tỏ của bé trai thường kém hơn các bé gái.

Giúp con nói lên lời

Để cải thiện được tình hình này, điểm mấu chốt là bố mẹ phải giúp con tạo dựng sự tự tin. Khi con muốn nói, hãy khuyến khích con và kiên trì lắng nghe. Bạn đừng cắt ngang lời con trẻ, đừng sốt ruột với sự ấp úng, dài dòng trong diễn đạt của con. Bạn đừng nói thay những gì con muốn nói theo kiểu “ Việc của con muốn nói, bố (mẹ) đã hiểu rồi. Ý của con là…Con định nói là…”. Với cách thức này, con trẻ sẽ dần dần tiếp thu và ghi nhớ được những cách diễn đạt đúng, trong trường hợp này phải dùng câu này, trong trường hợp kia nên nói thế kia…

Ngay cả khi con trình bày một quan điểm lệch lạc, một ý kiến sai thì ngoài uốn nắn về mặt tư tưởng, bạn cũng không nên bỏ qua việc sửa chữa những lỗi diễn đạt của con. Nếu trẻ muốn trình bày những ý kiến riêng của bản thân, bất luận thế nào bạn hãy tôn trọng và khuyến khích.

Bố mẹ nên lắng nghe con với thái độ chăm chú và biểu thị đồng tình, có thể chỉ là những cái gật đầu, những lời nói đệm “Thế à”, “Ừ, con nói tiếp đi”…

Bạn nên cho thầy cô giáo của con biết về tình trạng này củaa bé để tìm sự cảm thông ở họ. Nhưng hãy đề nghị họ vẫn kiểm tra bài của bé, khuyến khích bé bằng câu hỏi ngắn, tránh việc “bỏ qua” vì như thế trẻ không có cơ hội sửa chữa.

Trong trường hợp, bạn không giúp trẻ khắc phục được thì nên đưa trẻ đi khám tâm lý. Các bác sỹ tâm thần và chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn điều trị cho bé.

Ths. Tâm lý Đoàn Ngọc Hà

Trung tâm Thông tin Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/khi-con-noi-chang-len-loi-2750/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY