Tình yêu và giới tính hôm nay

Khi con trai ưu ái nhà vợ

Nỗi buồn này không xuất phát từ phía nhà gái, mà từ chính đứa con trai vô tâm “trọng ngoại quên nội”.

Gặp ông Công là chỗ quen biết từ quê lên, chuyện trò hồi lâu, tôi tỏ thiện ý chở ông về nhà con trai ông, cũng ở Sài Gòn. Nhưng ông lắc đầu quầy quậy, nói là chỉ lên thành phố mua sắm đồ xong là về quê luôn. Thấy lạ, tôi gặng hỏi thì ông Công kể: ông chán vì anh Hưng con trai ông Công tỏ ra quá nghe nhà nhà vợ. Lúc tổ chức cưới, gia đình nhà gái ở ngay thành phố nên anh Hưng để cho phía vợ đứng ra lo hết. Ông Công không hề được con bàn bạc, thu chi đám cưới ra vào thế nào ông cũng không được biết. Khi đứng lên cảm ơn quan khách ông cảm giác chính mình lạc lõng xa lạ ngay giữa hôn lễ của con trai mình.

Ảnh minh họa

Rồi khi đã thành vợ thành chồng, anh ta dường như quên mất mình có một ông bố đẻ. Mỗi khi về quê, anh Hưng thường hay kể chuyện chăm lo cho bố mẹ vợ thế nào: Thấy bố vợ thích rượu thì anh mua hẳn hũ rượu tam xà 700.000đ về biếu, chiều chiều, bố vợ, con rể cùng nhâm nhi rất tâm đắc. Anh còn kể chuyện mới sắm cho bố vợ chiếc di động, giúp ông sửa nhà... Ông Công càng nghe càng xót xa. Vậy mà chả bao giờ nó hỏi ông xem có cần gì, thiếu gì. Nói ra thì lại nghĩ mình nhỏ nhoi. Ông im lặng. Ôngh tủi thân. Ông buồn. Ông tự ái. Đã thế, mặc kệ con và nhà vợ, ông về quê sống với ruộng vườn của mình. Tình cảm cha con cứ thế mà ngày cành lạnh nhạt.

Một lần, nhà xui gia tổ chức lễ mừng thọ, gọi điện về quê mời ông lên. Không về tận nơi đón bố, anh Hưng lại nói: “Bố chịu khó đi xe đò lên, con sẽ ra bến xe đón.” Đường xa, say xe, ông mệt, con không hỏi thăm để ông ngồi uống chén trà cho tỉnh lại giục vội: “Bố nhanh lên, con chở về nhà, con còn qua cửa hàng mua cho ông ngoại các cháu hộp thuốc. Nhà đông khách, ông ốm gục xuống lúc này thì e ngại.” Về đến nơi, ông cũng chưa hoàn hồn thì thấy trong nhà xốn xang, ông xui gia ôm ngực ho rũ rượi. Con trai ông chạy nhanh tới chỗ bố vợ: “Bố lại xúc động quá thôi, con ra cửa hàng mua thuốc ngay đây.” Nói rồi anh lên xe luôn, bỏ mặc ông Công còn ngơ ngác trước cổng. Con dâu cũng không thấy ra chào bố chồng một câu. Chỉ có ông thông gia chạy lại: “Tôi ốm mấy hôm nay lên chúng nó cứ xúm xít lo thế thôi, ông thông cảm nhé.”

Ông Công tủi thân ấm ức trong lòng nhưng cũng không nói gì. Lúc con trai trở ra bến xe, ông vội lên xe: “Anh về đi, tôi thấy mình đâu còn là cha anh nữa.” Anh Hưng vẫn ú ớ thì xe đã chạy. Gọi cho ông thì ông tắt máy, nhất định không nghe.

Mối quan hệ con dâu, con rể với cha mẹ được xác lập theo tiếng Anh là “in law” (quan hệ theo pháp luật). Mối quan hệ của anh Hưng với bố vợ đã xóa được gianh giới “in law” để như con cái trong nhà quả là đáng quý. Chuyện anh Công ở gần nhà vợ thì chuyện tình cảm thân thiết quan tâm những việc nhỏ nhặt hơn cũng là bình thường. Nhưng nếu vì thế mà bỏ mặc bố đẻ cô đơn, ít quan tâm, bên nặng bên nhẹ khác chi bất hiếu. Sự ấm ức của ông Công bật ra thành lời ở bến xe thật ra là đã muộn. Phải chi ông Công bày tỏ với con sớm, cũng là một cách dạy con hiểu đạo nghĩa, cũng không tủi cho mình.

Đinh Dũng Toản

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/khi-con-trai-uu-ai-nha-vo-21608/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY