Sức khỏe hôm nay

Khi hải sản “đầu độc” trẻ

(SKGĐ) Không an tâm về chất lượng thịt lợn, thịt bò, nhiều ông bố, bà mẹ tích cực bồi bổ hải sản cho con mà không biết rằng chúng cũng có thể gây hại cho não của bé.

Nhiễm độc kim loại

Thời nay, ai cũng thuộc làu câu “omega-3 trong thủy hải sản giúp trẻ khỏe mạnh, cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải bổ sung qua thực phẩm” hay “tôm cá tốt hơn thịt” nên không ít chị em muốn con ăn càng nhiều càng tốt.

Không ai phủ nhận vai trò của hải sản với sự phát triển của trẻ: cung cấp omega-3 (cá ngừ, cá hồi) cho phát triển trí não, ít chất béo gây hại, bổ máu (sò huyết), giàu calci (cá rô, tôm, cua, lươn…) tăng cường chiều cao, giàu protein, vitamin…

Nhưng hầu hết các loại hải sản đều có chứa kim loại nặng chỉ khác nhau mức độ, đặc biệt có hai loại rất nguy hiểm với sức khỏe là chì và thủy ngân. Nếu ăn phải hải sản được đánh bắt ở vùng nhiễm thủy ngân, chì thì trẻ sẽ ngộ độc cấp với dấu hiệu bủn rủn, nôn ói, giảm hô hấp, tim mạch và có thể tử vong.

Ths.BS Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y) cho biết: Trẻ em tiếp xúc thủy ngân, chì qua đường tiêu hóa thì một phần có thể thải qua phân, một phần ở lại trong cơ thể. Việc ăn nhiều hải sản dù không ngộ độc cấp cũng sẽ làm tăng tích lũy kim loại nặng trong cơ thể. Trẻ nhỏ nhạy cảm với kim loại nặng hơn người lớn nhiều lần nên dễ gây ra phản ứng nghiêm trọng về tiêu hóa, phản xạ, trực tiếp ảnh hưởng tới hệ thần kinh, sự phát triển hình thành não bộ gây nên khiếm khuyết về nhận thức, ảnh hưởng tới chức năng cơ thể.

Nhiễm vi sinh vật, gây dị ứng

Hải sản tươi sống thường có thành phần acid amin histidine rất có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nhưng chúng cũng có nguy cơ chuyển thành histamin gây dị ứng. Theo BS. Đào Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM): Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ dị ứng, mà hải sản lại là một trong sáu nhóm thực phẩm có nguy cơ cao.

Mặt khác, các loại thủy hải sản sống ở vùng sình lầy nên dễ mang ký sinh trùng, ấu trùng, nhất là ở vỏ, vảy, mang, đầu bụng nên không cẩn thận có thể khiến bé tiêu chảy, nhiễm giun, sán. Những ấu trùng trong hải sản có khả năng chịu nhiệt rất cao, dù nướng cháy vỏ cua, sò lươn thì tỉ lệ ấu trùng sống vẫn còn. Thủy hải sản còn là môi trường duy nhất chứa vi khuẩn vibrio para haemolyticus gây tiêu chảy. Vì thế chế biến không khéo thì lợi lại sinh hại.

Để bé ăn hải sản an toàn

- Nên cho trẻ ăn ít một, dù trẻ ăn ngon miệng cũng không cho ăn nhiều một lúc.

- Chọn loại hải sản ít nguy cơ chứa thủy ngân như cá hồi, các mòi, cá trích hoặc có thể thay thế bằng thủy sản nước ngọt. Không nên cho bé ăn cá kiếm, cá thu, cá ngừ, vi cá mập.

- Tuyệt đối không cho trẻ ăn loại hải sản không tươi. Chỉ nên mua lần nào cho bé dùng bữa đó, không tích trữ tủ lạnh.

- Vỏ, vảy và phần đầu, bụng cần được làm sạch, đun chín kỹ; không nên nướng mà nên nấu cháo, hấp.

- Nên cho bé ăn kèm đậu xanh vì đậu xanh vì chúng có tác dụng giải độc thủy ngân, tránh tình trạng tích trữ thủy ngân trong cơ thể.

Minh Thanh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/khi-hai-san-dau-doc-tre-15248/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY