Tình yêu và giới tính hôm nay

Khi kẻ thứ ba không ai khác là “xế hộp”

Nếu đàn ông mê xế hộp đến quên ăn mất ngủ là chuyện thường tình, thì đàn bà mê xế hộp đến mất ngủ quên ăn lại là chuyện lớn, vì họ đã đẩy cái đáng được quan tâm nhất là mái ấm gia đình xuống hàng thứ yếu.

Phải lòng “xế hộp”

Dù trong nhà đã có chiếc ôtô Yaris của Toyota và đã vài lần nhờ chồng dạy lái, nhưng do sợ cảm giác say xe nên chị Huyền (Q. 7, Tp. HCM) ngày ngày vẫn cứ phải đồng hành cùng chiếc xe tay ga và mớ khẩu trang, áo chống nắng lỉnh kỉnh đến công ty. Nhưng từ khi thấy chị Quyên vừa chuyển về làm cùng phòng mỗi sáng cứ lướt êm như ru đến công ty cùng chiếc Getz của Huyndai với nhan sắc chẳng bị lay chuyển bởi khói bụi, nắng gió mưa sa gì sất thì chị Huyền cảm thấy ganh tỵ khủng khiếp. Thế là chị hạ quyết tâm phải học lái xe cho bằng được.

Mất mấy tháng kỳ cạnh sau ghế lái với sự hỗ trợ của chồng, giờ đây với chiếc ôtô làm bạn đồng hành, chị Huyền thấy mình như thật sự được “đổi đời”. Mớ khẩu trang cùng áo chống nắng thân quen giờ thành ra dĩ vãng, thay vào đó là những bộ áo váy hợp thời trang, hợp luôn với chiếc ôtô chị đang lái. Mỗi sáng đến công ty với chị như một ngày vui khi luôn cảm thấy những cặp mắt ngưỡng mộ dõi theo khiến đầu chị cứ phải ngẩng cao mãi.

Ngày nắng cũng như mưa, ngồi trong xe chị có thể dễ dàng soi gương tô thêm tí son, sửa lại lọn tóc trong khi người đi đường nhễ nhại mồ hôi do trời nắng hay ướt đằm dưới cơn mưa mùa hạ. Vì thế mà chị luôn cảm thấy rất tự tin khi gặp bất kỳ ai. Thậm chí còn hơi “kiêu kỳ” một chút khi chị luôn khiến bạn bè chồng nể phục vì luôn sẵn sàng để cho chồng uống say túy lúy và chị sẽ là người chở chồng về mà chẳng lo tại nạn xảy ra.

Ảnh minh họa

Người tình “xế hộp”

Từ sợ xe đến thích xe, giờ chị Huyền đã chuyển sang yêu xe. Giờ đây khó mà có điều gì có thể khiến chị bức ra khỏi chiếc xe yêu dấu được đôi ngày (chỉ trừ khi phải đi công tác xa). Vì vậy, dù không có thời gian trống, chị Huyền vẫn tranh thủ tham gia vào hội yêu xe và thường xuyên tụ tập cùng hội để học cách “chơi xe” sao cho sành điệu, cho vừa mắt mọi người và vừa lòng của chính mình.

Khi có chút thời gian rảnh là chị lên mạng vào những diễn đàn dành cho dân sành ôtô để tham khảo những loại xe mới, những nội thất, trang thiết bị mới cho xe. Nếu thấy thứ gì hay là chị đi lắp ngay cho xe của mình. Với chiếc xe được o bế kỹ lưỡng bên mình, càng ngày chị Huyền càng thể hiện sự sành điệu và xa cách mọi người.

Ở công ty, chị luôn giữ phong thái kêu hãnh cho xứng tầm với người đi ôtô so với các đồng nghiệp đi máy và chị cũng bỏ luôn thói quen lê la quán xá vỉa hè cùng đồng nghiệp như hồi xưa. Khi về nhà, nếu không hì hụi lên mạng tìm “đồ độc” cho xe thì chị lại í ới gọi điện tám cùng hội bạn xe mà lơ là nghĩa vụ với chồng, quên việc chăm con lúc nào không hay.

Chồng chị, lúc đầu thấy vợ thích xe quá chỉ nghĩ đó là chuyện thường tình của người mới biết lái. Nhưng thấy tính tình chị có chiều hướng thay đổi thì đâm hoảng. Anh nhỏ nhẹ khuyên thì chị trấn an ngay: chẳng phải chị muốn cao ngạo mà tự nhiên nó như thế, vì thay gì phải bê vác theo nào mũ bảo hiểm, áo chống nắng như hồi đi xe máy, thì giờ chị cứ việc sãi chân mà bước thong thả ngồi vào xe nên người ta ganh tỵ…

Anh cũng tạm tin, nhưng ngày càng thấy chị đổi khác và lậm nặng vào xe xiếc, khuyên mãi chị không nghe anh đâm chán, chẳng thèm nói nữa. Chị cũng chẳng để ý đến thái độ của anh. Chỉ đến khi thấy được mẩu giấy anh để trên bàn ăn: “Người tình “xe hơi” quyến rũ mất em rồi. Mà hình như em cũng đã bắt đầu yêu xe hơn yêu anh rồi? Chắc phải bán xe thôi”, chị mới giật mình thảng thốt, thì ra là mình đã hơi đi quá xa rồi sao?

Những thống kê thú vị về phụ nữ và xe

Người phụ nữ đầu tiên có bằng lái xe: vào năm 1929, Lillie Elizabeth McGee là người phụ nữ Mỹ đầu tiên có bằng lái xe và sau đó đã lên tới chức giám đốc công ty về công nghiệp giao thông vận tải.

Nước cấm phụ nữ lái xe ôtô: Hiện nay, tại Arab Saudi, lệnh cấm lái xe được áp dụng cho tất cả các phụ nữ bất kể họ là công dân của Arab Saudi hay không. Phụ nữ Arab Saudi hiện đang đấu tranh để giành quyền chính đáng của họ.

Phụ nữ đầu tiên thiết kế ô tô: Những “trinh nữ thiết kế" đầu tiên là 6 cô gái làm việc cho dự án thiết kế của J.Earl, Giám đốc thiết kế của General Motors với ý tưởng đột phá “Mốt và xe hơi”. Earl biết đặt niềm tin vào con mắt nghệ thuật của phụ nữ trong lần giới thiệu bộ sưu tập "Dream Cars - những chiếc xe trong mơ". Earl nhận định: "Xe hơi nên xếp thứ hai trong mối quan tâm của các quý bà, đứng sau thời trang. Như vậy, nó sẽ trở nên đẹp có tính biểu cảm hơn".

Người phụ nữ đầu tiên chinh phục đường đua: Từ những năm 1960, phụ nữ đã có mặt trên trường đua ô tô. Năm 1976, Guthrie là tay đua nữ đầu tiên tham gia vào giải đua NASCAR và cũng là “chân dài” đầu tiên có mặt tại đường đua danh giá Indianapolis 500 năm 1977.

Những phụ nữ nắm quyền trong công nghiệp ô tô: Rất nhiều nữ nhi mình hạc xương mai nhưng lại “thét ra lửa” trong các tập đòan ô tô nổi tiếng, trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành các đồng nghiệp nam của mình. Có thể kể đến Adriane M. Brown, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vận chuyển Honeywell; Nicole Nason, chủ tịch Hiệp hội An toàn Giao thông Quốc lộ Mỹ; Verena C. Kloos, giám đốc thiết kế của tập đoàn BMW…

Về khả năng học lái ôtô, phụ nữ không kém gì nam giới. Thậm chí, các chị còn có thể học nhanh hơn do tính cẩn thận và sự tập trung cao. Điểm yếu của người học lái chỉ là tâm lý... sợ. Do vậy, các ông chồng phải tập... đánh giá cao vợ, đừng làm vợ mình rối lên và có tâm lý e ngại ngay từ đầu. Có như vậy, sau này nhiều “ông xã” mới tự tin đi tiệc tùng mà không lo say xỉn, vì đã có vợ “tài xế”.

Vũ Vũ

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/khi-ke-thu-ba-khong-ai-khac-la-xe-hop-20586/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY