12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Khi khớp gối kêu cứu

12% số người dân châu Á có dị tật dạng bẩm sinh là sụn chêm hình đĩa. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tiếng kêu ở khớp gối.

Ảnh minh họa

Những âm thanh lạ ở đầu gối

Chị Lan đang làm nhân viên kế toán của một công ty sản xuất hàng dệt may, mặc dù đã ngoại tứ tuần nhưng trông chị chỉ như mới ngoài 30, thân hình thon gọn, lại rất ít đau ốm. Có được kết quả như vậy, bởi chị Lan rất chăm chỉ luyện tập thể dục mỗi ngày.

Một hôm, được tan sở sớm, chị Lan tranh thủ rẽ vào chợ mua mớ rau bí, ít thức ăn rồi về nhà chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Ngồi nhặt rau bí lâu, khiến cho đôi chân chị tê mỏi. Chị nhẹ nhàng duỗi thẳng hai chân, cử động vài động tác cho bớt mỏi, thì chợt nghe những tiếng kêu răng rắc được phát ra từ đầu khớp gối của mình.

Lúc đầu, chị Lan chủ quan cho rằng, đó là biểu hiện bình thường nên nhanh chóng bỏ qua, nhường nỗi lo lắng cho những công việc thường ngày. Nhưng những tiếng kêu lạ xuất hiện ngày càng nhiều, kèm theo cảm giác hơi đau, gây khó chịu khiến chị cảm thấy lo lắng, bất an về tình trạng sức khỏe.

Theo BS. Hoàng Văn Dũng (Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Tiếng kêu của khớp gối thường được phát ra từ chiếc sụn chêm (nằm ở phía trước, dưới bánh chè). Tiếng kêu này thường phát ra khi người ta đặt tay lên trên bánh chè và cho gấp duỗi gối, bánh chè cọ vào rãnh liên lồi cầu trước tạo nên tiếng kêu răng rắc nhỏ.

Hiện tượng này thông thường không gây đau và không phải điều trị gì. Tiếng kêu này chỉ được phát ra khi con người vận động hoặc lấy tay đẩy mạnh vào khu vực bánh chè. Nó chính là sự trà sát giữa hai lớp sụn khớp của mặt sau bánh chè và khe liên lồi cầu. Những tiếng kêu này nếu không đau thì không gây tổn hại gì đặc biệt tới sức khỏe con người.

Tuy nhiên, có nhiều người thường xuyên phải nghe những tiếng kêu khi co hoặc duỗi khớp gối, kèm theo đó là cảm giác hơi đau, khó chịu khi cử động. Đây có thể là triệu chứng đầu tiên của tình trạng thoái hóa hư sụn khớp của khớp bánh chè đùi. Khi đó bệnh nhân sẽ đau, đặc biệt là khi lên xuống cầu thang, mang, vác, xách vật nặng. Lúc này, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và chữa trị kịp thời.

Giảm bớt gánh nặng cho đôi chân

Bác sĩ Dũng cũng cho biết hiện có một số phương pháp điều trị bệnh này bao gồm uống thuốc, tập vật lý trị liệu, hạn chế ngồi xổm hay lên xuống cầu thang. Nếu bệnh không bớt có thể làm nội soi điều trị. Tuỳ mức độ tổn thương, các bác sỹ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ giúp quyết định biện pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

Việc điều trị và tập luyện phục hồi chức năng khớp gối nên thực hiện ngay lập tức nhằm tránh teo cơ đùi và cẳng chân, giúp khớp gối cử động vững, lấy lại tầm độ hoạt động khớp gối, đi lại vững và bắt đầu sinh hoạt trở lại. Sự kiên trì tập luyện phục hồi chức năng ngay sau mổ, gia tăng dần cường độ tập cũng giúp lấy lại hoạt động khớp gối, đủ để sinh hoạt bình thường.

Những người bệnh mắc bệnh thoái hóa chiếm trên 50% bệnh thường gặp ở những người trung niên, tỷ lệ này lên tới 80% ở những người trên 70 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi tổn thương thoái hóa của sụn khớp với quá trình mất sụn khớp và tổn thương xơ hóa xương dưới sụn, từ đó gây ra tổ chức xương cạnh khớp tân tạo và hốc xương dưới sụn.

Cũng theo BS. Hoàng Văn Dũng, để giảm bớt gánh nặng cho đôi chân, đặc biệt là phần khớp gối thì chị Lan và mọi người nên có ý thức tự phòng bệnh bằng cách:

- Tránh xa các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động. Tránh các động tác mạnh, đột ngột khi mang vác hoặc lao động nặng. Các tư thế làm mau hư khớp gối bao gồm leo cầu thang, ngồi xổm, khiêng vác quá nặng, tăng trọng lượng cơ thể.

- Mang dụng cụ hỗ trợ cho gối (còn tùy thuộc tình trạng bệnh lý ở đâu). Ví dụ tăng áp lực cánh ngoài bánh chè sẽ phải mang dụng cụ kéo bánh chè vào bên trong nhằm đưa bánh chè chạy đúng trong rãnh lồi cầu đùi.

- Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng.

- Phát hiện và sửa chữa các dị dạng xương, khớp gối, đặc biệt ở trẻ em.

- Đục xương chỉnh trục trong lệch trục khớp gối (vừa là dự phòng, vừa để điều trị thoái hóa).

Ngay khi có triệu chứng đau vùng gối, bệnh nhân cần đi khám ngay để được chụp X-quang, phát hiện và điều trị những tổn thương ở khớp gối, ngăn ngừa bệnh âm thầm phát triển, có thể dẫn đến không đi lại được.

Đây là bệnh cần điều trị lâu dài, vì vậy bạn cần thực hiện theo các chỉ dẫn của bác sĩ, ngoài ra lưu ý tái khám sau mỗi đợt điều trị. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả trước và sau khi điều trị để có những chỉ định tiếp theo.

Khắc phục đau khớp gối

Các chuyên gia khuyến cáo: Đối với những người trước đây đã từng làm việc nặng nhọc hoặc có tiền sử mắc bệnh thoái hóa khớp thì phần luyện tập là phần hết sức quan trọng để tránh làm cho tình trạng hư khớp mau hơn. Phần này bao gồm tập luyện, tránh tư thế xấu, mang dụng cụ hỗ trợ.

Tập luyện chính là các môn chơi thể thao hằng ngày giúp vận động gối ở mức vừa phải. Khi vận động, dịch khớp gối được các tế bào sụn hấp thu và tăng cường sức sống cho tế bào sụn. Tuy nhiên những môn chơi làm tăng nặng áp lực lên gối như bóng chuyền, tennis, đá banh… sẽ không thích hợp.

Những môn chơi được cho là ít ảnh hưởng áp lực lên gối như bơi, đạp xe, tập thể lực tư thế nằm hay ngồi, đi bộ nhẹ nhàng không quá 30 phút mỗi ngày, tập thể lực dưới nước như đi bộ dưới nước.

Hai bài tập cơ bản cho người đau khớp gối:

Bài 1: Người bệnh nằm ngửa, gập hai bàn chân về phía đầu, cố gắng ấn kheo chân xuống nệm, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đạp hai bàn chân xuống, cố gắng ấn hai gót chân xuống nệm, giữ lại đến lúc nào mỏi thì lặp lại động tác ban đầu. Mỗi động tác làm 15-20 lần.

Bài 2: Người bệnh nằm ngửa, chân bên phải gập bàn chân về phía đầu, nâng cao chân lên khoảng 30-45 độ so với mặt giường, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đổi qua chân bên trái. Mỗi bên lặp lại 15-20 lần.

Đông Thảo

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/khi-khop-goi-keu-cuu-17447/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY