12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Khi lưu huỳnh tấn công vào cuộc sống

(SKGĐ) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, hàm lượng lưu huỳnh không nên vượt quá 20mg/1kg sản phẩm. Nhưng ở nước ta tình trạng lạm dụng lưu huỳnh ngày càng phổ biến do chưa hề có khuyến cáo hay quy chuẩn giới hạn nào.

Lưu huỳnh vượt quá hàng trăm lần cho phép

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng điều tra, cùng với những ý kiến của nhiều chuyên gia trên các phương tiện truyền thông đại chúng phân tích về những tác hại của lưu huỳnh, thì người tiêu dùng mới nhận ra một thực tế rằng không chỉ măng khô mà đã từ rất lâu rồi trên thị trường tiêu dùng nước ta, tình trạng lạm dụng lưu huỳnh công nghiệp trong tẩm sấy rất phổ biến nhất là các loại thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao, hoa quả sấy khô…

Ngoài ra, còn có rất nhiều những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày khác như đũa, tăm tre hay các sản phẩm sinh hoạt được sản xuất từ tre, gỗ, nứa… thậm chí cả sản xuất chế biến thuốc Đông dược cũng được xông lưu huỳnh để diệt mốc, ngăn chặn mốc phát triển.

Người chế biến cũng có bệnh

Trên phương diện hóa học TS. Trần Thị Dung (Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa- Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Lưu huỳnh là một phi kim phổ biến, không mùi, không vị, nhiều hóa trị. Ở dạng gốc của nó là chất rắn kết tinh màu vàng chanh, có thể tìm thấy ở dạng đơn chất hay trong các khoáng chất sulfua và sulfat trong tự nhiên. Lưu huỳnh chủ yếu được sử dụng trong các phân bón nhưng cũng được dùng rộng rãi trong thuốc súng, diêm, thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm. Lưu huỳnh sử dụng để chống ẩm mốc với hàm lượng ít thì không độc, nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc rắc trực tiếp thì bản thân người sơ chế cũng có thể nhiễm độc đường hô hấp. Còn với người ăn, khi lưu huỳnh vào cơ thể kết hợp với kim loại nặng trong cơ thể tạo thành hợp chất sunfua gây độc, vào dạ dày kết hợp với acid tạo thành hợp chất tích tụ ở dây thần kinh gây đau đầu”.

Theo TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội): Cũng như một số chất phụ phẩm khác lưu huỳnh được sử dụng để chống ẩm mốc cho các sản phẩm sinh hoạt được sản xuất từ tre, gỗ, nứa như tăm tre, đũa dùng một lần… thì không quá nguy hiểm vì lượng tồn dư lưu huỳnh trong những sản phẩm này nhỏ, dùng để gắp thức ăn hoặc xỉa răng thì đều không xảy ra vấn đề gì đáng lo ngại so với việc sử dụng các loại thuốc chống ẩm mốc khác.

Còn với măng khô thì khác, do măng ẩm ướt nên khi xông khí lưu huỳnh đọng lại trong thực phẩm này nhiều. Việc sử dụng lưu huỳnh với nồng độ cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, đau đầu, tức ngực giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết. Nếu cấp tính, có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực...

Sở dĩ các cơ sở trên xông măng khô với lưu huỳnh là ngoài tác dụng chống mốc còn để tạo màu vàng đẹp cho măng. Không chỉ người sử dụng bị ảnh hưởng mà cả người chế biến và người các hộ dân xung quanh cũng bị ảnh hưởng, vì trong khi xông măng thường sinh khí SO2 có mùi khó chịu, đó chính là khí độc ảnh hưởng tới môi trường nếu không có biện pháp đảm bảo an toàn.

Giải thích về việc thuốc Đông dược có xông lưu huỳnh, Ths. BS. Nguyễn Thị Hằng (Phó chủ nhiệm bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) cho rằng, cung cấp cho cơ thể một hàm lượng lưu huỳnh cần thiết sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Phương pháp xông lưu huỳnh trong sản xuất và chế biến Đông dược vẫn được áp dụng nhưng chỉ ở mức độ cho phép, vượt quá giới sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Hiện nay, nhiều cơ sở đã lạm dụng lưu huỳnh khi tẩm sấy trực tiếp vào măng khô, Đông dược, hay một số thực phẩm khác… gây ra những hệ lụy lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng sử dụng thuốc Đông dược chữa bệnh, nhưng thực chất trong thuốc lại có độc thì bệnh tình ngày càng trở lên nguy hiểm hơn rất nhiều.

Lương tâm người chế biến

Đơn cử như vụ việc hàng trăm hộ dân cư thuộc xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội phải sống trong một thời gian dài sử dụng nguồn nước đen kịt, đầy cặn bẩn có hàm lượng asen vượt quá 37 lần cho phép. Hiện tại nhiều người dân ở đó mắc phải bệnh ung thư quái ác và nhiều căn bệnh khác.

Hàng ngày, họ đang phải chống chọi với những lo âu tật mà nguyên nhân đáng ngờ nhất lúc này được cho là do nguồn nước nhiễm bẩn. Hãy thử nghĩ nếu như nguồn nước nhiễm asen vượt quá 37 lần cho phép ở một cụm dân cư đã làm xáo trộn đời sống các hộ dân ở và bức xúc trong dư luận.

Vậy nếu hàm lượng lưu huỳnh trong măng, Đông dược, tăm tre hay nhiều sản phẩm khác vượt quá cả hàng trăm lần cho phép, được chế biến sản xuất từ bao lâu nay sẽ gây nguy hiểm như thế nào, khi mà tầm ảnh hưởng của nó không chỉ là trong phạm vi một cụm dân cư, mà là cả một thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn!?.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, ở nước ta chưa có một quy định chung về hàm lượng lưu huỳnh có trong sản phẩm, nên đó có thể là cái cớ để các cơ sở chế biến thoải mái sử dụng lưu huỳnh để bảo bảo quản sản phẩm lâu hơn, đẹp hơn.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho việc đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng khi đã sử dụng phải sản phẩm có chứa hàm lượng lưu huỳnh cao như vậy?. Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng và lương tâm của những cơ sở chế biến sản phẩm này.

Không khó để nhận diện

Theo Tiến sĩ Thịnh thì không quá khó để nhận diện lưu huỳnh có trong măng khô bởi khí SO2 rất đặc trưng trong quá trình đốt lưu huỳnh. Đưa măng khô lên mũi ngửi nếu măng có mùi nồng nặc, khó chịu chứng tỏ có sấy lưu huỳnh. Tuyệt đối không nên ngậm hoặc nếm măng khô trước khi đun nấu, mà phải loại bỏ lưu huỳnh khỏi măng khô bằng cách ngâm nước vài ngày, tiếp đó luộc thật kỹ cho nồng độ SO2 bay hơi rồi mới vào ninh trong khoảng 2-3h.

Trên phương diện sản xuất măng cũng như Đông dược và một số sản phẩm tiêu dùng khác người dân không tuân thủ nguyên tắc nào, sử dụng lưu huỳnh để xông theo cách thủ công, dùng lưu huỳnh không tinh khiết có thể do thiếu hiểu biết hoặc vì yếu tố lợi nhuận mà họ cố tình làm vậy. Đây cũng là khó khăn khiến cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp không thể xây dựng các lò xông khép kín, thu khí tuần hoàn tránh mất an toàn lao động, đồng thời không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/khi-luu-huynh-tan-cong-vao-cuoc-song-16037/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY