Tình yêu và giới tính hôm nay

Khi tuổi cao “chức” nhỏ

Ngoài xã hội, quan hệ trên dưới được xác lập cơ bản dựa vào tuổi tác. Nhưng trong quan hệ họ tộc, những chi trên nhánh dưới lại tạo ra cả một mê hồn trận về thứ bậc và những cách xưng hô.

Ảnh minh họa

Mâu thuẫn xảy ra khi ông Trần đến nhà ông Mạnh bàn chuyện đất cát. Ông thấy đứa cháu nội - anh cu Thắng - đang cùng cậu con trai ông Mạnh tỉa sửa cây cảnh. Hai đứa học cùng lớp, làm bạn với nhau. Nghe cậu Thắng hăng hái nói với ông Mạnh “Bác thấy tụi cháu làm đẹp không?” ông Trần đã định hắng giọng. Đúng lúc ấy, ông Mạnh tươi cười “Thôi, hai đứa vào nghỉ đi, trời nắng quá!”.

Ông Trần không giữ được cơn giận: “Anh này hỗn thật, anh vừa gọi gì thế!”. Hai đứa trẻ ngơ ngác, ông Mạnh vội vã “Dạ, con xin lỗi ông!”. Ông Trần tiếp “Theo họ, anh phải gọi anh cu Thắng là anh đấy, họ hàng mà anh lộn xộn quá…”. Ông bỏ về, không bàn chuyện đất cát nữa. Chuyện thứ bậc trong dòng họ, những cách xưng hô gây nên khá nhiều sự giận dữ, mâu thuẫn tương tự.

Tôi nhớ lại Thanh Minh vừa rồi, theo bố về họp họ. Có khi thấy bố chào người này, người kia là ông, ngước lên tôi đoán chắc người đó ít nhất kém bố 10 tuổi. Đến lượt tôi cúi chào nhiều vị cao niên là bác thì bị cự lại “Chết, em phải gọi anh là anh đấy, bác sinh anh ở xa nên không rõ họ hàng, anh gọi thế em đoản thọ mất!”. Đến lúc họp bàn về suwra sang mộ tổ, bất đồng xảy ra cũng từ mối quan hệ trên dưới ấy. Bác Nhân, đã ngoài 60, là người học cao, biết rộng nằng nặc phản đối ý kiến của ông trẻ Minh. Đôi bên tranh luận một hồi, ông Minh đỏ mặt tía tai “Anh kia, đừng cậy học cao biết rộng, trong họ hàng, anh chỉ xếp hàng con cháu…”.

Tôn trọng quan hệ họ hàng là nét đẹp truyền thống của người Việt, là một cách để nhớ về nguồn cội, gắn bó anh em chú bác. Theo quan niệm trong họ tộc, cách xưng hô thể hiện vai vế trong họ hàng, gọi đúng thứ bậc cũng có nghĩa là nhà có tôn ti trật tự.

Nhưng văn hóa Việt Nam cũng luôn dạy người nhỏ tuổi phải biết tôn trọng bậc tiền bối, vì họ có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Kính lão đắc thọ là thế. Điều này khiến phát sinh những tình huống khó xử: có nhiều người thành đạt ngoài xã hội, có chức sắc, được nhiều người kính nể có thể bị áp lực tâm lý nếu cứ phải lắng nghe ý kiến người kém mình, cứ phải cúi mình chào hỏi đám trẻ ranh. Còn đám trẻ nhiều khi ngượng mồm không dám gọi em xưng anh với những người đáng tuổi cha chú mình, nên cứ nói trống không nghe rất kỳ.

Buổi họp họ hôm trước có lẽ sẽ rạn nứt tình anh em nếu bác Nhân và ông trẻ Minh không cùng bình tĩnh nhìn nhận. Buổi chiều, bác Nhân đến xin lỗi ông trẻ, theo họ hàng nghĩa là tôn trọng người trên dẫu người đó có kém tuổi mình.

Ông Minh cũng bình tĩnh lại “Tôi cũng xin lỗi anh, anh đi nhiều nên biết nhiều hơn, kinh nghiệm hơn, nói có lý, khi trưa tôi cũng có quá chén, nóng nảy, lạm dụng vai vế dòng họ mà sinh ra bất hòa”.

Thật ra, xưng hô thế nào vẫn chưa quan trọng bằng đối đãi ứng xử với nhau thế nào. Và trên tất cả vẫn là sự tôn trọng lẫn nhau. Khi câu kính lão đắc thọ hoặc câu “một miếng giữa làng” đều không đúng thì có lẽ nên dùng tới câu “dĩ hòa vi quý” của ông bà ta xưa.

Minh Nghĩa

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/khi-tuoi-cao-chuc-nho-22260/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY