Phát biểu với Thường trực Chính phủ, từ “Bộ chỉ huy tiền phương” (chữ của Thủ tướng dùng) chống Covid-19 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu một thực tế nhãn tiền: “Thời gian qua, việc mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị y tế ở một số địa phương là rất khó khăn. Khó không phải vì không có vật tư, mà do cơ chế. Anh em rất sợ về giá cả”. Ông Sơn đề nghị Chính phủ hướng dẫn.
Ông Sơn không phải là một tiếng nói đơn lẻ. Trước ông, nhiều địa phương cũng đã “kêu”.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nói, “nếu không thống nhất về giá vật tư y tế thì tình huống xấu xảy ra sẽ rất khó xử lý”. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng nêu “cũng giống như các địa phương, Quảng Ninh chỉ có một kiến nghị thôi” là đề nghị các bộ, ngành T.Ư có hướng dẫn về giá để chỉ định thầu, vì hiện giá của các nhà cung cấp thay đổi rất khác nhau khiến Quảng Ninh “lúng túng” khi thực hiện.
Thông thường, việc mua sắm vật tư vào các cơ sở y tế công lập phải được đấu thầu. Tuy nhiên, trong tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, luật cho phép chỉ định thầu, bởi lúc đó, sức khỏe công cộng quan trọng hơn vấn đề giá cả. Nhưng cũng lại phải tuy nhiên, là trong tình huống khẩn cấp thì giá cả vật tư thường tăng cao, mỗi nhà cung cấp một giá, đôi khi mỗi ngày một giá, nên người chỉ định thầu rất dễ gặp rủi ro khi “xét lại”.
Quy định mở ra để tự chủ, tự chịu trách nhiệm, để linh hoạt trong các tình huống khẩn cấp không những bị vô hiệu hóa, mà còn trở thành một cản trở, trong bối cảnh ai phải ra quyết định cũng muốn có một “điểm tựa” để bấu víu (hay thực ra là để né trách nhiệm).
Không phủ nhận thực tế có những người trục lợi từ dịch bệnh, nhưng cũng phải thừa nhận rằng có những người là nạn nhân của nỗi sợ và sự bó buộc của “cơ chế”. Và điều khó khăn nhất, là “cơ chế” chưa phân biệt được ai tham tàn, ai dám làm và trở thành nạn nhân.
Vàng thau lẫn lộn trong tình huống này có thể làm chùn tay cả những người năng nổ nhất. “Búa rìu dư luận nặng hơn nhiều so với án tù”, một cán bộ “cơ quan chức năng” chia sẻ tâm tư với người viết. Và do đó, rất nhiều người chọn cách không làm gì. Khôn ngoan hơn cả là “kêu khó” và chờ cấp trên hướng dẫn.
Theo thông tin chúng tôi có được từ người trong ngành, trong khi nhiều địa phương thiếu vật tư, sinh phẩm chống dịch thì các doanh nghiệp vật tư y tế cũng rất “khổ sở” vì không bán được hàng. Đơn giản là thời điểm quá nhạy cảm.
Lối thoát là gì, người viết hỏi, và người trong ngành trả lời: “Đợi Bộ Tài chính hướng dẫn về giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”. Trước lúc đó, sẽ không ai mua gì cả. Cùng lắm là họ né việc “không làm gì” bằng cách mở thầu theo đúng trình tự.
Vậy thì dịch bệnh tính sao? Mục tiêu nâng số cơ sở xét nghiệm của cả nước từ 120 hiện nay lên 2.400 cơ sở trong thời gian ngắn, như quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói, tính sao? Chắc vẫn phải đợi Bộ Tài chính!
Chủ đề liên quan:
bộ y tế chỉ định thầu cơ chế Covid 19 đà nẵng đại dịch COVID 19 dịch bệnh thiết bị y tế vật tư y tế