Tình yêu và giới tính hôm nay

Khó xử khi chị dâu kém tuổi em chồng

(SKGĐ) Chị dâu: Lấy một cậu con trai trưởng, tất nhiên mình thành chị cả. Vậy mà lúc nào mình cũng cảm giác bị em chồng xem thường, chỉ vì ít tuổi hơn.

“Hà ơi, xuống trông giùm cái bếp, tự dưng có khách” – Mình vừa đi làm về, lên phòng thay đồ thì em chồng gọi. Sao cô ấy không biết dùng “kính ngữ” nhỉ? Chỉ vì cô ấy hơn mình 5 tuổi nên kính ngữ là cụm từ xa xỉ?! (Lấy chồng già có nhiều bất lợi, và làm chị của em chồng lớn tuổi hơn là một trong những bất lợi lớn nhất). Mình luôn gọi “cô” xưng chị để ngầm nhắc nhở. Nhưng từ ngày về làm dâu, chưa khi nào mình nghe cô ấy xưng một tiếng “em”. Nhà bác chồng, có mấy người con vẫn còn học phổ thông, cô ấy vẫn gọi họ rất lễ phép, một câu anh, hai câu chị. Vậy thì gọi mình là chị cũng khó gì nhỉ?

Cách xưng hô này sẽ chẳng làm mình khó chịu đến thế nếu cô ấy không tỏ ra “dạy đời” với mình. Khi mình “bơ vơ” mới về, em chồng bảo: “Hà ở thế hệ trẻ mà họ hàng và gia đình mình lại thuộc diện giữ nền nếp truyền thống nên có nhiều lễ nghi phức tạp. Bố mẹ già rồi, từ lâu Mai phải thay bố mẹ. Bây giờ có lẽ mọi việc sẽ sang vai Hà, có chi không quen thì có thể hỏi Mai nhé”. Hai từ còn trẻ, nghe như kiểu đang dạy dỗ đàn em và có vẻ “hỗn”. Trẻ thì không có kinh nghiệm sống? Ít ra mình cũng từng trải hơn cô ấy, đó là mình đã lấy chồng, còn cô ấy vẫn ở với bố mẹ! Khi nhắc đến nền nếp gia phong truyền thống, lẽ ra cô ấy phải hiểu tuổi tác không quan trọng bằng vai vế trong nhà.

Dạo trước, mấy người bạn mình tới chơi, em chồng cũng rất xởi lởi trò chuyện. Nhưng khi nói chuyện, cô ấy luôn luôn một câu chị, hay câu chị: “Ngày chị bằng tuổi tụi em…”, “Tụi em còn trẻ nên…”. Chắc cô ấy tính cả mình vào tụi đó. Lúc về, đám bạn mình bảo: “Chị chồng mày vui tính thật và thân thiện”, mình ngã ngửa: “Em chồng đấy, chồng tao là con cả”. Lúc đó chúng nó mới tròn mắt.

Khi gia đình cùng ngồi bàn bạc một vấn đề gì đó, em chồng cũng rất thoái mái phản biện ý của mình bằng những câu: “Vì Hà còn trẻ nên có thể chưa gặp trường hợp như thế”, “Mai tham gia công việc đó với các cô các bác nhiều năm rồi nên mẹ Cún cứ để việc đó Mai làm cho”... Nhiều lần mình còn nghe thấy em chồng nói với cô bác rằng: “Tuy là chị dâu nhưng tuổi còn trẻ nên có thể chị ấy thiếu kinh nghiệm”. Sao cô ấy lại dám xem mình như con nít thế chứ!

Mình tỉ tê việc đó với chồng, chồng bảo “Cô ấy lớn tuổi hơn, lại ở trong nhà này lâu hơn nên hướng dẫn em là phải. Còn chuyện xưng hô đâu quan trọng, vợ vẫn ra lệnh và gọi anh là “nhà ngươi” đó thôi. Anh tưởng cô ấy lại dám ăn nói hỗn hào, đi mách mẹ chuyện không đâu”.

Bố mẹ chồng cũng có lúc bảo: “Con ở bậc chị, nhưng tuổi thì trẻ hơn em, có thứ gì chưa quen thì cứ hỏi em nó…”. Ôi lúc ấy, mình ước gì mình nói dối tuổi ngay từ lần đầu ra mắt. Mình cảm giác trong gia đình ấy, mình chỉ đơn giản là vợ của con/anh họ, là mẹ của thằng cháu đích tôn, còn với toàn hệ thống gia đình thì mình chả có nghĩa lý gì, chẳng có vị trí nào trong trật tự gia đình.

Em chồng: Thật khó khi phải cố tỏ ra làm em của một người thua xa mình về tuổi tác lẫn kinh nghiệm sống.

Trời, sao anh trai mình lại dẫn về một cô bé non nớt thế kia nhỉ? Ngay lần đầu gặp, mình không tưởng tượng nổi người đó sẽ là chị dâu mình. Chính cô bé còn ngập ngừng chào mình là “Em chào chị”, rồi bảo “Chưa cưới thì cứ gọi theo tuổi”. Mình cũng ậm ừ, chẳng biết nói thế nào.

Sau đám cưới của anh, mình vẫn không biết làm cách nào để quen với việc cô nàng “búng ra sữa” kia sẽ làm chị cả của mình. Có lần, mình thấy chị dâu nũng nịu anh trai “Ứ ừ, anh làm cho em đi, đi mà”, nghe buồn cười quá. Vì thế mỗi lần định gọi “chị” thì mình lại nhớ tới thái độ đó mà không thể gọi nổi. Đến giờ cũng đã 3 năm, may mà có thằng Cún ra đời, nên mình cứ gọi chị dâu là “Mẹ Cún” cho dễ xưng hô.

Chỉ riêng chuyện xưng hô thôi đã là cả vấn đề. Mình rất sợ lỡ có chuyện gì xảy ra thì lại mang tiếng “giặc bên Ngô”. Sao Việt Nam không giản lược, chỉ dùng “I” và “You” thôi, sao cứ phải có kính ngữ? Gọi bằng chị nhưng trong đầu không coi nhau ra gì thì chữ chị ấy đâu có nghĩa gì! Mình sẽ dễ dàng gọi Hà là chị nếu như Hà đừng nũng nịu trẻ con, nếu như... Tuổi tác không thể thay đổi, và mình không “xem thường” mẹ Cún chỉ vì kém tuổi. Mình cũng “biết điều” lắm chứ. Con dâu nhà bác cả nhỏ tuổi hơn nhưng lúc nào cũng rất da dáng đàn chị, luôn chủ động với trách nhiệm của mình; vì thế tự nhiên mình thấy “bà ấy” là chị, chẳng nhớ tuổi tác.

Mẹ Cún không phải nàng dâu đáo để, xấu xí nhưng luôn khiến mình, cũng như bố mẹ cảm nhận thấy sự non nớt. Bố mẹ mình thì lớn tuổi, sức khỏe yếu. Anh trai mình thì chỉ biết kiếm tiền, đi suốt ngày. Mọi việc nhà toàn mình lo. Bây giờ rao tất cho chị dâu, mình thấy không yên tâm. Có lần, hai anh chị về quê thăm bác cả ốm, mình đã “dặn” chị dâu rất kỹ: “Tính bác cả nghiêm nghị, không thích đùa. Bác thích sự chu đáo, mẹ Cún thay mặt cả gia đình phải thăm hỏi tường tận, rồi đi thăm cô chú khác”.

Mẹ Cún run run bảo: “Ở quê lắm thủ tục nhỉ! thế cụ thể hơn phải làm những gì”. Thật không yên tâm chút nào! Y như rằng, sau đó bác cả gọi điện cảm ơn bố mẹ mình, nhưng còn thêm câu: “Con bé trẻ người nên rất hồn nhiên, cô chú cũng nên hướng dẫn nó thêm về phong tục ở quê”. Đôi khi khách của bố mẹ hoặc họ hàng tới chơi, mình lại phải nhắc khéo thì mẹ Cún mới biết ra chào, ra tiếp đón. Vì thế, nhiều lúc mình cũng muốn để mẹ Cún “tự lập”, cho quen với vai trò chị cả trong gia đình nhưng lại không yên tâm. Thành ra, mình lại giống như cô em chồng chành chọe, làm em mà cứ như chị.

Mỗi lần góp ý gì với mẹ Cún, mình luôn cố phải tỏ ra nhường nhịn hơn không mẹ Cún lại bảo mình “dạy dỗ”. Nhưng rõ ràng mình “già đời” hơn, có cố gắng hạ giọng thì vẫn không thể tạo ra cảm giác đàn em được. Dù sao mình cũng là em chồng tốt đấy chứ (vì đâu có “khuyên bảo” sai, đâu có mách mẹ những chuyện lung tung hay ra ngoài kể xấu chị dâu). Không lẽ cứ phải giả vờ khiêm nhường “Mẹ Cún ơi, em nghĩ có nên thế này...”, “Mẹ Cún ơi, cho em hỏi...” mới phải phép? Mẹ Cún muốn mình tôn trọng theo vai vế, vậy mẹ Cún có tôn trọng mình ở góc độ tuổi tác không nhỉ? Có lúc mình cũng muốn chị dâu lớn tuổi hơn để vai vế trong gia đình được xuôi chiều.

Như Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/kho-xu-khi-chi-dau-kem-tuoi-em-chong-15879/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY