Tình yêu và giới tính hôm nay

Khốn khổ vì không dám ly hôn

Không có một cuộc hôn nhân như mong đợi, thậm chí bị chồng đánh đập, hành hạ… nhưng nhiều người phụ nữ vẫn cam chịu cuộc sống đầy nước mắt ấy. Bởi họ sợ đủ các loại điều tiếng của dư luận xung quanh…

Ảnh minh họa

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Sống với nhau gần 10 năm, có với nhau hai mặt con, nhưng số ngày chị Nguyễn Thúy Bình (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) được hưởng hạnh phúc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chuyện là trước khi đến với anh Tuấn – người chồng hiện tại, chị đã có thai với người đàn ông khác. Lúc kẻ Sở Khanh kia bỏ chạy, anh Tuấn đã dang tay đón nhận mẹ con chị.

Ngày ấy anh Tuấn nói vì tình yêu anh sẵn sàng chấp nhận tất cả, chị cảm động nhận lời cầu hôn. Vậy mà ngay trong đêm “động phòng hoa chúc”, thái độ của anh đã thay đổi hoàn toàn. Mặc cho dòng nước mắt chị đang rơi, anh luôn miệng xỉ vả cái kẻ đã bắt mình phải “đổ vỏ”. Cũng kể từ đó, anh dành cho chị thái độ miệt thị bởi “làm con gái mà không chính chuyên”. Tất nhiên, “vũ khí tra tấn” này anh chỉ sử dụng khi có hai người.

Rồi đứa bé trong bụng chị không chịu nổi những áp lực tinh thần nên đã bỏ mẹ mà đi. Lúc ấy, chị quyết định chấm dứt hôn nhân nhưng anh lại quỳ gối cầu xin một cơ hội, rằng anh đã biết mình sai, rằng sẽ tu sửa bản thân để mang lại hạnh phúc cho chị. Một lần nữa, chị mủi lòng. Song hạnh phúc cũng chẳng vẹn nguyên. Mỗi lần chỉ cần nghe thấy bất cứ điều gì khiến anh gợi nhớ đến chuyện cũ, anh đều trút hận vào chén rượu để sau đó chửi đời, chửi mình, chửi chị. Tủi thân nhưng lại nghĩ mình cũng có một phần lỗi, chị chỉ biết âm thầm khóc thương thân phận bèo bọt của mình.

Theo thời gian, hai đứa con, một trai, một gái lần lượt ra đời nhưng cũng chẳng làm thay đổi thái độ của anh dành cho vợ. Những lời nhục mạ chị vẫn nhận đều đặn mỗi khi anh nhớ lại chuyện xưa. Cũng có lúc, chị muốn bỏ quách đi, song nghĩ đến hai con, chị chỉ biết chép miệng: “dù sao anh ta cũng rất tốt với các con”.

Cùng chung nỗi bất hạnh như chị Bình, song nguyên nhân khiến chị Mai Thị Thỏa (ở Tam Hà, Thủ Đức, Tp.HCM) không dám ly hôn bởi những lời đe dọa của ông chồng suốt ngày ra tù vào tội: “Mày mà bỏ tao, tao sẽ giết cả nhà mày. Mày, bố mẹ mày, thậm chí là mấy đứa con, không đứa nào sống sót được”. Những lời hăm dọa của kẻ liễu lĩnh ấy khiến chị nhụt chí. Vậy là suốt 5 năm nay, chị cam chịu cuộc sống địa ngục trần gian.

Hàng ngày, sau khi chợ búa kiếm cơm, chị Thỏa lại phải nhanh chóng sấp ngửa về phục vụ ông chồng chỉ biết rượu chè, cờ bạc. Tiền kiếm được bao nhiêu đều cháy theo những quân bài đỏ đen. Xót tiền lắm nhưng chị cũng chẳng dám nói năng nửa lời bởi nếu không sẽ phải đón nhận đòn roi đến tan xương nát thịt.

Các con chị Thảo cũng có lần sụt sịt: “Mẹ ơi, mẹ con mình bỏ trốn đi. Con không muốn sống với bố nữa”. Lòng chị cũng muốn thế nhưng đâu thể làm vậy? Người mà chị gọi bằng chồng ấy liệu có tha cho bố mẹ già của chị?

Đã đến lúc đứng dậy

Chuyện những người phụ nữ cả cuộc đời phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chẳng dám ly hôn dường như không phải là chuyện hiếm trong xã hội hiện nay. Mỗi người một lý do, song tất cả đều chịu chung chữ “khổ”. Nuốt nước mắt vào trong, tự chấp nhận “số phận đã an bài”… đó là cách nhiều người vẫn làm khi đối diện với cuộc sống của chính mình, thế nhưng liệu đó có phải là giải pháp hay?

“Cam chịu không thể làm nên bình yên mà thực sự chỉ tạo thêm sóng gió”, chuyên gia tư vấn tâm lý Ánh Hồng của Chương trình Tâm sự bạn trẻ 360 phân tích. “Thực tế là càng cố chịu đựng, cuộc sống càng trở nên ngột ngạt. Khi người chồng đã nắm được điểm yếu, anh ta sẽ dùng điểm yếu ấy để nhấn chìm bạn. Do đó, nếu là người đang tổn thương, bạn có quyền bảo vệ mình khỏi những vết đau. Ly hôn không phải là dấu chấm hết, nó chỉ là dấu chấm phẩy để bạn bước sang trang khác của cuộc đời”.

Cũng theo chuyên gia Ánh Hồng: “Nếu bạn là người đang phụ thuộc tài chính, đã đến lúc tìm cho mình một công việc có thể nuôi sống bản thân để tận hưởng chuỗi ngày bình yên. Nếu bạn đang lo lắng cho tương lai của con, hãy thử cân nhắc xem liệu con bạn có thực sự hạnh phúc khi sống trong một gia đình như thế? Và nếu bạn đang bị những lời đe dọa làm nhụt chí, hãy nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.

Với những kẻ dám giết vợ con thì sớm hay muộn, vì lý do này hay lý do khác, anh ta cũng sẽ làm vậy, nên việc chấp nhận chung sống không phải là giải pháp an toàn. Nhiều người nghĩ rằng ly hôn là tiêu cực, thế nhưng cam chịu một cuộc hôn nhân bất hạnh là cực đoan. Vì vậy, đừng ngại ngần viết lên kế hoạch mới cho tương lai”.

Nói thế nào với con?

Với những đứa trẻ chứng kiến cảnh bạo lực, chẳng cần nói gì chúng cũng hiểu nhưng với nhiều gia đình vẫn có vỏ bọc êm ấm, điều này không dễ thực hiện. Chia sẻ trên diễn đàn lamchame, một thành viên giãi bày: “Mình đã không nói sự thật về người bố cho các con biết. Mình muốn các con vẫn tự hào về bố mẹ. Bố mẹ chúng không sống với nhau đơn giản chỉ vì không còn yêu nhau nữa chứ không phải vì ai đó là người xấu. Chồng cũ mình là người vũ phu nhưng rất yêu con. Hắn cũng thống nhất không nói xấu mình vì không muốn các con sốc chồng sốc”.

Ủng hộ cách làm của thành viên trên, chuyên gia tư vấn Ánh Hồng nhấn mạnh thêm: “Bên cạnh tìm cách này, cách nọ để thông báo cho con, bạn cũng cần lường trước những phản ứng để chuẩn bị những cách ứng phó. Chúng có thể khóc lóc, phản đối, thậm chí đòi tự tử, nhưng đừng vì thế mà lung lay ý chí. Hãy nhẹ nhàng giải thích ly hôn là điều không thể tránh khỏi và đừng bao giờ nhận lỗi về phía bản thân hay đổ lỗi cho chồng. Ly hôn đơn giản là vì hai người không thể tiếp tục đi chung một con đường”.

Dương Phương

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/khon-kho-vi-khong-dam-ly-hon-13868/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY