Sức khỏe hôm nay

Không cẩn thận, sữa mẹ cũng xấu

(SKGĐ) Sự thực, không ít chị em nói rằng nuôi con bằng sữa ngoài, bé lớn nhanh hơn khi bú mẹ. Phải chăng thời hiện đại, sữa mẹ bị biến chất hay công nghệ sữa bột đã thắng thế

 

Bú mẹ, con tiêu chảy

Dân gian có câu “sữa mẹ lạnh, con tiêu chảy” nên không ít phụ nữ tủi thân vô cùng, có khi bị dè bỉu là “mẹ xấu, sữa chua”. Sự thực là, một số trẻ em không may mắn có cơ hội được bú sữa mẹ do mắc bệnh galactosemia bẩm sinh. Trẻ em mắc bệnh này sẽ thiếu hụt men tiêu hóa đường lactose (một loại đường có trong sữa mẹ và sữa bò), khiến bé bị tiêu chảy.

Lượng sữa đầu tiên khi bú thường chứa nhiều đường lactose hơn lượng sữa sau. Vì vậy cần vắt bỏ loại sữa trong để trẻ bú sữa đục. Nếu tình hình không khá hơn phải ngừng ngay bú mẹ, chuyển dùng sang sữa công thức không có đường lactose.

Mẹ nhiều sữa, con khó lên cân

Có chị em phải đối diện với cảnh “mẹ kềnh, con kiến”, sữa mẹ thì nhiều nhưng con không mập. Người xưa quy kết rằng sữa mẹ nóng hoặc do nuôi con không “mát tay”. Thực chất, về cơ bản sữa của các bà mẹ đều có chất lượng tương tự nhau. Nhưng dòng sữa, có “đoạn” tốt, “đoạn” xấu. Sữa trắng trong (sữa chảy ra khi bắt đầu bú) thì không chất lượng bằng sữa ở cuối lần bú (trắng đục). Nếu mẹ quá nhiều sữa, con mới bú lượng sữa đầu đã no thì trẻ sẽ nhận được ít dinh dưỡng. Vì vậy mới có hiện tượng con của mẹ nhiều sữa đôi khi không lớn nhanh bằng con của người ít sữa.

Để tránh tình trạng này thì khi cho con bú nên vắt lượng sữa đầu ra bình, cho con bú sữa sau. Trẻ bú hết lượng sữa sau mà vẫn đói thì quay lại cho dùng sữa đầu.

Nội tiết tố của mẹ ảnh hưởng tới con

Khi cơ thể người mẹ có những thay đổi về nội tiết tố (dùng thuốc tránh thai, mang thai) thì sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên ngừng cho con bú mà nên điều chỉnh chế độ của bản thân để chất lượng sữa tốt nhất. Nếu bạn dùng thuốc tránh thai thì hãy chọn loại chứa progesteron, không có estrogen. Khi mang thai hoặc đang cho con bú, bạn phải đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Mẹ ốm, sữa cũng “ốm”

Trong trường hợp mẹ nhiễm HIV thì 15% trẻ có nguy cơ lây nhiễm do bú. Vì vậy trong trường hợp này, trẻ không được khuyến khích nuôi bằng sữa mẹ. Trường hợp mẹ bị cảm cúm, cảm sốt thì virus cảm không thể lây sang con qua sữa (như nhiều người đồn); sữa mẹ cũng không thay đổi chất lượng nếu người mẹ không bị mất nước, bỏ ăn. Tuy nhiên hành động bú có thể khiến trẻ bị ốm là vì bệnh lây qua tiếp xúc tại da, hô hấp. Vì vậy, nếu mẹ bị ốm nên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi cho con bú, đeo khẩu trang khi cho bé bú hoặc vắt sữa ra bình cho bé.

Một số kháng sinh sẽ qua sữa ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ vì chúng ức chế hệ miễn dịch. Do đó nếu mẹ phải điều trị kháng sinh tetraxiclin, cloramphenicol, metronidazon thì không nên cho bé bú. Với một số kháng sinh thông thường khác, bạn nên tham vấn bác sĩ điều trị.

Trường hợp mẹ bị nhiễm phơi nhiễm phóng xạ hoặc ngay sau khi chụp PET/CT, xạ trị chống ung thư thì nên tạm thời ngừng hoặc không cho trẻ bú vì phóng xạ nếu vào sữa với hàm lượng lớn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh, hệ sinh dục của bé.

Thanh Thủy

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/khong-can-than-sua-me-cung-xau-15079/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY