Để biết kích thước, sự phát triển đúng chuẩn của thai nhi tuần 26, mẹ bầu đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây.
Bước sang tuần thứ 26, em bé của bạn sẽ đạt chiều dài từ đỉnh đầu tới gót chân khoảng 35cm. Về trọng lượng, bé sẽ đạt cân nặng từ 700 - 900 gram. Với kích thước và cân nặng này, em bé của bạn sẽ tương đương với một chiếc bắp cải nhỏ.
Các chỉ số khác của thai nhi mà mẹ có thể tham khảo như sau:
BPD: Đường kính lưỡng đỉnh trung bình là 67mm. Chỉ số giới hạn là từ 59-74mm.
FL: Chiều dài xương đùi trung bình là 49mm. Chỉ số giới hạn là từ 45-56mm.
HC: Chỉ số chu vi đầu trung bình là 242mm. Chỉ số giới hạn là 232-269mm.
AC: Chu vi bụng trung bình là 219mm. Chỉ số giới hạn là 206-257mm
Ở tuần thai thứ 26, gần như toàn bộ hình thái cũng như các hệ cơ quan trọng cơ thể thai nhi đã phát triển đầy đủ. Lúc này, em bé của bạn chỉ khác những em bé sơ sinh ở cân nặng và sự hoàn thiện các chức năng.
Não bộ, hệ thần kinh: Tăng nhanh về kích thước, mô não phát triển, hệ thần kinh ở não hoạt động ổn định hơn. Vì vậy ở tuần thai này, mẹ cần chú ý bổ sung các dưỡng chất để giúp kích thích sự phát triển của não.
Phổi, hệ hô hấp: Phổi đang phát triển các mạch máu. Bé đã bắt đầu sử dụng phổi để hô hấp từ tuần này. Tuy nhiên lúc này phổi của thai nhi vẫn chưa phát triển hoàn toàn.
Tim: Đã bắt đầu các hoạt động bơm máu, các mạch máu được phát triển mạnh mẽ và thực hiện vai trò của mình.
Dây rốn: Khoẻ và dày hơn nhằm cung cấp cho thai nhi tất cả dinh dưỡng cần thiết.
Ngũ quan: Mắt của thai nhi ở tuần 26 đã mắt đầu hé mở, tuy nhiên chưa rõ ràng. Bé đã có các hoạt động ngủ - thức ở trong bụng mẹ.
Cũng tại tuần thai 26, tai của bé hoàn thiện, phân biệt được nhiều âm thanh hơn. Miệng của thai nhi hoạt động linh hoạt hơn, có nhiều lần nuốt nước ối vào bụng.
Làn da: Làn da được tích nhiều mỡ hơn nên dần bớt sự nhăn nheo, trở nên căng, mịn.
Sự phát triển của các cơ quan khác: Lông mày và lông mi của thai nhi 26 tuần đã hình thành rõ; Tóc trên đầu bé mọc dài và dày hơn; Các đường vân chân, vân tay, nếp gấp lòng bàn tay rõ ràng hơn.
Ở tuần mang thai thứ 26, tử cung của mẹ bắt đầu trở nên chật chội do kích thước thai ngày một lớn. Điều này khiến mỗi lần bé co - duỗi người, mẹ sẽ cảm nhận rõ những cú đạp.
Ở tuần thai 26, thai nhi bắt đầu có xu hướng quay đầu. Tuy nhiên việc xoay ngôi này chưa diễn ra hoàn thiện nên đôi khi nếu siêu âm, mẹ sẽ thấy bé nằm ngang bụng.
Tuần thai 26 tương đương với tháng mang thai thứ 6 của thai kỳ. Lúc này, cơ thể mẹ sẽ có những thay đổi đặc trưng như:
Đau sút lưng: Do thai nhi ngày một lớn, kích thước tử cung lớn khiến các dây thần kinh cột sống bị chèn ép. Điều này sẽ dẫn tới hiện tượng đau lưng ở mẹ bầu.
Chuột rút, tê mỏi chân tay: Tương tự như nguyên nhân đau lưng, việc các dây thần kinh bị chèn ép; dây chằng tròn bị đau khiến hiện tượng chuột rút, tê bì chân diễn ra nhiều hơn. Thông thường mẹ dễ gặp các triệu chứng chuột rút nhiều nhất về đêm và sáng sớm.
Rốn lồi, đường sọc nâu rõ hơn: Đường sọc nâu (linea nigra) chạy dọc từ rốn đến vùng kín rõ nét, rõ màu hơn trong tuần này. Cùng với đó, sự lớn lên của tử cung cũng đẩy rốn lồi ra và cao lên.
Mệt mỏi, mất ngủ nhiều hơn: Ở tuần thai này, mẹ bắt đầu bước vào giai đoạn nặng nề. Mẹ sẽ khó ngủ, giấc ngủ chập chờn cũng như tiểu đêm nhiều hơn khi mang thai 26 tuần.
Ở tuần 26 mang thai, mẹ có xu hướng ăn nhiều hơn, đặc biệt là những đồ ngọt. Tuy nhiên, điều này có thể khiến mẹ tăng cân nhanh, dễ gặp phải các vấn đề liên quan tới tiểu đường thai kỳ.
Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia dành cho mẹ bầu mang thai 26 tuần đó là hãy hạn chế đồ ngọt; Tăng cường rau xanh, hoa quả, các loại hạt và uống đủ nước để bổ sung đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ.
Những loại thực phẩm mà mẹ bầu có thể tham khảo lựa chọn ở tuần thai này đó là:
Thực phẩm giàu canxi: cua biển, tôm đồng, con hàu, cải chíp, súp lơ xanh, đậu phụ, sữa chua, chuối, mận khô, cam…
Thực phẩm giàu magie: lúa mì, yến mạch, hạt bí ngô, hạt lanh, hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, hạt điều, đậu nành rang khô, bắp cải, bông cải xanh, dưa chuột…
Thực phẩm giàu sắt: thịt nạc, đậu, thịt gia cầm, các loại hạt…
Thực phẩm giàu chất xơ: đậu, rong biển, khoai lang, đu đủ chín, cà rốt, ngũ cốc nguyên hạt
Thực phẩm giàu các vitamin cần thiết: chuối, dưa hấu, đậu xanh và thịt ức gà (vitamin B6); dầu thực vật, các loại hạt và ngũ cốc (vitamin E); các loại ngũ cốc, mầm lúa mì, trứng (vitamin B1)
Bên cạnh dưỡng chất từ các nguồn thực phẩm nêu trên, mẹ bầu cũng cần bổ sung các loại vitamin, dưỡng chất từ viên uống tổng hợp gồm: canxi, sắt, acid folic để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện.
Ở tuần mang thai thứ 26, nếu mẹ thấy chảy máu, rỉ ối hoặc gặp các cơn đau bất thường, dữ dội thì mẹ cần tới gặp bác sĩ ngay.
Ngoài ra, nếu mẹ thấy cổ chân hoặc đầu gối bắt đầu sưng, đặc biệt khi sưng đột ngột và chưa từng bị trước đây, mẹ cũng cần đi khám.
Ngoài ra, mẹ cũng cần theo dõi sự chuyển động của thai nhi hằng ngày. Nếu thấy thai máy bất thường hoặc không máy, mẹ cũng cần lập tức tới bệnh viện.
Ở tuần mang thai thứ 26, mẹ cũng nên tiếp tục các hoạt động thể lực để giúp cơ thể khoẻ hơn cũng như kích thích sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, việc vận động phù hợp cũng sẽ giúp mẹ tránh được nhiều cơn đau hay biến chứng thai kỳ.
Mẹ nên chọn những bộ môn vừa sức, phù hợp ở tuần thai này để tránh ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả mẹ và bé như: Yoga, bơi lội, đạp xe, đi bộ… Về thời gian, mẹ nên tích cực vận động vào buổi sáng để có được tinh thần sảng khoái nhất cũng như tận dụng nguồn vitamin D từ ánh nắng sớm.
Thai nhi 26 tuần đã phát triển ổn định về hình thái cũng như các hệ cơ quan. Ở tuần thai này, bé ít có nguy cơ bị ảnh hưởng từ bên ngoài so với các tuần thai khác. Tuy nhiên, không vì vậy mà mẹ có thể chủ quan.
Thực tế, vẫn sẽ có rất nhiều điều khiến thai nhi có thể ảnh hưởng mà mẹ cần tuyệt đối tránh như sau:
Khói thuốc: Khói thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lào, thuốc phiện đều có nguy cơ gây dị tật thai nhi, tăng nguy cơ sinh non cũng như các biến chứng sản khoa khác. Vì vậy, mẹ bầu cần tránh xa các loại khói độc kể trên.
Thực phẩm có hại: Các loại thực phẩm sống như tiết canh, sushi, thức ăn sống khác hay đồ ăn tái, đồ ăn ôi thiu cũng đều có nguy cơ gây ngộ độc. Vì vậy khi đã bước vào hành trình mang thai, mẹ cần ăn chín, uống sôi, không sử dụng thực phẩm có thể gây hại.
Các loại đồ uống có hại: Bao gồm đồ uống có cồn như rượu, bia; đồ uống có ga, nước ngọt; đồ uống chứa cafein như trà, cafe… cũng cần được tránh sử dụng bởi có thể ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.
Ở tuần 26, mặc dù cả mẹ và bé đều cần nhiều dinh dưỡng thế nhưng không vì thế mà mẹ ăn và tăng cân quá nhiều. Ở giai đoạn này, mẹ vẫn chỉ cần tăng khoảng 0,5 - 0,6kg mỗi tuần là phù hợp.
Như vậy tính tới tuần mang thai 26, mẹ chỉ cần tăng khoảng 9 - 10,5 kg so với thời điểm trước khi mang thai. Việc tăng cân quá nhiều sẽ có thể khiến mẹ nặng nề hơn cũng như tăng nguy cơ tiểu đường, béo phì.
Theo quan niệm dân gian, mẹ bầu không nên sắm đồ sơ sinh quá sớm. Vì vậy ở tuần thai này, mẹ chưa cần phải sốt sắng cho việc sắm đồ.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm phù hợp để mẹ tìm hiểu thông tin và lên danh sách những vật phẩm cần có cho sự ra đời của một em bé. Mẹ cũng có thể xin thêm quần áo sơ sinh cũ để “lấy vía" nuôi con khoẻ mạnh, bình an của các mẹ đi trước.
Câu trả lời là có. Ở tuần thai 26, mẹ vẫn có thể quan hệ bình thường. Tuy nhiên vì thời gian này bụng bầu đã lớn, vì vậy mẹ hãy lựa chọn tư thế phù hợp.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần hoạt động “yêu” nhẹ nhàng và sử dụng bao cao su để bảo vệ bản thân cũng như thai nhi tốt hơn.
Ở tuần mang thai thứ 26, em bé của mẹ đã như một chiếc bắp cải trong bụng. Lúc này, mẹ cần tăng cường chất xơ, rau xanh, hoa quả tươi để giúp con phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tránh xa các chất có hại, tích cực vận động cũng như giữ một tinh thần sảng khoái, thoải mái để tiếp tục hành trình mang thai nhiều điều thú vị sắp tới.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: