12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Kinh hoàng với công nghệ làm rượu giả

(SKGĐ) Các sản phẩm rượu giả ngày càng được làm tinh vi, thậm chí màu sắc và mùi hương cũng không khác biệt mấy so với rượu thật, chỉ có điều hàm lượng chất độc thì nhều gấp trăm lần cho phép.

Trong một lần về thăm người bạn thân ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, cũng là một làng nghề nổi tiếng về rượu nếp, rượu sắn bao đời nay, phóng viên đã được “vinh dự” chứng kiến tận mắt công nghệ pha chế rượu giả cực kỳ “đẳng cấp”, mà người dân ở đây gọi đùa là “công nghệ nấu rượu không khói”.

Cồn + nước lã = rượu ngon

Tiến Phong (anh bạn tôi), ông chủ một lò rượu ở đây thẳng thắn thừa nhận: “Tất cả cũng vì đồng tiền thôi bạn ạ. Bây giờ nấu rượu theo kiểu truyền thống cực kỳ tốn chi phí, mất thời gian mà lãi cũng chả được bao nhiêu và năng suất lại không đáp ứng đủ các đơn hàng. Trong khi đó, sản xuất rượu bằng cách hòa cồn công nghiệp với nước lã đem lại lợi nhuận rất lớn”.

“Cơ sở sản xuất” của anh Phong là một căn phòng tầm 40m2, trong dó chứa mấy cái thùng phuy tầm 220 lít, mấy cái chậu lớn, các loại can, chai lọ ngổn ngang, cùng với 3 nhân công đang làm việc. Rượu được chế biến theo cách cực kỳ đơn giản: Nước và cồn không qua khâu khử độc tố được đổ lẫn vào phuy, khuấy đều rồi cho hương liệu vào.

Anh Phong cho biết, cồn công nghiệp được sử dụng để chế thành rượu có nồng độ cao, từ 90-96 độ. Tỷ lệ pha chế rượu – cồn còn phụ thuộc nồng độ rượu mà khách hàng mong muốn. Sau khoảng nửa tiếng khuấy đều, hỗn dịch cồn công nghiệp và nước trên được cho thêm hương liệu và mùi vị theo ý muốn và nghiễm nhiên trở thành... rượu ngon!

Tôi chứng kiến, một phuy rượu cỡ 220 lít được mấy nhân công ở đây chế biến ngon ơ trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ. Thử làm một phép so sánh, một lò nấu rượu truyền thống năng suất cao chỉ nấu được chừng 1 ngày 40 lít, thì với số lượng như thế họ phải miệt mài cả tuần, chưa kể những công đoạn khác.

Sau khi xuất lò, số rượu này sẽ được bán sỉ cho các đầu nậu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận với Bắc Ninh. Để nâng đời rượu và dễ kiếm thêm tiền, các đầu nậu sẽ cho sang chai, dán nhãn mác rượu xịn vào trước khi đẩy ra thị trường.

Thực tế ở Tam Đa với những gì tôi đã chứng kiến thì nhà anh Phong không phải là duy nhất. Tất nhiên ở đây, xen lẫn với các lò rượu không khói vẫn còn những lò rượu truyền thông làm ăn đàng hoàng. Ông Nguyễn Văn Quý, trưởng công an xã Tam Đa thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong cách làm này của một số người dân là do chạy theo lợi nhuận, làm ăn theo kiểu chộp giật, xã không thể nào chứng minh được rượu đó là rượu giả. “Trong cồn có rượu và trong rượu có cồn. Chúng chẳng có mùi vị, màu sắc gì khác nhau cả. Thật sự là chúng tôi không đủ điều kiện, không có biện pháp hoặc công cụ gì (về khoa học) để chứng minh họ phạm pháp”.

Trong quá trình đi tìm tư liệu thực hiện bài viết này, qua một người quen giới thiệu, tôi đã tiếp xúc được với ông Vũ Mạnh Hào (ở Định Công, Hà Nội), một người từng có thâm niên trên chục năm làm rượu thuốc tiết lộ: "Làm rượu thuốc dễ ợt chứ có khó khăn gì. Tùy theo đơn đặt hàng của mối (các điểm bán rượu và các quán nhậu) mà “sản xuất” loại rượu phù hợp.

Rượu giá “bèo” thì sử dụng cồn công nghiệp, giá chỉ khoảng 6.000 đồng/lít, pha với nước thành 2-3 lít rượu. Để hạn chế mùi cồn chỉ cần cho thêm chất khử, hương liệu rượu nếp, rượu thuốc Bắc là thơm bát ngát". Rượu cung cấp cho các quán cóc thường chỉ có giá 4.000-6.000 đồng/lít, còn quán tương đối một chút thì từ 7.000-10.000 đồng. Nếu đơn hàng từ 15.000 đồng/lít trở lên thì mua rượu đàng hoàng, ngâm với các hương vị thuốc bắc, chuối hột, kể cả côn trùng.

Nhắc đến những quán rượu cứ bày hàng chục bình rượu thuốc ngâm đủ các loại rượu rắn, bò cạp, tắc kè, hải mã, ngọc dương... Ông Hào cười khà khà: “quán lớn thì tôi không dám chắc, nhưng tôi biết một số quán khác thường xuyên lấy rượu của tôi, thì cũng toàn là đồ giả”. Theo đó, các bình rượu thuốc được ngâm tẩm trong 2 loại rượu, là rượu đế hoặc cồn, cộng với hương liệu tạo màu, mùi, ông Hào pha chế theo yêu cầu của quán. Những con vật trên được chứa trong các hũ lớn, khách đến mua rượu, quán cứ thế múc bán. Hết rượu thì châm thêm rượu hương liệu bán tiếp, cứ thế năm này qua năm kia.

Theo ông Hào, để mua được những hương liệu tạo mùi, tạo màu cho rượu thuốc không khó, nhưng phần lớn đều là hàng Trung Quốc, không có nhãn mác cũng như ngày sản xuất.

Vỏ rượu ngoại ruột rượu dởm

Ông Hoàng Văn Hiền (Sóc Sơn, Hà Nội) thì được coi là một “cao thủ” trong việc chế rượu ngoại giả. Ông cho biết: “Cách phổ biến nhất của những “lò” sản xuất, chế biến ruợu ngoại giả vẫn là pha chế rượu trắng với một tỉ lệ nhỏ rượu “xịn” theo công thức: một chai rượu ngoại thật pha với năm lít rượu thường sẽ cho ra bốn chai rượu giả, sau đó cho nước rượu giả vào chai và đóng nút, dán tem cho ra “rượu ngoại thành phẩm”.

Vỏ và nút chai rượu ngoại được ông mua lại từ các đối tượng thu gom lại ở các nhà hàng, quán rượu, khách sạn có bán rượu ngoại. Các chai rượu giả này được “quàng” thêm tem trước khi tung ra thị trường. Những loại tem này cũng được nhái một cách tinh vi, nếu như không có thiết bị chuyên dùng thì đến cả lực lượng kiểm tra không thể nào phát hiện được. Các nhãn hiệu rượu ngoại thường hay bị làm giả là: Hennessy, Johnnie Walker, Red Label…

Cách thức làm rượu giả này đã giúp Nguyễn Trí Cường (28 tuổi, ngụ P.Châu Văn Liêm, Q.Ô Môn, Cần Thơ) làm giàu nhanh chóng. Nhưng ngày 20 tháng 6 vừa qua, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP.Cần Thơ tiến hành bắt ông trùm sản xuất rượu ngoại giả này tại trận. Được biết, trung bình mỗi ngày cơ sở này có thể sản xuất ra trên chục chai rượu giả.

Hậu quả khôn lường

Uống rượu vốn đã có hại, uống phải rượu giả thì sự có hại đó càng tăng lên gấp bội phần. Anh Nguyễn Văn Quang (Q.3, Tp.HCM) vẫn nhớ mãi lần bị ngộ độc rượu giả kinh hoàng cách đây 3 tháng. Vì công việc nên anh thường xuyên phải tiếp khách bằng rượu ngoại. Vì vậy anh rất tự tin vào khoản chọn rượu của mình.

Nhưng cách đây 3 tháng , trong dịp mời mấy người bạn học về nhà bù khú, anh lôi chai Chivas ra chiêu đãi bạn bè. Nhưng không ngờ, sau vài vòng rượu, cả anh và 3 người bạn đều cảm thấy bị đau đầu, người vã mồ hôi,… một anh bạn trong nhóm có tiền sử cao huyết áp còn bị co giật. May mắn là lúc đó vợ anh Quang cũng đang có ở nhà nên chị đã vội gọi taxi chở cả chồng và bạn chồng vào bệnh viện cấp cứu.

TS. Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, nếu uống nhiều rượu, nhất là rượu giả, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ức chế toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải và dẫn đến tử vong. Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng nặng như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn hay những di chứng về vận động gây liệt…

Triệu chứng và tác hại của rượu giả

Tác hại thường xảy ra sau khi uống khoảng 8 giờ bắt đầu có các triệu chứng nhiễm độc acid, hôn mê, đau đầu, bất tỉnh, lo sợ, co giật, mờ mắt, nôn mửa, thị lực giảm nhanh, trường hợp nặng có thể bị mù hẳn, hoặc tử vong.

- Ngộ độc rượu giả ở mức độ nhẹ thì xuất hiện các triệu chứng váng đầu, nhức đầu, ù tai, mất ngủ, chân tay rã rời và miệng khát họng khô rát, lợm giọng, nôn ói và thị lực giảm sút, hành động chệch choạc, đi đứng ngất ngưởng phần bụng trên đau quặn từng cơn.

- Nếu ngộ độc mức độ trung bình sẽ thấy váng đầu, nhức đầu, tinh thần lơ tơ mơ, nhãn cầu đau tức, bởi thần kinh thị giác bị co rút nên có thể dẫn tới mù vĩnh viễn.

- Trường hợp ngộ độc nặng có thể gây đầu óc choáng váng, quay cuồng, lợm giọng, nôn ói, ý thức mơ hồ, hai mắt không còn nhìn thấy gì, chân tay co giật tựa động kinh, rơi vào trạng thái hôn mê, cuối cùng thường suy kiệt khả năng hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/kinh-hoang-voi-cong-nghe-lam-ruou-gia-15917/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY