Sức khỏe hôm nay

Kinh nghiệm chăm trẻ tay chân miệng của một ông bố

(SKGĐ) Cứ bình tĩnh, chớ chủ quan - đó là điều bố rút ra sau hơn 1 tuần chăm con bị bệnh chân tay miệng bên giường bệnh.

Hôm đó là thứ bảy. Mẹ đi chợ về, xách mấy con cua bể to đùng. Thường thì bố mẹ vẫn đùa con là dũng sỹ diệt thịt cá. Ở con luôn có niềm vui háo hức với tất cả những món đạm (và luôn lạnh nhạt với các món rau). Thế mà hôm nay có nhìn đĩa cua như thể nó là đĩa rau muống luộc. Mẹ chịu khó gỡ thịt cua, bố thì xếp chúng thành hình một cái nhà xinh xắn trên đĩa, thế mà con vẫn lắc đầu.

Hay con mệt? Mẹ sờ đầu con thì thấy hâp hấp nóng. Cặp nhiệt độ thì thấy 370C. Chắc là sốt virus đây mà, thôi cứ để cho con nghỉ chút, lát nữa hết mệt thì ăn. Bố bế con lên giường thì phát hiện ra những vết lấm tấm nhỏ ở bàn chân, lan từ lòng bàn chân lên đến gót. Lạ quá, lúc trưa vẫn chưa thấy các nốt phát ban này. Bố thử căng da chân xem các vết đỏ có mất đi không (nếu chúng biến mất tức là muỗi đốt). Vẫn thế. Nhìn đến tay thì chỉ thấy một hai cái mụn nước nhỏ xuất hiện ở trong lòng bàn tay. Bảo con há miệng ra, thì ôi thôi, các vết loét đỏ đã nổi đầy trong vòm miệng, phía dưới và trên lưỡi.

Coi chừng EV71

Đoán rằng con bị chân tay miệng, bố vội vàng đưa con đi khám. Phòng khám đông nghịt. Bố tìm hiểu thì biết bệnh chân tay miệng không có thuốc đặc trị, chỉ điều trị hỗ trợ. Bệnh chủ yếu do 2 loại virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV 71) gây ra. Bệnh có thể tự khỏi, nhưng cũng có thể biến chứng nguy hiểm gây viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nếu không cấp cứu kịp có thể chết trong 24 giờ. Bố ra sức trấn an mẹ là con vẫn tỉnh táo, vẫn chơi, chắc không có gì đáng ngại.

Nhưng đến khi bác sĩ khám cho con xong và khẳng định đúng là con bị chân tay miệng và phải làm xét nghiệm để xem có virus EV71 không thì bố cũng lo. 10 phút chờ kết quả xét nghiệm đối với bố sao mà dài. Con bắt đầu sốt cao hơn, nằm lả đi trong tay bố, khiến bố mẹ càng hoảng. Một cái giật nhẹ ở đầu ngón tay con cũng khiến bố nghĩ đến yếu tố co giật. Chỉ đến khi đọc được dòng chữ “EV71 Igm Test âm tính” bố mới thở phào. Nhưng đó mới chỉ là ngày đầu tiên con bị bệnh.

Đúng ra, có thể con đã ủ bệnh từ hôm thứ sáu, ở lớp mẫu giáo. Bệnh này lây từ người sang người, chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính là từ nước bọt, phân, phỏng nước của trẻ bị nhiễm bệnh. Thường thì bệnh này tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi, nhưng trẻ 4-5 tuổi như con bị mắc năm nay đang tăng lên đáng ngại. Bố gọi cho cô giáo con để cô có kế hoạch làm vệ sinh lớp, phòng lây cho các bạn còn lại.

Theo BS. Nguyễn Văn Tú, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp khám cho con, thì những biểu hiện bệnh ở con (nổi ban phỏng nước ở lòng bàn tay, chân, loét miệng, sốt nhẹ) là rất điển hình. Ở một số trường hợp khác, bệnh không rõ rệt như vậy, có thể dẫn đến chẩn đoán sai sang dị ứng da, viêm da mủ, thủy đậu. Trong điều trị bệnh này, phát hiện đúng và theo dõi là vô cùng quan trọng.

Không thể chủ quan

Bác sỹ cho con về nhà theo dõi, nhưng hẹn hàng ngày phải vào khám lại. Bố chuẩn bị đầy đủ thuốc hạ sốt, thuốc bôi miệng, bôi da. Mẹ lên cho con một thực đơn chủ yếu là toàn đồ lỏng mềm, mát như sữa, sữa chua, phô mai, nước cam, cháo xay nhuyễn, cả thìa nhựa (thay cho thìa sắt) để bón vì biết con sẽ đau miệng, rất khó nuốt.

Vậy mà cả ngày con chỉ ăn được vài thìa sữa, miệng đau không buồn nói (bình thường con hát suốt ngày), rồi các vết tổn thương trên da bắt đầu gây ngứa. Bố mẹ cứ phải xoa nhẹ, tránh con gãi làm vỡ nứt các vế thương. Việc bôi thuốc miệng cho con cũng là một kỳ công. Con cứ mím chặt miệng lại, bố phải dở đủ trò, từ kể chuyện con cá thở thế nào (để con há miệng) đến dọa dẫm (không ăn thì làm sao khỏi để đi nghỉ mát), thậm chí có lúc phải ghì đè con ra mới bôi được thuốc. Khổ thân con gái, trán thì dán băng hạ nhiệt, nước mắt lã chã, chả còn sức mà chống đỡ.

Các vết thương trên ngươì con se dần, nhưng qua đến ngày thứ 5, con dứt sốt được nửa ngày thì lại sốt lại. Lần này, con còn sốt cao hơn, gần 400C. Bác sĩ khám đi khám lại, rồi lại làm xét nghiệm, rồi lại khám. Cuối cùng, để cẩn thận, bác sĩ bắt con nhập viện để theo dõi vì nghi rằng có thể bệnh chân tay miệng của con đã chuyển lên độ 2A, dù các biểu hiện bên ngoài thì không rõ rệt. Lúc đó đã là 8h30 tối.

Mọi thủ tục nhập viện cho con vào Bệnh viện Saint Paul được làm nhanh nhất có thể. Lòng bố như có lửa đốt. Và nó chỉ dịu đi chút ít khi BS. Phạm Thi Hoài Thu ở Khoa nhi tổng hợp Bệnh viện Saint Paul chẩn đoán con chỉ bị sốt virus nào đó khác vì quan sát thấy con vẫn tỉnh táo, đi lại được, và bệnh cũng đã qua 5 ngày (ngưỡng an toàn). Tuy nhiên, các xét nghiệm máu vẫn phải làm và con vẫn phải ở viện để theo dõi.

Vào viện mới thấy trẻ bị chân tay miệng như con nhiều và đa dạng như thế nào. Có những bé sau khi khỏi chân tay miệng thì lại nhiễm rotavirus nên ỉa chảy. Có bé uống thuốc an thần nhiều quá (vì quấy lúc ốm) nên đau đầu, lừ đừ. Có bé bị nghi bệnh biến chứng vào não nên phải theo dõi đặc biệt. Con gái bố cuối cùng chỉ bị sốt siêu vi trùng. Có thể sức đề kháng của con sau khi bị chân tay miệng yếu quá nên lây nhiễm bệnh. Sau đó, con được ra viện, nhưng vẫn ốm dặt dẹo gần một tuần nữa mới khỏi. Hết sốt virus thì lại đến rối loạn tiêu hóa. Tổng cộng con ốm đến 2 tuần, sút hơn 2kg, và lười ăn hơn hẳn.

Để trở lại với phong độ cũ, chắc còn lâu con mới reo lên khi thấy bữa cơm dọn ra có thịt cá. Nhưng như thế vẫn còn may chán.

4 mức độ nguy hiểm

Bệnh chân tay miệng được chia thành 4 độ

Độ 1: Có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng phải theo dõi thường xuyên, nếu thấy có biểu hiện bất thường (như đã nêu) cần đưa đi cấp cứu ngay.

Độ 2A: Cần được nhập viện để theo dõi, bé có biểu hiện rung giật cơ.

Độ 2B: Bé sẽ phải truyền gama globulil (thuốc đặc hiệu ngăn chặn biến chứng tim mạch). Giá thành của nó khá cao và không phải ở bệnh viện nào cũng sẵn có, trung bình cứ 1kg trọng lượng cơ thể thì chi phí riêng cho gama globulil đã là 1 triệu đồng.

Độ 3: Vừa truyền gama globumin vừa theo dõi liên tục. Ở độ này, bé sẽ bị yếu liệt chân tay, co giật, hôn mê.

Độ 4: Bé bị suy hô hấp, trụy mạch, nguy hiểm đến tính mạng; bắt buộc phải lọc máu. Chi phí trung bình cho một ca lọc máu (ở Bệnh viện Nhi Trung ương) là khoảng 100 triệu đồng.

Quang Vũ

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/kinh-nghiem-cham-tre-tay-chan-mieng-cua-mot-ong-bo-10518/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY